Bản tin thời sự sáng 27/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cảng Cần Giờ dự kiến mang lại 40.000 tỷ đồng mỗi năm; Chứng khoán Tân Việt bị đình chỉ hoạt động mua chứng khoán; Hà Nội tăng cường xử lý taxi vi phạm; sẽ đổ 3,8 triệu m3 bùn cát xuống biển Quy Nhơn; ngày 27/6, xét xử vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển…

Cảng Cần Giờ dự kiến mang lại 40.000 tỷ đồng mỗi năm

Khi khai thác hết công suất, mỗi năm cảng Cần Giờ sẽ góp ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục nghìn người, theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM.

Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Nội dung nêu trong Đề án nghiên cứu xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, vừa được Sở GTVT gửi UBND TP.HCM để trình Thủ tướng. Đề án khi được duyệt sẽ là cơ sở để đầu tư cảng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật kèm theo.

Cảng trung chuyển ở Cần Giờ dài hơn 7 km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay 250.000 DWT (24.000 teus) do Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất. Công trình được nghiên cứu xây ở cù lao Phú Lợi, thuộc cửa sông Cái Mép, tổng vốn 5,45 tỷ USD. Dự án chia làm 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu xong năm 2027, hoàn thành toàn bộ cuối năm 2045.

Nguồn thu 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm được tính toán sơ bộ khi dự án cảng đầu tư hoàn chỉnh đạt công suất thiết kế vào năm 2045. Nguồn này lấy từ các khoản thuế hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp cùng các loại phí hàng hải, thuê mặt nước...

Ngoài ra, theo Đề án, cảng ở Cần Giờ sẽ thu hút vốn lớn từ các doanh nghiệp tham gia đầu tư, tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, lao động tại Cảng cùng hàng chục nghìn người phục vụ ở khối hậu cần, trung tâm logistics sau Cảng...

Theo Sở GTVT, hàng hóa thông qua cảng biển ở Thành phố từ nay đến năm 2030 tăng bình quân hơn 5% mỗi năm, riêng hàng container là khoảng 6%. Trong khi hệ thống bến container tại các cảng biển trên địa bàn đều ở nội đô, công suất khai thác đều đã vượt quá quy hoạch.

Do vậy, việc bổ sung quy hoạch và xây cảng ở Cần Giờ sẽ hỗ trợ hệ thống cảng biển trên địa bàn, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước khác cũng như đột phá phát triển kinh tế biển. Dự kiến, đến năm 2030, công suất ở Cảng đạt khoảng 4,8 triệu teu và năm 2047 gần 16,9 triệu teu (mỗi teu tương đương container loại 20 feet).

Chứng khoán Tân Việt bị đình chỉ hoạt động mua chứng khoán

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) vừa quyết định đình chỉ hoạt động mua chứng khoán trên thị trường chứng khoán niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch (UPCoM) đối với Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Chứng khoán Tân Việt bị đình chỉ hoạt động mua chứng khoán

Chứng khoán Tân Việt bị đình chỉ hoạt động mua chứng khoán

Theo VNX, lý do đình chỉ là vì TVSI bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quyết định ngày 18/5 của Chủ tịch UBCKNN. Thời gian đình chỉ áp dụng từ ngày 27/6 đến khi TVSI được UBCKNN đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Trước đó, TVSI cho biết không tìm được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính và báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại thời điểm 31/12/2022. Sau khi kết thúc năm tài chính, Công ty đã liên hệ với Công ty Kiểm toán VACO, nhưng đơn vị này sau đó gửi yêu cầu thanh lý hợp đồng kiểm toán.

UBCKNN đã ban hành quyết định đưa TVSI vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Thời hạn kiểm soát đặc biệt từ ngày 18/5 - 17/9.

TVSI không được chi trả cổ tức cho các cổ đông, không chia lợi nhuận, chia thưởng cho thành viên góp vốn, đồng thời không được chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của mình.

TVSI cũng không được tham gia góp vốn thành lập công ty con, không được đầu tư bất động sản; hạn chế đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro cao hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh làm tăng giá trị rủi ro, giảm vốn khả dụng.

TVSI chỉ được quản lý tiền giao dịch chứng khoán theo phương thức khách hàng của công ty chứng khoán mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do công ty lựa chọn để quản lý tiền giao dịch chứng khoán.

Vào ngày 30/5, UBCKNN cũng đã quyết định xử phạt 125 triệu đồng với TVSI do vi phạm quy định về hạn chế giao dịch ký quỹ.

Từ đầu năm đến nay, TVSI đã bị cơ quan quản lý phạt gần 1 tỷ đồng do các vi phạm liên quan đến trái phiếu và cấp margin (vay giao dịch ký quỹ) chứng khoán.

Hà Nội tăng cường xử lý taxi vi phạm

Thời gian tới, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong lĩnh vực vận tải hành khách, đặc biệt là với xe taxi.

Thanh tra Sở GTVT Hà Nội kiểm tra hoạt động taxi trên địa bàn thành phố.

Thanh tra Sở GTVT Hà Nội kiểm tra hoạt động taxi trên địa bàn thành phố.

Theo đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Thanh tra Sở đã kiểm tra, xử lý 320 trường hợp xe taxi vi phạm quy định về trật tự ATGT, phạt tiền hơn 448 triệu đồng, tạm giữ 1 phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn đối với 6 trường hợp.

Trong thời gian qua, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội tập trung giải tỏa các tụ điểm phương tiện xe taxi thường xuyên dừng, đỗ và đón, trả khách sai quy định nhằm đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu ùn tắc tại cổng các bến xe khách, cổng các bệnh viện lớn, trung tâm thương mại, khu di tích lịch sử, vui chơi công cộng trên các tuyến đường.

Trong số 320 trường hợp taxi bị xử lý từ đầu năm 2023 đến nay, các vi phạm chủ yếu bao gồm: Xe taxi dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định; không có phù hiệu xe taxi hoặc có phù hiệu nhưng hết hạn; không sử dụng đồng hồ tính tiền cước hoặc sử dụng đồng hồ tính tiền cước không đúng quy định khi chở khách; lái xe taxi gian lận cước của khách; đưa xe taxi hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông…

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra Sở GTVT Hà Nội cũng kiểm tra, xử lý nghiêm xe taxi được Sở GTVT các địa phương khác cấp phù hiệu “xe taxi” nhưng vi phạm trật tự ATGT và điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật trên địa bàn Hà Nội.

Sẽ đổ 3,8 triệu m3 bùn cát xuống biển Quy Nhơn

Để cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) tiếp nhận tàu lớn, Bộ GTVT sẽ nạo vét 3,8 triệu m3 bùn, cát và đổ xuống biển tại vị trí cách bờ gần 12 km.

Vùng biển Quy Nhơn, Bình Định

Vùng biển Quy Nhơn, Bình Định

Vị trí nhấn chìm 3,8 m3 bùn, cát từ Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng cảng Quy Nhơn để tiếp nhận tàu 50.000 tấn vừa được UBND tỉnh Bình Định thống nhất với Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án hàng hải (Bộ GTVT).

Theo đó, điểm đổ bùn cát nằm cách cảng Quy Nhơn hơn 15 km, Eo Gió 21 km và Cù Lao Xanh gần 12 km. Phạm vi đổ và nhấn chìm khoảng 100 ha thuộc vùng biển Quy Nhơn, chia làm nhiều khu vực nhỏ.

Dù thống nhất vị trí đổ bùn cát, song tỉnh Bình Định vẫn lo ngại việc nạo vét, vận chuyển và nhấn chìm nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng việc khai thác, nuôi trồng hải sản, du lịch biển. Do đó, Chủ đầu tư được đề nghị bổ sung tác động môi trường của Dự án đến khu vực quy hoạch bảo tồn biển, cũng như kết quả khảo sát hiện trạng hệ sinh vật đáy như rạn san hô, thảm cỏ biển,... tại khu vực nhấn chìm và xung quanh để đánh giá tác động đến sinh vật tầng đáy.

Bên cạnh đó, địa phương cũng muốn Chủ đầu tư đánh giá kỹ khả năng phát tán vật chất ô nhiễm; có giải pháp giảm tác động khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân làng chài Hải Minh, bãi tắm du lịch ở TP. Quy Nhơn và cam kết bồi thường nếu có thiệt hại.

Ngoài ra, chính quyền Tỉnh lo ngại quá trình nạo vét ở độ sâu 11 - 13 m nguy cơ gây sạt lở ven bờ, nhất là khu vực các cảng biển và kè Mũi Tấn.

Quy Nhơn là cảng lâu đời của tỉnh Bình Định. Hiện, cảng chỉ tiếp nhận được tàu 30.000 - 50.000 tấn. Sau khi được nâng cấp, luồng hàng hải Quy Nhơn sẽ tiếp nhận được tàu 50.000 - 70.000 tấn.

Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng cảng Quy Nhơn được Bộ GTVT phê duyệt năm 2021 với tổng vốn khoảng 700 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án hàng Hải được giao làm chủ đầu tư. Khi triển khai Dự án, cảng này sẽ được nạo vét, cải tạo luồng dài hơn 7.000 m, rộng 140 m, sâu 13 m. Dự kiến có khoảng 3,8 triệu m3 vật chất chất chủ yếu là bùn, cát được nạo vét.

Ngày 27/6 xét xử vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển

Theo kế hoạch, ngày 27/6, Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.

Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn

Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn

Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Văn Sơn (cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam), Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển); Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy); Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Tham mưu trưởng) cùng 3 bị cáo khác.

Theo cáo trạng, tháng 2/2019, Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển dự toán ngân sách nhà nước chi cho quản lý hành chính năm 2019 tổng số tiền là 450 tỷ đồng. Sau đó, tại phiên họp của Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển mở rộng đã quyết nghị phân bổ cho Cục Kỹ thuật hơn 150 tỷ đồng để tổ chức mua sắm vật tư, thiết bị cung cấp cho các đơn vị.

Cáo trạng xác định, bị cáo Nguyễn Văn Sơn gặp và yêu cầu Nguyễn Văn Hưng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật khi thực hiện mua sắm vật tư thì phải rút ra 50 tỷ đồng để chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng. Đầu tháng 4/2019, ông Sơn đã chủ động trao đổi với Hoàng Văn Đồng, Doãn Bảo Quyết, Phạm Kim Hậu và Bùi Trung Dũng về việc chỉ đạo rút 50 tỷ đồng để chi cho các thủ trưởng Bộ Tư lệnh. Tất cả đều đồng ý, không có ý kiến gì khác. Ngày 4/5/2019, ông Sơn ký quyết định giao dự toán ngân sách cho Cục Kỹ thuật hơn 179 tỷ đồng và tiếp tục yêu cầu Nguyễn Văn Hưng rút lại 50 tỷ đồng để chuyển về cho Bộ Tư lệnh. Nhận chỉ đạo từ Sơn, bị cáo Hưng yêu cầu 6 Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Kỹ thuật phải rút đủ 50 tỷ đồng. Khi bị họ phản ứng, nói là việc này rất khó, bị cáo Hưng cho rằng "phải xác định việc rút lại 50 tỷ đồng là nhiệm vụ thủ trưởng giao và phải hoàn thành".

Khi có được số tiền này, bị cáo Sơn chia cho mình và 4 bị cáo khác, mỗi người 10 tỷ đồng. Sau khi vụ án được phát giác, nhóm bị cáo này đã nộp lại tiền.

Cầu Nhơn Trạch - cầu lớn nhất Vành đai 3 TP.HCM thiếu mặt bằng thi công

Cầu Nhơn Trạch nằm trên tuyến Vành đai 3, nối TP.HCM với Đồng Nai, nguy cơ khó hoàn thành tháng 9/2025 như kế hoạch do địa phương chậm giao mặt bằng.

