Thông cáo báo chí số 11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, tiếp tục ngày làm việc thứ 11 (ngày 30/10), Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, ngày 30/10/2021
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, ngày 30/10/2021

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Tại phiên thảo luận, đã có 24 ý kiến đại biểu phát biểu và 3 ý kiến đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng thời nhất trí với sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 nhằm: khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước; đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Các đại biểu cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được tăng lên rõ rệt, từ đó tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể như: quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; danh mục các chương trình, đề án trong Kế hoạch; nguồn lực và phương thức huy động, tổ chức thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để ứng phó, khôi phục kinh tế trước tác động của dịch Covid-19; về việc hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân sách nhà nước, đầu tư công và tổ chức sự nghiệp công lập; phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; phát triển lực lượng doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, khai thác hiệu quả hội nhập quốc tế; tăng cường kết nối khu vực tư nhân với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, tăng cường thích ứng với biến đối khí hậu…

Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Tại phiên thảo luận, đã có 23 ý kiến đại biểu phát biểu và 4 ý kiến đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) cấp quốc gia và cho rằng quy hoạch về đất đai là rất quan trọng, là tiền đề để sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá cao kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kì 2011 - 2020 và cho rằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh lương thực.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận vào các nội dung cụ thể, như: về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) đảm bảo thống nhất quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể quốc gia; các quy hoạch ngành, vùng quy hoạch tỉnh và đảm bảo phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; việc phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân việc đề cao vai trò giám sát của nhân dân và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; về các chỉ tiêu cụ thể đất trồng lúa, đất trồng rừng, phòng hộ, đất rừng sản xuất đất khu công nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai; các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian tới…

Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Ngoài ra, phát biểu kết thúc chương trình Đợt 1 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV qua hình thức họp trực tuyến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Quốc hội đã hoàn thành đúng tiến độ, toàn bộ nội dung chương trình, đảm bảo chất lượng các phiên họp tại tổ và thảo luận trực tuyến. Các phiên họp diễn ra sôi nổi, nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu đối với các dự án luật trình Quốc hội; nhiều ý kiến đóng góp thiết thực vào các vấn đề quan trọng của đất nước như: kế hoạch, cơ cấu lại nền kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn tới; việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế; các báo cáo công tác của khối tư pháp; Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và TP. Hải Phòng…

Chương trình Đợt 2 từ 8/11 - 13/11/2021, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội để xem xét, thông qua nhiều vấn đề quan trọng. Đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu gửi các đại biểu Quốc hội; đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tập trung cao độ, nghiên cứu tài liệu để chuẩn bị chu đáo về nội dung, điều kiện bảo đảm để hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đúng kế hoạch và đạt kết quả cao nhất.

Trong buổi chiều cùng ngày, tại Trung tâm Báo chí Kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã thông tin với báo chí về kết quả đợt họp trực tuyến (từ ngày 20 đến 30/10) và nội dung đợt họp thứ hai (từ ngày 8/11 - 13/11/2021); các nội dung chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày, từ ngày 10 - 12/11/2021; 4 bộ trưởng, trưởng ngành tham gia chất vấn và trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề mà cử tri đang quan tâm, gồm: y tế, lao động - thương binh và xã hội, kế hoạch và đầu tư, giáo dục và đào tạo. Sau khi các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời, Quốc hội sẽ dành thời gian để Thủ tướng Chính phủ báo cáo, giải trình và trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Thứ Hai, ngày 8/11/2021 (Đợt 2 họp tập trung), Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương). Phiên thảo luận được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp.