Bản tin thời sự sáng 28/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bamboo Airways sắp tái cấu trúc đội tàu bay; Thanh Hóa đẩy nhanh tiến độ 13 dự án nhà xã hội; đề nghị kỷ luật nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai; Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra 14 doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại Lâm Đồng; cơ bản hoàn thành tái định cư vùng Dự án sân bay Long Thành…

Bamboo Airways sắp tái cấu trúc đội tàu bay

Sau khi tái cấu trúc xong mạng bay, Bamboo Airways có thể giảm thêm một số máy bay từng phục vụ quy mô đường bay cũ để giảm chi phí.

Bamboo Airways sắp tái cấu trúc đội tàu bay

Bamboo Airways sắp tái cấu trúc đội tàu bay

Ngày 27/9, đại diện Bamboo Airways cho biết, Hãng đã hoàn thành tái cấu trúc mạng bay trong hai tháng qua, trong đó, dừng khai thác một số đường bay hiệu quả không cao. Với tần suất khai thác mạng bay mới, Hãng đánh giá sẽ không hợp lý khi để dư thừa nguồn lực máy bay, làm tăng chi phí thuê tàu. Theo dữ liệu trên trang Planespotters, Bamboo Airways đang khai thác 23 tàu bay, ít hơn 7 chiếc so với năm ngoái.

Vì vậy, Bamboo Airways có khả năng cần tái cơ cấu đội bay, để hoạt động hiệu quả hơn, cũng như giảm các chi phí. Thông thường, chi phí cho đội bay có thể chiếm gần 20% tổng chi phí hoạt động của một hãng hàng không. Tỷ lệ này quyết định quan trọng trong việc kinh doanh có lãi hay thua lỗ của hãng bay.

Với việc vận hành cùng lúc máy bay của 3 nhà sản xuất Airbus, Boeing và Embraer, Bamboo Airways còn phải gánh thêm nhiều chi phí khác nhau như thuê nhân sự kỹ thuật, phi công, giáo viên đào tạo cho riêng từng loại máy bay.

Về dự phòng trang thiết bị thay thay thế, nếu chỉ vận hành một loại máy bay, Bamboo Airways chỉ cần lập dự trù một chủng loại hàng hóa cho mỗi bộ phận, giúp giảm tổng số lượng vật tư cần dự trữ. Việc mua số lượng lớn cũng sẽ hạ giá bán. Những lợi thế này sẽ không thể tận dụng khi Bamboo Airways khai thác một đội tàu đa dạng như hiện nay.

Bamboo Airways chưa thông tin cụ thể số lượng hoặc loại tàu bay sẽ bị cắt giảm. Đại diện Hãng nói rằng vẫn đang có một số phương án như có thể gia tăng sự thống nhất về chủng loại của đội bay, cùng với đó là tạm dừng khai thác thêm một số thị trường liên quan. Ngoài ra, Bamboo Airways cũng tính có thể điều chỉnh theo hướng giảm quy mô đội bay dần theo từng giai đoạn để thích nghi và theo dõi diễn biến thị trường.

Thanh Hóa đẩy nhanh tiến độ 13 dự án nhà xã hội

13 dự án nhà ở xã hội ở Thanh Hóa đã lựa chọn chủ đầu tư, có quy mô hơn 24 ha, dự kiến cung cấp hơn 12.000 căn.

Nhà ở xã hội Khu dân cư Tân Thành ECO2, phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa.

Nhà ở xã hội Khu dân cư Tân Thành ECO2, phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Kế hoạch triển khai đề án xây một triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, đến năm 2030, Tỉnh sẽ hoàn thành ít nhất 13.787 căn, theo chỉ tiêu được Chính phủ giao trong đề án.

Giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh dự kiến hoàn thành 13 dự án đã lựa chọn được chủ đầu tư và đang xây dựng. Trong đó, nhiều dự án quy mô lớn, cung cấp hơn nghìn căn nhà xã hội được Tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ.

Ví dụ, Dự án nhà ở xã hội gần 9,2 ha của Tập đoàn Vingroup tại phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2024, cung cấp 3.000 căn nhà xã hội. Ngoài ra, Dự án Nhà ở xã hội phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa thuộc Khu ở và dịch vụ thuộc Khu đô thị Bắc Cầu Hạc của Liên danh Viet Incons - Vinaconex 21 - Công ty CP Đầu tư và thương mại Hà Nội đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng đất đai. Dự án có quy mô hơn 2,8 ha, cung cấp 2.400 căn, dự kiến khởi công năm 2024.

