Bản tin thời sự sáng 6/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội đẩy nhanh bàn giao mặt bằng còn lại cho Dự án đường Vành đai 4; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6,93 triệu tỷ đồng, tương đương 68% GDP; TP.HCM lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp 80 phường; hơn 7.000 tia sét dội xuống Hà Nội…

Hà Nội đẩy nhanh bàn giao mặt bằng còn lại cho Dự án đường Vành đai 4

Ban Quản lý dự án giao thông phấn đấu cơ bản hoàn thành đường song hành trên địa bàn huyện Sóc Sơn và huyện Mê Linh xong trước 31/12/2024; hoàn thành đắp cát xử lý nền đất yếu trước ngày 30/6/2024.

Nhà thầu thi công đường vành đai 4 qua địa bàn huyện Thanh Oai

Nhà thầu thi công đường vành đai 4 qua địa bàn huyện Thanh Oai

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua các quận, huyện tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp và di chuyển mộ, đạt được tiến độ tốt và cơ bản hoàn thành.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là giải phóng mặt bằng đối với đất ở và di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật, đang cần được các địa phương thúc đẩy triển khai thực hiện trong năm 2024.

Đối với đất ở, đất nông nghiệp của các địa phương cần hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng với diện tích còn lại 17,06 ha (7,53 ha đất nông nghiệp và đất khác, 9,53 ha đất ở) trước ngày 30/6/2024.

Việc di chuyển mộ, các địa phương cũng đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân di chuyển khoảng 251 ngôi mộ còn lại, dự kiến hoàn thành trước ngày 15/6/2024.

Về công tác thu hồi đất bổ sung, các quận, huyện dự kiến hoàn thành công tác thu hồi và bàn giao cho Ban Quản lý dự án trước ngày 30/6/2024, ưu tiên đẩy nhanh công tác phê duyệt và bàn giao tại 29 vị trí móng cột cao thế còn lại.

Trong tháng 6 này, các địa phương phấn đấu hoàn thành các khu tái định cư cho các hộ dân và đẩy nhanh phê duyệt giá đất đầu đi, đầu đến.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đang phối hợp với từng quận, huyện để có thể bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu tổ chức thi công theo đúng tiến độ cam kết.

Cụ thể, phấn đấu cơ bản hoàn thành đường song hành trên địa bàn huyện Sóc Sơn và huyện Mê Linh xong trước 31/12/2024; phấn đấu hoàn thành công tác đắp cát xử lý nền đất yếu trước ngày 30/6/2024, đắp gia tải trong tháng 7/2024 và hoàn thành toàn bộ đường song hành trong quý III/2025 đối với phạm vi đã được bàn giao mặt bằng.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6,93 triệu tỷ đồng, tương đương 68% GDP

Tính đến cuối tháng 5, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam đã đạt 6,9 triệu tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm ngoái và bằng xấp xỉ 68% GDP năm 2023.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6,93 triệu tỷ đồng

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6,93 triệu tỷ đồng

Ngày 5/6, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến tháng 5/2024, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã đạt 6,9 triệu tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm ngoái, bằng xấp xỉ 68% GDP năm 2023.

Đến ngày 27/5, VN-Index đạt 1.267,68 điểm, tăng 4,8% so với cuối tháng 4 và tăng 12% so với cuối năm 2023. Hiện thị trường có 738 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán, 870 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UpCoM và hơn 7,81 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán. Giá trị giao dịch bình quân trong tháng đạt 24,7 nghìn tỷ đồng/phiên, bình quân 5 tháng đầu năm đạt 24,1 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 37% so với năm 2023.

Bộ Tài chính cho biết đang tiếp tục hoàn thiện các đề án lớn về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, cơ cấu lại thị trường chứng khoán, thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho hay sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Về trái phiếu, toàn thị trường có 458 mã niêm yết với giá trị giao dịch bình quân đạt 10.602 tỷ đồng, tăng 15,4% so với bình quân tháng 4; đồng thời bình quân 5 tháng đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2023.

Đến ngày 24/5, thị trường có 33 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với khối lượng 57,6 nghìn tỷ đồng (gấp 2 so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 51% (29 nghìn tỷ đồng) và tổ chức tín dụng chiếm 36% (21 nghìn tỷ đồng). Hiện lãi suất phát hành bình quân 9%/năm và kỳ hạn bình quân 3,9 năm, trong đó, 27% trái phiếu phát hành có điều khoản bảo đảm. Ngoài ra, khối lượng mua lại trước hạn là 43 nghìn tỷ đồng (giảm 35% so với cùng kỳ năm 2023).

TP.HCM lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp 80 phường

Từ nay đến năm 2030, TP.HCM có 80 phường phải sắp xếp, thuộc các quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận.

TP.HCM lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp 80 phường

TP.HCM lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp 80 phường

Ngày 5/6, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình HĐND Thành phố về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, nhằm bảo đảm công khai, dân chủ và đúng quy định của pháp luật.

Theo kế hoạch, từ ngày 23 - 30/6, Thành phố sẽ lấy ý kiến toàn bộ cử tri có đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú trên địa bàn các phường thuộc diện sắp xếp.

Trước khi trình HĐND TP.HCM thông qua Nghị quyết, dự kiến từ ngày 10 - 25/7, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp các hồ sơ liên quan của UBND cấp huyện, từ đó báo cáo Thường trực UBND Thành phố, trình xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xem xét chấp thuận chủ trương.

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của TP.HCM, từ nay đến năm 2030, Thành phố có 80 phường phải sắp xếp, thuộc các quận: 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận.

Cụ thể, TP.HCM sẽ thực hiện sắp xếp 80 phường thuộc địa bàn 10 quận để hình thành 38 phường mới, giảm 39 phường sau sắp xếp.

Thành phố đã xây dựng 38 phương án, trong đó có 6 phương án sáp nhập nguyên trạng 3 phường thành 1 phường; 23 phương án sáp nhập nguyên trạng 2 phường thành 1 phường và 9 phương án điều chỉnh địa giới để thành lập phường mới.

TP.HCM hiện có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 16 quận, 1 thành phố (Thủ Đức) và 5 huyện; có 312 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 249 phường, 5 thị trấn và 58 xã.

Hơn 7.000 tia sét dội xuống Hà Nội

Từ 6 - 9h ngày 5/6, hơn 10.200 tia sét xuất hiện trên bầu trời Hà Nội, trong đó hơn 7.000 tia đánh xuống mặt đất, theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Sét đánh xuống Hà Nội trong cơn mưa giông. Ảnh minh họa

Sét đánh xuống Hà Nội trong cơn mưa giông. Ảnh minh họa

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Khí tượng Thủy văn cho biết, lúc 6 - 7h, có hơn 3.500 tia sét trên bầu trời Hà Nội, trong đó hơn 2.300 tia đánh xuống đất. Khoảng 7 - 8h, hơn 4.000 tia sét hình thành thì gần 2.900 tia dội xuống đất. 8 - 9h có hơn 2.600 tia sét thì hơn 1.800 dội xuống mặt đất. Trung bình, cứ 10 phút có hơn 470 cú sét đánh xuống đất.

Trong đó khung 7h40 - 8h50 sét đánh mạnh nhất. Khu vực Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa xuất hiện sấm, sét dày đặc. "Không phải tất cả hơn 7.000 tia sét đều ảnh hưởng lớn đến mặt đất mà tùy thuộc vào cường độ sẽ gây ảnh hưởng khác nhau đến cơ sở hạ tầng, lưới điện, con người", ông Cường nói.

So sánh với các đợt mưa giông, sấm sét gần đây ở miền Bắc, ông Nguyễn Đức Phương - Trưởng phòng Rada thời tiết, Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn quốc gia đánh giá, số tia sét ở Hà Nội không phải bất thường.

Gần nhất vào 15 - 18h ngày 19/5 tại Nam Đồng bằng Bắc Bộ (trọng tâm là Nam Định, Thái Bình, Hà Nam), bầu trời xuất hiện hơn 107.000 tia sét, trong đó gần 40.000 tia sét đánh xuống mặt đất. Lúc 17 - 19h ngày 30/5, bầu trời Yên Bái xuất hiện 11.980 tia sét, trong đó hơn 3.700 tia đánh xuống đất.

Theo Tổng cục trưởng Khí tượng Thủy văn, Việt Nam nằm ở tâm giông châu Á - một trong ba tâm giông trên thế giới, có hoạt động giông sét mạnh. Số ngày giông trung bình của Việt Nam là 100, số giờ trung bình là 250 giờ mỗi năm. Cả nước mỗi năm hứng chịu tới 2 triệu cú sét. Tần suất sét lớn hơn ở vùng núi, vùng Trung du phía Bắc và Đồng bằng Nam Bộ.

Thanh tra Dự án khu nhà ở DABACO Lạc Vệ ở Bắc Ninh

Thanh tra tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật đối với Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở DABACO Lạc Vệ, tại xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du.

Phối cảnh dự án khu nhà ở DABACO Lạc Vệ

Phối cảnh dự án khu nhà ở DABACO Lạc Vệ

Đoàn sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất với ngân sách nhà nước, kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các nội dung khác có liên quan trong quá trình thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở DABACO Lạc Vệ.

Thời kỳ thanh tra là từ khi triển khai thực hiện Dự án đến thời điểm thanh tra, những nội dung liên quan có thể xem xét trước và sau thời điểm trên.

Đoàn tiến hành thanh tra trong 45 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra và tiến hành thanh tra trực tiếp (không tính ngày lễ, ngày nghỉ được Nhà nước quy định).

Đối tượng thanh tra là Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam; UBND huyện Tiên Du; UBND xã Lạc Vệ; các sở, ngành thực hiện công tác quản lý nhà nước liên quan đến nội dung thanh tra; các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án và có liên quan đến nội dung thanh tra.

Được biết, Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở DABACO Lạc Vệ thuộc quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1560/QĐ-TTg ngày 10/9/2015; có quy mô khoảng 6,296 ha theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt.

Dự án đã được Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam phê duyệt dự án đầu tư xây dựng.

Dự án được quy hoạch gồm nhà liền kề, shophouse, biệt thự, nhà văn hóa, công viên hồ điều hòa; có vị trí đắc địa, thuận tiện giao thông đi lại, nằm trên mặt đường Quốc lộ 38, nối đi TP. Bắc Ninh - Tiên Du - Thuận Thành.

DABACO là tập đoàn đa ngành đa nghề đa lĩnh vực. Ngoài việc nổi tiếng bởi những thương hiệu thức ăn chăn nuôi, hiện nay Dabaco lấn sân sang lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị và kinh doanh bất động sản.

34 người bị đề nghị truy tố ở giai đoạn hai vụ Vạn Thịnh Phát

Bộ Công an kết thúc điều tra giai đoạn hai vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các đơn vị liên quan; đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan và 33 bị can.

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa hồi đầu tháng 4

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa hồi đầu tháng 4

Ngày 5/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an cho biết đã đề nghị truy tố các bị can về 3 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, theo Điều 174, Điều 324 và Điều 189 Bộ luật Hình sự.

C03 đã thông báo cho Ngân hàng SCB và đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan là bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của họ biết việc kết thúc điều tra vụ án này.

Trước đó, hồi tháng 12/2023, tại họp báo Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành - Cục phó C03 cho biết, trong hành vi Rửa tiền, bà Lan bị nghi dùng tiền phạm tội để đầu tư bất động sản, mua gom các dự án bất động sản lớn. "Chúng tôi còn xác định có việc chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư nên đã ủy thác điều tra thông qua hoạt động tư pháp", ông Thành nói.

Ở hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc thông qua 3 công ty Vạn Thịnh Phát để phát hành 25 lô trái phiếu trị giá hơn 30.000 tỷ đồng. Khi điều tra, cảnh sát gặp khó việc xác định bị hại. Bởi thế, Bộ Công an nhiều lần đề nghị các bị hại mua 25 lô trái phiếu của Vạn Thịnh Phát hãy liên hệ cơ quan điều tra ở nơi cư trú để trình báo, đảm bảo quyền lợi.

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rất lớn, phức tạp, số lượng bị can nhiều nên Bộ Công an phải tách thành hai giai đoạn điều tra.

Ở giai đoạn đầu, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc, trong 10 năm thâu tóm SCB đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi.

Hôm 11/4, TAND TP.HCM tuyên phạt bà Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.

Cấm xe vào đại lộ cửa ngõ phía Đông TP.HCM

Xe bị cấm vào đại lộ Võ Nguyên Giáp đoạn từ nút giao Cát Lái đến cầu Sài Gòn vào tối cuối tuần để thi công cầu bộ hành kết nối ga Thảo Điền của Metro số 1.

Xe chạy trên đường Võ Nguyên Giáp đoạn dẫn lên cầu Sài Gòn

Xe chạy trên đường Võ Nguyên Giáp đoạn dẫn lên cầu Sài Gòn

Theo thông báo của Sở Giao thông vận tải, thời gian cấm xe từ 22h ngày 9/6 đến 5h ngày 10/6, theo hướng từ nút giao Cát Lái tới cầu Sài Gòn. Chiều ngược lại, xe vẫn chạy bình thường.

Quá trình nhà thầu thi công lắp dầm cầu đi bộ nối vào ga trên cao Thảo Điền, các loại ôtô 4 - 7 chỗ, xe hai bánh đi theo lộ trình: đường Võ Nguyên Giáp - song hành trái (phía khu Thảo Điền) - Quốc Hương - Võ Nguyên Giáp - cầu Sài Gòn. Riêng xe tải, container sẽ phải hành trình xa hơn, theo các tuyến: Quốc lộ 1 - nút giao thông Thủ Đức - Quốc lộ 1 - 13 - đường Đinh Bộ Lĩnh - Điện Biên Phủ.

Đại lộ Võ Nguyên Giáp (tên cũ xa lộ Hà Nội) là trục giao thông huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông dẫn vào trung tâm TP.HCM. Song song với tuyến này là đoạn trên cao của Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Trong đó, Thảo Điền là một trong 9 nhà ga trên cao thuộc tuyến tàu điện đang được Thành phố xây dựng các cầu bộ hành kết nối, giúp khách an toàn, thuận tiện ra vào khi dự án đưa vào khai thác thương mại.

Các cầu dài 80 - 150 m, rộng khoảng 3,5 m, tĩnh không (chiều cao từ đất đến gầm cầu) gần 5 m, kết nối từ đường song hành Võ Nguyên Giáp - xa lộ Hà Nội đến tầng trung chuyển của nhà ga. Trước đó, một số cầu kết nối ga Khu Công nghệ cao, Bình Thái, Rạch Chiếc, Phước Long... đã thi công hoàn thành.