![]() |
Một số dự án đầu tư công có yêu cầu áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới với tổng mức đầu tư lớn, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện |
Bộ Xây dựng cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ được giao và góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025, tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, Bộ yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung xây dựng, hoàn thành 3 dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; cơ chế đặc thù về quy hoạch đô thị và nông thôn; cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, trình Chính phủ vào cuối tháng 4/2025. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành Nghị định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng; Nghị định về thiết kế kỹ thuật tổng thể và một số cơ chế đặc thù, đặc biệt thực hiện dự án đường sắt; đồng thời hoàn thiện hồ sơ xây dựng Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) trình Chính phủ trong tháng 5/2025.
Hoàn thiện thể chế, chính sách sẽ giúp đơn giản hóa quy trình, thủ tục về nguồn vốn, tập trung nguồn lực cho những dự án lớn và chắc chắn sẽ tạo ra “bệ phóng” để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng yếu quốc gia.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương nghiên cứu xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt, trình Chính phủ trước tháng 6/2025; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn về đường sắt, đường sắt tốc độ cao để chuẩn bị triển khai Dự án Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm hiện nay, Bộ Xây dựng đề nghị các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, điều chỉnh mục tiêu giải ngân, phấn đấu đạt 100% kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2025 (83.746 tỷ đồng). Bộ Xây dựng cũng cho biết sẽ khẩn trương hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để khởi công các dự án vừa được phê duyệt đầu tư gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Dầu Giây - Tân Phú, Mỹ An - Cao Lãnh, Cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn II, yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường kiểm tra hiện trường, kịp thời tháo gỡ vướng mắc thực tiễn.
Tại Bộ Tài chính, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, Nghị quyết số 193/2025/QH15, Nghị quyết số 192/2025/QH15, Nghị quyết số 190/2025/QH15, Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025, Bộ đã tổ chức nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật hiện hành về tài chính - ngân sách nhằm đề xuất các chính sách đột phá, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phục vụ hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Với Luật Đầu tư công, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi theo hướng tiếp tục phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án, đặc biệt là những dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cần thực hiện nhanh… nhằm bảo đảm căn cứ khơi thông nguồn vốn thực hiện các dự án đặc biệt; nâng cao tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn của dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A có yêu cầu đặc biệt về công nghệ. Thực tế thời gian qua đã phát sinh một số dự án đầu tư công đặc thù có yêu cầu áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới chưa được thực hiện tại nước ta, có tổng mức đầu tư lớn, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách đặc thù để phê duyệt dự án và triển khai thực hiện như Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Việc sớm triển khai và hoàn thành các dự án đặc biệt sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng. Hơn nữa, để đạt được mức tăng trưởng 2 con số, các dự án quan trọng quốc gia cũng cần được đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào vận hành để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn…
Chia sẻ với phóng viên, Lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, trong bối cảnh đất nước đang dồn lực để triển khai nhiều dự án đặc biệt, nâng tầm và thay đổi diện mạo hạ tầng quốc gia, việc hoàn thiện, làm mới nền tảng pháp lý là cần thiết để bố trí vốn cho các dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Pháp luật đấu thầu hiện hành vẫn thiếu hành lang pháp lý để đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành những dự án đặc thù, đặc biệt như Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Hoàn thiện thể chế, chính sách sẽ giúp đơn giản hóa quy trình, thủ tục về nguồn vốn, tập trung nguồn lực cho những dự án lớn và chắc chắn sẽ tạo ra “bệ phóng” để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng yếu quốc gia.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho rằng, với đường lối, chính sách hiện hành của Đảng và Nhà nước, khi thể chế, chính sách pháp luật được hoàn thiện sẽ tạo ra động lực để hệ sinh thái các doanh nghiệp xây dựng, sản xuất, thi công được góp sức tham gia vào các dự án lớn, chưa từng có tiền lệ như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Quyết tâm hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được nhiều doanh nghiệp đánh giá rất cao. Tinh thần đột phá, cải cách theo phương châm thay đổi tư duy và phương thức quản lý nhằm kiến tạo phát triển đất nước trong cải cách thể chế, sẽ tạo ra sức hút lớn về nguồn lực và thúc đẩy các dự án tăng tốc triển khai, hoàn thành, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội thời gian tới.