Giai đoạn 2026 - 2030, Tỉnh sẽ hoàn thành 14 dự án trong kế hoạch và các dự án được đề xuất bổ sung vào kế hoạch phát triển nhà ở được phê duyệt. 14 dự án có tổng diện tích gần 25 ha, cung cấp gần 7.500 căn hộ.

Sở Xây dựng được giao sớm trình UBND Tỉnh điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở của Tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề nghị kỷ luật nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai kỷ luật Khai trừ Đảng một cán bộ, đề nghị kỷ luật ông Nguyễn Tư Sơn, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Tỉnh, vì vi phạm quy định về pháp luật đấu thầu, mua sắm.

Trụ sở Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai

Trụ sở Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai

Ngày 27/9, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Gia Lai thông tin vừa tổ chức kỳ họp quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trương Quý Sửu - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch và Tài chính, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, hiện là đảng viên Chi bộ 8, Đảng bộ phường Hoa Lư, TP. Pleiku.

Ông Sửu bị kỷ luật do vi phạm quy định về pháp luật đấu thầu, mua sắm; gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan nơi sinh hoạt, công tác.

Liên quan vi phạm quy định về pháp luật đấu thầu, mua sắm, UBKT Tỉnh ủy đồng thời đề nghị xem xét, quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Tư Sơn, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai.

Ngoài ra, tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với bà Đinh Thị Giang, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai.

Bà Giang bị kỷ luật do vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng quỹ; làm ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan nơi sinh hoạt, công tác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra 14 doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại Lâm Đồng

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị các tổ chức được phép hoạt động khoáng sản cung cấp hồ sơ và báo cáo các nội dung có liên quan về hoạt động khai thác khoáng sản, phục vụ công tác thanh tra của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhiều doanh nghiệp khoáng sản ở Lâm Đồng khai thác vượt công suất được cấp phép
Nhiều doanh nghiệp khoáng sản ở Lâm Đồng khai thác vượt công suất được cấp phép

Hồ sơ, tài liệu mà Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu cung cấp gồm: Giấy phép khai thác khoáng sản; văn bản thẩm định thiết kế mỏ; việc cắm mốc giới khu vực được phép khai thác; tiền đóng thuế tài nguyên, phí môi trường; việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản; bản đồ hiện trạng mỏ, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác; báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, sản lượng khoáng sản đã khai thác, khối lượng còn lại (nguyên khối) từ khi cấp phép đến thời điểm báo cáo…

Đặc biệt, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc lắp đặt trạm cân và hệ thống camera giám sát tại các kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; việc tuân thủ các quy định của giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước được cấp…

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2023, trong đó có nội dung thanh tra việc cấp phép hoạt động khoáng sản không thông qua đấu giá và việc tính tiền khai thác khoáng sản; việc chấp hành giấy phép hoạt động khoáng sản và cải tạo phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ khoáng sản tại tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 29/5/2023, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan để phục vụ công tác thanh tra. Đến ngày 26/6/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp hồ sơ, tài liệu. Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hồ sơ, tài liệu Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp chưa đầy đủ theo yêu cầu. Vì thế, cơ quan này đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp lại hồ sơ, tài liệu.

Cơ bản hoàn thành tái định cư vùng Dự án sân bay Long Thành

Ngày 27/9, UBND huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cho biết, đến nay, ngành chức năng huyện Long Thành đã cơ bản hoàn thành xét duyệt, bố trí tái định cư cho người dân vùng Dự án sân bay Long Thành.

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn

Theo đó, để triển khai Dự án sân bay Long Thành, Nhà nước phải thu hồi 5.000 ha đất của nhiều tổ chức và gần 5.600 hộ (hơn 7.200 trường hợp). Ngành chức năng đã xét hồ sơ tái định cư cho hơn 5.500 hộ, trong đó có khoảng 4.500 hộ đủ tiêu chuẩn, được cấp đất tái định cư; số còn lại (trên 1.000 hộ) không đủ điều kiện tái định cư. Hiện nay, chỉ còn vài chục hộ đang tiếp tục được xét duyệt, dự kiến đến đầu tháng 10 huyện Long Thành sẽ hoàn thành công tác tái định cư cho toàn bộ người dân vùng Dự án. Sau khi được cấp đất, đã có hơn 1.600 hộ xây nhà, chuyển đến Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (phục vụ sân bay Long Thành) sinh sống.

