Công tác đánh giá hồ sơ dự thầu của 13 gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được đẩy nhanh. Ảnh: Nhã Chi |
Hiện nay, công tác đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) của 13 gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được đẩy nhanh để sớm khởi công công trình. Nhiều bên mời thầu của Bộ Giao thông vận tải đánh giá 13 gói thầu trên đã thu hút được sự tham gia của những nhà thầu có tên tuổi trên thị trường xây dựng Việt Nam. Thế nhưng, tại Gói thầu XL11 và Gói thầu XL14 của Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 vẫn có tình trạng nhà thầu không nộp bảo đảm dự thầu. Theo chuyên gia đấu thầu, đây là biểu hiện nhà thầu tự loại mình ra khỏi cuộc chơi một cách sơ đẳng nhất.
Cụ thể, tại Gói thầu số 11-XL Thi công xây dựng đoạn Km289+500 - Km301+000 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) có giá gói thầu là 949 tỷ đồng, bảo đảm dự thầu là 18 tỷ đồng, Công ty CP Công trình Thành Phát nộp HSDT nhưng không nộp bảo đảm dự thầu.
Công ty CP Công trình Thành Phát có địa chỉ ở quận Thủ Đức, TP.HCM. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Công ty được công bố trúng 29 gói thầu. Các công trình mà Công ty được công bố trúng thầu độc lập đều có giá trị dưới 100 tỷ đồng. Công ty đã liên danh với nhiều nhà thầu khác để trúng một số gói thầu có giá trị trên 100 tỷ đồng, nhưng không có công trình nào là đường cao tốc. Như vậy, dù tham gia đấu thầu Gói thầu số 11-XL nhưng gói thầu này nằm ngoài “tầm với” của Công ty CP Công trình Thành Phát.
Tại Gói thầu số 14-XL Thi công xây dựng đoạn Km318+000 - Km337+478,11 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) có giá gói thầu là 2.822 tỷ đồng, bảo đảm dự thầu là 52 tỷ đồng, Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng STD Việt Nam - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 nộp HSDT nhưng cũng không nộp bảo đảm dự thầu.
Theo tìm hiểu, trong Liên danh trên, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng STD Việt Nam có có địa chỉ tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Công ty chưa đăng ký tư cách nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Như vậy, công ty này chưa đủ tư cách hợp lệ để tham gia đấu thầu và cũng chưa từng được công bố trúng gói thầu nào.
Khi được hỏi về lý do không nộp bảo đảm dự thầu, có nhà thầu lý giải là “do sơ suất, nhiều bộ phận làm HSDT nên có sai sót trong vấn đề phối hợp”; có nhà thầu lại cho biết tại thời điểm làm bảo đảm dự thầu, số dư trong tài khoản của nhà thầu không đủ nên ngân hàng chưa cấp bảo lãnh dự thầu…”. Một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, vấn đề nộp bảo đảm dự thầu là quy tắc “nằm lòng” khi tham gia đấu thầu, nên dư luận có quyền nghi vấn về việc nhà thầu không nộp bảo đảm dự thầu.
Còn tại Gói thầu XL04 Thi công xây dựng đoạn Km185+400 - Km235+000, nút giao Ma Lâm, nút giao Phan Thiết (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, có giá gói thầu 3.242,9 tỷ đồng) thuộc Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, HSDT của Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - Công ty CP Xây dựng Tân Nam - Công ty CP Đạt Phương có thỏa thuận liên danh nhưng không ghi ngày tháng.
TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc không ghi ngày tháng sẽ làm cho nội dung thỏa thuận liên danh không có giá trị pháp lý, nên HSDT bị loại mà không cần phải làm rõ. Nếu không phải là cố tình thì đây là sơ suất tối kỵ của nhà thầu liên danh khi tham gia đấu thầu. Điều đó cho thấy sự không chuyên nghiệp, không đúng tầm của những nhà thầu lớn.