Các quy trình đấu thầu, hệ thống hành lang pháp lý được hoàn thiện và minh bạch hóa sẽ hết sức cần thiết để giúp DN dược trong nước lớn mạnh. Ảnh: Lê Tiên |
Đó là rào cản về quy trình đấu thầu thuốc bệnh viện – kênh ETC và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài.
Về rào cản quy trình đấu thầu thuốc bệnh viện – kênh ETC, Báo cáo chỉ ra nguyên nhân là do chính sách và thang điểm đấu thầu thuốc hiện nay vẫn bị nhiều DN đánh giá chưa phù hợp. Việc các công ty đạt thang điểm từ 70-100 điểm đều nằm trong diện được chấm thầu như nhau khiến các công ty dược có đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao phải chịu thua thiệt khi giá thuốc đấu thầu cao hơn những công ty có kỹ thuật sản xuất đơn giản, dẫn đến việc các loại thuốc có chất lượng khó trúng thầu vào bệnh viện.
Theo phản ánh gần đây, có những bất cập do phải thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, cụ thể là Thông tư 11/2016-BYT. Hiện nay bất cập lớn nhất trong đấu thầu thuốc là phân nhóm kỹ thuật mà chưa thể hiện sự tương đồng giữa các loại thuốc. Do vậy, trong cùng một nhóm thuốc tham gia đấu thầu nhưng có độ chênh lệch với nhau về chất lượng, giá cả. Thuốc có giá nền thấp nhưng cơ hội trúng thầu cao; thuốc chất lượng vượt trội, giá tham gia thầu nhích cao thì bị loại khỏi cuộc chơi.
Phàn nàn về vấn đề này, trước đó, trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Traphaco chia sẻ, Traphaco gặp không ít khó khăn trong việc đưa thuốc nội vào sử dụng nhiều hơn ở các bệnh viện công. Nguyên nhân là do trong đấu thầu thuốc hiện nay, những DN dược nào đầu tư nhiều về kỹ thuật, công nghệ thì lại khó cạnh tranh về giá so với các DN ít đầu tư về công nghệ. Thực tế, sau khi vượt được vòng kỹ thuật thì Traphaco khó thắng về giá so với các DN dược không đầu tư nhiều về công nghệ.
Bên cạnh rào cản về quy trình, một khó khăn lớn khác của các DN ngành dược Việt Nam chính là sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu của nước ngoài. Báo cáo phân tích, thị trường dược Việt Nam vẫn chưa ổn định do nguyên dược liệu sản xuất phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Nguồn nguyên liệu của thị trường dược Việt Nam hiện đang chủ yếu nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ. Theo số liệu của Bộ Công Thương về hiện trạng ngành công nghiệp hóa dược, do công nghiệp hóa chất cơ bản, công nghiệp hóa dầu nước ta chưa phát triển, nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu lên tới hơn 90%. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành dược dễ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá hay những cú sốc về nguồn hàng cung cấp; cộng thêm chi phí nhập khẩu khiến giá thành thuốc xuất khẩu của Việt Nam cao hơn khoảng 20-25% so với Trung Quốc, Ấn Độ.
Bên cạnh đó, các DN dược Việt Nam còn thiếu khả năng nghiên cứu do thiếu hụt nguồn lực tài chính và nhân lực chất lượng cao. Các DN dược trong nước hiện vẫn mới chỉ tập trung sản xuất các loại thuốc gốc (generic) có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém dẫn đến tình trạng vừa cạnh tranh nội bộ ngành, vừa phải cạnh tranh với các thuốc generic nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Dự báo về triển vọng ngành dược Việt Nam trong năm 2018 và giai đoạn tới, Vietnam Report nhận định, thị trường dược phẩm Việt Nam đang được đánh giá là một “mảnh đất trù phú” thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, thậm chí cả những nhà đầu tư trong nước hoạt động ngoài ngành.
Đứng từ góc độ DN trong ngành dược, hơn một nửa số DN được khảo sát cho rằng các quy trình đấu thầu, hệ thống hành lang pháp lý được hoàn thiện và minh bạch hóa sẽ là yêu cầu quan trọng giúp các DN dược trong nước lớn mạnh. Ngoài ra, việc tuyên truyền hiệu quả về vấn đề sử dụng thuốc, về hoạt động đầu tư và xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng cần được ưu tiên.