Hệ thống công nghệ thông tin của Công ty PVOIL gián đoạn do bị tấn công mạng
Vào 0h ngày 2/4, hệ thống công nghệ thông tin PVOIL bị tấn công bất hợp pháp có chủ đích theo hình thức mã hóa dữ liệu khiến hệ thống công nghệ thông tin của Công ty bị ngưng trệ.
Đến cuối giờ chiều ngày 2/4, website của PVOIL vẫn chưa thể truy cập |
Đại diện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vừa có thông tin về sự cố công nghệ thông tin tại doanh nghiệp.
Theo đó, vào 0h ngày 2/4/2024, hệ thống công nghệ thông tin của Tổng công ty Dầu Việt Nam bị tấn công bất hợp pháp có chủ đích theo hình thức mã hóa dữ liệu (ransomware).
Vụ việc này đã khiến hệ thống công nghệ thông tin của PVOIL bị ngưng trệ. PVOIL đã phối hợp với Bộ Công an xử lý theo pháp luật và có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như khắc phục sự cố trên trong thời gian sớm nhất.
Trong thời gian khắc phục sự cố, để đảm bảo cung cấp xăng dầu (mặt hàng thiết yếu, không thể gián đoạn nguồn cung cho thị trường), PVOIL và các đơn vị thành viên vẫn duy trì phục vụ bán hàng cho các khách hàng. Tuy nhiên, không thể phát hành được hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ và chỉ thực hiện phiếu xuất kho để phục vụ hàng đi trên đường bao gồm đầy đủ các thông tin cần thiết.
“Sau khi hệ thống được khắc phục hoạt động trở lại bình thường, PVOIL sẽ phát hành hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ và thực hiện các thủ tục khác theo đúng quy định hiện hành”, đại diện PVOIL thông tin.
An Giang cấp mỏ cát gần 3,3 triệu m3 phục vụ thi công cao tốc
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang vừa ký văn bản xác nhận cấp mỏ cát cho nhà thầu thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua thành phố Cần Thơ.
An Giang cấp mỏ cát gần 3,3 triệu m3 phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ |
Theo đó, khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát sông) trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới (An Giang) có diện tích 46,156 ha được giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Định An trực tiếp khai thác phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo cơ chế đặc thù.
Khối lượng được phép khai thác tại mỏ cát này là 3.285.438 m3. Công suất được phép khai thác là 1.896.139 m3/năm. Trong đó, năm thứ nhất với công suất 1.896.139 m3/năm và năm thứ hai với công suất là 1.389.299 m3/năm.
Quy định mức sâu khai thác tại mỏ cát này đến mức âm 16 m. Phương pháp khai thác theo hình thức lộ thiên. Thời gian thực hiện dự án là 2 năm 2 tháng 23 ngày. Trong đó, thời gian khai thác là 1 năm 8 tháng 23 ngày và thời gian cải tạo, phục hồi môi trường là 6 tháng.
Khi mỏ cát bắt đầu khai thác, nhà thầu sẽ bố trí 6 xáng cạp, dung tích gầu 3,6 m3. Thời gian khai thác trong ngày từ 7 - 17h cùng ngày.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu, Công ty TNHH Tập đoàn Định An thực hiện việc khai thác khoáng sản tại khu mỏ chỉ được cung cấp cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua thành phố Cần Thơ.
Đến nay, tỉnh An Giang đã cấp 10 mỏ cát cho nhà thầu trực tiếp khai thác phục vụ thi công cao tốc, với tổng trữ lượng 15,2 triệu m3. Các nhà thầu đang tích cực phối hợp đơn vị liên quan hoàn thành hồ sơ, thủ tục để mỏ cát sớm được khai thác.
Việt Nam có thể thu thêm gần 1.300 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon
Với 5,15 triệu tấn CO2 từ rừng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Việt Nam có thể thu gần 1.300 tỷ đồng nếu đơn vị mua trả 10 USD một tấn, theo thỏa thuận.
Việt Nam có thể thu thêm gần 1.300 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon |
Theo báo cáo về thị trường tín chỉ carbon rừng của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được Thủ tướng giao triển khai 2 thỏa thuận chuyển nhượng kết quả giảm phát thải.
Thỏa thuận về chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022 - 2026, đang được Bộ đàm phán với Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent).
Emergent là cơ quan nhận ủy thác của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF). Ngày 31/10/2021, tại COP26 Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan ký kết Ý định thư với Emergent dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng vùng này với giá tối thiểu 10 USD một tấn CO2, tương đương tổng giá trị là 51,5 triệu USD (1.277 tỷ đồng).
