![]() |
Nhà thầu kiến nghị bức xúc về việc cùng một công trình giao thông cấp 3 (tổ hợp cả cầu và đường) song kết quả chấm thầu ở 2 lần Bên mời thầu đệ trình báo cáo đánh giá E-HSDT lại có kết quả trái ngược nhau. Ảnh: NT |
Ông Huỳnh Xuân Vũ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang cho biết, Sở đã tiếp nhận đơn kiến nghị của Nhà thầu và thực hiện quy trình xử lý kiến nghị theo quy định. Sở đã gửi văn bản yêu cầu Chủ đầu tư, sở ngành liên quan cử cán bộ tham gia hội đồng tư vấn. Vào ngày 12/2/2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có quyết định thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 03 - Thi công xây dựng cầu Giải phóng 9 TP. Rạch Giá. Hiện tại, Chủ đầu tư, Bên mời thầu đã cung cấp hồ sơ và Hội đồng tư vấn đang kiểm tra, rà soát hồ sơ để đảm bảo tính đầy đủ, minh bạch trước khi tiến hành bước xem xét, đánh giá các nội dung do Nhà thầu kiến nghị.
Liên quan đến kiến nghị, ông Huỳnh Xuân Vũ cho biết: “Theo quy định, việc đánh giá hồ sơ mời thầu (HSDT) phải căn cứ các tiêu chí hồ sơ mời thầu (HSMT) được duyệt, căn cứ HSDT đã nộp và các tài liệu giải thích, làm rõ HSDT. Nhà thầu trúng thầu phải đáp ứng yêu cầu HSMT. Quá trình lựa chọn nhà thầu xây dựng cầu Giải phóng 9, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn bản hướng dẫn rõ ràng cho Chủ đầu tư, Bên mời thầu về quy trình đánh giá HSDT, xử lý tình huống. Đặc biệt trong đó, có hướng dẫn rất rõ về xác định, đánh giá loại, cấp công trình và giá trị công trình tương tự đúng với HSMT”.
Trong quá trình chấm thầu, Bên mời thầu (Công ty CP Đầu tư xây dựng Hưng Long) đánh giá Liên danh Xây lắp cầu Giải Phóng 9 Kiên Giang không đáp ứng yêu cầu vì 2 hợp đồng tương tự do nhà thầu đề xuất cộng gộp không tương đương 1 công trình mà HSMT yêu cầu về cấp và giá trị. Đây chính là “nút thắt” khiến nảy sinh sự bất đồng quan điểm giữa Bên mời thầu và Nhà thầu về cách đánh giá kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự.
Cần trích dẫn lại, HSMT Gói thầu xây dựng cầu Giải Phóng 9 có yêu cầu: “Trường hợp gói thầu gồm tổ hợp nhiều công trình từ ngày 1/1/2019 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn tối thiểu 1 công trình có loại kết cấu công trình giao thông (thi công cầu đường bộ), cấp 2, có giá trị 129.167.000.000 đồng;… với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh), nhà thầu quản lý hoặc nhà thầu phụ”.
Để chứng minh năng lực, kinh nghiệm đối với yêu cầu này, Liên danh Xây lắp cầu Giải phóng 9 Kiên Giang cung cấp 2 hợp đồng. Một là, Hợp đồng số 06/2019/HĐKT (ngày 20/9/2019) xây dựng đường Thứ Hai đến Công Sự (gồm phần đường, phần cầu, hệ thống thoát nước và bố trí an toàn giao thông) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường Thứ Hai đến Công Sự. Theo quyết định phê duyệt Dự án của UBND tỉnh Kiên Giang, công trình này là công trình giao thông cấp 3 (công trình tổ hợp cả cầu và đường). Phần giá trị công việc do Công ty TNHH Trường Phát đảm nhiệm là 150.488.717.092 đồng.
