Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Nhu cầu vốn rất lớn
Theo Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhu cầu nguồn vốn phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là 120.579 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư nhà ở thương mại 45.829 tỷ đồng; vốn đầu tư nhà ở xã hội 2.539 tỷ đồng; vốn đầu tư xây dựng nhà ở công vụ 12 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở tái định cư 10.502 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà của các cá nhân, hộ gia đình khoảng: 61.697 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030 dự kiến nguồn vốn để phát triển nhà ở là 162.665 tỷ đồng.
Còn theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2030, mục tiêu của Tỉnh diện tích nhà ở tăng thêm giai đoạn 2021 - 2025 (m2 sàn) 6.389.245; giai đoạn 2026 – 2030 là 8.149.204 m2 sàn. Nhu cầu nhà ở công nhân, nhà tái định cư là 1.489.109 m2 sàn; 2026 - 2030 là 1.673.524. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến khoảng 46.926 tỷ đồng.
Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 xác định nhu cầu nguồn vốn cần thiết để xây dựng nhà ở của Tỉnh đến năm 2025 khoảng 37.468 tỷ đồng, trong đó: Nhà ở xã hội: 4.493 tỷ đồng; Nhà ở tái định cư: 2.327 tỷ đồng; Nhà ở công vụ: 24 tỷ đồng; Nhà ở thương mại và nhà ở do dân tự xây dựng: 30.624 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 – 2030 nhu cầu khoảng 28.993 tỷ đồng, trong đó: Nhà ở xã hội: 3.089 tỷ đồng; Nhà ở tái định cư: 1.481 tỷ đồng; Nhà ở công vụ: 47 tỷ đồng; Nhà ở thương mại và nhà ở do dân tự xây dựng: 24.376 tỷ đồng.
Nhiều địa phương khác cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, với nhu cầu nguồn vốn rất lớn để thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở của địa phương...
Đa dạng nguồn lực, phương thức đầu tư
Để đủ vốn, Đồng Nai xác định nhiều giải pháp về vốn và tài chính để phát triển nhà ở, trong đó, thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn và các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách. Tiếp tục triển khai chính sách về vay vốn ưu đãi xây dựng nhà ở. Đối với nguồn vốn Nhà nước, đảm bảo sử dụng vốn ngân sách nhà nước thu được thông qua nguồn thu từ tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, tiền sử dụng đất tương đương giá trị quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại nhằm bổ sung vào ngân sách địa phương...
Trong cơ cấu vốn để phát triển chương trình nhà ở của tỉnh Bình Thuận, chủ yếu là nguồn vốn xã hội hóa, giai đoạn 2021 – 2025 vốn đầu tư nhà ở từ ngân sách nhà nước chỉ ước tính khoảng 1.370 tỷ đồng, giai đoạn 2026 – 2030 vốn từ ngân sách nhà nước ước tính 834 tỷ đồng.
Quảng Nam cũng sẽ đa dạng nguồn lực, phương thức đầu tư; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở.
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp bất động sản, để doanh nghiệp mạnh tay đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp – phân khúc mà các địa phương đều đang rất cần phát triển trong Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, thì cần sự tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quy định pháp luật hiện hành. Trong đó, doanh nghiệp kỳ vọng sớm sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, khung pháp lý đồng bộ, thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo lợi nhuận phù hợp.