Bộ đã hoàn thiện nộp hồ sơ đăng ký cấp tín chỉ theo tiêu chuẩn TREES. Đồng thời, khẩn trương tổ chức các phiên đàm phán kỹ thuật với Tổ chức Emergent để hoàn thiện đề án đàm phán, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Năm ngoái, thỏa thuận đầu tiên về chi trả giảm phát thải khí nhà kính Bắc Trung Bộ (ERPA Bắc Trung Bộ) đã được Bộ chuyển nhượng thành công cho Ngân hàng Thế giới (WB) với sản lượng 10,3 triệu tấn CO2. Giá mỗi tấn CO2 được chi trả là 5 USD một tấn.
Sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 trên, Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn CO2 giai đoạn 2018 - 2019. Bộ đề xuất chuyển thêm 1 triệu tấn CO2 cho WB. Số còn lại, Bộ này muốn Thủ tướng đề xuất WB giới thiệu đối tác tiềm năng mua lượng giảm phát thải này theo phương thức ERPA đã ký, hoặc hỗ trợ Việt Nam kết nối thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế. Bởi thời điểm này, Việt Nam khó tìm đối tác để trao đổi thương mại khi mảng này còn khá mới.
Theo Cục Lâm Nghiệp, trên thế giới có gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành thuế carbon, mức thuế từ 1 - 137 USD một tấn CO2.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp của WB.
Đầu tư gần 1.000 tỷ nâng cấp đường nối Phan Thiết với các khu du lịch
11 km đường tỉnh 719 từ Trần Quý Cáp (TP. Phan Thiết) đến ngã ba Hòn Giồ (huyện Hàm Thuận Nam) được mở rộng với tổng đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Đoạn đường tỉnh 719 qua các khu du lịch ven biển Tiến Thành sắp được mở rộng |
Dự án đang được UBND tỉnh Bình Thuận xem xét trình HĐND Tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, triển khai trong năm 2024. Đoạn đường sẽ được mở rộng từ 7 lên 12 m, vỉa hè mỗi bên 5 m.
Ngoài ra, Dự án còn đầu tư hệ thống cấp thoát nước, hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh và các hạng mục phụ trợ khác. Công trình sử dụng vốn ngân sách, dự kiến hoàn thành sau 4 năm.
Khu vực biển phía nam Phan Thiết từ Tiến Thành đến Hòn Giồ hiện có nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng quy mô đã và đang được đầu tư như: Villa Del Sol, Champa, Golden Coast, Xóm Chài, Non Nước, Hải Việt, Novaworld... nên việc mở rộng đoạn đường có ý nghĩa quan trọng.
"Việc nâng cấp đoạn đường này nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trong khu vực", ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Thuận cho biết.
Cùng với việc nâng cấp đường tỉnh 719, theo kế hoạch, trong năm nay Bình Thuận cũng triển khai một số dự án trọng điểm khác như: mở rộng Quốc lộ 28B nối Bình Thuận - Lâm Đồng, đường Tân Minh đi Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, nâng cấp đường ĐT 717.
Hà Nội chỉnh trang mặt tiền nhà dân phố Tràng Tiền
Quận Hoàn Kiếm đang cải tạo cảnh quan tuyến phố Tràng Tiền, trong đó chỉnh trang 400 m mặt tiền nhà dân đoạn từ phố Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Xí.
Nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới thuê mặt bằng kinh doanh ở tầng 1 mặt phố Tràng Tiền |
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội (chủ đầu tư) đang thực hiện Dự án cải tạo kiến trúc, cảnh quan, nâng cấp hạ tầng tuyến phố Tràng Tiền, bắt đầu từ nút giao Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài đến quảng trường Cách mạng tháng Tám.
Việc cải tạo mặt tiền các công trình được chia làm 3 loại. Thứ nhất là chỉnh trang theo hướng bảo tồn các công trình có ý nghĩa lịch sử, ghi dấu một giai đoạn phát triển của tuyến phố. Loại này sẽ được giữ nguyên tính gốc của công trình bằng các biện pháp trùng tu và bảo dưỡng.
Thứ hai là can thiệp mức độ vừa phải với công trình không mang nặng yếu tố lịch sử. Phần lớn công trình ở dạng này xuống cấp, xuất hiện nhiều yếu tố gây ảnh hưởng mỹ quan như: cục nóng điều hòa, dây điện, ống, biển hiệu, biển quảng cáo...
Loại thứ ba là những công trình không nằm trong hai loại trên, thuộc quản lý tư nhân, có khả năng xây mới trong tương lai.
Theo Chủ đầu tư, trong phạm vi dự án có khoảng 50 hộ dân chủ yếu nằm trên tầng hai, đoạn giao cắt với phố Đinh Tiên Hoàng đến giao cắt Nguyễn Xí. Nhiều hộ dân đã cơi nới, lấn chiếm khiến con phố nhếch nhác. Chủ đầu tư phối hợp với lực lượng quản lý đô thị tháo dỡ các vi phạm này trước khi tổ chức cải tạo.
Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, tuy nhiên chủ đầu tư không công khai chi phí cụ thể. Thời gian hoàn thành dự án vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô - 10/10/1954.
Xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tại TP.HCM tăng mạnh
Ba tháng đầu năm, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt 4,4 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cổng chính vào Khu công nghệ cao TP.HCM |
Thông tin được ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) nêu tại phiên họp kinh tế - xã hội, chiều 2/4.
Theo ông, 3 tháng đầu năm, sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại khu đạt 4,7 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ 2023. Ở đầu vào, SHTP nhập khẩu 3,8 tỷ USD.
"Như vậy quý I xuất siêu gần 600 triệu USD, cho thấy tình hình sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại TP.HCM phục hồi tốt", ông Thi nhận định.
Quý đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của thành phố đạt trên 10 tỷ USD, trong đó sản phẩm công nghệ cao chiếm hơn 40%, tương đương 4,4 tỷ USD.
Đóng góp lớn vào xuất khẩu, nhưng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Khu công nghệ cao mới đạt 2 triệu USD cho 4 dự án, tương đương 500.000 USD mỗi dự án. Ông Nguyễn Anh Thi đánh giá, con số này "rất khiêm tốn về giá trị, nhưng chất lượng lớn, gắn với mục tiêu của khu".
Ví dụ, hai trong nhiều dự án mới tại đây là về kiểm định chip, hệ thống cảm biến - những lĩnh vực giúp nâng cao năng lực công nghệ của Việt Nam. Tuy nhiên, SHTP đưa ra kế hoạch thu hút khoảng 500 triệu USD năm nay.
Theo ông Thi, Nghị định về khu công nghệ cao có hiệu lực từ ngày 25/3, cùng Nghị quyết 98 cơ chế đặc thù cho TP.HCM, giúp SHTP tự chủ trong cơ chế một cửa, cải thiện thủ tục và thuận lợi thu hút vốn FDI.
Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, giá trị công nghiệp của đầu tàu kinh tế ba tháng đầu năm đạt hơn 73.000 tỷ đồng, chiếm 18% GRDP. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng hơn 5% so với cùng kỳ.
Xử phạt hai công ty vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán với Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Tổng hợp Đức Mai và Công ty CP Chứng khoán Stanley Brothers với tổng số tiền là 170 triệu đồng.
Nhiều doanh nghiệp bị phạt vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán |
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Tổng hợp Đức Mai (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) vì không công bố thông tin theo quy định với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với số tiền phạt là 85 triệu đồng.
Cụ thể, công ty này không công bố thông tin định kỳ với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội gồm: các tài liệu liên quan báo cáo tài chính, tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu cũng như tình hình sử dụng vốn của năm 2020 và 2021…
UBCKNN cũng đã công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Chứng khoán Stanley Brothers (quận Đống Đa, Hà Nội) số tiền 85 triệu đồng.
Theo đó, Công ty Chứng khoán Stanley Brother đã vi phạm quy định về mở tài khoản giao dịch chứng khoán là không thực hiện giải thích nội dung hợp đồng mở tài khoản khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng.
Khởi tố 2 lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới thủy bộ Quảng Trị
Bị can Nguyễn Xuân Hà và Trần Việt Hùng cùng bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại khoản 2, Điều 354, Bộ luật Hình sự.
Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới thủy bộ Quảng Trị |
Ngày 2/4, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới thủy bộ Quảng Trị về hành vi "Nhận hối lộ".
Các bị can gồm: Nguyễn Xuân Hà (Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới thủy bộ Quảng Trị) và Trần Việt Hùng (Phó Giám đốc Trung tâm) cùng bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại khoản 2, Điều 354, Bộ luật Hình sự.
Sau khi khởi tố bị can, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Nguyễn Xuân Hà và Trần Việt Hùng.
Các quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú nêu rõ, xét thấy bị can có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng, nhân thân tốt và đã cam đoan thực hiện các nghĩa vụ khi thực hiện các biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú vào ngày 25/3/2024.
Hiện, vụ án đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị tiếp tục điều tra làm rõ.