Hai là, Hợp đồng số 36/2022/HĐ-XD (ngày 21/1/2022) thi công xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị công trình thuộc Dự án cầu Thứ Ba (ngang kênh xáng Xẻo Rô) có giá trị 177.995.855.308 đồng. Theo quyết định phê duyệt Dự án, đây là công trình giao thông cầu đường bộ cấp 3. Công ty TNHH Trường Phát đã thực hiện giá trị 163.408.574.703 đồng.
Theo quy định, 2 công trình có cấp thấp hơn liền kề với công trình đang xét, giá trị hoàn thành mỗi công trình cấp thấp hơn liền kề bằng hoặc lớn hơn 50% giá trị công việc xây lắp của công trình đang xét sẽ được đánh giá là một công trình xây lắp tương tự. Do đó, Liên danh Xây lắp cầu Giải phóng 9 Kiên Giang cho rằng, 2 hợp đồng tương tự do nhà thầu đệ trình là công trình có loại kết cấu loại kết cấu công trình giao thông (có hạng mục cầu đường bộ) cấp 3 và có giá trị lần lượt hơn 150,488 tỷ đồng và 177,995 tỷ đồng đã tương tương 1 công trình cấp 2 như HSMT yêu cầu.
Trái với quan điểm của Nhà thầu, Bên mời thầu đánh giá, 2 hợp đồng trên cộng gộp không tương đương 1 công trình giao thông (thi công cầu đường bộ) cấp 2 và không tương đương về giá trị theo yêu cầu. Quan điểm của Bên mời thầu xuất phát từ cách bóc tách khối lượng, giá trị, thông số kỹ thuật nhịp cầu để đánh giá cấp của toàn bộ công trình tương tự. Cụ thể, Bên mời thầu xác định, hạng mục cầu trong hợp đồng xây dựng đường Thứ Hai đến Công Sự chỉ tương đương cầu cấp 4, giá trị là 77.919.406.477 đồng, nhỏ hơn mức giá trị mà HSMT yêu cầu. Đánh giá về cấp công trình đường Thứ Hai đến Công Sự này của Bên mời thầu không đúng với quyết định phê duyệt dự án của tỉnh Kiên Giang (là công trình cấp 3). Cũng với cách bóc tách như trên thì hợp đồng xây dựng cầu Thứ Ba có giá trị phần cầu là 87.397.293.417 đồng, nhỏ hơn mức giá trị mà HSMT yêu cầu.
Theo chuyên gia đấu thầu, việc đánh giá HSDT của Bên mời thầu không căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá của HSMT và căn cứ HSDT đã nộp và các tài liệu làm rõ HSDT. Việc diễn giải yêu cầu HSMT về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp theo hướng bóc tách khối lượng, giá trị, thông số kỹ thuật nhịp cầu để đánh giá cấp của toàn bộ công trình tương tự là không đúng với HSMT được duyệt và phát hành, không đảm bảo tính minh bạch, có thể làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
Hiện nay, việc xác định cấp công trình được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tại Mẫu 3A ban hành kèm theo Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT. Theo đó, loại kết cấu, cấp công trình xác định theo Phụ lục II Thông tư 06/2021/TT-BXD (có hiệu lực từ ngày 15/8/2021) của Bộ Xây dựng. Trường hợp công trình, loại kết cấu công trình không có trong Phụ lục II thì HSMT phải đưa ra quy định tương đương về bản chất của công trình. Căn cứ vào quy định, cấp công trình được xác định trong quyết định phê duyệt dự án do cấp thẩm quyền phê duyệt. Thêm nữa, điều khoản chuyển tiếp trong Thông tư 06/2021/TT-BXD cũng nêu, cấp công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được quyết định đầu tư trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành được xác định theo quyết định của pháp luật tại thời điểm phê duyệt dự án.
Trong khi đó, theo Nhà thầu, công trình đường Thứ Hai đến Công Sự được phê duyệt trước thời điểm Thông tư 06/2021/TT-BXD có hiệu lực nên việc xác định cấp, giá trị công trình này phải căn cứ vào quyết định phê duyệt dự án và là công trình giao thông cấp 3.
