Bản tin thời sự sáng 3/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là mời thầu lần hai xây nhà ga sân bay Long Thành; cổ phiếu Vietnam Airlines lại bị cảnh báo hủy niêm yết; 6 thương nhân phân phối xăng dầu chính thức bị thu hồi giấy phép; đề xuất hạn chế xe tải trọng lớn qua lối mở đường sắt; giá thép vượt 16 triệu đồng một tấn…

Mời thầu lần hai xây nhà ga sân bay Long Thành

Chủ đầu tư sân bay Long Thành đã mời thầu lần hai gói thầu xây nhà ga sân bay trị giá hơn 35.230 tỷ đồng, đặt mục tiêu hoàn thành lựa chọn nhà thầu trước 30/4.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng đầu tư khái toán 336.630 tỷ đồng

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng đầu tư khái toán 336.630 tỷ đồng

Ngày 2/2, ông Đỗ Tất Bình - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư sân bay Long Thành) cho biết, Gói thầu số 5.10 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách, bao gồm việc thiết kế bản vẽ và thi công, lắp đặt thiết bị được mời thầu từ ngày 20/1 - 28/3.

Tuần tới, ACV sẽ tổ chức hội nghị tiền đấu thầu để thăm dò, ghi nhận ý kiến các nhà thầu có quan tâm. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, ACV sẽ tổ chức chấm thầu, lựa chọn nhà thầu và đàm phán hợp đồng trước 30/4, sau đó sẽ thi công.

Gói thầu trị giá hơn 35.230 tỷ đồng này từng được ACV mời đấu thầu lần đầu vào tháng 9/2022, nhưng chỉ có một liên danh nhà thầu tham gia và không đạt yêu cầu nên phải hủy thầu.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng đầu tư khái toán 336.630 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm. Giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm.

Cổ phiếu Vietnam Airlines lại bị cảnh báo hủy niêm yết

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa tiếp tục cảnh báo nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu HVN nếu lãi sau thuế công ty mẹ âm tại báo cáo kiểm toán 2022.

HoSE vừa tiếp tục cảnh báo nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu Vietnam Airlines

HoSE vừa tiếp tục cảnh báo nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu Vietnam Airlines

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 10.450 tỷ đồng. Đến hết 31/12, lợi nhuận luỹ kế của cổ đông công ty mẹ âm xấp xỉ 34.200 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này âm 10.199 tỷ đồng.

Căn cứ theo Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị huỷ niêm yết trong các trường hợp gồm: lỗ 3 năm liền hoặc tổng lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Do vậy, HoSE lưu ý Vietnam Airlines về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN nếu tại Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.

6 thương nhân phân phối xăng dầu chính thức bị thu hồi giấy phép

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của 6 thương nhân.

Một trong những thương nhân phân phối xăng dầu vừa bị thu hồi giấy phép hoạt động

Một trong những thương nhân phân phối xăng dầu vừa bị thu hồi giấy phép hoạt động

Các thương nhân bị thu hồi bao gồm: Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng, Công ty CP Thương mại dầu khí Đại Long, Công ty TNHH Thương mại xây dựng và vận tải Quảng Hà, Công ty CP Xăng dầu An Hữu Trà Vinh, Công ty CP Dầu khí Rồng Vàng, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Petro Oil An Giang.

Quyết định thu hồi có hiệu lực kể từ ngày 27/2/2023. Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp gửi bản chính Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối về Bộ Công Thương trước ngày 15/3/2023.

Thương nhân phân phối xăng dầu là thương nhân mua xăng dầu của thương nhân đầu mối, ngoài việc tự tiêu thụ xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình còn phải tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc, hoặc thông qua các thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu để bán lẻ xăng dầu.

Do đó, sau khi thương nhân phân phối bị thu hồi giấy phép, các đại lý trực thuộc hoặc các thương nhân nhượng quyền bán lẻ phải tìm nhà cung cấp khác, bởi hiện nay, các đối tượng trên chỉ được lấy hàng từ một nguồn duy nhất.

Đề xuất hạn chế xe tải trọng lớn qua lối mở đường sắt

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát, cắm biển hạn chế xe tải trọng lớn qua các lối mở, sau vụ va chạm giữa tàu SE5 và xe đầu kéo.

Tàu SE5 va vào ô tô kéo theo rơ moóc chở sắt tại lối mở km 28+805, xã Văn Tự, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội

Tàu SE5 va vào ô tô kéo theo rơ moóc chở sắt tại lối mở km 28+805, xã Văn Tự, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội

Cuối tháng 1, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề nghị UBND TP. Hà Nội tổ chức kiểm tra, đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn với từng giao cắt, lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, nhất là lối mở rộng hơn 3 m, có đường bộ chạy song song với đường sắt và nhiều xe tải trọng lớn qua lại.

Cụ thể, VNR đề nghị Hà Nội cắm biển hạn chế phương tiện qua các lối mở như trên, chỉ cho phép ô tô dưới 9 chỗ, xe tải dưới 2,5 tấn qua lại theo quy chế ngày 16/8/2013 giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND Thành phố về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Trước đó sáng 28/1, tàu SE5 đến lối mở km 28+805, xã Văn Tự, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội, thì va vào ô tô kéo theo rơ moóc chở sắt. Hậu quả nữ nhân viên gác chắn bị thương. Đầu máy tàu hư hỏng, phải thay thế để tiếp tục hành trình. Ô tô và sắt trên xe đầu kéo đổ nghiêng vào toa số 1 - 2 của tàu SE5.

Nguyên nhân va chạm ban đầu được xác định nhân viên gác chắn chậm hạ barie, không cảnh báo tàu dừng lại. Lối mở km 28+800 dẫn từ Quốc lộ 1 vào khu đông dân cư, có nhiều khu công nghiệp, nhà xưởng, nhưng chưa có biển hạn chế xe tải trọng lớn...

Mã chứng khoán HOT bị cảnh báo hủy niêm yết

HoSE vừa có công văn lưu ý Công ty CP Du lịch Dịch vụ Hội An (mã chứng khoán: HOT) về khả năng hủy niêm yết.

HoSE vừa lưu ý Công ty CP Du lịch Dịch vụ Hội An (HOT) về khả năng hủy niêm yết

HoSE vừa lưu ý Công ty CP Du lịch Dịch vụ Hội An (HOT) về khả năng hủy niêm yết

Theo HoSE, ngày 20/6/2022, Sở đã ban hành quyết định về việc giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HOT của Công ty CP Du lịch Dịch vụ Hội An do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là âm 21,098 tỷ đồng căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 và 2021, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định của HĐTV Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Theo Báo cáo hợp nhất quý IV/2022, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cả năm 2022 là âm 19,021 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (lỗ luỹ kế) đến ngày 31/12/2022 là âm 64,448 tỷ đồng.

Vì vậy, căn cứ quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 120 tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, HoSE lưu ý về việc cổ phiếu HOT của Công ty có khả năng bị hủy niêm yết nếu Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là số âm.

Giá thép vượt 16 triệu đồng một tấn

Mỗi tấn thép của các doanh nghiệp sản xuất trong nước đắt thêm 300.000 - 700.000 đồng, có loại vượt 16 triệu đồng một tấn.

Đợt điều chỉnh giá lần thứ 3 trong tháng 1, tổng mức tăng sau điều chỉnh trên dưới 1 triệu đồng một tấn tuỳ chủng loại, thương hiệu.

Đợt điều chỉnh giá lần thứ 3 trong tháng 1, tổng mức tăng sau điều chỉnh trên dưới 1 triệu đồng một tấn tuỳ chủng loại, thương hiệu.

Sau đợt tăng sát Tết Nguyên đán, loạt doanh nghiệp sản xuất thép trong nước thông báo đợt điều chỉnh giá thứ 3 trong vòng một tháng.

Theo thông báo gửi tới khách hàng, Tổng công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) cho biết tăng giá thép xây dựng (thép trơn, thép thanh vằn) thêm 300.000 đồng một tấn.

Theo đó, mỗi tấn thép trơn CB240 đường kính 6 mm hoặc 8 mm có giá bán mới là 15,9 triệu đồng; thép vằn cuộn CB300 đường kính 10 mm là 15,95 triệu đồng một tấn. Còn thép vằn CB400 dao động 16 - 16,15 triệu đồng, tuỳ đường kính 10 mm hoặc 14 mm.

Giá sau điều chỉnh là giá bán tại kho của doanh nghiệp. Trường hợp khách hàng thanh toán chậm có bảo lãnh, giá mỗi tấn thép đắt thêm 1 - 1,2 triệu đồng, chưa gồm thuế VAT.

Không riêng Tisco, các thương hiệu thép khác như Hoà Phát, Việt Ý, Việt Nhật hay Tung Ho cũng đều niêm yết giá bán mới, với mức tăng 500.000 - 600.000 đồng mỗi tấn. Như giá thép thanh vằn CB300 đường kính 10 mm (D10) và thép cuộn CB240 của Hoà Phát tại phía Bắc có giá mới sau tăng là 15,45 - 15,54 triệu đồng một tấn.

Nửa triệu đồng cũng là mức tăng của mỗi tấn thép Việt Ý với sản phẩm thép cuộn CB240 và thép vằn CB300 từ ngày 30/1, lần lượt là 15,4 - 15,5 triệu đồng một tấn.

Tương tự, Thép Việt Đức cũng tăng nửa triệu đồng một tấn với thép cuộn CB240, lên 15,2 triệu đồng; thép thanh vằn CB300 D10 là 15,5 triệu đồng, tức tăng 600.000 đồng mỗi tấn.

Ở lần điều chỉnh này, thép Việt Nhật là thương hiệu có mức tăng mạnh nhất tới 710.000 đồng một tấn với hai loại thép thanh vằn CB300 D10 và CB240, lên gần 15,6 triệu đồng một tấn.

Với đợt điều chỉnh giá lần thứ 3 trong tháng 1, tổng mức tăng sau điều chỉnh trên dưới 1 triệu đồng một tấn tuỳ chủng loại, thương hiệu. Ngưỡng giá hiện tại đang cách đỉnh lập hồi tháng 5/2021 hơn 2 triệu đồng mỗi tấn.

Kỷ luật nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam

Ông Đinh Đạo, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam bị kỷ luật khiển trách.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam

Ngày 2/2, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. Đà Nẵng thông tin về kết quả Kỳ họp thứ 17. Theo đó, Kỳ họp đã xem xét, thi hành kỷ luật ông Đinh Đạo, đảng viên Chi bộ Dược - Điều dưỡng, Đảng ủy bộ phận Trường Y Dược, Đảng bộ Trường Đại học Duy Tân thuộc Đảng bộ quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng), nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (tỉnh Quảng Nam).

Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. Đà Nẵng, với vai trò Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, ông Đạo chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những hạn chế, khuyết điểm trong việc xây dựng, thực hiện quy chế làm việc của Đảng ủy, để một số cán bộ, đảng viên của bệnh viện vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm y tế phải xử lý hình sự.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng quyết định thi hành kỷ luật Khiển trách đối với ông Đinh Đạo.

Xăng dầu xuất sang Lào tăng mạnh

Năm 2022, xăng dầu là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất (hơn 400%) trong các hàng hóa Việt Nam xuất sang Lào.

Xe bồn chở dầu DO cho PVOIL Lào qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn

Xe bồn chở dầu DO cho PVOIL Lào qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn

Theo Thương vụ Việt Nam tại Lào, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào trong tháng 12/2022 đạt 101 triệu USD, tăng 129% so với tháng 11/2022. Trong đó, xăng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng đột biến hơn 721% so tháng 11, đạt 60,1 triệu USD.

Lũy kế cả năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 656,4 triệu USD, tăng 10,4%. Trong đó, xăng dầu các loại đạt 125,4 triệu USD, tăng 439%; phân bón đạt 32,5 triệu USD, tăng 31,2%; sắt thép đạt 60,1 triệu USD, giảm 15%...

Xuất khẩu xăng dầu sang Lào tăng mạnh do nhu cầu nhập khẩu của nước này lớn, trong khi các nguồn nhập khẩu từ các quốc gia khác bị hạn chế. Do đó, Việt Nam trong quan hệ song phương hợp tác hỗ trợ thương mại đã tích cực tăng nguồn cung cho Lào.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đa phần nhập khẩu nông, lâm sản từ Lào. Tổng giá trị nhập khẩu năm ngoái đạt 1 tỷ USD, tăng 34,6%. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 140 triệu USD, tăng 29,4%; phân bón các loại đạt 92 triệu USD, tăng 50%; cao su đạt 242,2 triệu USD, tăng 30,4%...

Lào và Việt Nam hiện có 10 tỉnh biên giới giáp biên, với 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ tạo thuận lợi giao thương khu vực, quãng thời gian và chi phí được rút ngắn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực châu Á và thế giới.

Tin cùng chuyên mục