Hiệp thương lần thứ hai: Hồ sơ ứng cử nào sẽ “đi tiếp”?

(BĐT) - Chậm nhất là ngày 18/3/2016, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tiến hành hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Một bộ hồ sơ ứng cử như thế nào thì được coi là hợp lệ để đưa vào danh sách hiệp thương lần thứ hai?
Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là những cơ quan đặc biệt quan trọng trong bộ máy nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là những cơ quan đặc biệt quan trọng trong bộ máy nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Hồ sơ phải bảo đảm tính hợp lệ và tính hợp pháp

Thông qua việc khai và nộp hồ sơ ứng cử cũng phản ánh phần nào về chất lượng người ứng cử. Một điểm mới được quy định trong pháp luật về bầu cử là người ứng cử có thể viết tay hoặc đánh máy, nhưng phải bảo đảm đúng theo các mẫu văn bản trong hồ sơ ứng cử do Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành và ký vào từng trang văn bản của hồ sơ ứng cử. Các hồ sơ như vậy đều có giá trị pháp lý như nhau và đều hợp lệ. Ảnh của người ứng cử là ảnh được chụp trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ. Trong Sơ yếu lý lịch, Tiểu sử tóm tắt, ảnh của người ứng cử phải được dán đúng vị trí quy định và được đóng dấu giáp lai của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người ứng cử thường trú.

 Thực tế việc nhận hồ sơ ứng cử vừa qua cho thấy, có người ứng cử phải kê khai lại nhiều lần do hồ sơ ứng cử chưa hợp lệ hoặc chưa hợp pháp. Trong số những trường hợp như vậy, có người đặt câu hỏi liệu “chất lượng” những ứng cử viên này có đáp ứng được hay không? Ngay cả đến việc thực hiện “quyền ứng cử” của mình cũng chưa hoàn thành được thì thử hỏi có thể xây dựng, bảo vệ và triển khai thực hiện “quyền và nghĩa vụ” của người khác được không? 

Phải khai trung thực, rõ ràng, minh bạch

Hồ sơ ứng cử ngoài việc đáp ứng tính hợp lệ, hợp pháp, còn phải được kê khai trung thực, rõ ràng, minh bạch. Những thông tin trong hồ sơ ứng cử là căn cứ để các cơ quan tiến hành hiệp thương lập danh sách sơ bộ, danh sách chính thức những người ứng cử và là căn cứ để cử tri nghiên cứu, xem xét, cân nhắc lựa chọn.

Trong lần chuẩn bị bầu cử này, thời gian từ khi kết thúc nhận hồ sơ ứng cử đến trước thời điểm tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai chỉ có 4 ngày. Trong 4 ngày này, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp sẽ tiến hành xem xét hồ sơ những người ứng cử, nếu thấy hợp lệ theo quy định của pháp luật về bầu cử thì chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp để đưa vào danh sách hiệp thương.

Chỉ những hồ sơ ứng cử đáp ứng đầy đủ các yếu tố nêu trên mới hội đủ những yêu cầu của một bộ hồ sơ ứng cử hợp lệ, là căn cứ để các cơ quan tiến hành các bước tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu dân cử cần có cả kỹ năng “cứng’ và “mềm”:

Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là những cơ quan “đặc biệt” quan trọng trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân trực tiếp bầu ra. Chính các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sẽ chuyển hóa các chủ trương, đường lối của các cấp ủy Đảng vào pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của Trung ương, của địa phương. Vì vậy, đại biểu dân cử cần phải có cả kỹ năng “cứng” và kỹ năng “mềm” mới có thể thực hiện tốt các chức năng của cơ quan dân cử.

Để trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, người ứng cử phải đáp ứng tất cả các quy định của pháp luật về độ tuổi ứng cử, về trình độ, phẩm chất chính trị… và việc đầu tiên người ứng cử phải làm là khai và nộp hồ sơ ứng cử theo quy định của pháp luật – một việc thật là đơn giản đối với người ứng cử am tường pháp luật nhưng cũng thật khó khăn đối với người ứng cử chưa dành thời gian tìm hiểu kỹ để rồi không nắm vững các quy định của pháp luật về bầu cử.

Tin cùng chuyên mục