Công nghệ có thể thay đổi thể chế, môi trường kinh doanh?

(BĐT) - Đầu thế kỷ 19, khi máy hơi nước được phát minh tại Anh và áp dụng trong ngành dệt, lập tức đời sống công nhân rơi vào khốn khó. Công nhân dệt bị mất việc làm rất nhiều, cấu trúc giới trong công nhân dệt cũng thay đổi, những nhà máy, công xưởng sử dụng lao động nữ giới và trẻ em nhiều hơn.
Mô hình kinh tế chia sẻ với những đại diện như Grab, Airbnb, những startup trong lĩnh vực fintech… đã hiện diện tại Việt Nam như một biểu hiện của xu hướng công nghệ khó cưỡng lại
Mô hình kinh tế chia sẻ với những đại diện như Grab, Airbnb, những startup trong lĩnh vực fintech… đã hiện diện tại Việt Nam như một biểu hiện của xu hướng công nghệ khó cưỡng lại

Phản ứng với cái mới muôn đời vẫn vậy

Sử sách ghi lại rằng, do nhận thức chính trị còn non kém nên công nhân ban đầu xông vào đập phá máy móc, đốt công xưởng. Có lẽ, những người công nhân ấy chỉ suy nghĩ đơn giản rằng, máy móc chính là nguyên nhân gây nên tình trạng thất nghiệp của họ, nếu phá máy móc đi thì giới chủ mới cần đến mình.

Nhưng sự thật là, cho đến nay, máy móc chẳng những được phát minh, cải tiến mà còn đạt đến những thành tựu được gọi là thần kỳ. Nếu phát minh máy hơi nước được coi là sự kiện mở đầu cho cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thì không quá khó hiểu khi nhiều lãnh đạo, chuyên gia gọi thời kỳ này là cách mạng 4.0.

Trong mấy thập kỷ gần đây, máy tính, công nghệ đã phát triển như vũ bão và thay đổi căn bản từ nền tảng sản xuất cho đến tư duy quản trị. Cách thời điểm này mấy năm, những ứng dụng điện thoại, tin nhắn như Zalo, Viber ra đời, trước đó là những tính năng tương tự của Facebook. Các hãng viễn thông đương nhiên doanh thu sụt giảm. Thậm chí có những hãng đứng trước nguy cơ thua lỗ nhãn tiền vì họ mới đầu tư lớn cho một hệ thống trạm thu phát sóng.

Sự thật là các hãng viễn thông đã từng “chụm đầu” với nhau để đưa ra các biện pháp kỹ thuật nhằm chống lại sự phát triển của các ứng dụng nói trên. Chẳng những vậy, họ còn dự kiến “tác động chính sách” để Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng những rào cản pháp lý để hạn chế các ứng dụng điện thoại, tin nhắn trên Internet.

Nên nhớ rằng, khi đó, nhiều doanh nghiệp viễn thông Việt Nam vẫn còn trực thuộc các bộ chủ quản, chưa được chuyển giao hoặc có kế hoạch chuyển giao về một đầu mối như hiện nay, hoặc kế hoạch cổ phần hóa cũng chưa phải là cấp bách. Điều ấy đương nhiên sẽ tạo ra một lợi thế cho họ trong việc “vận động chính sách” bằng cách thuyết phục các cơ quan nhà nước về những nguy cơ tiềm tàng, mà phần lớn liên quan đến sự ổn định.

Thực tế thì đã có nhiều cuộc họp giữa các doanh nghiệp viễn thông và Bộ TT&TT. Chỉ có điều khi đó, nhận thức về sự phát triển của khoa học công nghệ của nhiều bộ, ngành và Chính phủ không còn như cũ. Sự phát triển của khoa học công nghệ là không thể cưỡng lại được. Thị trường sẽ là nhân tố quyết định đến thành bại chứ không phải là các chính sách bảo hộ cho những doanh nghiệp không chịu đầu tư vào công nghệ mới. Thua lỗ là chuyện… bình thường của thương trường.

Nhưng điều rút ra được ở đây là: những lực cản từ tư duy cũ kỹ đối với công nghệ mới không phải là điều hiếm thấy. Không còn cảnh đập phá máy móc như hồi đầu thế kỷ 19 ở nước Anh, bởi những phản ứng với cái mới cũng biến đổi theo thời gian. Đơn giản là, bởi vì như một chuyên gia bình luận: “Chẳng ông lái trâu nào thích sự ra đời của máy cày, cũng không có ai bán nến mà thích Edison phát minh ra bóng đèn điện”.

Một cuộc chiến trường kỳ

Quan điểm trên có thể nhìn nhận rõ hơn qua câu chuyện ứng dụng gọi taxi Grab. Một thời gian dài trước đây, các hãng taxi được gọi là “truyền thống” đã lên tiếng phản đối và yêu cầu dừng chương trình thí điểm đối với loại hình taxi mà Thủ tướng đã phê chuẩn. Một số địa phương như Đà Nẵng thậm chí còn ra lệnh cấm Grab hoạt động. Vinasun đâm đơn kiện Grab vì cho rằng vì Grab mà mình bị thiệt hại.

Thực ra, không phải các hãng taxi truyền thống không hiểu sự phát triển của công nghệ đã dẫn đến những yêu cầu đổi mới chính mình. Cũng không phải họ không nhận ra hàng trăm điều kiện kinh doanh mà cơ quan quản lý áp đặt cho họ khiến họ mất lợi thế cạnh tranh. Cũng không phải họ không hiểu nguyên lý để có thể tồn tại sòng phẳng, họ cần có một môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng và công khai.

Hẳn nhiên, rất khó đoán định được nguyên do vì sao các hãng “taxi truyền thống” lại hành xử như vậy với công nghệ mới. Nhưng về phía cơ quan quản lý nhà nước, những lần sửa nghị định về vận tải cũng thấy có những tư duy cũ kỹ đang cản bước sự hội nhập vào “cách mạng 4.0”. Ngoài việc đặt ra những điều kiện kinh doanh chưa phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, thì những biện pháp như bắt “taxi công nghệ” đeo mào đã làm hao tổn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí và tâm sức của chuyên gia. Thậm chí, có những khi đại đa số thành viên Chính phủ đồng ý với phương án thoáng cho “taxi công nghệ” thì cơ quan trình dự thảo nghị định lại xin… giữ như cũ.

Lực cản ấy thật dai dẳng bất chấp vài năm gần đây, người dân và doanh nghiệp không còn xa lạ gì với những Grab, Be, GoViet. Chỉ có điều, sự quen thuộc của thị trường với các loại hình kinh doanh vận tải bằng công nghệ ấy lại không phải là lý lẽ thuyết phục nhất đối với việc sửa nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Những điều đó đủ thấy ở thời nào cũng vậy, lực cản với cái mới, với công nghệ mới luôn tồn tại như một quy luật. Và đương nhiên, chỉ có những quyết sách rất mạnh từ lãnh đạo mới có thể gạt bỏ được những lực cản ấy. Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ là một quyết sách như vậy.

Hết thời “tư duy có mào”

Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo đuổi từ khá lâu, nó tương thích với sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Và thực tế, ngoài Grab, thì những Airbnb, những startup trong lĩnh vực fintech… đã hiện diện tại Việt Nam như một biểu hiện của xu hướng công nghệ khó cưỡng lại. Dĩ nhiên nó cũng gây ra những phiền toái cho nhiều cơ quan quản lý nhà nước bởi nhiều thay đổi lớn. Lực cản, như đã nói, có lẽ không chỉ đến từ những mong muốn níu kéo mô hình quản lý truyền thống vốn đặt nặng việc “tăng cường quản lý nhà nước”.

Mà thật ra, điểm quan trọng nhất trong Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ chính là thúc đẩy thể chế cho các mô hình kinh doanh mới. Trở lại câu chuyện Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (sửa đổi), dù chỉ có 3 thành viên Chính phủ đề nghị phải có mô hình quản lý khác cho “taxi công nghệ”, nhưng dường như đề nghị này đã thắng thế. Tác dụng của Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã phát huy tác dụng ngay khi quy định “đeo mào” cho xe chở khách dưới 9 chỗ ngồi đã được bãi bỏ trong dự thảo nghị định nói trên.

Thực ra mà nói, thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ là xu thế tất yếu khi công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trên thế giới đã phát triển rất nhanh. Thể chế, hay nói đúng hơn là khung khổ pháp lý cho mô hình kinh tế chia sẻ nói riêng và những mô hình kinh tế mới lẽ ra cần phải được thúc đẩy sớm hơn. Nhưng những câu chuyện như “đeo mào” cho “taxi công nghệ” đã khiến quá trình phản ứng chính sách bằng khung khổ pháp lý cụ thể không theo kịp sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Điều đáng nói là từ nhiều năm nay, các tập đoàn công nghệ đã và đang tiếp tục bỏ vốn ra để nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ của công nghệ trong kinh doanh, nhưng sự phản ứng chính sách của Nhà nước dường như cũng chưa theo kịp những xu hướng này.

Cũng khó có thể nói rằng Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ sẽ giải quyết được tất cả. Nhưng ít nhất nó đặt ra một dấu mốc cho việc dần dần “hợp pháp hóa” mô hình kinh tế chia sẻ cũng như những mô hình kinh doanh mới chưa hề tồn tại trong các văn bản pháp quy. Dù chỉ có thể dừng lại ở cơ chế thử nghiệm chính sách thông qua mô hình sandbox, nhưng những thử nghiệm ấy là cần thiết để làm cơ sở thực tế xây dựng và triển khai những chính sách mới.

Thế giới phát triển không ngừng cũng chỉ vì công nghệ luôn biến đổi mỗi ngày. Việt Nam hội nhập rất sâu rộng và chỉ có thể hội nhập hiệu quả khi thể chế cho những mô hình kinh doanh mới được khởi đầu từ những đề án cụ thể.