Tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia đấu thầu qua mạng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội để hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (HTMĐTQG). Việc thống nhất “một đầu mối” các quy định về đấu thầu qua mạng (ĐTQM) sau khi Dự thảo Thông tư được ban hành sẽ tạo thuận lợi hơn cho các chủ thể tham gia ĐTQM, góp phần đẩy mạnh công khai, minh bạch trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lê Tiên
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lê Tiên

Bộ KH&ĐT cho biết, Thông tư quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên HTMĐTQG sẽ thay thế các thông tư liên quan đến ĐTQM. Hiện có 4 thông tư hướng dẫn liên quan đến ĐTQM, gồm: Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua HTMĐTQG, Thông tư số 05/2018/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu trên HTMĐTQG, Thông tư số 05/2020/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT, Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả.

Dự thảo Thông tư đang được Bộ KH&ĐT lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện gồm 6 chương với 59 điều, dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm 2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Với nhiều nội dung mới, Dự thảo Thông tư kèm theo 7 mẫu hồ sơ đấu thầu qua mạng gồm: mẫu xây lắp, mẫu mua sắm hàng hóa, mẫu dịch vụ phi tư vấn, mẫu tư vấn, mẫu chào hàng cạnh tranh rút gọn, mẫu báo cáo đánh giá, mẫu về lựa chọn nhà đầu tư. Đặc biệt, các quy định mới tại Dự thảo Thông tư sẽ áp dụng trên HTMĐTQG mới, được đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP), với nhiều tính năng nổi trội so với HTMĐTQG hiện hành. Hệ thống mới được kỳ vọng sẽ đảm bảo mục tiêu quản lý thống nhất thông tin về đấu thầu và thực hiện ĐTQM trên cơ sở đảm bảo an toàn, cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Bộ KH&ĐT cho biết, để hoàn thiện Dự thảo Thông tư với chất lượng tốt nhất, Bộ mong muốn các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương, hiệp hội tham gia góp ý về những nội dung quan trọng của Dự thảo như: quy định về cam kết, hợp đồng nguyên tắc; quy định về thiết bị thi công chủ yếu; lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng (giai đoạn từ năm 2023 tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh). Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng muốn lấy ý kiến rộng rãi về việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời quan tâm qua mạng, hồ sơ mời sơ tuyển qua mạng, hồ sơ mời thầu qua mạng; quy định về năng lực, kinh nghiệm và hợp đồng tương tự đối với gói thầu mua sắm hàng hóa; quy định về chào giá đối với gói thầu mua sắm hàng hóa; quy định về lựa chọn nhà đầu tư qua mạng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà thầu ở Hà Nội cho biết, theo con số tổng kết của cơ quan chức năng, hiện mới chỉ có khoảng gần 1/3 nhà thầu/doanh nghiệp tham gia ĐTQM. Vẫn còn rất nhiều nhà thầu có tâm lý e ngại ĐTQM, một phần vì quen với đấu thầu truyền thống, một phần vì chưa nắm bắt, chưa nghiên cứu sâu các quy định nên thiếu tự tin khi tham gia ĐTQM. Bản thân Nhà thầu mặc dù có nhiều năm tham gia thị trường xây dựng nhưng bước vào “sân chơi” ĐTQM vẫn không khỏi “bỡ ngỡ”. Ở một số gói thầu ĐTQM, Nhà thầu đã sơ sẩy trong việc điền dữ liệu theo webform, đính kèm tài liệu... nên bị loại rất đáng tiếc. Việc sắp có một thông tư tổng hợp các quy định liên quan đến ĐTQM sẽ giúp nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu nghiên cứu, nắm bắt và áp dụng quy định dễ hơn, tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục