![]() |
Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện, được đầu tư tại Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ (Bình Định). Ảnh: Anh Tuấn |
Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Bình Định, Dự án sử dụng công nghệ đốt rác phát điện, chất thải thứ cấp (tro xỉ) sau khi xử lý được tái sử dụng, tái chế.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong lần mời thầu này, Tỉnh yêu cầu nhà đầu tư phải sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, xử lý triệt để mùi hôi, tro bụi và không yêu cầu phân loại rác tại nguồn; máy móc, thiết bị, dây chuyền xử lý phải đảm bảo đầu tư mới, chưa qua sử dụng nhằm góp phần giảm chôn lấp chất thải, cải thiện môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị bền vững. Tổng mức đầu tư tối thiểu của Dự án là 1.500 tỷ đồng, tùy theo công nghệ, thiết bị của nhà đầu tư. Địa phương sẽ bàn giao mặt bằng sạch và tổ chức đầu tư hạ tầng đến hàng rào của Dự án (trừ hệ thống cấp nước phục vụ nhà máy sản xuất). Diện tích đất dự kiến sử dụng để xây dựng Nhà máy là 100.400 m2 tại ô A5 và A6 trong Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, xã Mỹ Phước, TP. Quy Nhơn. Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ phục vụ xử lý rác thải cho TP. Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định). Giá dịch vụ xử lý rác không quá 430.000 đồng/tấn.
Tháng 7/2020, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định chấp thuận cho Liên danh Công ty TNHH Xuân Hiếu - Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Nam Thành (đều có địa chỉ tại tỉnh Ninh Thuận) làm nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy Xử lý rác sinh hoạt tại Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ (TP. Quy Nhơn). Nhà đầu tư sau đó đã san lấp mặt bằng, mở tuyến đường công vụ đấu nối vào Dự án. Tuy nhiên, do quá trình đàm phán với địa phương không thành công nên tháng 6/2023, UBND tỉnh Bình Định quyết định hủy thầu và thu hồi quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Ngày 21/2/2025, đại diện Công ty TNHH Xuân Hiếu cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc không thống nhất được với chính quyền địa phương là mức giá dịch vụ xử lý rác thải sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng Nhà máy. Giá dịch vụ được địa phương ấn định là 225.000 đồng/tấn, nhưng theo tính toán của Nhà đầu tư, mức giá đảm bảo hoàn vốn đầu tư khoảng 370.000 đồng/tấn. Hiện nay, Dự án được mời thầu lại với công nghệ đốt rác phát điện, trần giá dịch vụ là 430.000 đồng/tấn (gần gấp đôi mức giá trần dịch vụ địa phương từng ấn định), nhưng do không làm chủ được công nghệ đốt rác phát điện nên Liên danh nhà đầu tư không tham gia.
Trong lần mời thầu thứ hai (tháng 6/2024), lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định thông tin, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định dừng lựa chọn nhà đầu tư do sự thay đổi của quy định pháp luật về đấu thầu và đất đai, đề xuất giá dịch vụ xử lý rác thải của các nhà đầu tư còn cao so với kỳ vọng của địa phương.
Lần mời thầu hiện nay, ông Trần Vũ Thanh Hùng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định cho biết, có nhiều cơ sở để lựa chọn được nhà đầu tư đủ “tầm” và “lực” thực hiện Dự án. Việc xây dựng các tiêu chí mời thầu lần này đảm bảo hài hòa với các quy định pháp luật hiện hành như Luật Đất đai (sửa đổi), cập nhật các quy định của pháp luật về đấu thầu… Sản phẩm của Dự án là có phát điện nên phải phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Do sử dụng công nghệ đốt rác phát điện (công nghệ hiện đại) nên Dự án sẽ được mời thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện. Trước khi Dự án được công bố mời thầu lại, đã có 3 nhà đầu tư (gồm 1 nhà đầu tư có 100% vốn nước ngoài và 2 nhà đầu tư trong nước liên danh với nhà đầu tư nước ngoài sở hữu công nghệ đốt rác phát điện) bày tỏ quan tâm và mong muốn đầu tư Dự án. Nếu lần này lựa chọn thành công nhà đầu tư, Dự án sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 5/2025 vì mặt bằng đã sẵn sàng. Trong việc đánh giá hồ sơ dự thầu, chủ trương nhất quán của tỉnh Bình Định là phải đảm bảo hài hòa 3 tiêu chí: công nghệ, giá thành và năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.
Một chuyên gia về xử lý chất thải rắn cho biết, công nghệ đốt rác phát điện là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trong xử lý chất thải rắn. Tại Việt Nam, công nghệ này mới được áp dụng ở một vài nhà máy xử lý rác thải ở Hà Nội, Bình Dương và chưa có đánh giá sâu về tác động môi trường. Trong nguyên lý hoạt động, công nghệ đốt rác phát điện của Trung Quốc và các nước G7 là khác nhau, mỗi loại có những ưu điểm và hạn chế riêng. Do vậy, tỉnh Bình Định cần thận trọng cân nhắc lựa chọn loại công nghệ đốt rác phát điện an toàn với môi trường.