Để tạo sinh kế ổn định cho người dân khi đến nơi ở mới, huyện Long Thành đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm, đào tạo nghề.

Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, sân bay Long Thành là dự án đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ, việc thu hồi đất, bố trí tái định cư tại Dự án gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2005, Chính phủ phê duyệt quy hoạch sân bay Long Thành, đến cuối năm 2018 (sau hơn 13 năm) ngành chức năng mới ban hành thông báo thu hồi đất. Do sống trong vùng quy hoạch Dự án quá lâu nên nhiều người không thể tách thửa đất, phải sang nhượng, cho tặng đất bằng giấy viết tay, trong gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống. Điều này dẫn đến số trường hợp tái định cư hộ phụ tăng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kiểm toán bảo hiểm nhân thọ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị có chuyên đề riêng kiểm toán thị trường bảo hiểm nhân thọ, báo cáo lĩnh vực bất động sản, nhà ở xã hội, chung cư mini.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kiểm toán bảo hiểm nhân thọ. Ảnh minh họa

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kiểm toán bảo hiểm nhân thọ. Ảnh minh họa

Nội dung này được nêu tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo công tác 2023, dự kiến kế hoạch kiểm toán 2024 của Kiểm toán Nhà nước.

Theo đó, mục tiêu kiểm toán năm sau là đánh giá thị trường đất đai, tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản để dự báo các vấn đề rủi ro kinh tế vĩ mô. Các cuộc kiểm toán trong lĩnh vực tài chính cần làm rõ lý do vì sao tín dụng ngân hàng tăng chậm, nợ xấu tăng, tình hình chậm trả nợ vay trái phiếu đáo hạn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị có một chuyên đề riêng kiểm toán về thị trường bảo hiểm nhân thọ hoặc thông qua kiểm toán các tổ chức tín dụng và bảo hiểm để nêu rõ thực trạng thị trường này, xác định "có hay không bắt tay giữa ngân hàng, bảo hiểm".

Đề nghị của cơ quan Quốc hội nêu trong bối cảnh gần đây có nhiều vụ việc phản ánh, kiện của người mua bảo hiểm nhân thọ với các công ty bán sản phẩm này, khiến người mua bất an.

Trước đó, thảo luận tại Quốc hội hồi tháng 6, nhiều đại biểu cũng nêu các bất cập trên thị trường bảo hiểm, nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, và đặt câu hỏi có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, lừa dối khách hàng.

Sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trước nay được các hãng bảo hiểm quảng cáo là có ý nghĩa bảo vệ rủi ro và có thêm quyền lợi đầu tư sinh lời. Nhưng trên thực tế, khoản phí bảo hiểm của khách hàng sẽ bị trừ rất nhiều chi phí, trước khi được phân bổ vào quỹ liên kết đầu tư.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước được yêu cầu bổ sung kế hoạch kiểm toán, báo cáo lĩnh vực bất động sản, nhà ở xã hội, chung cư mini, phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm, đào tạo lái xe. Những bất cập, hạn chế lĩnh vực điện và giá điện, chậm giải ngân vốn đầu tư công... cũng là những vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra với Kiểm toán Nhà nước.

Hà Nội còn hàng chục nghìn vụ vi phạm thủy lợi chưa xử lý

Thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Thành phố phát sinh 196 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi. Tính đến nay, các địa phương mới xử lý được 75 vụ; trong đó, có 30 vụ việc phát sinh trong năm 2023 và 45 vụ tồn từ trước năm 2023.

Hà Nội còn hàng chục nghìn vụ vi phạm thủy lợi chưa xử lý. Ảnh minh họa

Hà Nội còn hàng chục nghìn vụ vi phạm thủy lợi chưa xử lý. Ảnh minh họa

Như vậy, đến thời điểm này, các địa phương chưa xử lý 166 vụ xảy ra trong năm 2023, nâng tổng số vụ tồn đọng từ trước đến nay là 12.335 vụ.

Địa phương để phát sinh nhiều vụ vi phạm là huyện Thường Tín với 51 vụ, huyện Phú Xuyên 49 vụ, huyện Sóc Sơn 40 vụ, huyện Chương Mỹ 27 vụ, huyện Ứng Hòa 21 vụ...