![]() |
Các văn bản và báo cáo thẩm định của Phòng Tài chính - Kế Hoạch TP. Rạch Giá chỉ ra nhiều “hạt sạn” trong khâu tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng cầu Giải Phóng 9. Ảnh: NT chụp từ văn bản. |
Quá trình Hội đồng tư vấn rà soát hồ sơ, tài liệu nhận thấy, khâu chấm thầu tồn tại nhiều bất cập và có chỉ dấu cho thấy chất lượng khâu chấm thầu còn nhiều “hạt sạn”. Đơn cử, Tổ thẩm định (Phòng Tài chính - Kế Hoạch TP. Rạch Giá) nhận định: Theo Báo cáo đánh giá HSDT số 229/2024/BC-ĐT ngày 18/11/2024 (lần 1) thì trong 7 nhà thầu tham dự có 4 nhà thầu bị loại do không đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm, còn lại 3 nhà thầu vượt qua tất cả các bước đánh giá. Đó lần lượt là Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương, Liên danh Nhà thầu Gói thầu số 03 - Cầu Giải phóng 9 (gồm Công ty CP Hạ tầng Bắc Trung Nam - Công ty TNHH XD TM DV DNT), Liên danh Xây lắp cầu Giải phóng 9 Kiên Giang (gồm Công ty TNHH Trường Phát - Công ty CP Đầu tư xây dựng công nghệ mới Phúc Tấn).
Sau đó, Tổ Thẩm định đề nghị (Công văn số 100/CV-TCKH ngày 29/11/2024) Bên mời thầu rà soát, đánh giá HSDT của 3 nhà thầu do còn một số nội dung cần làm rõ. Cụ thể, đối với HSDT của Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương cần làm rõ 4 nội dung. Trong đó, có 2 nội dung đáng chú ý là phạm vi cung cấp cát của mỏ cát tại tỉnh Trà Vinh mà Nhà thầu có ký kết hợp đồng nguyên tắc với Công ty CP Đầu tư xây dựng & cơ điện Thiên Phú và việc 3 giấy chứng nhận kiểm định thiết bị nhưng kèm 1 tờ khai hàng hóa nhập khẩu. Với HSDT của Liên danh Nhà thầu Gói thầu số 03 - Cầu Giải phóng 9, Tổ thẩm định đề nghị làm rõ 4 nội dung gồm: 2 nội dung về nhân sự chủ chốt, 1 nội dung về thiết bị, 1 nội dung về mức độ đáp ứng của các thông số trong hợp đồng nguyên tắc cung ứng vật liệu.
Đối với HSDT của Liên danh Xây lắp cầu Giải phóng 9 Kiên Giang, Tổ thẩm định đề nghị Bên mời thầu đối chiếu hồ sơ, tài liệu và làm rõ nội dung về tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật như: các thông số kỹ thuật, nhãn hiệu, xuất xứ đối với Danh mục vật tư theo yêu cầu mà nhà thầu dự kiến sử dụng cho gói thầu. Đối chiếu, tài liệu hồ sơ đính kèm theo catalog hoặc các loại giấy tờ thể hiện thông số kỹ thuật phù hợp đáp ứng theo yêu cầu của hồ sơ thiết kế đối với các loại vật tư: cáp treo, lan can cầu, đèn LED, đèn chiếu sáng mỹ thuật, tủ điều khiển... nêu trong các hợp đồng nguyên tắc kèm E-HSDT có phù hợp với yêu cầu của hồ sơ thiết kế hay không.
Tuy nhiên, thay vì tiến hành làm rõ các nội dung trong HSDT của 3 nhà thầu như Tổ thẩm định đề nghị, Bên mời thầu đã thực hiện việc chấm thầu bổ sung, theo đó đánh giá lại nhiều nội dung ngoài phạm vi yêu cầu của Tổ thẩm định.
Diễn biến bất ngờ, ngày 26/12/2024, Bên mời thầu phát hành Báo cáo đánh giá HSDT số 380/2024/BC-ĐT (lần 2 - điều chỉnh bổ sung) lại đề nghị hủy thầu với lý do HSDT của tất cả các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu. Trước việc hủy thầu, nhà thầu nghi ngại chất lượng chấm thầu có những “hạt sạn”. Bởi cùng một đề bài, cùng một đáp án, song kết quả chấm thầu ở 2 lần báo cáo đánh giá HSDT trái ngược nhau. Nhà thầu kiến nghị đặt dấu hỏi, vì sao 2 hợp đồng tương tự đường Thứ Hai đến Công Sự và cầu Thứ Ba đã vượt qua tất cả các bước đánh giá, thẩm định (lần 1), nhưng trong báo cáo đánh giá HSDT (lần 2 - điều chỉnh bổ sung) Bên mời thầu lại đánh giá 2 hợp đồng trên không đáp ứng yêu cầu? Nhà thầu kiến nghị cũng bức xúc về việc Tổ thẩm định không đề nghị Bên mời thầu rà soát, đối chiếu nội dung liên quan đến 2 hợp đồng tương tự đã nộp.
Theo chuyên gia đấu thầu, căn cứ quy định về quy trình lựa chọn nhà thầu, sau khi ban hành báo cáo đánh giá HSDT thì trách nhiệm của Bên mời thầu là trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; thương thảo (nếu có) và hoàn thiện hợp đồng với nhà thầu, quản lý thực hiện hợp đồng (nếu có).
Tại Báo cáo Thẩm định số 336/BCTĐ-TCKH ngày 30/12/2024, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Rạch Giá cũng chỉ ra nhiều “hạt sạn” khác trong khâu lựa chọn nhà thầu như thời gian đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu không tuân thủ quy định, trễ 11 ngày; thời gian đánh giá HSDT cũng không tuân thủ, trễ 51 ngày so với thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu theo Kế hoạch hoạch lựa chọn nhà thầu đã được duyệt. Theo đó, Tổ thẩm định đề nghị UBND TP. Rạch Giá xem xét, xử lý tình huống trong đấu thầu nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai công trình theo kế hoạch, tiến độ giải ngân. Đáng chú ý, trong 2 tình huống do Tổ thẩm định đề nghị, tình huống được đặt lên hàng đầu là giao Bên mời thầu và Ban QLDA ĐTXD TP. Rạch Giá tiếp tục đánh giá HSDT của 3 nhà thầu vượt qua tất cả các bước đánh giá như đề xuất tại Báo cáo đánh giá HSDT lần 1 sau khi được làm rõ để lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, có giải pháp khả thi để thực hiện Gói thầu.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Huỳnh Xuân Vũ cho biết, cầu Giải Phóng 9 (tổng mức đầu tư 870 tỷ đồng) là dự án giao thông trọng điểm, có mục tiêu nâng cao năng lực giao thông, cải thiện sinh kế cho người dân, cử tri nhiều lần kiến nghị, mong mỏi Dự án được triển khai nhanh. Hiện nay, công trình cầu Giải phóng 9 đối diện với nguy cơ không thể hoàn thành vào cuối năm 2025 như đã định bởi thời gian thi công cần tới 450 ngày, trong khi quỹ thời gian đã dần cạn. Do đó, dự án này đứng trước nguy cơ tiếp tục phải chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030. Năm 2024, ngân sách nhà nước bố trí 400 tỷ đồng để thực hiện Dự án, nhưng vì chưa thể khởi công nên nguồn vốn đã bố trí không giải ngân, gây lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư công. Theo quy định của pháp luật đầu tư công, việc bố trí vốn không được kéo dài hơn 1 năm, cầu Giải Phóng 9 không thuộc trường hợp được kéo dài thời gian thực hiện. Do đó, dẫn đến việc địa phương mất nguồn vốn trên và khi đó cần xem xét trách nhiệm Chủ đầu tư, Bên mời thầu.
Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục theo dõi sự việc và thông tin tới bạn đọc tiến trình xử lý kiến nghị của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang.