Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Ngày 5/6/2023, ông Trương Quý Sửu, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Gia Lai bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai bắt tạm giam vì để xảy ra sai phạm tại các dự án phần mềm công nghệ thông tin. Trước đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai ra kết luận về việc đầu tư các dự án, mua sắm các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tại Sở GD&ĐT, giai đoạn từ năm 2015 - 2021.
Theo đó, Sở GD&ĐT Gia Lai được UBND Tỉnh giao làm chủ đầu tư 13 dự án, phần mềm và gia hạn 2 phần mềm với tổng kinh phí thanh toán 33 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua thanh tra phát hiện nhiều dự án phần mềm có vi phạm, không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.
Tại An Giang, công bố Kết luận thanh tra về chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Phú Tân của Chánh Thanh tra Tỉnh có nêu, địa phương này chưa thực hiện giám sát công tác khảo sát tại hiện trường; chưa phê duyệt trực tiếp vào báo cáo kết quả khảo sát xây dựng sau khi thông báo chấp thuận nghiệm thu tại 08/14 công trình được thanh tra. Không đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu (6 gói thầu); không đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu (3 gói thầu) trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu.
Tại Bình Phước, Thanh tra Tỉnh mới ban hành kết luận về thanh tra toàn diện các gói thầu liên quan đến Đề án 1436 (Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025) và Chương trình 775 (Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 ) thuộc phạm vi của Tỉnh. Kết luận khẳng định, một số dự án chủ đầu tư không thực hiện việc đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu và kế hoạch lựa chọn nhà thầu trên mạng đấu thầu quốc gia là vi phạm Điều 8, Luật Đấu thầu.
Cũng tại Bình Phước, Giám đốc Sở KH&ĐT Võ Sá cho biết, kết luận thanh tra về công tác đấu thầu tại huyện Bù Đăng cho thấy có vấn đề trong đăng tải thông tin trong đấu thầu. Theo đó, cả 4 dự án được thanh tra, Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Bù Đăng đều không đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu. Các dự án này gồm: Xây dựng nhà làm việc Công an thị trấn Đức Phong; Xây dựng 10 phòng học lầu Trường THCS Nguyễn Khuyến xã Đường 10; Xây dựng Trường Mẫu giáo Đức Phong; Xây dựng 4 phòng học lầu Trường Tiểu học Đồng Nai do Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Bù Đăng làm Chủ đầu tư.
Tại TP.HCM, theo kết luận của Thanh tra Thành phố về việc chấp hành quy định pháp luật về đấu thầu và quản lý, thực hiện dự án đầu tư của Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Gò Vấp cho thấy, tình trạng không đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tồn tại trong thời gian dài...
Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết về việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia quy định, mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp, đăng tải các thông tin về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Theo các chuyên gia đấu thầu, mức phạt này cao hơn rất nhiều so với quy định trước đó (phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng), có tính răn đe, chấn chỉnh nghiêm túc đối với các tổ chức có trách nhiệm trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, quá trình rà soát, kiểm tra của Trung tâm cho thấy, vẫn còn tồn tại hàng nghìn gói thầu chưa được các BMT, CĐT công khai thông tin theo quy định. Để gia tăng tính hiệu quả, minh bạch trong công tác đấu thầu, các chuyên gia cho rằng, từng địa phương, bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm minh đối với các chủ thể không thực thi đúng trách nhiệm công khai thông tin đấu thầu.