Cải thiện chất lượng giải quyết kiến nghị trong đấu thầu: Vì sao nhà thầu “im lặng”?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong số báo trước, Báo Đấu thầu tăng tải bài viết phản ánh việc giải quyết kiến nghị của một số chủ đầu tư, bên mời thầu chưa rốt ráo khiến quyền lợi chính đáng của nhà thầu bị ảnh hưởng.
Nhiều nhà thầu im lặng, không kiến nghị khi bị đối xử thiếu công bằng trong các cuộc thầu. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều nhà thầu im lặng, không kiến nghị khi bị đối xử thiếu công bằng trong các cuộc thầu. Ảnh: Nhã Chi

Điều đáng nói là, trước tình trạng đó, không ít nhà thầu đã chọn cách im lặng hoặc thoái lui.

1001 hình thức đối xử thiếu công bằng với nhà thầu

Theo phản ánh của các nhà thầu, có rất nhiều hình thức đối xử không công bằng với nhà thầu ở 2 giai đoạn của quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu: trước thời điểm đóng/mở thầu và trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT).

Đó có thể là cản trở việc mua hồ sơ mời thầu (HSMT) và nộp HSDT bằng cách dùng nhiều lý do để hạn chế bán HSMT; địa điểm phát hành HSMT không rõ ràng, không theo thông báo mời thầu, mời chào hàng. HSMT, hồ sơ chào hàng đưa ra các tiêu chí không phù hợp nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu như đưa ra tiêu chí năng lực, kinh nghiệm quá cao, không phù hợp để làm khó nhà thầu; yêu cầu quy mô, tính chất hợp đồng tương tự không phù hợp với yêu cầu thực tế; đưa tiêu chí về xuất xứ hàng hóa vào yêu cầu về kỹ thuật... Quá trình đánh giá HSDT, hồ sơ đề xuất thì chủ quan, không minh bạch như: cố tình loại nhà thầu vì những sai sót không nghiêm trọng; loại nhà thầu đối với những nội dung được phép làm rõ, nhưng lại bỏ qua những sai sót nghiêm trọng đối với những nhà thầu “quen”…

Bên cạnh đó còn xảy ra hiện tượng chủ đầu tư cố tình chia nhỏ gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc hình thức kém cạnh tranh hơn đấu thầu rộng rãi; tổng hợp các nội dung, các công việc khác nhau về tính chất kỹ thuật vào một gói thầu để định hướng tới một hoặc một số nhà thầu nhất định; áp dụng các loại hợp đồng không phù hợp (không phải hợp đồng trọn gói) nhằm lợi dụng để điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng trong quá trình thực hiện.

Các nhà thầu cũng cho biết nhiều cách thức đối xử thiếu công bằng khác như: Điều kiện thực hiện hợp đồng quá khó, thời gian làm HSDT quá ngắn, thư mời thầu không công bố rộng rãi, tiêu chuẩn nhà thầu khó bất thường (trái với quy định quốc tế, nhiều tiêu chí thừa, yêu cầu doanh số quá cao, hợp đồng tương tự quá lớn), nhà thầu bị loại vì tiêu chí phụ không thỏa đáng trong khi tiêu chí chấm thầu không rõ ràng, đầy đủ; kết quả chấm thầu không công bằng; không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu rộng rãi (nhà thầu nộp HSDT rồi bị loại vẫn không được phản hồi thông tin)…

Giật mình con số nhà thầu “im lặng”

Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, khi bị đối xử thiếu công bằng, nhiều nhà thầu đã lựa chọn im lặng hoặc bỏ cuộc giữa chừng (không nộp HSDT hoặc không tiến hành làm rõ); cũng có nhà thầu góp ý trực tiếp với chủ đầu tư, bên mời thầu mà không làm văn bản kiến nghị. Lý do nhà thầu không kiến nghị là vì sợ bị đối xử bất công trong lần đấu thầu sau, hoặc nhà thầu vẫn còn chịu đựng được, hoặc cho rằng kết quả giải quyết kiến nghị không như mong đợi, quy trình/thủ tục phức tạp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Dương Văn Cận - Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, lâu nay, nhiều nhà thầu phàn nàn về kết quả xử lý kiến nghị, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu như cản trở mua HSMT. Rất nhiều bên mời thầu viện hết lý do này đến lý do khác để không bán HSMT cho nhà thầu nhưng trên thực tế họ không bị xử lý trách nhiệm đến nơi đến chốn. Cần phải xem lại cơ chế giám sát chế tài đối với các chủ đầu tư/bên mời thầu trong việc thực thi chính sách đấu thầu, vì trên thực tế, kết quả giải quyết kiến nghị không đáp ứng được mong đợi chính đáng của nhà thầu.

Còn theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, thực tế xảy ra không ít hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, tuy nhiên, con số tổ chức, cá nhân bị xử lý được tổng kết hàng năm rất ít ỏi. Đơn kiến nghị của nhà thầu bị xử lý chậm trễ, “lòng vòng” từ cấp này lên cấp khác mà không đi vào thực chất vấn đề khiến nhà thầu chán nản, không muốn kiến nghị và kết quả là các tiêu cực trong đấu thầu không được chấn chỉnh như mong đợi.

Tin cùng chuyên mục