Đổi mới tư duy, quyết liệt hành động

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021 phải đạt nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2020 đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; phấn đấu hoàn thành 12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, tạo nền tảng tăng tốc phát triển ngay từ năm đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030.
Đổi mới tư duy, quyết liệt hành động

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin tới báo chí về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp báo Chính phủ chuyên đề thông tin về Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ sáng 4/1/2021.

Quyết tâm đạt tăng trưởng 6,5%

Nghị quyết 01/NQ-CP (NQ 01) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay ngày đầu tiên của năm 2021. Phương châm hành động của Chính phủ trong năm 2021 là “đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong phương châm của Chính phủ vẫn nhấn mạnh làm sao phát huy sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là phát huy niềm tin, khát vọng chính đáng vươn lên xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong NQ 01, Chính phủ xác định năm 2021 tiếp tục đổi mới tư duy, quyết liệt hành động hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội, khó khăn 2 thì cố gắng 3 - 4… Trên cơ sở đánh giá của các tổ chức quốc tế, nhận định tình hình trong nước, quốc tế và với quyết tâm cao, tại NQ 01, Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 là khoảng 6,5%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (6%).

Cùng với việc xây dựng mục tiêu chung, NQ 01 đưa ra 96 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực để các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phấn đấu và căn cứ vào đó đánh giá, đo lường hiệu quả, sự thành công, cố gắng của các bộ, ngành. 188 nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, lĩnh vực cũng được nêu rõ tại NQ 01. Các bộ, ngành xây dựng chương trình hành động ngay từ ngày 20/1/2021.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, ngành, địa phương phải bắt tay vào việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2021 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, không lơ là, chủ quan.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra

NQ 01 đề ra nhiều giải pháp quan trọng tiếp tục cần thực hiện đồng bộ, như phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, triển khai ngay các FTA… Cùng với đó, tăng cường chất lượng xây dựng thể chế và xác định thể chế vẫn là trọng tâm liên tục cho phát triển đất nước. Tập trung rà soát, sửa đổi, khắc phục những hạn chế, bất cập về cơ chế chính sách, nhất là trong lĩnh vực ngân sách như thuế, đất đai xây dựng, môi trường đầu tư. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách hành chính, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, tập trung quyết liệt nhất giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu... “Nếu làm tốt sẽ tạo ra dư địa lớn cho tăng trưởng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định.

Về gói hỗ trợ kinh tế lần hai trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu xây dựng báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ các giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế, doanh nghiệp, đối tượng xã hội khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021.

Dự báo năm 2021 tình hình dịch bệnh còn rất phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế có thể kéo dài sau năm 2021. Các giải pháp cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế cần có nghiên cứu chi tiết, phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành, địa phương, phù hợp với tình hình cụ thể của năm 2021. Đồng thời, để đưa ra các giải pháp đúng, trúng, đòi hỏi công tác theo dõi nắm bắt tình hình thường xuyên, chặt chẽ, cùng với đó cần tính đến nguồn lực, cách thức triển khai các giải pháp đề ra.

“Chúng tôi đang triển khai, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở nắm bắt sát tình hình thực tế, báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất với các giải pháp có tính khả thi cao”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.