TP.HCM đã cấp sổ hồng cho 51 dự án nhà ở thương mại
TP.HCM đã giải quyết, cấp 38.363 sổ hồng cho người dân tại 51 dự án nhà thương mại gặp vướng mắc, theo Sở Tài nguyên và Môi trường.
![]() |
Bất động sản khu Đông TP.HCM, khu vực ven sông Sài Gòn, với các dự án chung cư, cao ốc, nhà phố |
Báo cáo về tình hình tháo gỡ khó khăn trong giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) tại các dự án nhà ở thương mại, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau 4 tháng thành lập tổ công tác, đơn vị này đã xem xét vướng mắc tại 80 dự án với 49.438 căn hộ, nhà ở, thửa đất, officetel.
Tính đến 23/2, tổ này đã tháo gỡ khó khăn cho 51 dự án, với tổng số 38.363 căn được cấp sổ hồng cho cư dân. Như vậy chỉ trong 1 tháng, tổ công tác đã giải quyết cấp sổ thêm cho 10 dự án, với hơn 10.788 căn nhà.
Với những dự án còn lại, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện nhiều giải pháp, phân nhóm, phân loại vướng mắc và giải quyết dứt điểm trong năm nay.
Tổ công tác cũng xác định có 7 nhóm vướng mắc chính đang ảnh hưởng đến tiến độ cấp sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án. Trong đó, các vướng mắc chính liên quan đến quy định pháp lý trong quá trình thực hiện cấp sổ hồng, việc thực hiện nghĩa vụ của chủ đầu tư, thực hiện kết luận thanh tra, chưa bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và vướng mắc về việc vi phạm hành chính về trật tự xây dựng.
Theo báo cáo từ UBND TP.HCM, những năm qua, Thành phố tồn hơn 81.000 căn nhà thuộc 335 dự án đã đủ điều kiện nhưng chưa thể hoàn tất cấp sổ hồng, do phát sinh các vướng mắc. Để gỡ vướng số dự án trên, Thành phố đã lập tổ công tác vào tháng 11/2024, với đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tính đến nay, TP.HCM hoàn tất gỡ vướng pháp lý và giải quyết cấp sổ hồng cho khoảng hơn 70.675 căn, đạt tỷ lệ 87%. Dự kiến năm nay, Thành phố sẽ hoàn tất việc tháo gỡ khó khăn, cấp sổ hồng cho tất cả dự án vướng mắc trên địa bàn.
Đà Nẵng mở bán 250 căn nhà ở xã hội giá từ 518 triệu đồng
250 căn nhà ở xã hội được Đà Nẵng mở bán đợt này có giá từ 518 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng, cho diện tích 35,5 - 68 m2, thiết kế 1 - 3 phòng ngủ.
![]() |
Khu đô thị Xanh Bàu Tràm Lakeside đang mở bán căn hộ nhà ở xã hội tại phía Bắc Đà Nẵng |
Ngày 24/2, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết đã mở Dự án Chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-1, thuộc Khu đô thị Xanh Bàu Tràm Lakeside (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu).
Chủ đầu tư mở bán 250 căn hộ trong đợt này. Mỗi căn có diện tích 35,5 - 68 m2/căn, bố trí 1 - 3 phòng ngủ. Giá từ 518 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng/căn (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì 2%).
Người được đăng ký mua là những gia đình có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó là người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp.
Ngoài ra còn có hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất, phải giải tỏa hoặc phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở cũng được mua…
Chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 gồm 6 tháp với hơn 1.800 căn hộ (1.165 căn hộ nhà ở xã hội để bán; 348 căn hộ nhà ở thương mại để bán và 296 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê). Đây là đợt mở bán nhà ở xã hội thứ 10 tại dự án này.
Thành phố Đà Nẵng có khoảng 12.000 căn hộ nhà ở xã hội đầu tư bằng ngân sách, chiếm hơn 80% so với cả nước (khoảng 15.000 căn), góp phần vào mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội theo chương trình "5 không, 3 có" của Đà Nẵng, trong đó "có nhà ở".
