Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành khai trương Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (cơ sở Hòa Lạc), với mục tiêu tạo môi trường nghiên cứu, làm việc cho các nhân sự tài năng, góp sức phát triển đất nước. Ảnh: Lê Tiên |
“Kích hoạt” nguồn nguyên khí quốc gia
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ KHCN tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV, nhận định rằng, điểm “kích nổ” trong chính sách để KHCN bứt phá chính là nhân tài. Chỉ có nhân tài mới có thể làm thay đổi diện mạo KHCN ở Việt Nam. Theo đại biểu, thứ tự ưu tiên lựa chọn chính sách là các lĩnh vực như: trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới…
Nhìn lại câu chuyện của Hàn Quốc, GS. TSKH. Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ, năm 1966, Viện KHCN Hàn Quốc (KIST) được Chính phủ Hàn Quốc thành lập, là cái nôi phát triển công nghệ, góp phần tạo nên những bước nhảy vọt thần kỳ của Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ. Thời kỳ đó, Hàn Quốc thuộc nhóm các nước nghèo trên thế giới, chi thường xuyên bị cắt giảm liên tục, nhưng Tổng thống Park Chung-Hee và những người kế nhiệm ông kiên quyết quan điểm, ngân sách chi cho KIST đủ theo yêu cầu, thu nhập của nhà khoa học làm việc ở KIST chỉ có tăng chứ không được giảm. Lương của nhà khoa học làm việc ở KIST rất cao, gấp 3 đến 5 lần so với lương của giáo sư ở trường đại học, bằng khoảng 1/3 so với mức lương của các nhà khoa học ở Mỹ. Với những chính sách hợp lý, theo GS. Nguyễn Đình Đức, KHCN và nhân lực chất lượng cao là đôi cánh giúp Hàn Quốc bứt phá.
Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào về trí tuệ con người. Tuy nhiên, việc khai thác “tài nguyên quý giá” này của quốc gia vẫn chưa thực sự hiệu quả, người tài dường như chưa chọn về Việt Nam, cống hiến nhiều nhất cho đất nước.
Để nhân sự giỏi chọn Việt Nam
TS. Nguyễn Duy Lân là 1 trong 100 thành viên đầu tiên thuộc Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, từng có 9 năm làm việc tại Microsoft và sở hữu 9 bằng sáng chế về công nghệ bảo mật, đồng sáng lập Công ty Veramine Inc USA. Công ty chuyên về bảo mật này đã có nhiều hợp đồng với các cơ quan an ninh mạng quan trọng của Mỹ. Sau khi tham gia sự kiện công bố Mạng lưới đổi mới sáng tạo năm 2018, ông hoạt động tại Việt Nam nhiều hơn và đến nay chủ yếu làm việc tại Việt Nam. Theo ông Lân, từ năm 2018 đến nay, những chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài đã có những bước tiến. Một số doanh nghiệp tư nhân lớn như Vinfast, FPT đã có chính sách, môi trường làm việc tốt tương đương các doanh nghiệp nước ngoài, thu hút được chuyên gia công nghệ đang làm cho công ty nước ngoài hay ở nước ngoài về Việt Nam làm việc.
Theo ông Lân, để thu hút người tài, 3 yếu tố quan trọng là môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ và văn hóa tư duy. Trong đó, về văn hóa tư duy, cần có tư duy ưu đãi, ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa - kết tinh của trí tuệ Việt. Sản phẩm công nghệ nội địa được sử dụng nhiều sẽ giúp doanh nghiệp phát triển, người tài có động lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm trong nước.
Ông Nguyễn Duy Lân cũng chia sẻ, cơ hội được cải tiến một vấn đề cụ thể trong nước cũng là điểm hấp dẫn người tài đang làm việc tại nước ngoài. Khi trở về, ông nhìn thấy những vấn đề rất lớn xung quanh câu chuyện bảo mật ở trong nước mà mình có thể góp phần giải quyết và cũng là cơ hội để phát triển lĩnh vực này. Hiện nay, ông Lân thường xuyên tham gia các buổi thuyết trình cho sinh viên về công nghệ bảo mật, blockchain với hy vọng có thể phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam.
Cũng là 1 trong 100 nhân tài đầu tiên của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, ông Phùng Kim Cương là thành viên tích cực của Mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Hoa Kỳ. Ông từng làm việc ở Tesla với vai trò kỹ sư công nghệ và hiện đang là quản lý công nghệ tại Amazon Web Services (AWS), công ty con trực thuộc Amazon chuyên cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.
Theo ông Cương, nhân lực giỏi có rất nhiều cơ hội để lựa chọn nơi làm việc. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để những người giỏi quyết định cống hiến đó là môi trường làm việc. Họ phải thấy tài năng của mình được sử dụng đúng vị trí, đúng chuyên môn, đúng lĩnh vực yêu thích và nhìn thấy được kết quả. Chưa kể, thường những người giỏi sẽ chọn làm việc với nhau. Họ cần môi trường xung quanh cũng có nhiều người cùng trình độ hoặc hơn để có thể học hỏi. “Đây là vấn đề con gà và quả trứng. Chính vì thế những tổ chức như Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia nên đứng ra kêu gọi, mời những người Việt tài năng về nước, tạo động lực cho các trí thức Việt ở nước ngoài”, ông Cương chia sẻ.
Ông Phùng Kim Cương cho rằng, để thu hút nhân tài, chúng ta cần đặt ra và tìm cách trả lời những câu hỏi lớn. Thung lũng Silicon thành công như hôm nay bởi họ đang giải những bài toán có tầm vĩ mô, toàn cầu. Ví dụ tại Google là bài toán sắp xếp lại thông tin của cả thế giới. Tại Tập đoàn Tesla là bài toán đẩy nhanh sử dụng công nghệ năng lượng bền vững. Đó là những bài toán mà cả loài người chung sức giải đáp. Như vậy, nó mới tạo động lực đủ lớn để nhân tài khắp thế giới quy tụ tại đây. “Tôi nhận thấy Chính phủ, lãnh đạo nhiều tập đoàn mong muốn đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ công nghệ thế giới. Điều này tạo động lực, nguồn năng lượng to lớn thu hút người Việt tài năng đóng góp cho mục tiêu này”, ông Cương kỳ vọng.
Việc trọng dụng nhân tài, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Vấn đề này cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khi các nguồn lực tri thức của cộng đồng người Việt trong và ngoài nước được kết nối, khi khơi dậy được tiềm lực trí tuệ, sáng tạo của người Việt, sẽ tạo thành sức mạnh mới góp phần tạo ra sự đổi thay về diện mạo và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam.