Kết quả thí điểm đấu thầu tập trung 20 mặt hàng thuốc mới đây do BHXH Việt Nam tổ chức cho thấy, giá thuốc giảm trên 20%. Ảnh: Hoài Tâm |
Trong khi đó, kết quả đấu thầu thuốc tập trung thời gian vừa qua đã cho thấy tính ưu việt rõ rệt, giá thuốc giảm tới trên 20%. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, không có lý do gì để không tiếp tục đưa thêm nhiều mặt hàng thuốc/hoạt chất vào diện đấu thầu tập trung quốc gia trong thời gian tới.
Giá thuốc trúng thầu giảm trên 20%
Điểm lại kết quả đấu thầu thuốc tập trung năm 2017 của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cho thấy, việc đấu thầu thuốc tập trung góp phần kéo giảm giá thuốc hiện nay tại Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người bệnh, tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh và chi phí hành chính cho các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước.
Cụ thể, qua kết quả đấu thầu tập trung của Trung tâm Mua sắm thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế với hơn 20 loại thuốc thuộc 5 hoạt chất điều trị ung thư cho thấy, giá trúng thầu thấp hơn giá trúng thầu trung bình năm 2016 trên 20%. Đáng lưu ý, một điều đặc biệt chưa từng xảy ra trước đây, có tới 3 loại biệt dược gốc giảm giá tới 12%.
Tương tự, theo kết quả thí điểm đấu thầu tập trung cấp quốc gia do Trung tâm Giám định Bảo hiểm Y tế (BHYT) và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (đơn vị mua sắm tập trung thuộc BHXH Việt Nam) tổ chức đối với 20 mặt hàng thuốc, giá thuốc trúng thầu giảm 21,12% so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017. Trong đó, tỷ lệ giảm giá thuốc biệt dược gốc trúng thầu từ 10 - 15% như: Meropenem 500mg và Meropenem 1g (15%); Cefoperazon+Sulbactam 0,5g+0,5g (9,8%)... Đối với thuốc generic mặt hàng thuốc Levofloxacin 500mg - nhóm 3 đạt tỷ lệ giảm giá tới 54,7%, Meropenem 500mg - nhóm 1 (42,8%), Cefepim 1g – nhóm 1 là 41%...
“Không có vùng cấm” cho đấu thầu thuốc tập trung
Nhiều ý kiến cho rằng, trung bình mỗi năm chi phí khám chữa bệnh do quỹ bảo hiểm y tế chi trả lên tới trên dưới 90.000 tỷ đồng, trong đó, tiền thuốc chiếm tới 50 - 60%. Nếu danh mục thuốc đấu thầu tập trung được mở rộng hơn nữa thì có thể tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn cho ngân sách nhà nước, có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Dược - Vật tư y tế thuộc BHXH Việt Nam cho biết, BHXH Việt Nam đang xin ý kiến về việc mở rộng Danh mục thuốc đấu thầu tập trung do BHXH Việt Nam tổ chức đấu thầu năm 2018 với 9 hoạt chất, 20 thuốc, trong đó chủ yếu là các thuốc điều trị bệnh thuộc nhóm kháng sinh, nhóm thuốc tiêu hóa, nhóm thuốc hạ đường huyết.
Theo ông Nguyễn Tá Tỉnh, việc lựa chọn thuốc đưa vào danh mục này của BHXH Việt Nam không trùng với danh mục thuốc, hoạt chất do Bộ Y tế đấu thầu tập trung và thuộc danh mục thuốc đấu thầu do Bộ Y tế ban hành. Tiêu chí lựa chọn là những thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về số lượng và giá trị sử dụng nhiều (có số trúng thầu lớn hoặc chiếm tỷ trọng lớn) trong chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; thuốc có nhiều số đăng ký lưu hành tại Việt Nam theo dạng bào chế, nhà sản xuất. Các thuốc chủ yếu được sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến, một số thuốc được sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh là trạm y tế xã, phường, thị trấn trở lên.
Mới đây, trong kết luận tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam về kết quả công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo BHXH Việt Nam tiếp tục tổ chức đấu thầu thuốc tập trung để giảm giá thuốc, kể cả với thuốc biệt dược gốc.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn yêu cầu BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất việc đấu thầu thuốc tập trung đối với thuốc do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất việc đấu thầu thuốc tập trung đối với thuốc do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sử dụng trong khám chữa bệnh BHYT để bảo đảm công khai, minh bạch; nghiên cứu, đề xuất việc đấu thầu tập trung đối với vật tư, thiết bị y tế trong năm 2018.
Với việc mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung, sự kỳ vọng của người dân về việc giảm giá thuốc BHYT trong khám chữa bệnh sẽ không còn xa vời và quỹ BHXH cũng sẽ đỡ phần gánh nặng rất lớn.