Sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Dược năm 2016, một số chính sách phát triển công nghiệp dược chưa tạo được bước đột phá trong tình hình mới. Ảnh: Lê Tiên |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Dược năm 2016, ngành dược đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập với một trong những điểm hạn chế là một số chính sách phát triển công nghiệp dược chưa tạo được bước đột phá trong tình hình mới.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hành, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết. Dự Luật đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược. Cụ thể, xác định rõ ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất nguyên liệu dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất…
Báo cáo Thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với những chính sách được đề xuất trong lần sửa đổi này. Tuy nhiên, do thuốc là mặt hàng quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, tác động đến an ninh y tế, cần được đánh giá kỹ lưỡng, xem xét thận trọng và tổng thể trên cơ sở “lấy người dân làm trung tâm”; các sản phẩm dược cần được quản lý chặt chẽ…