Vietnam Airlines đặt mục tiêu thu hơn 3,7 tỷ USD
Năm nay, Vietnam Airlines (không gồm các công ty thành viên) đặt mục tiêu doanh thu 95.600 tỷ đồng (tương đương trên 3,7 tỷ USD), tăng hơn 14% so với năm 2024.
![]() |
Vietnam Airlines đặt mục tiêu thu hơn 3,7 tỷ USD |
Kế hoạch này được ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines nêu tại hội nghị của hãng mới đây. Năm nay, Vietnam Airlines (không gồm các công ty thành viên) đặt mục tiêu phục vụ 25,4 triệu lượt khách, vận chuyển 336.300 tấn hàng hóa. Số lượng chuyến bay cũng được nâng lên 156.000 chuyến.
Về tài chính, theo ông Hà, doanh nghiệp dự kiến doanh thu khoảng 95.600 tỷ đồng và lãi trước thuế 2.176 tỷ đồng. Vietnam Airlines sẽ tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất lao động, khai thác các thị trường trọng điểm, mở rộng mạng bay để đạt mục tiêu này.
So với năm ngoái, kế hoạch thu của hãng tăng khoảng 14,2%, trong khi lãi trước thuế tương đương. Kế hoạch trên được Vietnam Airlines đưa ra sau khi ghi nhận sự phục hồi tích cực thời gian qua.
Vietnam Airlines Group gồm công ty mẹ Vietnam Airlines và loạt công ty con như Pacific Airlines, Vasco, Vaeco, Skypec... Năm ngoái, hãng đạt doanh thu hợp nhất 114.741 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023. Hãng hàng không quốc gia ước lãi hợp nhất trước thuế 7.324 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Con số này cũng gấp hơn hai lần mức lợi nhuận hãng đạt được thời kỳ đỉnh cao năm 2018, 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đại dịch khiến thị trường hàng không lâm vào cảnh khó khăn. Đến hết năm ngoái, hãng vẫn còn lỗ lũy kế trên 34.300 tỷ đồng. Bởi vậy, vốn chủ sở hữu của hãng bay này âm hơn 10.000 tỷ đồng.
Theo đề án tái cơ cấu tổng thể, Vietnam Airlines dự kiến khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu hợp nhất, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư trong năm nay. Việc này sẽ giúp hãng tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu.
Dàn lãnh đạo Vinafood II chuyển giao đất 'vàng' gây thiệt hại 113 tỷ đồng
Ông Trần Văn Vẹn, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Lương thực miền Nam - Vinafood II, cùng cấp dưới bị cáo buộc sai phạm khi chuyển giao đất "vàng", gây thiệt hại 113 tỷ đồng.
![]() |
Một góc Millennium 132 Bến Vân Đồn - khu đất vốn thuộc sở hữu Vinafood II |
Ngày 24/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành kết luận, đề nghị truy tố ông Trần Văn Vẹn; Trương Thanh Phong - cựu Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II), Trần Bảy - cựu Trưởng phòng Kế hoạch Chiến lược cùng 3 người khác cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Theo kết luận, Vinafood II tiền thân là Tổng công ty Lúa gạo miền Nam - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước từ năm 2006 đến 2015. Đơn vị này được giao quản lý, sử dụng khu đất 7.890 m2 tại địa chỉ 132 Bến Vân Đồn (Phường 6, Quận 4, TP.HCM).
Năm 2005, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM, Vinafood II đề xuất lập dự án xây dựng trung tâm thương mại kết hợp cao ốc văn phòng và nhà ở căn hộ cao tầng trên khu đất này.
Tháng 7/2007, căn cứ kết quả định giá của Trung tâm Thông tin và Thẩm định giá miền Nam (đơn vị thẩm định giá thuộc Nhà nước), UBND TP.HCM phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất là hơn 117 tỷ đồng.
Sau đó, ông Trương Thanh Phong - lúc này là Tổng giám đốc Vinafood II đã ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị chuyển quyền sử dụng đất 132 Bến Vân Đồn cho pháp nhân mới là công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án. Trong đó, Vinafood II góp bằng giá trị lợi thế khu đất (15 tỷ đồng), công ty cổ phần có trách nhiệm trả tiền sử dụng đất và lãi vay cho Vinafood II…
Ngày 23/10/2007, các công ty Vinafood II, Sài Gòn Kho Vận, Hoàn Mỹ, Nguyễn Kim và Thái Sơn đã tổ chức họp, thống nhất thành lập Công ty Vĩnh Hội để khai thác mặt bằng 132 Bến Vân Đồn, vốn điều lệ 150 tỷ đồng.
Từ năm 2009 - 2015, Công ty Nguyễn Kim mua 99,32% vốn điều lệ Công ty Vĩnh Hội và bán lại cho Công ty CP Đầu tư Phú Mỹ Hưng.
Đến nay, Công ty CP Đầu tư Phú Mỹ Hưng đã thực hiện dự án trên khu đất với tên thương mại là Millennium 132 Bến Vân Đồn, gồm 2 block, 653 căn hộ ở, 387 văn phòng cho thuê, 17 căn hộ thương mại và đã bán hết cho khách hàng. Tuy nhiên, người mua vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi của các bị can cựu lãnh đạo Vinafood II gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 113 tỷ đồng.
2 công ty bị phạt hàng trăm triệu đồng vì vi phạm công bố thông tin
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 2 công ty vì vi phạm công bố thông tin. Lãnh đạo Bộ Tài chính từng chỉ đạo các cơ quan quản lý chứng khoán tăng cường các hoạt động giám sát.
![]() |
Cơ quan quản lý ngành chứng khoán được yêu cầu tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm |
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành 2 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với 2 doanh nghiệp, số tiền phạt hàng trăm triệu đồng.
Công ty CP Hòa Bình Takara (mã chứng khoán: CTP) bị xử phạt tổng cộng hơn 152 triệu đồng.
Trong đó, Công ty bị phạt 92,5 triệu đồng là mức phạt cho hành vi không công bố hàng loạt tài liệu quan trọng như báo cáo tài chính các quý của năm 2023 và 2024, báo cáo quản trị công ty, bản công bố thông tin các nhân sự cấp cao cùng các bản giải trình biến động lợi nhuận...
Công ty bị phạt 60 triệu đồng do công bố không đầy đủ nội dung theo quy định. Cụ thể, báo cáo quản trị năm 2023 không đầy đủ nội dung liên quan đến quyết định bổ nhiệm nhân sự cấp cao, gồm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Lê Minh Tuấn và Thư ký HĐQT kiêm quản trị công ty đối với bà Nguyễn Lệ Ngọc Như Truyền.
Hay Công ty CP In sách Giáo khoa Hòa Phát (mã chứng khoán: HTP) cũng bị phạt với tổng số tiền 432,5 triệu đồng.
Cụ thể, Công ty bị phạt 92,5 triệu đồng vì không công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, báo cáo thường niên 2023, báo cáo bán niên soát xét năm 2024 và một số bản giải trình lợi nhuận.
Công ty chịu mức phạt 125 triệu đồng do vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này. Công ty có giao dịch với người nội bộ là ông Phạm Văn Huy (Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc) nhưng chưa có Nghị quyết HĐQT thông qua.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn bị phạt 65 triệu đồng vì công bố không đầy đủ nội dung giao dịch với bên liên quan và 150 triệu đồng do thông tin sai lệch về các giao dịch có liên quan tại báo cáo quản trị năm 2023... UBCKNN yêu cầu doanh nghiệp này cải chính hoặc hủy bỏ thông tin sai theo quy định.
Đề xuất lộ trình thu bảo hiểm bắt buộc với chủ hộ kinh doanh
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đề xuất đưa chủ hộ của hộ kinh doanh vào diện đóng bảo hiểm bắt buộc nhưng theo lộ trình từng nhóm từ tháng 7/2025 đến tháng 7/2029.
![]() |
Tiểu thương trên phố Hàng Mã (Hà Nội) trang trí thông Noel bán cho khách |
Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số nội dung BHXH bắt buộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án.
Phương án một gồm chủ hộ của hộ có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai và nhóm không kê khai, nhưng có đề nghị tham gia BHXH bắt buộc.
Phương án hai áp dụng với chủ hộ của hộ có đăng ký kinh doanh và muốn đóng BHXH bắt buộc.
