![]() |
Tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Ảnh: Lê Tiên |
Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đề án cũng đưa ra một số điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên. Trong đó nhấn mạnh việc đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao để trở thành động lực, nhân tố ngày càng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
Trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều khởi sắc, tháng 1/2025 ghi nhận 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2025 chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở mức dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp, cho thấy các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp. Do vậy, đề nghị tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công.
Về đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công, Ủy ban Kinh tế cho rằng, đề xuất này là cần thiết để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ kế hoạch sử dụng số bội chi, nợ công tăng thêm trong trường hợp điều chỉnh; đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý nợ công; quyết liệt điều hành để bảo đảm bội chi, nợ công trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 159/2024/QH15, chỉ điều chỉnh khi đã thực hiện hết các giải pháp và bảo đảm an toàn nợ công, khả năng trả nợ, đặc biệt là chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách.
![]() |
Nguồn: Bộ Tài chính |
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8% là khả thi, song phụ thuộc nhiều vào mức độ tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế, khơi thông dòng vốn đầu tư nhà nước, tư nhân, tiêu dùng trong nước cũng như thúc đẩy xuất khẩu với mức tăng trưởng cao hơn năm ngoái.
“Đề án đưa ra kịch bản tăng trưởng 8% dựa trên cơ sở tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, trong đó đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025), đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD. Đây là những con số khá tham vọng trong bối cảnh hiện nay, song vẫn có khả năng đạt được nếu các giải pháp về khơi thông động lực tăng trưởng được triển khai hiệu quả”, ông Bình nói.
Bên cạnh đó, theo ông Bình, với nguồn tiền đổ ra nền kinh tế lớn như vậy, cần tính đến các giải pháp ứng phó với rủi ro từ lạm phát, tỷ giá và hệ lụy trong những năm tiếp theo. “Đây là bài toán đánh đổi giữa tăng trưởng cao và tác động đến các yếu tố vĩ mô khác. Do đó, cần chú trọng kiểm soát chặt lạm phát trong ngưỡng cho phép, sẵn sàng các giải pháp ứng phó. Hơn hết, cần tận dụng đà tăng trưởng này để tạo động lực phát triển bền vững cho giai đoạn tiếp theo”, ông Bình nhấn mạnh.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng dưới tiềm năng và còn nhiều dư địa cải thiện thì việc tiếp tục cải cách thể chế là nhiệm vụ quan trọng nhất. Bên cạnh đó, việc tăng bội chi và nợ công để thúc đẩy tăng trưởng GDP là việc cần làm trong bối cảnh hiện nay để tạo điều kiện đẩy mạnh các động lực của nền kinh tế.
“Về trung và dài hạn, việc đẩy mạnh tiền vào nền kinh tế, đặc biệt là dư nợ tín dụng/GDP dự kiến lên mức 140% GDP là ngưỡng đáng ngại, có thể tác động bất lợi đến việc ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, cần kiểm soát lạm phát và tránh tình trạng “phanh gấp” hoặc chuyển hướng đột ngột các chính sách điều hành có thể khiến doanh nghiệp và người dân điêu đứng. Do đó, cần lường trước rủi ro cho cả năm nay và các năm sau để xây dựng các giải pháp phát triển và bền vững”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo một số ý kiến, tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên là mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh hiện nay. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc đẩy mạnh các động lực tăng trưởng, cần chú trọng bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công, kiểm soát rủi ro lạm phát để tăng trưởng cao mà không làm phát sinh những hệ lụy trên chặng đường dài phía trước.