Bản tin thời sự sáng 3/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thi tuyển phương án kiến trúc cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng; hơn 500 chung cư ở TP.HCM vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy; thông qua đề án thu phí tham quan Cao nguyên đá Đồng Văn; phạt 307 triệu đồng doanh nghiệp lấy cát xây cao tốc sai quy định…

Thi tuyển phương án kiến trúc cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng

Nằm trong danh sách 10 cầu bắc qua sông Hồng được thực hiện giai đoạn 2015 - 2030, cầu Thượng Cát có kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 8.300 tỷ đồng.

Hà Nội sắp thi tuyển phương án kiến trúc cầu Thượng Cát. Ảnh minh họa

Hà Nội sắp thi tuyển phương án kiến trúc cầu Thượng Cát. Ảnh minh họa

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh.

Đây là dự án giao thông huyết mạch khu vực Tây Bắc Thủ đô Hà Nội nối quận Bắc Từ Liêm sang huyện Đông Anh. Cầu được thiết kế 8 làn xe, chiều dài 820 m, chiều rộng 33 m.

Đối tượng dự thi phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát là các cá nhân, tổ chức tư vấn thiết kế trên khắp cả nước, có đủ năng lực chuyên môn, hành nghề theo quy định pháp luật hiện hành và tự nguyện tham gia.

Việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát giúp đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong việc đầu tư toàn tuyến đường Vành đai 3,5.

Đồng thời, góp phần kết nối liên thông đại lộ Thăng Long và quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh và các địa phương khu vực phía Bắc sông Hồng.

Hơn 500 chung cư ở TP.HCM vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy

Trong số 531 chung cư tồn tại vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) có 249 trường hợp có hệ thống PCCC không hoạt động hoặc hoạt động không đảm bảo.

Một căn hộ chung cư ở quận 6 xảy ra cháy hồi tháng 1/2023

Một căn hộ chung cư ở quận 6 xảy ra cháy hồi tháng 1/2023

Đây là con số được Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM đưa ra tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 và Chỉ thị số 04 của UBND TP.HCM về tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), sáng 2/11.

Đại tá Tâm cho biết, qua khảo sát, đánh giá 1.049 cơ sở nhà chung cư theo hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, lực lượng chức năng phát hiện 531 nhà chung cư tồn tại nhiều vi phạm trong quá trình hoạt động.

Cụ thể, 95 trường hợp không đảm bảo về giao thông phục vụ chữa cháy; 120 trường hợp không đảm bảo giải pháp ngăn cháy; 188 trường hợp không đảm bảo điều kiện thoát nạn; 249 trường hợp có hệ thống PCCC không hoạt động hoặc hoạt động không đảm bảo và 121 trường hợp vi phạm khác.

Chung cư vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động là 24 cơ sở, trong đó cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các bộ phận hoặc toàn bộ nhà chung cư là 14 cơ sở.

Đại tá Tâm cũng cho biết, trong 5 năm qua, TP.HCM xảy ra 1.532 vụ cháy, làm chết 80 người, bị thương 171 người, thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 85,36 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố còn xảy ra 2.142 vụ cháy thuộc diện không phải thống kê, trong đó, có trên 1.500 vụ cháy cỏ, rác, phế liệu và khoảng gần 600 vụ chạm chập tại các trụ điện, cháy tại các nhà ở riêng lẻ, được xử lý kịp thời không để xảy ra thiệt hại về tài sản.

Trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 1,6 triệu nhà ở hộ gia đình, gần 80.000 nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, trong đó, có hơn 50.000 nhà ở kết hợp kinh doanh từ 2 tầng trở lên.

Thông qua đề án thu phí tham quan Cao nguyên đá Đồng Văn

Theo ước tính, năm 2024, lượng khách tham quan Cao nguyên đá Đồng Văn đạt khoảng 1,8 triệu lượt, việc thu phí tham quan với mức thu 30.000 đồng/khách sẽ mang lại cho tỉnh Hà Giang hơn 48 tỷ đồng.

Cao nguyên đá Đồng Văn có trên 70% diện tích đá vôi lộ diện
Cao nguyên đá Đồng Văn có trên 70% diện tích đá vôi lộ diện

UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 2131/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn với mức thu 30.000 đồng/một người lớn/một đêm lưu trú; trẻ em là 15.000 đồng/người.

