Khan hiếm vé tàu Tết Nguyên đán 2023 về miền Trung
Sau một tuần mở bán vé Tết Nguyên đán 2023, nhiều đoàn tàu ở một số chặng đi miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế... đã kín chỗ khiến nhiều người không thể đặt mua.
Khách mua vé tàu Tết Nguyên đán 2023 tại ga Sài Gòn |
Tính đến sáng 2/11, trong hơn 176.000 vé tàu được ngành đường sắt cung ứng dịp Tết Nguyên đán 2023 đã có khoảng 72.000 chỗ khách mua, cả trước và sau Tết. Trong đó, vé đã bán phần lớn theo chiều từ Nam ra Bắc ở thời gian trước Tết. So với năm ngoái, lượng vé tàu Tết năm nay bán ra nhanh hơn, nhiều chặng từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế... đã kín chỗ những ngày cao điểm.
Trên website bán vé của ngành đường sắt, chặng từ TP.HCM về nhiều tỉnh miền Trung những ngày cao điểm trước Tết 24 - 29/12 Âm lịch (15 - 20/1/2023) gần như đều kín chỗ. Trong khi những tuyến dài hơn như về Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, vẫn còn nhiều ghế trống.
Ông Thái Văn Truyền, Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, vé tàu Tết các chặng về miền Trung thường có nhu cầu lớn, trong khi thời gian đầu đường sắt chủ yếu bán trước các vé đi tỉnh xa, sau đó mới cắt dần bán chặng ngắn nên nhiều người chưa mua được. Công ty đang rà soát lại để tính toán chạy thêm tàu từ TP.HCM về Đà Nẵng, Quảng Ngãi... khi khách tăng cao.
Yêu cầu xử lý dứt điểm bất cập tại hệ thống thu phí tự động không dừng
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án (QLDA) 2, Công ty CP Giao thông số Việt Nam, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC về việc hoàn thiện hệ thống thu phí điện tử không dừng.
Bộ GTVT yêu cầu xử lý dứt điểm bất cập tại hệ thống thu phí tự động không dừng |
Theo ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, để bảo đảm việc triển khai dự án thu phí tự động không dừng tuân thủ các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã giao các cơ quan đơn vị có liên quan chủ động tổ chức rà soát, kiểm tra toàn bộ quá trình triển khai thực hiện dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, tổ chức thực hiện đến vận hành hệ thống.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra rà soát, Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện, có giải pháp khắc phục các tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện, tuy nhiên tiến độ triển khai rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Nhằm sớm hoàn thiện trình tự, thủ tục, kịp thời khắc phục các tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai dự án phục vụ công tác hậu kiểm, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA 2, các nhà cung cấp dịch vụ và các cơ quan đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ, lưu ý tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến việc tận dụng thiết bị, điều chỉnh dự toán, phương án tài chính của dự án bảo đảm hoàn thành trước ngày 10/11/2022.
Lùi thời gian hoàn thành cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tuyến chính cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị - Thừa Thiên Huế) được Bộ Giao thông vận tải lùi mốc hoàn thành đến ngày 30/11, chậm một tháng so với kế hoạch.
Cầu vượt dài gần một km với 20 nhịp đi qua phường Hương Hồ, TP. Huế |
Ngoài tuyến chính, Bộ Giao thông vận tải còn cho phép Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư) điều chỉnh mốc hoàn thành nút giao, đường gom, đường ngang và hoàn trả đường công vụ cho địa phương. Dự kiến các hạng mục này hoàn thành vào quý I/2023, kế hoạch ban đầu là 30/10/2022.
Ban Quản lý dự án được yêu cầu làm rõ các nguyên nhân phải gia hạn tiến độ và trách nhiệm của bên liên quan tại từng gói thầu.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, bão Sơn Ca, Nesat đã gây mưa lớn kéo dài 33 ngày trong 60 ngày thi công. Mưa xong, nhà thầu mất 2 - 3 ngày để nền đường khô ráo mới có thể thảm bê tông nhựa. Hiện còn khoảng 26 km bê tông nhựa các lớp và một số hạng mục an toàn giao thông tuyến chính, đường gom, đường ngang, nút giao chưa hoàn thành.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã kiến nghị gia hạn tiến độ hoàn thành toàn Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến hết quý I/2023. Trong đó, tuyến chính gia hạn đến ngày 30/11; nút giao, đường gom, đường ngang đến 31/12; hoàn trả các đường công vụ mượn của địa phương trước 31/3/2023.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn là một trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, dài 98 km. Dự án có tổng mức đầu tư 6.675 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Khởi công vào năm 2019, theo kế hoạch Dự án thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào tháng 10/2022.
