Khai thác lợi ích của đấu thầu phát triển năng lượng bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) một cách bền vững, Chính phủ đang nghiên cứu quy định về cơ chế đấu thầu phát triển NLTT, trước mắt là điện mặt trời và điện gió. Theo nhiều chuyên gia, đây là cơ chế mang lại nhiều lợi ích, cần sớm được áp dụng nhằm góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 vừa qua.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Cơ chế giá FIT bộc lộ hàng loạt bất cập

Cơ chế giá mua điện cố định (giá FIT) áp dụng cho các dự án phát triển NLTT thời gian qua đã tạo động lực cho thị trường có những bước phát triển nhanh và mạnh. Tổng công suất lắp đặt nguồn NLTT lên đến 21.549 MW, chiếm 28% tổng công suất lắp đặt của toàn bộ hệ thống điện (77.982 MW). Trong đó, công suất lắp đặt của điện mặt trời là 8.872 MW, điện mặt trời áp mái là 7.755 MW.

Với điện gió, năm 2021, Việt Nam là điểm sáng của khu vực và thế giới với trên 4.000 MW đưa vào vận hành. Các công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất cùng các chuyên gia hàng đầu thế giới đã quy tụ về đây, cho dù năm 2021 là giai đoạn đỉnh của dịch bệnh với các biện pháp phong tỏa, cách ly, hạn chế…

Thông tin đưa ra tại Tọa đàm “Cơ chế đấu thầu phát triển bền vững thị trường điện năng lượng tái tạo” cho thấy, cơ chế giá FIT đã bộc lộ những bất cập.

Đó là chủ đầu tư các dự án phát điện sử dụng nguồn NLTT được lựa chọn thông qua hình thức giao trực tiếp bởi cơ quan có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh, tuỳ theo thẩm quyền. Phần lớn các dự án do địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư nên dẫn đến tình trạng hiện nay có sự mất cân đối nguồn phát điện ở các vùng.

Sự phát triển thiếu đồng bộ giữa nguồn và lưới truyền tải nên công tác vận hành, điều độ thị trường điện gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là các điểm bất lợi do đại dịch Covid-19 gây ra khiến nhu cầu sử dụng điện giảm, dẫn đến có thời điểm phải cắt giảm công suất phát của các nhà máy điện nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện.

Bên cạnh đó, giá FIT đối với dự án phát điện nguồn NLTT chưa thúc đẩy việc xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh.

Đến thời điểm này, cơ chế giá FIT với cả điện gió và điện mặt trời cũng đã kết thúc. Tiếp tục phát triển NLTT, thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, hiện cơ chế này vẫn chưa ban hành.

Cần dịch chuyển sang cơ chế đấu thầu

Đánh giá cao tính ưu việt của cơ chế đấu thầu, tại Tọa đàm, các chuyên gia năng lượng cho rằng, để giúp thị trường NLTT trong nước phát triển bền vững, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước đi trước.

Về cơ chế, chúng ta cần chuyển dần từ cơ chế giá FIT sang đấu thầu. Theo bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam, cơ chế này mang lại khả năng thực thi kế hoạch phát triển nguồn điện NLTT một cách hợp lý, tiết kiệm chi phí và minh bạch.

Ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và đào tạo thuộc Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) chỉ ra, cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực NLTT có ưu điểm cho kết quả mang tính cạnh tranh, người tiêu dùng được hưởng lợi. Điều này sẽ giúp cho thị trường điện phát triển một cách cạnh tranh, hiệu quả hướng đến thực thi cam kết net zero carbon vào năm 2050 theo tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia năng lượng bày tỏ sự cần thiết chuyển đổi sang cơ chế đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư phát triển NLTT. Theo ông Sơn, nếu tất cả các dự án điện, không cứ dự án điện gió hay điện mặt trời lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế này đều rất có lợi cho cả bên mua và bên bán. Nhà nước không cần phải đưa giá FIT mà giá mua điện cạnh tranh. Về phía nhà đầu tư cũng chủ động được dự án của mình.

Nhìn từ thực tế, ông Sơn cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để áp dụng ngay cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện tái tạo, không cần gia hạn cơ chế giá FIT như một nhà đầu tư đề xuất. “Chúng ta đã có hệ thống pháp luật về đấu thầu chuẩn chỉ, hay, phù hợp với thông lệ quốc tế để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực thực sự”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc tổ chức đấu thầu như thế nào thì cần phải bàn bạc kỹ lưỡng. Mọi quy trình phải công khai, minh bạch, biểu giá phải rõ ràng. Nếu không đưa ra được quy trình, quy định cụ thể thì sẽ có sự “cong vênh”.

Nguồn tin của Báo Đấu thầu cho hay, đến thời điểm này, cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện mặt trời và điện gió vẫn chưa được ban hành do còn có nhiều vướng mắc, trong đó có vướng mắc liên quan cấu trúc thị trường điện của Việt Nam khá đặc thù, chỉ có mình EVN mua điện.

Về vấn đề này, ông Sơn cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể hóa giải “nút thắt” nếu có quyết tâm chính trị. Đấu thầu là giải pháp của kinh tế thị trường. Thị trường ở đây là thị trường điện cần có sự cạnh tranh, minh bạch. “Hiện thị trường điện của ta vẫn là nhiều người bán nhưng có một người mua. Còn thị trường tiêu thụ thì một người bán, nhiều người mua”, ông Sơn cho biết.

Tin cùng chuyên mục