Ảnh minh họa. |
Mỗi nơi một giá
Thời gian qua, để triển khai công tác mua sắm thuốc đối với các bệnh viện công lập, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) liên tục sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu thuốc để thực hiện Luật Đấu thầu, tăng cường sự công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế, giải quyết các khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu thuốc.
Theo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, việc đấu thầu thuốc đã có những chuyển biến tích cực, bảo đảm các yêu cầu thực hiện thống nhất trên cả nước, ưu tiên sử dụng thuốc trong nước có chất lượng, giá hợp lý, công khai, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính… Thống kê kết quả trúng thầu của các Sở Y tế, bệnh viện và viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế thì giá trị tiền mua thuốc đã tiết giảm được 35,5% so với quy định cũ.
Trong năm 2017, lần đầu tiên BHXH tổ chức đấu thầu mua thuốc tập trung quốc gia đối với 6 thuốc của 5 hoạt chất thuộc danh mục chi trả của Bảo hiểm Y tế (BHYT). Kết quả là đã chọn được các mặt hàng thuốc có chất lượng, ưu tiên thuốc sản xuất trong nước và tổng giá trị các mặt hàng trúng thầu giảm 21,1%.
Tuy nhiên, việc quản lý giá thuốc và vật tư y tế hiệu quả, chặt chẽ hiện vẫn là thách thức không nhỏ. Ông Phạm Lương Sơn, Phó Giám đốc BHXH dẫn chứng, cùng một loại vật tư y tế nhưng giá chênh nhau quá nhiều. Trong năm 2017, Quỹ BHYT thanh toán gần 900 tỷ đồng đối với loại vật tư thủy tinh thể nhân tạo, giá của vật tư này dao động từ 200 nghìn đồng đến 28 triệu đồng/cái. Cùng là vật tư stent mạch vành của Đức nhưng ở Thanh Hóa có giá hơn 58 triệu đồng/cái, ở Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai là 38,5 triệu đồng/cái, ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang thì chỉ 29 triệu đồng/cái…
Theo ông Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, do hiện nay có quá nhiều nhà cung cấp đến từ nhiều quốc gia, thậm chí cùng một nước lại có nhiều tiêu chí khác nhau, nhiều hãng khác nhau, chưa kể các hãng còn liên doanh với các nước khác... nên kiểm soát về giá và chất lượng của thuốc, vật tư y tế rất khó khăn. Vì vậy, khi đấu thầu, nếu không cẩn thận rất dễ vi phạm pháp luật.
Minh bạch quy trình đấu thầu tập trung
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo quy định hiện hành, đấu thầu thuốc có 3 cấp, gồm cấp quốc gia (đấu thầu tập trung), cấp tỉnh (hiện 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện đấu thầu thuốc cấp tỉnh) và cấp bệnh viện. Dự kiến, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia và danh mục thuốc đấu thầu cấp tỉnh. Bộ Y tế cũng đề xuất thực hiện đàm phán giá các loại thuốc biệt dược gốc mà thuốc đó đã có nhiều thuốc generic nhóm 1 thay thế, trường hợp đàm phán giá với các thuốc này không đạt mục tiêu giảm giá đề ra, sẽ thực hiện đấu thầu rộng rãi.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, Bộ Y tế cần xác định và phân biệt rõ ràng, công khai, minh bạch thuốc nào sẽ thực hiện đàm phán, thuốc nào sẽ thực hiện đấu thầu. Hiện nay, việc thực hiện đấu thầu thuốc đã có quy định, có cơ sở pháp lý, nhưng đàm phán giá thuốc thì chưa có cơ sở, tiêu chí cụ thể, nên khó quy định được trách nhiệm của ai, đơn vị nào.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, hiện Bộ Y tế đã hoàn thành đấu thầu tập trung 5 hoạt chất với 22 thuốc (5 thuốc biệt dược, 17 thuốc generic) để cung cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc trong 2 năm 2018 - 2019. Đây là các loại thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị, số lượng. Tổng giá kế hoạch của các gói thầu là 2.746 tỷ đồng (xây dựng giá dựa trên việc tham khảo giá thuốc trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế), giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, giảm được 477 tỷ đồng (giảm khoảng 17,37% so với giá kế hoạch. Trong đó, biệt dược giảm 114,3 tỷ đồng (khoảng 6,9%), thuốc generic giảm 362,7 tỷ đồng (khoảng 33%).
Trong năm 2018, Bộ Y tế sẽ mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Hiện đã xem xét, quyết định 30 thuốc có số lượng sử dụng lớn để đấu thầu tập trung trong thời gian tới.