Bản tin thời sự sáng 9/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quảng Nam kiến nghị bàn giao hơn 868 ha đất xây dựng sân bay Chu Lai; giá gạo xuất khẩu xuống đáy 9 năm; kiến nghị đầu tư 22.000 tỷ đồng xây cao tốc Dinh Bà - Cao Lãnh; ACV đầu tư hơn 20.000 tỷ cho sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất... năm 2024…

Quảng Nam kiến nghị bàn giao hơn 868 ha đất xây dựng sân bay Chu Lai

Tỉnh Quảng Nam kiến nghị bàn giao hơn 868 ha đất để triển khai xây dựng sân bay Chu Lai với tổng vốn xã hội hóa dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng.

Tổng nhu cầu huy động vốn đầu tư cho sân bay Chu Lai khoảng 11.000 tỷ đồng

Tổng nhu cầu huy động vốn đầu tư cho sân bay Chu Lai khoảng 11.000 tỷ đồng

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 8/2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, sân bay Chu Lai đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, với mục tiêu đạt công suất khoảng 10 triệu hành khách hàng năm vào năm 2030 và 30 triệu hành khách vào năm 2050.

Đề án xã hội hóa đầu tư và khai thác Cảng hàng không Chu Lai đã được Tỉnh gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vào cuối năm 2022. Tỉnh đang chờ chủ trương từ Trung ương để hoàn thiện đề án này. Theo kế hoạch, tổng nhu cầu huy động vốn đầu tư cho sân bay Chu Lai khoảng 11.000 tỷ đồng, bao gồm khu bay (3.500 tỷ đồng), sân đỗ (1.000 tỷ đồng) và khu hàng không dân dụng (6.500 tỷ đồng), chưa bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND Tỉnh tiến hành đo đạc, phân định rõ diện tích đất hàng không dân dụng, đất quân sự, và đất dùng chung, nhằm lập hồ sơ giao một phần diện tích đất hàng không dân dụng cho Tỉnh quản lý.

Ông Dũng đề nghị giao trước khu vực phía Đông đường trục chính vào sân bay khoảng 868 ha cho tỉnh Quảng Nam để tiến hành các thủ tục đầu tư. Tỉnh mong muốn trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT sẽ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với UBND Tỉnh và các cơ quan liên quan để nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Chu Lai.

Thủ tướng nêu rõ, sân bay Chu Lai có vị trí rất chiến lược, quan trọng, là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Tỉnh. Do đó, các cơ quan phải xây dựng sân bay Chu Lai cấp 4F, quy hoạch, phát triển đô thị và hệ sinh thái sân bay.

Người đứng đầu Chính phủ giao tỉnh Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi nhà đầu tư, phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường giải quyết các vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, hoàn thành thủ tục trong 6 tháng đầu năm 2025 và hoàn thành đầu tư xây dựng sân bay này để khai thác lưỡng dụng trong vòng 2 năm.

Đối với đề nghị bàn giao đất, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết, đã có văn bản đồng ý chủ trương chuyển giao 868 ha đất. Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam chủ trì thực hiện và cần giải quyết dứt điểm vấn đề đất đai trong tháng 2.

Giá gạo xuất khẩu xuống đáy 9 năm

Sau Tết Nguyên đán, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm còn 399 USD một tấn, thấp nhất trong 9 năm.

Gạo được bán tại một cửa hàng ở Cần Thơ

Gạo được bán tại một cửa hàng ở Cần Thơ

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm 25 USD so với cuối năm 2024, xuống còn 399 USD một tấn, thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan 32 USD, Ấn Độ 14 USD và Pakistan 5 USD.

Các doanh nghiệp cho biết, đây là mức giảm chưa từng có, trong khi trước đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn dao động từ 420 - 535 USD một tấn. So với mức đỉnh 663 USD một tấn hồi cuối tháng 11/2023, giá gạo hiện tại đã giảm 264 USD, tương đương 40%.

Đầu tháng 2/2025, Vinafood 2 đã trúng thầu cung cấp khoảng 100.000 tấn gạo 5% tấm niên vụ đông xuân 2025 cho Cục Lương thực Bangladesh với giá CIF 474,25 USD một tấn, tương đương giá FOB tại cảng TP.HCM là 400 USD một tấn.

Không chỉ gạo 5% tấm, hàng 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm còn 371 USD một tấn, trong khi sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan lần lượt là 410 USD, 394 USD và 377 USD.

Lãnh đạo VFA cho rằng, giá gạo điều tiết theo cung cầu, nhưng gạo thơm và chất lượng cao vẫn có thị trường riêng.

Việt Nam sắp bước vào vụ thu hoạch đông xuân - vụ có sản lượng lớn nhất năm. Thời tiết thuận lợi nên sản lượng dự báo dồi dào, khiến nhiều nhà nhập khẩu chờ mua với giá thấp hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo, thu về 308 triệu USD, tăng 1% về lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

VFA dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ gặp khó khăn, có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm 2024.

Xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 dự kiến đạt 56,3 triệu tấn. Việt Nam có thể xuất khẩu 7,5 triệu tấn, giảm 500.000 tấn do nhu cầu từ Indonesia giảm, nhưng vẫn giữ thị trường quan trọng như Philippines và Trung Quốc. Lượng tồn kho toàn cầu hiện nay đạt 182,5 triệu tấn, cao nhất kể từ năm 2021 - 2022, trong đó Ấn Độ chiếm phần lớn.

Kiến nghị đầu tư 22.000 tỷ đồng xây cao tốc Dinh Bà - Cao Lãnh

Cao tốc Dinh Bà - Cao Lãnh dài 68 km, thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, được tỉnh Đồng Tháp đề xuất quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 22.000 tỷ đồng.

Quy hoạch hướng tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh

Quy hoạch hướng tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 cho Dự án cao tốc Dinh Bà - Cao Lãnh. Tỉnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở sớm triển khai Dự án.

Cao tốc Dinh Bà - Cao Lãnh dài 68 km, từ cửa khẩu Dinh Bà đến TP. Cao Lãnh, là một đoạn thành phần thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh được quy hoạch dài 188 km. Đây là một trong ba tuyến trục ngang Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên tuyến Hồng Ngự - Trà Vinh, tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang đang xây dựng đoạn cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài 27 km; các đoạn còn lại Dinh Bà - Cao Lãnh và An Hữu - Trà Vinh chưa được đầu tư.

Tại cuộc họp với Tổng Bí thư Tô Lâm cuối năm 2024, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Trung ương sớm đầu tư đoạn Dinh Bà - Cao Lãnh trước năm 2030. Tuyến cao tốc sẽ rút ngắn thời gian, khoảng cách đưa hàng hóa từ cửa khẩu quốc tế Dinh Bà đi TP.HCM và miền Tây, đặc biệt hàng hóa trực tiếp đến cảng biển tại Trà Vinh, gắn kết các tuyến cao tốc trục dọc.

Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ điều chỉnh thời gian đầu tư đoạn Dinh Bà - Cao Lãnh và An Hữu - Trà Vinh sang trước năm 2030, tức sẽ khởi công vào năm sau hoặc 2026, theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh.

ACV đầu tư hơn 20.000 tỷ cho sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất... năm 2024

Năm qua, ACV đã đầu tư hơn 12.700 tỷ đồng xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, hơn 5.800 tỷ cho nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất cùng các dự án khác.

Diện mạo nhà ga sân bay Long Thành

Diện mạo nhà ga sân bay Long Thành

Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận hơn 20.861 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án đầu tư năm 2024. Trong đó, chiếm phần lớn là Cảng hàng không quốc tế Long Thành - giai đoạn 1 (Đồng Nai) với hơn 12.745,7 tỷ đồng. Mức này tăng gần 2,4 lần so với năm 2023.

Sân bay Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000 ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng, mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 109.111 tỷ đồng.

Trong đó, dự án thành phần do ACV đầu tư có tổng mức đầu tư 99.019 tỷ đồng, tương đương 4,23 tỷ USD. Doanh nghiệp này đã huy động đủ 4,23 tỷ USD để đầu tư, trong đó vốn tự có khoảng 2,43 tỷ USD và vay tại các ngân hàng thương mại là 1,8 tỷ USD.

Báo cáo tài chính cũng cho thấy, ACV đã trả trước cho những doanh nghiệp xây dựng trúng thầu tại sân bay Long Thành. Tập đoàn IC Ictas đã nhận khoản trả trước ngắn hạn hơn 1.561 tỷ đồng, Vinaconex nhận gần 94 tỷ, Hancorp gần 107 tỷ đồng.

Ngoài sân bay Long Thành, ACV còn dồn nguồn lực cho xây dựng nhà ga hành khách T3 thuộc sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM). ACV đầu tư hơn 5.830 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tăng gần 4 lần cùng kỳ 2023.

ACV cũng chi khoảng 1.054 tỷ đồng cho việc mở rộng sân đỗ máy bay, hệ thống tiếp nhiên liệu và mở rộng nhà ga hành khách T2 sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội)…

Về kết quả kinh doanh, ACV ghi nhận gần 22.555 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 13% so với năm 2023 nhờ thị trường hàng không quốc tế phục hồi. Cộng thêm việc hoàn nhập khoản trích lập dự phòng nợ khó đòi, Công ty lãi hơn 11.577 tỷ đồng. Mức này tăng gần 37% và là mức kỷ lục kể từ khi công bố thông tin. "Đại gia" sân bay vượt 11% chỉ tiêu doanh thu và vượt 53% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Hơn 300.000 gian hàng trên Shopee, Lazada, Tiki... chưa xác định người bán

Hơn 300.000 gian hàng với doanh thu 70.000 tỷ đồng trên 5 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab chưa định danh được người dùng, theo Bộ Tài chính.

Quy mô thị trường thương mại điện tử những năm gần đây tăng mạnh

Quy mô thị trường thương mại điện tử những năm gần đây tăng mạnh

Tại Dự thảo Nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính cho biết, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam những năm gần đây tăng mạnh. Năm 2022 là 16,4 tỷ USD và tăng lên 20,5 tỷ USD vào năm 2023. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử theo Bộ Tài chính ước đạt 25 tỷ USD (tương đương khoảng 630.000 tỷ đồng).

Số liệu quản lý thu thuế giai đoạn 2022 - 2024 cho thấy tổng số thu thuế của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, số thu thuế từ hộ, cá nhân kinh doanh rất thấp.

Cụ thể, năm 2022 là 183 tỷ đồng, năm 2023 chỉ khoảng 67 tỷ đồng. Riêng năm 2024 dự kiến đạt 2.500 tỷ đồng, thu từ hơn 300.000 cá nhân kinh doanh trên hơn 400 sàn giao dịch thương mại điện tử.

Tổng số thu thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nước và nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% quy mô doanh thu thị trường thương mại điện tử. Tỷ trọng này đang có xu hướng giảm từ 20,1% năm 2022 xuống 17,4% vào năm 2024.

"Số thu thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử rất nhỏ so với quy mô và tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số", Bộ Tài chính nhận định.

Cũng theo Bộ Tài chính, còn nhiều đối tượng kinh doanh chưa thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế đối với doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử.

Chẳng hạn, vẫn phát sinh một số lượng lớn gian hàng kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử chưa định danh được người bán. Thống kê tại 5 sàn thương mại điện tử gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab cho thấy, có hơn 300.000 gian hàng có doanh số trên 70.000 tỷ đồng chưa định danh được người dùng.

Tạm đình chỉ công tác 2 phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận

Bà Phan Thị Xuân Thu và ông Ngô Minh Thành, cùng là Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận

Ngày 8/2, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 2 phó giám đốc sở này. Theo đó, bà Phan Thị Xuân Thu và ông Ngô Minh Thành bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Hai phó giám đốc này bị cáo buộc có liên quan vụ án nhận hối lộ; buôn lậu; vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư khoáng sản Hưng Thịnh và các đơn vị liên quan mà Bộ Công an đang thụ lý điều tra.

Trước đó, từ ngày 30/10/2024, Bộ Công an đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Thuận khám xét khẩn cấp Công ty Hưng Thịnh khi tiến hành điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; buôn lậu liên quan đến khai thác titan xảy ra tại TP.HCM, Bình Thuận, Bình Định và các địa phương.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tập trung lực lượng củng cố tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của các bị can, mở rộng điều tra đối với các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật; triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Gần 400 vụ cháy trên toàn quốc trong tháng 1/2025

Trong tháng 1/2025, toàn quốc xảy ra gần 400 vụ cháy, tài sản thiệt hại ước tính trên 11 tỷ đồng.

Vụ cháy tại khu tập thể A14, ngõ 120 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội)

Vụ cháy tại khu tập thể A14, ngõ 120 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội)

Thông tin từ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) trong tháng 1/2025, toàn quốc xảy ra 375 vụ cháy, làm chết 6 người, làm bị thương 5 người. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính 11,7 tỷ đồng và trên 2 ha rừng. So với cùng kỳ năm 2024, số vụ cháy tăng 107 vụ, thiệt hại về người chết giảm 3 người, thiệt hại về tài sản tăng 7,3 tỷ đồng.

Trong số các vụ cháy, có 125 vụ cháy nhà dân, 47 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua điều tra, trên 70% số vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”, phát huy hiệu quả công tác bảo đảm an toàn PCCC tại khu dân cư.

Công an TP. Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Nam Định tiếp tục duy trì triển khai có hiệu quả Trung tâm trải nghiệm cộng đồng về công tác PCCC&CNCH và nhân rộng tại các địa phương khác.

Lực lượng chức năng kiên quyết xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC; tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH đối với các cơ sở để xảy ra cháy.

Tin cùng chuyên mục