![]() |
![]() |
Luật sư Trần Hữu Huỳnh |
Trong quan sát của ông, đâu là những thay đổi lớn, đang và sẽ tạo nên không gian phát triển mới cho đất nước?
Thông qua nhiều bài viết, nhiều phát biểu và hành động khẩn trương, quyết liệt, Tổng Bí thư Tô Lâm và bộ máy Đảng, Nhà nước đã tạo nên một thay đổi lớn về tầm nhìn khi lan tỏa thông điệp về một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã thảo luận dân chủ, hoàn toàn nhất trí và ra nghị quyết để cụ thể hóa những quyết sách lớn của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, chuẩn bị đưa vào văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, định hình đường lối để lãnh đạo dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới. Đây là một thay đổi rất lớn về tầm nhìn chiến lược trong chiều dài lịch sử đất nước mình.
Để thấy được sự thay đổi mạnh mẽ, trước tiên, cần làm rõ thế nào là kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.
Theo Tổng Bí thư, kỷ nguyên mới là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng, với những mục tiêu chiến lược đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Lan tỏa thông điệp về kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư nêu quyết tâm thực hiện cho bằng được những mục tiêu đề ra; các hành động và biện pháp giải quyết một cách căn cơ những vấn đề về cơ cấu kinh tế và đời sống nhân dân, những vấn đề bức xúc dân sinh, an sinh xã hội… Đặc biệt, cần giải quyết bài toán nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức, bộ máy nhằm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn, mở rộng không gian phát triển, tiết giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo lợi thế so sánh và dư địa phát triển từ các đơn vị hành chính mới.
Tôi cho rằng, sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính là một bước chuẩn bị cho sự phát triển đất nước của cả 100 năm sau như lời Tổng Bí thư, tránh được tư duy nhiệm kỳ, cục bộ địa phương. Quyết sách này phù hợp với xu thế thời đại đang chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường.
Bên cạnh đó, trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, chưa bao giờ nước ta có một nghị quyết toàn diện, sâu sắc và đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (ban hành ngày 22/12/2024). Chưa đầy 2 tháng sau, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tầm nhìn và sự chuyển động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đang thúc đẩy mọi chủ thể chuyển động theo xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…, hướng đến mục tiêu chung cho đất nước đi lên.
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư chỉ ra 3 điểm nghẽn lớn nhất là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?
Công tác xây dựng thể chế kinh tế tiếp tục được lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, chỉ đạo sát sao. Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất thì thể chế được xác định là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, từ đó xác định chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tôi rất tâm đắc với định hướng xây dựng chính sách mà Thủ tướng đã chỉ đạo cuối năm 2024, đó là vừa quản được, vừa thông thoáng, khơi thông và huy động mọi nguồn lực để phát triển, nhất là trong giai đoạn tới phải đạt tăng trưởng 2 con số, thực hiện 2 mục tiêu 100 năm của đất nước.
Để thực sự giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển, nhiều văn bản pháp quy đang và sẽ phải sửa đổi. Trong quá trình này, tôi thấy rằng, quy trình soạn thảo và ban hành luật có đổi mới căn bản, có sự thay đổi toàn diện. Nếu thực tiễn có vướng mắc đòi hỏi cần phải sửa luật thì có thể thông qua ngay trong 1 kỳ họp, thay vì 2 kỳ họp như thông lệ trước đây, thậm chí Luật Đất đai phải trải qua tới 4 kỳ họp.
Đây là cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế, nhanh hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn. Nhanh hơn ở chỗ vừa mới sửa luật nhưng thấy vướng mắc thì sửa tiếp. Quyết liệt hơn ở chỗ làm ngày, làm đêm, có khi chỉ cần 1 đến 2 tháng để ban hành luật theo quy trình rút gọn. Tôi thấy, chưa bao giờ hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật lại khẩn trương và quyết liệt như thế. Hiệu quả hơn ở chỗ dùng một luật sửa nhiều luật, sửa ngay khi thực tiễn gặp vướng mắc. Sự thay đổi, cải cách về thể chế kịp thời sẽ tạo ra môi trường thuận lợi, mở nhiều cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ phát triển, tiến dần đến thay đổi hướng phát triển kinh tế chủ yếu là gia công, đứng cuối chuỗi giá trị gia tăng với lợi nhuận thấp lên một mức độ phát triển mới kết hợp kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo.
Về nguyên tắc, việc sửa đổi phải tốt hơn, có lợi hơn cho doanh nghiệp. Nếu việc sửa đổi ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng doanh nghiệp thì doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phải lên tiếng. Tôi cho rằng, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp cần được đẩy mạnh để song hành cùng Nhà nước, kịp thời phát hiện, giải quyết các ách tắc phát sinh từ cơ chế chính sách, giải phóng sức dân, sức doanh nghiệp.
Muốn vươn mình thì phải hội nhập nhưng môi trường kinh tế quốc tế lại biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, thưa ông?
Trong bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã viết: Thế giới đang đứng trước những thay đổi căn bản mang tính thời đại, biến đổi sâu sắc về mọi mặt dưới tác động của các chuyển dịch lớn của chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ. Giai đoạn từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để định hình và xác lập trật tự thế giới mới. Những thay đổi này đang tạo ra một môi trường quốc tế đa chiều hơn, mở ra những vận hội lớn cùng nhiều thách thức lớn cho đất nước. Trong giai đoạn giao thời, quá độ giữa cái cũ và cái mới, các nước vừa và nhỏ thường bị đặt ở thế bị động, không kịp thích ứng. Trong lần chuyển đổi này, nếu không kịp thời bắt nhịp với thế giới, nhận diện và tranh thủ cơ hội để đặt đất nước vào đúng dòng chảy của thời đại trong 10 năm, 20 năm tới, nguy cơ tụt hậu sẽ hiện hữu hơn bao giờ hết.
Theo Tổng Bí thư, hội nhập quốc tế phải trên cơ sở nội lực có vai trò quyết định, gia tăng nội lực đi đôi với với tranh thủ ngoại lực. Nội lực là nguồn lực chính, là gốc rễ cho sức mạnh, vì vậy phải luôn được phát huy để đảm bảo tính chủ động, độc lập, tự cường nhưng đồng thời, cần tranh thủ cao độ mọi nguồn lực từ bên ngoài để kết hợp và bổ sung cho nội lực. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo ra sức mạnh Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình. Trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, cần vận dụng lời dạy sâu sắc của Bác Hồ “ Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền của dân tộc đồng thời tranh thủ tối đa các cơ hội để chủ động vượt qua các thách thức của hội nhập.
Số lượng doanh nghiệp nước ta chạm mốc 1 triệu, nhưng lượng doanh nghiệp đầu đàn, doanh nghiệp lớn rất khiêm tốn. Trong bối cảnh hội nhập, làm thế nào để doanh nghiệp nội lớn lên, thưa ông?
Hội nhập quốc tế là chấp nhận không đơn lẻ mà phải “bay cùng đàn sếu”, quyết vượt dần lên giữa đàn rồi đầu đàn. Sau quyết sách Đổi mới nền kinh tế năm 1986, nước ta có chiến lược rõ ràng về thu hút FDI nhằm hút vốn, công nghệ, quản trị. Tuy nhiên, cho đến nay, nền công nghiệp nước ta vẫn chủ yếu lắp ráp đơn giản, lấy công làm lãi, công nghệ lạc hậu, tỷ lệ R&D thấp, ô nhiễm, chưa kể luôn phải đối mặt với nguy cơ xung đột thương mại quốc tế. Những năm qua, chúng ta thu hút FDI hiệu quả về số lượng, nhưng chưa có chính sách hiệu quả để bảo vệ sản xuất trong nước, thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp nội lớn nhanh hơn. Lỗi không phải ở nhà đầu tư nước ngoài mà ở chỗ ta “nói nhiều làm ít, nói hay làm dở”, chưa tận dụng được tác dụng lan tỏa của FDI nói chung, FDI công nghệ nói riêng.Thực tế nhiều việc cần phải làm đã được nêu lên, nhưng không được giải quyết rốt ráo trong một thời gian dài.
Trong bối cảnh thương mại quốc tế phức tạp hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải thực thi yêu cầu “3 không” gồm: không làm gia công quá đơn giản; không gian lận xuất xứ hàng hoá hay làm điểm trung chuyển hàng hoá cho bên thứ ba; không phụ thuộc vào một nước nào, độc lập tự chủ và có khả năng liên kết tốt. Đây là điều không dễ dàng, nhưng nếu không có áp lực cải cách thì mãi mãi chúng ta chỉ chạy theo sau để đối phó tình huống.
Với tầm nhìn chiến lược và đường lối đổi mới đất nước hiện nay, doanh nghiệp tư nhân được xác định là động lực chủ yếu, là đòn bẩy phát triển nền kinh tế. Đây là những điểm thuận lợi để thay đổi và chúng ta phải hành động khẩn trương, quyết liệt theo hướng chiến lược này, không thể khát vọng suông. Cần hợp sức đổi mới sáng tạo, cổ vũ và bảo vệ những chủ thể “dám nghĩ, dám làm” để tinh thần Khoán 10, Đổi mới tiếp tục xâm nhập, lan tỏa trong tất cả các lĩnh vực, mọi ngóc ngách của đời sống xã hội hôm nay, tạo nên thành quả bứt phá cho mai sau là tránh để quốc gia rơi vào bẫy thu nhập trung bình.