Đấu thầu tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2: Hiệu chỉnh HSMT, gia hạn gói thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Mua sắm, xây dựng, lắp đặt và chạy thử hai ngăn lộ mở rộng sân phân phối 220kV thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có giá dự toán 38,471 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 làm bên mời thầu (BMT). Sau khi hồ sơ mời thầu (HSMT) được phát hành (ngày 25/2/2022), BMT liên tục nhận được kiến nghị của các nhà thầu.
BMT liên tục nhận được kiến nghị của các nhà thầu, gói thầu thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
BMT liên tục nhận được kiến nghị của các nhà thầu, gói thầu thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Cụ thể, nhà thầu kiến nghị BMT điều chỉnh tiêu chí về hợp đồng tương tự trong HSMT. Đơn cử, thay vì áp dụng tiêu chí cứng là nhà thầu phải cung cấp tối thiểu 1 hợp đồng cung cấp thiết bị, xây dựng, lắp đặt sân phân phối 220kV trở lên/trạm biến áp 220kV trở lên thì có thể cho phép nhà thầu chào 2 hợp đồng cung cấp thiết bị, xây dựng, lắp đặt sân phân phối 110kV trở lên/trạm biến áp 110kV trở lên. Bởi vì quy định của pháp luật về đấu thầu cho phép quy đổi hai công trình có cấp thấp hơn liền kề với cấp của công trình đang xét, quy mô mỗi công trình cấp thấp hơn liền kề bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét thành một hợp đồng tương tự.

Đối với đặc tính kỹ thuật của máy cắt, HSMT quy định khoảng trống pha - đất tối thiểu là 2.300 mm, khoảng trống pha - pha tối thiểu là 2.300 mm. Trong khi đó, hạn mức tối thiểu theo quy định về khoảng cách pha - đất và pha - pha của máy cắt, dao cách ly là từ 2.100 mm trở lên. Do đó, nhà thầu đề nghị BMT hiệu chỉnh lại yêu cầu kỹ thuật này để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu.

Bên cạnh đó, thay vì yêu cầu nhà thầu cung cấp một giải pháp cho thiết bị nhị thứ - tủ bảo vệ so lệch ĐZ 220kV, nhà thầu cho rằng BMT nên chấp thuận thêm giải pháp kết nối các rơle so lệch dọc. Giải pháp bổ sung này có thể đảm bảo tính tương thích, chi phí thỏa thuận để chuyển đổi, cấu hình, các chi phí liên quan khác do Nhà thầu chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, nhà thầu còn nêu một số điểm bất cập, mâu thuẫn trong HSMT. Ví dụ, yêu cầu kỹ thuật đối với thiết bị dao cách ly là loại 3 pha/1pha, mở ngang, đặt ngoài trời, trong khi bản vẽ lại thể hiện là “loại mở thẳng đứng”. HSMT không nêu rõ các thiết bị chuỗi cách điện (Mục 20, 21, 22, 23) là loại chuỗi đơn hay chuỗi kép và lực tải trọng của từng chuỗi khiến nhà thầu không có cơ sở để đưa ra phương án chào thầu tối ưu nhất…; thiếu thông tin về hệ thống phần mềm điều khiển tích hợp hiện hữu tại Nhà máy hay tình trạng, nghĩa vụ bảo hành của nhà cung cấp dịch vụ cài đặt giai đoạn 1 trước đó…

Phản hồi kiến nghị của các nhà thầu, BMT vẫn quyết định giữ lại một số tiêu chí đã đưa ra trong HSMT như tiêu chí về hợp đồng tương tự, thiết bị nhị thứ - tủ bảo vệ so lệch ĐZ 220kV… BMT tiếp thu, sửa đổi, bổ sung và hiệu chỉnh một số nội dung của HSMT theo đề nghị của các nhà thầu. Đồng thời, BMT cũng giải thích thêm để các nhà thầu nắm rõ hơn các yêu cầu của HSMT…

Để tạo điều kiện cho các nhà thầu có thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu, BMT quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu thêm 5 ngày, từ 10 giờ ngày 18/3/2022 lùi đến 10 giờ ngày 23/3/2022.

Trao đổi với Báo Đấu thầu về cách xử lý kiến nghị của BMT, một nhà thầu cho rằng, áp dụng tiêu chí mở về hợp đồng tương tự sẽ thu hút thêm nhiều nhà thầu tham dự, gia tăng tính cạnh tranh của Gói thầu. Với yêu cầu hiện hữu của HSMT, khả năng sẽ có khoảng 5 - 7 nhà thầu đáp ứng được, nhưng nếu áp dụng tiêu chí mở thì sẽ có khoảng trên dưới 10 nhà thầu có thể tham dự.

Theo một chuyên gia đấu thầu, với các yêu cầu của HSMT mà thực tế có khoảng 5 - 7 nhà thầu đáp ứng được thì đã có tính cạnh tranh. Đối với các nội dung kiến nghị khác, BMT cần chuẩn bị HSMT chu đáo và quy định rõ ràng hơn, tránh phải sửa đi sửa lại, kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục