Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch không phát sinh thêm nguồn lực thi hành |
Theo Tờ trình số 424/TTr-CP ngày 4/10/2018 của Chính phủ gửi tới Quốc hội, việc ban hành dự án Luật để sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến quy hoạch đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 59 Luật Quy hoạch.
Việc ban hành dự án Luật này sẽ tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch và góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh.
Cụ thể, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật thuộc lĩnh vực giao thông vận tải liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Giao thông đường bộ; Luật Đường sắt; Luật Giao thông đường thủy nội địa và Bộ luật Hàng hải.
Sửa đổi, bổ sung 7 luật thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường liên quan đến quy hoạch gồm: Luật Đất đai; Luật Tài nguyên nước; Luật Khoáng sản; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Khí tượng thủy văn, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đa dạng sinh học. Các luật này có các quy định liên quan đến quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Sửa đổi, bổ sung 3 luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Đê điều và Luật Thủy lợi. Các luật này có nội dung quy định về các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Sửa đổi, bổ sung 4 luật thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Đo lường; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Năng lượng nguyên tử và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
3 luật thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Báo chí; Luật Xuất bản và Luật An toàn thông tin mạng. Các luật này có nội dung quy định liên quan đến các loại quy hoạch sẽ được tích hợp vào quy hoạch ngành quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực xây dựng. Có 2 luật thuộc lĩnh vực xây dựng liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Các luật này quy định về các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Đối với Luật Xây dựng, sửa đổi theo hướng xác định rõ các loại quy hoạch xây dựng để đảm bảo đồng bộ thống nhất với Luật Quy hoạch, theo đó, quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện.
Đối với Luật Quy hoạch đô thị, sửa đổi theo hướng bỏ yêu cầu, căn cứ “quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội” khi lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị và thay bằng “quy hoạch cấp quốc gia”, “quy hoạch vùng” hay “quy hoạch tỉnh” tương ứng; chỉnh sửa tên quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch; sửa đổi, bổ sung các quy định về công bố công khai, quy hoạch đô thị; bãi bỏ quy định về “định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung 2 luật thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Điện ảnh; Luật Quảng cáo. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 1 luật thuộc lĩnh vực quốc phòng.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực y tế, công thương, lao động, thương binh và xã hội, tài chính và tư pháp. Cụ thể, 2 luật thuộc lĩnh vực y tế (Luật Bảo hiểm y tế và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm); 2 luật thuộc lĩnh vực công thương (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Dầu khí); 2 luật thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội (Bộ luật lao động và Luật Bảo hiểm xã hội); 4 luật thuộc lĩnh vực tài chính (Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Hải quan và Luật Chứng khoán); 1 luật thuộc lĩnh vực tư pháp (Luật Giám định tư pháp).
Chính phủ nêu rõ, các hoạt động này do hệ thống các cơ quan quản lý hiện hành đảm nhiệm cùng các nhiệm vụ khác nên về cơ bản, các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn duy trì nguồn nhân lực hiện hành để thi hành luật. Một số lĩnh vực không tiếp tục quản lý bằng quy hoạch mà sẽ quản lý bằng điều kiện đầu tư, kinh doanh hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tuy nhiên các nội dung này hiện tại đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật nên không mất thêm nguồn lực để nghiên cứu ban hành quy định mới.
Chính phủ nhấn mạnh, các nội dung của dự thảo Luật này sửa đổi quy định về quy hoạch ngành hiện không còn phù hợp với Luật Quy hoạch, do đó không làm phát sinh thêm nguồn lực thi hành.