Công trường cầu Nhơn Trạch bên phía Đồng Nai

Công trường cầu Nhơn Trạch bên phía Đồng Nai

Cây cầu bắc qua sông Đồng Nai, dài hơn 2 km, rộng 19,5 m, là hạng mục chính của Dự án thành phần 1A, thuộc Vành đai 3 TP.HCM. Gói thầu còn lại xây dựng đường dẫn ở hai đầu cầu, bao gồm các nút giao với tổng chiều dài 5,6 km. Khởi công tháng 9 năm ngoái, công trình dự kiến hoàn thành sau 3 năm.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Chủ đầu tư), sau 9 tháng khởi công, Gói thầu cầu Nhơn Trạch hiện đạt hơn 32%, vượt tiến độ so với hợp đồng nhà thầu đã ký. Tuy nhiên, công trình đang bị ảnh hưởng bởi giải phóng mặt bằng ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) chậm trễ. Hiện, toàn bộ diện tích làm Dự án phía TP.HCM đã được giao, trong khi ở Đồng Nai mới có hơn 1,3 km mặt bằng trên tổng số 6,3 km được bàn giao (đạt hơn 21%).

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, so với kế hoạch, giải phóng mặt bằng cho Dự án ở Đồng Nai đã chậm khoảng 6 tháng.

Thiếu mặt bằng cũng khiến các nhà thầu lo ảnh hưởng thời gian hoàn thành công trình. Trong thư mới gửi Chủ đầu tư, đại diện tổng thầu thi công cầu Nhơn Trạch là Công ty Kumho Engineering & Construction Co., Ltd (Hàn Quốc) cho biết, gói thầu này khối lượng xây lắp rất lớn, yêu cầu chất lượng và kỹ thuật cao. Với việc phải hoàn thành trong thời gian ngắn, tiến độ công trình trước đó được các bên đưa ra với điều kiện mặt bằng cả phía Đồng Nai và TP.HCM cần sớm thu hồi, bàn giao từ tháng 9/2022.

Các địa phương được tự quyết khu vực phân lô, bán nền

UBND các tỉnh sẽ được quy định những khu vực được chuyển nhượng đất dưới hình thức phân lô, bán nền mà không cần ý kiến Bộ Xây dựng.

UBND các tỉnh sẽ được quy định những khu vực được chuyển nhượng đất dưới hình thức phân lô, bán nền

UBND các tỉnh sẽ được quy định những khu vực được chuyển nhượng đất dưới hình thức phân lô, bán nền

Đây là một trong những điểm mới trong Nghị định 35 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng vừa được ban hành.

Trước đây, theo Nghị định 11/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh mới được phép quy định cụ thể những khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở.

Còn Nghị định 35 mới được sửa đổi, bổ sung cho phép UBND cấp tỉnh quy định cụ thể khu vực được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được duyệt. Như vậy, các địa phương không cần phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng.

Để được phân lô, bán nền theo quy định mới, dự án phải phù hợp với các cấp độ quy hoạch đô thị, đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng của toàn bộ dự án hoặc theo phân kỳ đầu tư. Cùng với đó, việc xây dựng nhà ở phải đảm bảo tuân thủ nội dung và tiến độ. Nghị định cũng nêu khu vực được phân lô, bán nền không nằm ở nơi có yêu cầu cao quản lý về kiến trúc cảnh quan, mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến cảnh quan chính trong đô thị.

UBND tỉnh căn cứ pháp luật để quy định khu vực được chuyển nhượng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cho người dân xây dựng nhà ở. Nghị định 35 có hiệu lực từ ngày 20/6.

Hãng taxi gian lận cước phải khắc phục các vi phạm trong vòng 15 ngày

Chiều 26/6, Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất cho biết đã gửi công văn tới Sở GTVT TP.HCM và Cảng vụ Hàng không miền Nam liên quan đến việc xử lý vi phạm gian lận giá cước của xe taxi tại sân bay vào ngày 20/6.