Theo đề án này, Hà Giang sẽ thu phí tập trung một lần với hình thức thu phí trên đầu người lưu trú qua đêm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ở 4 huyện Cao nguyên đá gồm Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc và Quản Bạ.

Đối tượng thu phí là khách du lịch đến Cao nguyên đá Đồng Văn, bao gồm tất cả các loại hình du lịch như thăm thân, công vụ, chữa bệnh, du lịch kết hợp kinh doanh, du lịch kết hợp nghiên cứu học tập, tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng, khám phá, thể thao, tôn giáo, lễ hội...

Một số đối tượng được miễn phí 100% như Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người khuyết tật, người trên 70 tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi. Một số khác được miễn 50% như cựu chiến binh, trẻ từ 6 - 15 tuổi.

Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn được thành lập vào tháng 9/2009, gồm 4 huyện là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang với tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.356 km2.

Năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất UNESCO đầu tiên ở Việt Nam.

Phạt 307 triệu đồng doanh nghiệp lấy cát xây cao tốc sai quy định

Tổng công ty Xây dựng số 1 vừa bị UBND tỉnh Phú Yên phạt 307 triệu đồng do khai thác cát lòng sông phục vụ cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong không đúng quy định.

Một đoạn cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong

Một đoạn cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong

Đơn vị này được chính quyền cấp phép khai thác tại mỏ cát sông Đà Rằng, đoạn qua huyện Phú Hoà cung cấp cho Dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong. Tuy nhiên ngành chức năng xác định doanh nghiệp đã lấy cát lòng sông vượt ranh giới từ 100 - 200 m; thiết bị khai thác vượt số lượng cho phép; không có giám đốc điều hành mỏ; để mất mốc ở khu vực khai thác.

Trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm nhận quyết định xử phạt, Tổng công ty Xây dựng số 1 phải cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác vượt phạm vi cho phép; chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc.

Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, dài hơn 48 km, điểm đầu tuyến ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, điểm cuối nối Quốc lộ 1 tại thị xã Đông Hòa, tổng mức đầu tư hơn 10.700 tỷ đồng.

Dự án được chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) khởi công hồi tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Giai đoạn một, Dự án làm 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc 80 km/h; xây 32 cầu, một hầm dài hơn 1 km, cùng hệ thống đường gom, điện, thoát nước...

Nhà máy xử lý nước thải lớn nhất TP.HCM hoàn thành mở rộng

Với công suất 469.000 m3, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, huyện Bình Chánh thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho lưu vực hơn 2.100 ha, khoảng 2 triệu người.

Một phần nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng

Một phần nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng

Ngày 2/11, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Chủ đầu tư) cho biết đang chờ làm thủ tục liên quan cấp phép môi trường để bàn giao Nhà máy cho đơn vị vận hành.

Nhà máy Bình Hưng có thể xử lý 469.000 m3 nước thải mỗi ngày đêm, tăng 328.000 m3 so với giai đoạn một. Đây cũng là nhà máy có công suất lớn nhất TP.HCM hiện nay, do công trình xử lý nước thải khác là Nhiêu Lộc - Thị Nghè, xây ở TP. Thủ Đức, có quy mô lớn hơn đang thi công.

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng là Gói thầu J - 1 trong 6 gói thầu xây lắp lớn của Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2), tổng mức đầu tư gần 11.300 tỷ đồng từ vốn vay ODA Nhật Bản và nguồn đối ứng trong nước. Gói thầu này được triển khai nhằm thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho lưu vực hơn 2.100 ha, thuộc các quận 4, 5, 6, 8, 10 và 11.

Nước thải ban đầu được thu gom ở toàn bộ lưu vực trên, sau đó theo hệ thống cống bao thuộc Gói thầu G của Dự án, rồi đưa về trạm bơm Đồng Diều ở Quận 8. Tại trạm này, nước thải sẽ được loại bỏ sơ bộ cát, rác, rồi bơm qua tuyến cống chuyển tải dài khoảng 2,8 km về nhà máy Bình Hưng xử lý, trước khi thải ra môi trường. Thông qua xử lý nước thải, Nhà máy giúp giảm ô nhiễm lưu vực các kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ.

Theo ông Phúc, hiện tất cả hạng mục thi công mở rộng Nhà máy Bình Hưng giai đoạn 2 đã hoàn tất. Tuy nhiên, công trình còn chờ làm một số thủ tục cấp phép xả thải, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, Thành phố đề nghị cho tích hợp chung cả hai giai đoạn của dự án nhằm quản lý, vận hành đồng bộ. Các thủ tục này dự kiến 1 - 2 tháng nữa hoàn thành để bàn giao cho đơn vị vận hành.

Lào Cai bắt đầu thí điểm vận chuyển 2 chiều trên 1 phương tiện thông quan

Bắt đầu từ đầu tháng 11, cặp cửa khẩu Kim Thành - Bắc Sơn, kết nối giao thương giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) với huyện Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc).

Cửa khẩu Kim Thành II tấp nập xe xuất, nhập khẩu

Cửa khẩu Kim Thành II tấp nập xe xuất, nhập khẩu

Việc thí điểm được thống nhất sau Hội đàm giữa Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai và Ban Quản lý khu kinh tế huyện Hà Khẩu vào ngày 25/10 vừa qua về tiến hành thí điểm vận chuyển 2 chiều trên 1 phương tiện thông quan đối với mặt hàng nông sản tươi sống.

Theo ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh Lào Cai, việc thí điểm sẽ giúp tận dụng tối đa năng lực vận chuyển của các phương tiện để cả chiều đi và chiều về đều có hàng, thay vì chỉ chở một chiều và quay đầu với thùng rỗng như trước kia.

Cùng với đẩy mạnh xây dựng cửa khẩu số, việc thí điểm cho phương tiện vận chuyển hàng hóa 2 chiều thể hiện nỗ lực của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương nhằm kiến tạo môi trường hanh thông trong xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm thiểu quá tải, ùn tắc.

Tuy nhiên, nhiều tháng nay, lượng phương tiện xuất nhập khẩu qua lại Lào Cai vẫn khá thưa thớt, hiện tại duy trì ở mức bình quân khoảng 400 xe/ngày, chỉ bằng hơn một nửa thời kì cao điểm trước đại dịch Covid-19.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu của Lào Cai trong tháng 10 ước đạt 213 triệu USD, giảm hơn 5% so với tháng 9/2023; lũy kế từ đầu năm đạt gần 1,8 triệu USD, chỉ bằng khoảng 35% so với kế hoạch năm.

Chênh lệch xe hai chiều xuất và nhập ở Lào Cai cũng đang rất lớn. Mỗi ngày có khoảng 50 - 80 xe hàng xuất khẩu nhưng có tới 320 - 350 xe hàng nhập khẩu.

Sở VH&TT Hà Nội kiến nghị không tổ chức giải chạy đêm quanh hồ Hoàn Kiếm

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa kiến nghị UBND Thành phố không tổ chức giải chạy đêm quanh hồ Hoàn Kiếm hay các hoạt động hội chợ, âm nhạc sử dụng loa công suất lớn, gian hàng ăn nhanh...

Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận được TP. Hà Nội tổ chức từ nhiều năm nay

Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận được TP. Hà Nội tổ chức từ nhiều năm nay

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND Thành phố báo cáo về việc tăng cường quản lý tổ chức các sự kiện tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Theo đó, năm 2023, hoạt động tổ chức các sự kiện tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận diễn ra khá sôi động với mật độ, số lượng ngày càng tăng, đặc biệt vào những tháng cuối năm.

Ngành văn hóa ước tính có khoảng 170 sự kiện được tổ chức tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Trong đó có 31 chương trình biểu diễn nghệ thuật; 33 sự kiện thể thao, điển hình với quy mô lớn; 13 sự kiện quốc tế do các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam tổ chức và do thành phố phối hợp tổ chức.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, một số sự kiện vẫn xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, làm mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, giao thông trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Một số chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn chưa tuân thủ việc đảm bảo âm lượng phù hợp, bật loa công suất lớn dẫn đến tình trạng xung đột âm thanh, gây tiếng ồn và ảnh hưởng đến không gian đi bộ, cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực lân cận.

Trước mắt, Sở kiến nghị dừng cho phép thực hiện tổ chức các hoạt động trưng bày, quảng cáo, hội chợ bán về các mặt hàng, sản phẩm tiêu dùng phục vụ dân sinh trên không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Kiến nghị không xem xét, chấp thuận các chương trình như giải chạy tổ chức vào ban đêm (trước 5h sáng); các gian hàng sử dụng loa công suất lớn trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận;...