Giai đoạn đầu, Dự án được đầu tư 2 làn xe, nền đường 12 m, riêng các đoạn vượt quy mô 4 làn xe, nền đường 23 m. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc này sẽ có 4 làn xe, nền đường rộng 23 m.
Đà Nẵng phục hồi Lễ hội Pháo hoa quốc tế
Chiều 2/11, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng Phạm Tấn Xử cho biết, UBND Thành phố đã có văn bản mời doanh nghiệp tham gia tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 (DIFF 2023) sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19.
DIFF tổ chức thường niên bên sông Hàn, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Đà Nẵng |
Cụ thể, ngày 2/11, UBND TP. Đà Nẵng đã có công văn mời doanh nghiệp tham gia tổ chức DIFF 2023 dự kiến diễn ra từ ngày 3/6 - 8/7/2023 với 7 đội quốc tế và 1 đội của Đà Nẵng. DIFF 2023 diễn trong 5 đêm (4 đêm thi vòng loại và 1 đêm chung kết).
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (Danang International Fireworks Festival, viết tắt - DIFF) tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008. Tháng 6/2016, DIFF được UBND TP. Đà Nẵng chính thức giao Tập đoàn Sun Group liên tục đăng cai tổ chức. DIFF được tổ chức thường niên bên dòng sông Hàn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành “Điểm đến sự kiện - lễ hội hàng đầu châu Á”.
570 tỷ đồng xây cầu nối Bình Dương và TP.HCM
Cầu Bình Gởi dài gần một km, rộng 20 m, 4 làn xe, tổng mức đầu tư 570 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý II năm 2023 giúp kết nối Bình Dương và TP.HCM.
Sông Sài Gòn, đoạn qua TP. Thuận An |
Thông tin được Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Thuận cho biết. Cầu Bình Gởi nối TP. Thuận An với Quận 12, thuộc Dự án thành phần 5 của Vành đai 3 TP.HCM do tỉnh Bình Dương thực hiện. Đây là cây cầu thứ ba bắc qua sông Sài Gòn, nối hai địa phương này, sau cầu Phú Cường và Phú Long.
Vành đai 3 đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 4 đoạn lớn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 - Bến Lức. Đây được xem là trục giao thông chiến lược, tạo hành lang đô thị, công nghiệp cho 4 địa phương và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc Bình Dương) dài 16 km đã đầu tư hoàn thành.
Phần còn lại của Vành đai 3 dài hơn 76 km đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư hồi tháng 6 với tổng vốn hơn 75.000 tỷ đồng với 8 dự án thành phần. Tuyến đường dự kiến khởi công giữa năm 2023, hoàn thành sau 3 năm. Riêng đoạn qua Bình Dương (thành phần 5 và 6) gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi sẽ khởi công tháng 4 năm 2023 với tổng số vốn hơn 19.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 13.500 tỷ đồng.
Ngoài cầu Bình Gởi, dự án Vành đai 3 còn có cầu Nhơn Trạch, nối TP.HCM và Đồng Nai dài 2,6 km, rộng 19,5 m, kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng.
Shopee, Tiki, Lazada không phải nộp thuế thay người bán
Các sàn thương mại điện tử phải cung cấp cho cơ quan thuế thông tin, doanh thu bán hàng của người bán, thay vì phải nộp thuế thay họ.
Shopee, Tiki, Lazada không phải nộp thuế thay người bán |
Nội dung này được nêu tại Nghị định 91/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 126 quy định chi tiết Luật Quản lý thuế vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin người bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn, gồm tên người bán; mã số thuế, mã số định danh cá nhân; địa chỉ, điện thoại; doanh thu qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.
Các sàn thương mại điện tử phải cung cấp thông tin định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu cơ quan này công bố.
Như vậy, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada... sẽ không phải nộp thuế thay người bán như dự kiến đưa ra trước đây.
Từ năm ngoái, Bộ Tài chính nêu phương án tất cả sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay người bán để tránh thất thu thuế, song nhận được nhiều ý kiến phản biện từ giới trong ngành.
Hiệp hội thương mại điện tử từng phản biện đề xuất này do lo ngại chủ sở hữu sàn thương mại điện tử không đủ năng lực để khai và nộp thuế thay cho người bán.
Sàn thương mại điện tử phát triển mạnh thời gian qua, với khoảng 100 sàn đang hoạt động, số cá nhân kinh doanh trên sàn lên tới hàng trăm nghìn người. Tổng cục Thuế kiểm tra thực tế tại ba sàn thương mại điện tử lớn cho thấy, năm 2020, Shopee có khoảng 210.000 cá nhân kinh doanh, Tiki có hơn 8.800 cá nhân kinh doanh, Voso có hơn 3.210 người...
Đề xuất huy động 1,1 triệu tỷ đồng xây 1,4 triệu căn nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề xuất các đơn vị tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động khoảng 1,13 triệu tỷ đồng để xây 1,4 triệu căn nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, đến năm 2030.
Khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM |
Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Đề án đặt mục tiêu, giai đoạn 2022 - 2025, cả nước sẽ xây 571.000 căn và 2026 - 2030 là 845.500 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Các bộ ngành, địa phương cân đối vốn ngân sách để hỗ trợ mục tiêu này. Những thành phố lớn sẽ tập trung phát triển nhà xã hội gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng...
Hiện nay, toàn quốc đã hoàn thành hơn 300 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô 155.800 căn; 400 dự án đang triển khai, quy mô 454.000 căn.
Riêng nhà ở xã hội khu vực đô thị, đã có 175 dự án với 93.000 căn; đang triển khai 274 dự án, với 293.000 căn. Có 126 dự án nhà ở công nhân với 62.700 căn; đang xây dựng 127 dự án với 160.900 căn. Dự báo từ nay đến năm 2030, cả nước cần khoảng 2,4 triệu căn nhà ở xã hội, nhà công nhân.
Theo Bộ Xây dựng, việc xây dựng nhà ở xã hội đang có nhiều bất cập. Một số địa phương chưa quan tâm xây dựng, chưa xác định rõ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp…
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 cả nước xây được 1,4 triệu căn nhà xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Thuế... Nội dung sửa đổi là cơ chế, chính sách cho người thu nhập thấp, trong đó quy định cụ thể nhóm được hưởng chính sách nhà ở xã hội; quy hoạch dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư; cơ chế ưu đãi của nhà nước.
Quảng Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương năm 2030
Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính với 13 đô thị, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Một khu đô thị ở phường Hùng Thắng, TP.Hạ Long |
Ngày 2/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa họp nghe và cho ý kiến về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030.
Đến nay, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành chương trình nâng cấp đô thị theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020. Toàn Tỉnh hiện có 13 đô thị: 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 3 đô thị loại IV, 4 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 67,5%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, cao hơn so với trung bình các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cao hơn so với trung bình cả nước.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị.
Đặc biệt, đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính với 13 đô thị, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất với các mục tiêu đến năm 2025, 2030 và các lộ trình để nâng cấp đô thị, lộ trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện được đề cập trong Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030.
Quảng Ninh hiện có 13 đơn vị cấp huyện, trong đó có 4 thành phố: Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả và 2 thị xã: Đông Triều, Quảng Yên.
Lần thứ ba yêu cầu điều tra lại vụ cựu Cục phó Trần Hùng nhận hối lộ
VKSND Tối cao yêu cầu điều tra lại vụ ông Trần Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội, bị cáo buộc nhận 300 triệu đồng khi bao che sản xuất sách giáo khoa giả.
Ông Trần Hùng khi bị bắt |
Đây là lần thứ ba VKS trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra bổ sung, làm rõ thêm một số tình tiết. Trước đó, đầu tháng 8, VKS đã ra cáo trạng, chuyển hồ sơ truy tố các bị can trong vụ án sang TAND Hà Nội. Tuy nhiên toà đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại.
Trong vụ án này, ông Trần Hùng bị truy tố về tội Nhận hối lộ. Ông Hùng trước khi bị bắt là Cục phó Quản lý thị trường Hà Nội, Tổ trưởng 304 thuộc Tổng cục trưởng Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.
Cùng vụ án, Nguyễn Duy Hải, lao động tự do, bị truy tố về tội Môi giới hối lộ. Bị can Lê Việt Phương, cựu Đội phó Quản lý thị trường số 17 Hà Nội, cùng hai cấp dưới Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát cùng 28 người bị truy tố về tội Sản xuất, mua bán hàng giả.
Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội quản lý thị trường số 17 kiểm tra, thu hơn 27.300 quyển sách giáo khoa do không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc...
Nhận 300 triệu đồng của Thuận thông qua trung gian, Hải cầm 300 triệu đồng đựng trong túi nilon màu đen đến phòng làm việc Cục phó Hùng. Tại đây, Hải gọi điện thoại cho Thuận để nói chuyện trực tiếp với ông Hùng, nghe cụ thể hướng dẫn về cách khai báo.
Nhà chức trách cáo buộc, ngoài việc hướng dẫn bà Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, ông Hùng còn gọi điện thoại chỉ đạo Lê Việt Phương "tạo điều kiện giúp đỡ Thuận" theo hướng xử lý hành chính.
Quá trình điều tra, ông Hùng không thừa nhận hành vi. Cơ quan điều tra cho hay căn cứ lời khai của Hải cùng nhiều dữ liệu điện thoại và lời khai của những người khác "đủ cơ sở chứng minh ông Hùng đã nhận 300 triệu đồng" của bà Thuận, thông qua Hải.