Hành vi vi phạm chủ yếu là cắm kè tre, cọc bê tông, đổ đất lấn chiếm dòng chảy để làm lều quán, chuồng trại chăn nuôi; tự ý làm cầu giao thông qua sông, kênh mương; cắm đăng đó, dựng vó bè, quây lưới chăn nuôi vịt trên sông... Những hành vi trên không chỉ làm co hẹp mặt cắt kênh, sông, cản trở dòng chảy ảnh hưởng đến năng lực dẫn, thoát nước mà còn gây khó khăn cho quản lý của doanh nghiệp thủy lợi mỗi khi nạo vét, tu bổ kênh mương...

Mặc dù các cấp, ngành, đơn vị quản lý công trình thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung xử lý, có biện pháp ngăn ngừa vi phạm nhưng vẫn để xảy ra nhiều vụ vi phạm và chưa xử lý dứt điểm. Theo đại diện đơn vị quản lý, khai thác công trình, do không có thẩm quyền xử lý nên khi phát hiện sự việc, đơn vị đã phối hợp với các xã lập biên bản, thiết lập hồ sơ, đề nghị các cấp xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Thế nhưng, các địa phương chưa quyết liệt, khiến nhiều vi phạm chậm xử lý, tồn đọng.

Nhựa Rạng Đông thua kiện Sojitz, bồi thường hơn 178 tỷ đồng

Rạng Đông Holding phải bồi thường 157 tỷ đồng và trả 21 tỷ đồng các chi phí kèm lãi vì thua kiện Sojitz Planet - đơn vị từng là đối tác chiến lược của họ.

Dây chuyền sản xuất nhựa trong dẻo PVC của Rạng Đông Holding

Dây chuyền sản xuất nhựa trong dẻo PVC của Rạng Đông Holding

Công ty CP Rạng Đông Holding (RDP) vừa công bố thông tin bất thường về kết quả vụ tranh chấp với Sojitz Planet Corporation (thuộc Tập đoàn Sojitz - Nhật Bản).

Theo đó, RDP phải bồi thường thiệt hại cho Sojitz Planet Corporation khoảng 156,9 tỷ đồng cùng khoản lãi 10% một năm tính từ ngày 1/4/2020 đến ngày thanh toán. Bên cạnh đó, Công ty còn phải trả các loại phí của SIAC hơn 370.000 SGD, chi phí pháp lý và các chi phí hợp lý khác gồm 586.000 USD và hơn 7.400 SGD cho doanh nghiệp Nhật. Các loại phí kể trên tương đương hơn 21 tỷ đồng và chịu lãi suất 5,33% một năm.

Tổng cộng, Rạng Đông phải trả khoảng 178 tỷ đồng, chưa gồm lãi suất. Đây là hệ quả pháp lý sau khi Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM công nhận và cho thi hành phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) về tranh chấp hợp đồng mua bán cổ phần giữa RDP với cổ đông đến từ Nhật Bản.

Sojitz Planet hợp tác từ năm 2016 và là cổ đông chiến lược của RDP từ năm 2017. Tháng 9/2017, Sojitz ký hợp đồng mua 5 triệu cổ phần thông thường, đã phát hành và thanh toán đầy đủ tiền mua cổ phần tại Công ty Nhựa Rạng Đông Long An từ RDP với giá mua hơn 174 tỷ đồng. Từ đây, các tranh chấp nổ ra.

Sau khi chuyển nhượng cổ phần nêu trên, Rạng Đông vi phạm một số nghĩa vụ sau chuyển nhượng. Do đó, Sojitz chấm dứt hợp đồng và yêu cầu doanh nghiệp này hoàn trả 90% giá mua cổ phần đã thanh toán, tương đương gần 157 tỷ đồng. Tuy nhiên, RDP không hoàn trả và Sojitz khởi kiện lên SIAC.

Tháng 7/2022, SIAC ra quyết định Sojitz thắng kiện. Sau đó, doanh nghiệp Nhật gửi văn bản yêu cầu Rạng Đông thanh toán tổng cộng 178 tỷ đồng kể trên cùng lãi suất, nhưng không được đáp ứng. Sojitz tiếp tục kiện ra Tòa án Nhân dân TP.HCM để yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của SIAC.

Sau phiên sơ thẩm, Tòa án Nhân dân TP.HCM quyết định không công nhận phán quyết trọng tài của SIAC. Phía Sojitz kháng cáo lên Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM.

Sau phiên phúc thẩm, Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết trọng tài của SIAC.

Tin cùng chuyên mục