Việt Nam là quốc gia “được chọn” trong chuỗi dịch chuyển đầu tư công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Tọa đàm Thiết kế chip bán dẫn với chủ đề "Cơ hội mới - Tương lai mới" tổ chức ngày 13/4 tại Hà Nội, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các đại biểu tham gia Tọa đàm Thiết kế chip bán dẫn cơ hội mới - Tương lai mới ngày 13/4, tại Hà Nội
Các đại biểu tham gia Tọa đàm Thiết kế chip bán dẫn cơ hội mới - Tương lai mới ngày 13/4, tại Hà Nội

Theo ông Hoài, trước đây tại Việt Nam đã xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch, rất muốn phát triển ngành nhưng chưa có cơ hội. Hiện nay, trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn đầu tư trên toàn cầu, Việt Nam là quốc gia được chọn vì có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, thông minh và tay nghề ngày càng cao, chi phí nhân công hấp dẫn...

Hiện nay, Việt Nam có quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những quốc gia có ngành công nghệ bán dẫn phát triển.

“Nhiều doanh nghiệp bán dẫn, nhất là doanh nghiệp bán dẫn ở các quốc gia phát triển đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Và thực tế, nhiều tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán dẫn và điện tử như Samsung, Synopsys, Qualcomm… đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam”, ông Hoài thông tin.

Để đón bắt cơ hội trong lĩnh vực này, thời gian qua, Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho biết, câu chuyện về ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay cũng tương tự như câu chuyện ngành phần mềm trước đây. Cách đây 9 năm, chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu phầm mềm, nhiều người cho rằng, FPT “ảo tưởng”, “hoang tưởng”. Tuy nhiên, với sự nỗ lực bằng tài năng và trí tuệ Việt Nam, năm 2023, FPT đã thu về 1 tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm. FPT đã ghi tên mình vào danh sách các doanh nghiệp phần mềm lớn trên thế giới.

Với kết quả đó cùng những nền tảng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng được xây dựng vững chắc, ông Tiến tin tưởng, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu, chinh phục thế giới.

“Tôi tin rằng, chỉ cần 5 năm nữa, người ta sