Khẩn trương trong cuộc đua “hộ chiếu vắc xin”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều ý kiến, việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng và “hộ chiếu vắc xin” không chỉ là cuộc đua về y tế mà cả về kinh tế, nhằm giành lợi thế cạnh tranh, tạo cơ hội tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, vấn đề an toàn sức khỏe người dân vẫn là quan trọng nhất, việc triển khai “hộ chiếu vắc xin” dù khẩn trương nhưng phải rất thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Nếu triển khai được “hộ chiếu vắc xin” đi đôi với kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhất là du lịch. Ảnh: Song Lê
Nếu triển khai được “hộ chiếu vắc xin” đi đôi với kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhất là du lịch. Ảnh: Song Lê

Không chỉ là cuộc đua về y tế

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), yếu tố quyết định tăng trưởng của các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào hiệu suất kiểm soát vi rút SARS-CoV-2, khả năng tận dụng sự phục hồi của thương mại hàng hóa quốc tế và năng lực đưa ra các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ của Chính phủ. Các quốc gia có kết quả kém nhất là nơi phải áp dụng hạn chế đi lại kéo dài thay vì chiến lược chống dịch hiệu quả dựa trên xét nghiệm, nơi phụ thuộc vào nguồn thu từ du lịch nhiều hơn nguồn thu từ xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo, nhất là hàng điện tử, và nơi mà Chính phủ còn dư địa tài khóa hạn chế. Chậm trễ phân phối vắc xin có thể dẫn đến lây nhiễm và hạn chế đi lại kéo dài, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng.

Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định, làn sóng Covid-19 lần thứ 3 tại châu Âu có nguy cơ xuất hiện, số ca nhiễm mới cũng tăng cao trở lại tại một số quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Campuchia... Cùng với đó là cuộc chạy đua mua và tiêm vắc xin Covid-19 đang diễn ra quyết liệt đi kèm với những căng thẳng chính trị, thương mại giữa các quốc gia lớn ngày càng gia tăng. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi thương mại, kinh tế thế giới. Đối với Việt Nam, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiệm vụ đặt ra là khá nặng nề. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi kinh tế thế giới và trong nước đã rõ ràng hơn. Do vậy, ngoài việc hỗ trợ các ngành, lĩnh vực còn gặp khó khăn, cần tập trung các giải pháp để kích thích tăng trưởng, thúc đẩy phục hồi toàn diện nền kinh tế.

Một trong những giải pháp trọng tâm được Bộ KH&ĐT nêu ra là thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh việc mua và triển khai tiêm vắc xin Covid-19, tập trung nguồn lực đẩy nhanh quá trình phổ biến vắc xin, coi đây là giải pháp trọng tâm không chỉ giúp bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, mà còn hỗ trợ phục hồi các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải... đang gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, hợp tác quốc tế để triển khai “hộ chiếu vắc-xin”, tận dụng tối đa cơ hội để tạo lợi thế cạnh tranh, phục hồi và chiếm lĩnh thị phần các thị trường du lịch, lữ hành quốc tế.

Khẩn trương nhưng cần đánh giá đầy đủ

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia nhận định, khi nhiều nước đang xem xét hướng khôi phục du lịch quốc tế nhờ “hộ chiếu vắc xin”, nếu Việt Nam chậm chân có thể bỏ lỡ cơ hội phục hồi và phát triển của các ngành kinh tế, nhất là du lịch.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, nếu triển khai được “hộ chiếu vắc xin” đi đôi với kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhất là phát triển du lịch, kéo theo phát triển các dịch vụ liên quan. Tuy nhiên, phải nghiên cứu, xem xét cẩn thận, nghiêm túc, vừa lo phát triển kinh tế nhưng phải đề cao sự an toàn, tính mạng của người dân lên trên hết.

Ông Phạm Thế Anh - chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng ủng hộ khẩn trương triển khai nhanh, nhưng nếu còn lo ngại thì có thể thận trọng thí điểm trên diện hẹp trước, ví dụ như chỉ mở đón khách du lịch quốc tế đến một số đảo du lịch như Vân Đồn, Côn Đảo để dễ kiểm soát.

Một số ý kiến khác cho rằng, việc triển khai thực hiện rất khó, phải thống nhất toàn cầu hoặc nhiều quốc gia, năng lực y tế của đất nước tham gia phải rất tốt, có thể sàng lọc nhanh, chính xác, tốt nhất là ngay tại sân bay. Ví dụ như Nhật Bản, ngay tại sân bay đã xét nghiệm có kết quả ngay. Sau đó, phải kiểm soát được lộ trình đi lại và chuẩn bị sẵn sàng phải đối mặt với những trường hợp đã tiêm vắc xin những vẫn mắc Covid-19, dẫn đến phát sinh ổ dịch lây lan trong cộng đồng...

Theo nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dù đây là ý tưởng cần thiết, nhưng việc triển khai sẽ cần thời gian, sớm nhất là nửa cuối năm 2021, do chưa rõ loại vắc xin được tiêm có thể bảo vệ được bao lâu và câu chuyện biến thể của vi rút ngày càng phức tạp, chưa kể hiện có nhiều loại vắc xin khác nhau với hiệu quả không giống nhau, khiến các nước không dễ công nhận vắc xin của nhau.

Thông tin tới báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế đang làm việc với các bộ, ngành nghiên cứu, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, báo cáo Chính phủ để vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa mở lại các đường bay quốc tế. Bộ Y tế đang lên phương án nghiên cứu, trước hết là phương án cách ly phù hợp với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin theo quy định. Bộ cũng đang chuẩn bị các kịch bản cho việc sử dụng “hộ chiếu vắc xin” trong tương lai. Tuy nhiên, đây vẫn là các phương án phải bàn kỹ vì phải cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ. Lợi ích là việc mở cửa lại đường bay để phát triển kinh tế, còn nguy cơ là việc vẫn có thể xảy ra lây nhiễm cộng đồng

Tin cùng chuyên mục