Góp ý cho nội dung này, BHXH Việt Nam đề nghị xây dựng lộ trình tham gia bắt buộc cho các chủ hộ, trước mắt thực hiện với nhóm chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký và nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Từ ngày 1/7/2027, nhóm chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký, nộp thuế theo phương pháp khoán sẽ đóng BHXH bắt buộc. Từ ngày 1/7/2029, nhóm chủ hộ của hộ có đăng ký kinh doanh khác ngoài hai nhóm trên sẽ nằm trong diện đóng bắt buộc.
Các chủ hộ đăng ký kinh doanh theo phương pháp kê khai nhưng trước ngày 1/7/2027 chuyển thành nhóm khoán, hoặc trước ngày 1/7/2029 không còn nằm trong nhóm kê khai lẫn khoán - tức nhóm khác vẫn phải đóng BHXH bắt buộc.
BHXH Việt Nam cho rằng, đưa vào diện đóng theo lộ trình nhằm đảm bảo tính chất bắt buộc với nhóm này và đảm bảo "sự sẵn sàng" của các chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký. Bởi đến nay, khoảng 9.200 hộ kinh doanh đang đóng BHXH bắt buộc cho người lao động. Sau khi loại trừ hết các nhóm thì còn khoảng 6.000 hộ thuộc diện tham gia bắt buộc. Lộ trình bổ sung nhóm còn lại ngoài diện kê khai và khoán nhằm đảm bảo đóng liên tục và thuận lợi khi thu tiền bởi các chủ hộ thường xuyên thay đổi, luân chuyển giữa các nhóm trên.
Cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh chia làm 2 nhóm: nhóm có đăng ký kinh doanh hơn 2 triệu hộ, doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm và đang đóng thuế; nhóm còn lại không đăng ký kinh doanh, có doanh thu thấp như các hộ nông, lâm nghiệp, buôn bán tự do.
Phục hồi điều tra vụ đại gia Lê Thanh Thản bị cáo buộc lừa dối khách hàng
Công an Hà Nội đã thông báo về việc phục hồi điều tra vụ án Lừa dối khách hàng, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Dự án CT6 Kiến Hưng, liên quan "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản.
![]() |
Dự án CT6 Kiến Hưng |
Công an TP. Hà Nội vừa có thông báo về việc phục hồi điều tra vụ án Lừa dối khách hàng, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Dự án CT6 Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội).
Theo đó, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP. Hà Nội đã có kết luận định giá tài sản 488 căn hộ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tại Dự án CT6 Kiến Hưng. Thời điểm định giá là tháng 9/2023.
Kết quả định giá tài sản gồm thuế giá trị gia tăng và phí bảo trì. Trong đó, tại tòa CT6C, căn hộ có giá trị cao nhất là 1,67 tỷ đồng và thấp nhất là 429 triệu đồng.
Tại tòa CT6B lần lượt là 1,05 tỷ đồng và 429 triệu đồng; tòa CT6A là 1,03 tỷ đồng và 391 triệu đồng. Các lô liền kề (nhà thấp tầng) căn cao nhất có giá trị là 7,3 tỷ đồng, căn thấp nhất 5,9 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 8/2023, TAND TP. Hà Nội đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án xảy ra tại Dự án CT6 Kiến Hưng vì có một số vấn đề không thể làm rõ tại phiên tòa.
Một trong những nội dung là việc xác định giá trị các căn hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tại 488 căn hộ nêu trên để xác định phương án xử lý.
Tại tòa, ông Lê Thanh Thản cũng đưa ra 3 phương án giải quyết đối với các cư dân là đề nghị TP. Hà Nội cho phép cư dân tiếp tục sử dụng các căn hộ và phía công ty sẽ làm các thủ tục tiếp theo.
Một là, nếu không được cấp sổ đỏ thì chuyển đổi đất căn hộ thành diện tích đất ở. Sau đó, căn hộ sai phạm chuyển thành khách sạn theo đúng quy hoạch ban đầu.
Hai là, phía Công ty Bemes mua lại các căn hộ của cư dân. Thời gian qua, Công ty Bemes cũng đã thỏa thuận và mua lại 13 căn hộ.
Phương án thứ ba chưa được trình bày do HĐXX ngắt lời.