Bản tin thời sự sáng 26/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là xem xét cho xe chạy vào lề đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn; gần 4.150 MW điện gió của Lào chờ bán cho Việt Nam; ngân hàng tiếp tục hạ giá penthouse triệu USD để thu nợ; ngân hàng Eximbank không bán được cổ phiếu quỹ…

Xem xét cho xe chạy vào lề đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị điều chỉnh vạch sơn giữa lề đường với làn xe chạy để tăng năng lực khai thác trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn có nhiều đoạn hai làn xe, có lề đường 2 m, không có làn dừng khẩn cấp

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn có nhiều đoạn hai làn xe, có lề đường 2 m, không có làn dừng khẩn cấp

Cục Đường bộ Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải một số giải pháp nâng cao an toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế.

Với hiện trạng cao tốc Cam Lộ - La Sơn phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 đang bố trí hai làn xe với nền đường rộng 12 m. Trong đó, mặt đường xe chạy 7 m (mỗi chiều một làn xe); lề gia cố (lề đường) hai bên rộng 2 m, có kết cấu như mặt đường xe cơ giới; lề đất mỗi bên rộng 1 m. Làn xe chạy được phân cách với lề gia cố bằng vạch sơn nét liền nên ảnh hưởng đến lưu thông của dòng phương tiện.

Vì vậy, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị điều chỉnh vạch sơn phân làn giữa lề gia cố với làn đường xe chạy, từ nét liền thành nét đứt, để cho phép phương tiện đi vào lề gia cố khi cần tránh vượt, tăng hiệu quả lưu thông.

Về đề xuất của một số chuyên gia thay vạch sơn nét liền giữa đường hai làn xe bằng nét đứt tại các đoạn tầm nhìn thoáng, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết phải khảo sát tại từng vị trí mới đưa ra phương án điều chỉnh.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện nay chưa đạt tiêu chuẩn cao tốc do thiếu dải phân cách giữa, thiếu làn dừng khẩn cấp. Các chuyên gia giao thông cho rằng, hạ tầng hạn chế nên tuyến cao tốc cần được tổ chức giao thông hiệu quả để đảm bảo an toàn.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km, nối Quảng Trị với Thừa Thiên Huế, được khánh thành ngày 31/12/2022. Đây là một trong 5 tuyến cao tốc trên cả nước hiện có 2 làn xe, mặt cắt ngang 12 m, chỉ một số đoạn vượt rộng 23 m, 4 làn xe. Tuyến đường đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để mở rộng lên 4 làn.

Gần 4.150 MW điện gió của Lào chờ bán cho Việt Nam

EVN cho biết đã nhận được đề xuất từ 7 dự án điện gió của Lào, tổng công suất gần 4.150 MW, muốn bán điện cho Việt Nam.

Dự án điện gió trên đất liền ở Ninh Thuận, vận hành thương mại. Ảnh minh họa

Dự án điện gió trên đất liền ở Ninh Thuận, vận hành thương mại. Ảnh minh họa

Trong số trên, công suất nhà đầu tư Lào đề nghị bán trước năm 2025 là hơn 682 MW, số còn lại sau thời gian này.

Báo cáo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, điện cho miền Trung và Nam sẽ đảm bảo tới 2030, nếu các nguồn mới trong Quy hoạch điện VIII bảo đảm tiến độ hoàn thành. Nhưng với miền Bắc, cung ứng điện trong các tháng cuối mùa khô (tháng 5 - 7 hàng năm) đến năm 2030 sẽ hết sức khó khăn và khu vực này thiếu điện từ 2025.

Vì thế, nhập khẩu từ Lào sẽ hỗ trợ giảm nguy cơ thiếu điện các năm tới. Việc này cũng giúp hạ chi phí mua điện khi tỷ trọng các nguồn giá rẻ (thủy điện) giảm dần và các nguồn giá cao (khí LNG, điện gió ngoài khơi) xu hướng tăng, theo Quy hoạch điện VIII.

Thực tế, Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào (chủ yếu thủy điện) từ 2016 và Trung Quốc từ 2005 qua các thỏa thuận hợp tác liên Chính phủ. Việc tăng mua điện từ các nước láng giềng cũng được Bộ Công Thương đưa vào kế hoạch cung cấp, vận hành điện năm nay.

Theo đề xuất, các dự án điện gió từ Lào dự kiến đưa về Việt Nam qua đường dây truyền tải khu vực Quảng Trị. Tức là, lượng điện mua về sẽ phụ thuộc lớn vào các hạ tầng khu vực này.

Tính toán của EVN cho thấy, công suất điện gió các nhà đầu tư Lào muốn bán cho Việt Nam là 4.149 MW, đang vượt khả năng tiếp nhận của lưới điện khu vực. Bởi, thực tế phần lớn các đường dây 200 kV, 110 kV tại đây thường xuyên vận hành ở mức 80 - 100% công suất cho phép. Riêng các tháng mùa khô (tháng 5 - 7), khu vực này chỉ tiếp nhận được tối đa 300 MW, và nhận thấp hơn mức này vào các tháng còn lại trong năm.

Nhiều lý do được đưa ra để xem xét tăng nhập khẩu điện từ Lào. Ngoài giải quyết thiếu điện cho miền Bắc, giá rẻ cũng là yếu tố được cân nhắc. Hiện, mỗi kWh điện gió mua của nước này là 6,95 cent, với dự án vận hành thương mại trước 31/12/2025. Mức này cạnh tranh hơn nhiều so với các dự án trong nước vận hành trước 1/11/2021, dao động 8,5 - 9,8 cent một kWh, tùy loại điện gió trên đất liền hay trên biển…

Ngân hàng tiếp tục hạ giá penthouse triệu USD để thu nợ

VietinBank sẽ bán penthouse ở 29 Liễu Giai từ 53,5 tỷ đồng tại lần đấu giá thứ 5, giảm gần 6 tỷ so với một năm trước.

VietinBank sẽ bán penthouse ở 29 Liễu Giai từ 53,5 tỷ đồng

VietinBank sẽ bán penthouse ở 29 Liễu Giai từ 53,5 tỷ đồng

Căn penthouse này đang được Ngân hàng Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Nam Thăng Long (VietinBank Nam Thăng Long) cùng Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình phát mại để thu hồi nợ. Đây là tài sản bảo đảm cho khoản vay của một doanh nghiệp tư nhân tại VietinBank Nam Thăng Long.

Theo thông báo của Ngân hàng, căn hộ này thuộc tầng 44 và 45 của tòa M3 chung cư Vinhomes Metropolis ở 29 Liễu Giai, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Diện tích sử dụng của căn hộ này khoảng 456 m2, trong đó tầng 44 khoảng gần 274 m2 và tầng 45 khoảng 182 m2.

Căn penthouse gồm 5 phòng ngủ, 4 WC và có bể bơi riêng với tầm nhìn ra hồ Tây. Nội thất trong căn hộ được thiết kế theo phong cách tân cổ điển, cầu thang tay vịn gỗ, lan can dát vàng.

Giá khởi điểm của bất động sản trên trong lần đấu giá thứ 5 khoảng 53,5 tỷ đồng (hơn 2 triệu USD), tương đương hơn 117 triệu đồng mỗi m2. Trước đó, penthouse được rao bán đấu giá lần đầu vào tháng 2/2023 với giá khởi điểm hơn 59,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, không có khách hàng nào tham gia 3 phiên đấu giá tài sản này trong năm ngoái. Như vậy, so với một năm trước, giá khởi điểm của tài sản này đã được hạ gần 6 tỷ đồng.

Ngân hàng Eximbank không bán được cổ phiếu quỹ

Từ ngày 15/1 - 7/2, Eximbank có kế hoạch bán toàn bộ gần 6,1 triệu cổ phiếu quỹ đang sở hữu để bổ sung vốn kinh doanh. Tuy nhiên, giá thị trường chưa đạt kỳ vọng nên không có cổ phiếu quỹ nào được giao dịch.

Eximbank không bán cổ phiếu nào trong số gần 6,1 triệu cổ phiếu quỹ đã đăng ký.

Eximbank không bán cổ phiếu nào trong số gần 6,1 triệu cổ phiếu quỹ đã đăng ký.

Tuần qua, chỉ số VN-Index tăng 2,3 điểm lên mức 1.212 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt 118.101 tỷ đồng và khối lượng giao dịch trung bình là gần 1 tỷ cổ phiếu/phiên. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index kết tuần ở mức 231,08 điểm, giảm 0,84% so với tuần trước. Thanh khoản trên HNX cũng tăng mạnh với hơn 8.771 tỷ đồng được giao dịch.

Trong báo cáo vừa gửi HoSE, Eximbank (mã chứng khoán: EIB) cho biết, không bán được cổ phiếu nào trong số gần 6,1 triệu cổ phiếu quỹ đã đăng ký bán từ ngày 15/1 - 7/2 bởi giá thị trường chưa đạt kỳ vọng so với giá bán mục tiêu của ngân hàng.

Cụ thể, trong giai đoạn này, cổ phiếu EIB trải qua nhiều phiên tăng giảm liên tục, dao động trong khoảng 18.700 - 20.200 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này không có phiên nào đóng cửa cao hơn giá mục tiêu bình quân mà Ngân hàng công bố trước đó là 20.199 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, Eximbank có thông báo về kế hoạch bán toàn bộ gần 6,1 triệu cổ phiếu quỹ đang sở hữu với giá mục tiêu bình quân thấp nhất là 20.199 đồng/cổ phiếu nhằm bổ sung vốn kinh doanh. Đây là toàn bộ số cổ phiếu quỹ đang được Eximbank nắm giữ và được mua vào hồi tháng 1/2014.

TP.HCM miễn, giảm vé metro số 1

Theo Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy phương án miễn/giảm giá vé trong thời gian đầu vận hành tuyến metro số 1.

Đoàn kiều bào về nước đón Tết Nguyên đán được trải nghiệm đi tàu metro tuyến số 1

Đoàn kiều bào về nước đón Tết Nguyên đán được trải nghiệm đi tàu metro tuyến số 1

Ngày 25/2, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, vừa truyền đạt thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại cuộc họp lần thứ nhất của Thường trực Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm Thành phố.

Theo đó, ông Phan Văn Mãi (Trưởng Ban Chỉ đạo) đã giao các sở, ban ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện một số việc cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm.

Đối với Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), người đứng đầu chính quyền TP.HCM giao Ban Quản lý đường sắt đô thị báo cáo cụ thể kế hoạch vận hành, khai thác thương mại trong tháng 7 tới.

Qua đó, ông Mãi cho biết, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM phương án miễn/giảm giá vé trong thời gian đầu vận hành tuyến metro số 1 nhằm tạo thói quen sử dụng cho người dân.

Đối với Dự án Xây dựng đường Vành đai 2 (đoạn 1 và đoạn 2), Chủ tịch UBND TP.HCM giao UBND TP. Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện kiểm đếm để xác định chính xác chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tập trung hoàn tất để khởi công trong năm 2024.

Với Dự án Xây dựng đường Vành đai 3, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung hoàn tất việc bàn giao mặt bằng thi công trong quý I/2024. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và các đơn vị liên quan làm việc với các địa phương liên quan đến nguồn cát đắp và tham mưu UBND Thành phố báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết.

Đối với Dự án Xây dựng đường Vành đai 4, Sở GTVT phải khẩn trương hoàn thiện phương án đầu tư, tham mưu UBND Thành phố cách thức thực hiện cụ thể làm cơ sở trình các bộ ngành Trung ương chủ trương đầu tư trong tháng 6/2024.

Hải Phòng dự kiến hoàn thành 6.400 căn nhà ở xã hội

Năm 2024, thành phố Hải Phòng dự kiến hoàn thành khoảng 6.400 căn nhà ở xã hội.

Giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng dự kiến hoàn thành khoảng 16.500 căn nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng dự kiến hoàn thành khoảng 16.500 căn nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng Đỗ Hữu Hưng chia sẻ tại Hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí tháng 2/2024, chiều 23/2.

Cụ thể, trong năm 2024, Thành phố sẽ xây dựng xong phần thô khoảng 4.000 căn. Thành phố đủ điều kiện mở bán khoảng 2.400 căn.

Giai đoạn 2021 - 2025, Hải Phòng dự kiến hoàn thành khoảng 16.500 căn; trong đó phấn đấu xây dựng xong phần thô đạt 80%, tương đương khoảng 13.200 căn; đủ điều kiện mở bán khoảng 3.300 căn.

Như vậy, đến năm 2025 Hải Phòng cơ bản hoàn thành chỉ tiêu 15.400 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 Chính phủ đặt ra.

Sau Tết, các doanh nghiệp ở Cần Thơ cần tuyển trên 1.550 lao động

Trước tình trạng nhiều người lao động thay đổi việc làm sau Tết, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp.

Các bạn trẻ tìm kiếm việc làm tại Ngày hội việc làm. Ảnh minh họa

Các bạn trẻ tìm kiếm việc làm tại Ngày hội việc làm. Ảnh minh họa

Đến thời điểm này, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ có khoảng 40 lượt doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng 1.550 lao động, chủ yếu ở các ngành nghề: nhân viên kinh doanh, công nhân may và lao động phổ thông. Đồng thời, Trung tâm đã tư vấn việc làm cho 3.217 lượt người; giới thiệu việc làm cho khoảng 2.879 lượt lao động có nhu cầu tìm việc.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ Nguyễn Thị Kim Chung cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số lao động nghỉ việc, "nhảy việc", như: chưa hài lòng với mức lương hiện tại, công việc chưa phù hợp với bản thân, muốn tự kinh doanh…

Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Cần Thơ, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tình hình lao động làm việc tại các doanh nghiệp biến động không đáng kể. Đã có 127.485/137.537 lao động quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp (trong đó, có gần 42.000 lao động ở trong khu công nghiệp và trên 85.500 lao động ngoài khu công nghiệp), chiếm 92,69%.

Bình Định xử phạt 320 triệu đồng một công ty vi phạm môi trường

UBND tỉnh Bình Định cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Đầu tư Lê Gia Newland số tiền 320 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bình Định xử phạt 320 triệu đồng một công ty vi phạm môi trường. Ảnh minh họa

Bình Định xử phạt 320 triệu đồng một công ty vi phạm môi trường. Ảnh minh họa

Công ty TNHH Đầu tư Lê Gia Newland do ông Lê Văn Tuấn đại diện theo pháp luật với chức danh Giám đốc, có trụ sở tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Lê Gia Newland là chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Phúc Gia Tân đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính, thi công san lấp toàn bộ mặt bằng và xây dựng hệ thống thu gom thoát nước mưa, thu gom thoát nước thải, xây dựng bể tự hoại 5 ngăn tập trung, xây dựng 1 căn biệt thự (diện tích 144 m2) trong khi thực hiện Dự án Khu dân cư Phúc Gia Tân, nhưng không có giấy phép môi trường do UBND tỉnh Bình Định cấp.

Bên cạnh đó, UBND Tỉnh cũng đã đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của cơ sở 4,5 tháng, theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (không được xả nước thải sinh hoạt từ dự án ra môi trường).

UBND Tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Lê Gia Newland phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định. Nếu quá thời hạn mà Công ty TNHH Đầu tư Lê Gia Newland không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.