Cảng HKQT Tân Sơn Nhất yêu cầu 2 đơn vị có taxi gian lận cước phải có phương án khắc phục các vi phạm trong vòng 15 ngày

Cảng HKQT Tân Sơn Nhất yêu cầu 2 đơn vị có taxi gian lận cước phải có phương án khắc phục các vi phạm trong vòng 15 ngày

Cụ thể, trong công văn gửi tới Sở GTVT TP.HCM và Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết đã đưa ra thông báo tạm dừng hoạt động tại Cảng đối với 2 đơn vị vi phạm gian lận giá cước là Công ty TNHH Vận tải Sài Gòn Taxi và Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist kể từ 0h ngày 22/6/2023 cho đến khi có thông báo mới.

Đồng thời, lãnh đạo Cảng cũng yêu cầu Công ty TNHH Vận tải Sài Gòn Taxi và Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist phải thực hiện các phương án khắc phục các vi phạm trong vòng 15 ngày.

Cụ thể, Công ty TNHH Vận tải Sài Gòn Taxi và Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist phải tiến hành kiểm tra lại toàn bộ phương tiện đăng ký hoạt động tại Cảng, kiểm định lại toàn bộ đồng hồ tính tiền trên xe theo quy định của cơ quan chức năng và báo cáo kết quả cho Cảng.

Đồng thời, yêu cầu 2 đơn vị này phải rà soát lại toàn bộ danh sách, lý lịch lái xe, đảm bảo không tuyển lái xe của các đơn vị vận tải khác đã sa thải và sau đó gửi danh sách lái xe về Cảng.

Qua kết quả khắc phục, trong vòng 15 ngày đầu khi được hoạt động trở lại, đơn vị phải cam kết báo cáo hàng ngày tình trạng đáp ứng điều kiện của phương tiện và lái xe trước khi hoạt động đón khách tại sân bay.

Xin tăng công suất 2 nhà máy nước để cấp nước sạch cho trung tâm Đà Lạt

Công ty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng xin khai thác tăng công suất cấp bách 2 nhà máy nước để đảm bảo cung cấp nước sạch khu vực trung tâm TP. Đà Lạt trong hè 2023.

Bể lắng nước ở nhà máy nước Đan Kia, Công ty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng

Bể lắng nước ở nhà máy nước Đan Kia, Công ty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng

Ngày 26/6, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp cùng UBND TP. Đà Lạt xem xét xử lý kiến nghị xin khai thác tăng công suất của Công ty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng để đảm bảo cung cấp nước sạch khu vực trung tâm TP. Đà Lạt trong thời gian hè 2023; báo cáo đề xuất UBND Tỉnh trước ngày 10/7.

Theo Công ty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng, trong quá trình khai thác và sử dụng nước, Công ty luôn tuân thủ các quy định trong giấy phép được cấp, tuy nhiên do lượng khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng tại TP. Đà Lạt tăng đột biến trong thời gian hè làm thiếu hụt nước tại các khu vực trung tâm, đồng thời các nhà máy nước Phát Chi và hồ Than Thở nằm ở địa hình thấp nên không thể điều nước bổ sung lên khu vực trung tâm.

Do đó, Công ty đã đề nghị UBND Tỉnh và Sở TN&MT cho phép Công ty được khai thác tăng công suất (cấp bách) 2 nhà máy nước Đan Kia và Đa Thiện trong thời gian hè nhằm đáp ứng nhu cầu dùng nước tăng đột biến trên địa bàn TP. Đà Lạt.

Cụ thể, Công ty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng đề xuất tăng 5.000 m3/ngày đêm đối với Nhà máy nước Đan Kia (công suất hiện nay 25.000 m3/ngày đêm) và tăng 1.000 m3/ngày đêm đối với Nhà máy nước Đa Thiện (công suất hiện nay 3.000 m3/ngày đêm).

Tin cùng chuyên mục