Đến năm 2025, cả nước có khoảng 950 - 1.000 đô thị

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 18/5, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 06).
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các điểm cầu của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Ảnh: VGP
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các điểm cầu của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Ảnh: VGP

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đồng chủ trì Hội nghị.

Đô thị hóa và phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực tế đã chỉ ra các nước phát triển trên thế giới đều phải trải qua một quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị nhanh và bền vững. Thực tiễn phát triển đô thị tại Việt Nam trong thời gian qua bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Chất lượng đô thị hóa chưa cao...

Trong quá trình phát triển đô thị ở nước ta, đã có một số chủ trương, đường lối về đô thị hóa và phát triển đô thị được nêu trong văn kiện của các kỳ Đại hội của Đảng, tuy nhiên, cho đến trước khi ban hành Nghị quyết 06, Đảng ta vẫn chưa có nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này. Nghị quyết 06 là Nghị quyết chuyên đề lần đầu tiên của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị. Trong bối cảnh và điều kiện mới, Nghị quyết mới có tính tổng thể và toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Việc ban hành Nghị quyết 06 vào thời điểm hiện nay có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh của năm bản lề triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Nghị quyết 06 đề ra mục tiêu tổng quát là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hoá đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Từ mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể được Nghị quyết 06 đề ra là: Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 - 1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%.

Đến năm 2025, cả nước có khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 có khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc Trung ương đạt bình quân 25 - 30% vào năm 2025, 35 - 40% vào năm 2030. Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030…

Nghị quyết 06 cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trọng tâm là: Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị;...

Tin cùng chuyên mục