Gói thầu Bảo hiểm rủi ro trong quá trình xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 có giá gói thầu hơn 133 tỷ đồng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Gói thầu Bảo hiểm rủi ro trong quá trình xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 có giá gói thầu hơn 133 tỷ đồng. Theo thông báo của Ban Quản lý dự án điện - Chi nhánh Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, Liên danh Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI) - Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) trúng thầu với giá 115,176 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 1.095 ngày, theo đơn giá cố định.
Theo kết quả công bố ngày 17/5/2022, BLI bị loại do không bảo đảm năng lực, kinh nghiệm; VBI bị loại vì hồ sơ không hợp lệ.
Thực tế, tại thời điểm mở thầu, khi biết danh sách nhà thầu tham dự, một nhà thầu từng có kiến nghị về hồ sơ mời thầu (HSMT) của Gói thầu chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu rằng, không khó để nhìn ra BLI và VBI không đáp ứng yêu cầu HSMT.
Theo nhà thầu này, căn cứ bộ tiêu chí đưa ra trong HSMT, để không bị loại, nhà thầu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như có vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng trở lên tính đến ngày 31/12/2020 theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán; quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tại thời điểm 31/12/2020 phải trên 2.500 tỷ đồng; phải có xếp hạng tín nhiệm tài chính bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế bao gồm A.M. Best hoặc Standard & Poor’s hoặc Moody’s hoặc Fitch tại năm tài chính gần nhất…
Nhà thầu trên cho biết, theo báo cáo tài chính năm 2020 của BLI, dự phòng nghiệp vụ của doanh nghiệp này đến 31/12/2020 là 1.079 tỷ đồng, vốn điều lệ 600 tỷ đồng. VBI có vốn điều lệ 666,5 tỷ đồng. Cả hai doanh nghiệp này đều chưa có xếp hạng tín nhiệm tài chính bởi các tổ chức quốc tế như HSMT yêu cầu. “Việc nhà thầu biết trượt nhưng vẫn tham dự mà không có ý kiến gì về HSMT cũng như không liên danh là điều khó hiểu”, nhà thầu này chia sẻ.
Dù là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu thị trường hiện nay, vốn điều lệ, dự phòng nghiệp vụ, doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm; nguồn lực tài chính dành cho gói thầu… đều vượt yêu cầu HSMT, nhưng nhà thầu trên vẫn tự rút lui vì không có xếp hạng tín nhiệm tài chính bởi các tổ chức xếp hạng nêu trong HSMT.
Nhà thầu này cho rằng, bộ tiêu chí tại HSMT làm khó nhiều nhà thầu đủ năng lực tài chính kinh nghiệm, trong đó có tiêu chí yêu cầu phải có xếp hạng tín nhiệm tài chính bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế bao gồm A.M. Best hoặc Standard & Poor’s hoặc Moody’s hoặc Fitch tại năm tài chính gần nhất. Theo phản ánh, trên thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay chỉ có 5 - 6 nhà bảo hiểm gốc thực hiện đánh giá xếp hạng tín nhiệm tài chính bởi các tổ chức quốc tế nêu trên. Trong khi đó, việc có xếp hạng quốc tế cần thiết khi doanh nghiệp bảo hiểm gốc vốn đầu tư nước ngoài hay hoạt động ở thị trường nước ngoài, mà không phải là quy định tiên quyết để có thể lựa chọn nhà bảo hiểm có khả năng tài chính tốt tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, nhất là với gói thầu đấu thầu trong nước.
Ngoài ra, nhiều nhà thầu khác cũng có kiến nghị sửa đổi nhiều tiêu chí HSMT. Tuy nhiên, hầu hết các tiêu chí mà nhà thầu đề nghị sửa đổi không được điều chỉnh.
Theo Ban Quản lý dự án điện thuộc Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 là dự án quan trọng quốc gia, đòi hỏi nhà thầu tham gia thực hiện Dự án phải đủ năng lực kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu, trong đó có gói thầu bảo hiểm. Chủ đầu tư đã tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước nhằm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín để có thể giải quyết các tổn thất phát sinh (nếu có) nhanh nhất, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến tiến độ, chi phí trong quá trình xây dựng công trình.
Sau những kiến nghị sửa đổi HSMT bất thành, dù rất quan tâm đến gói thầu, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn đã tự rút lui.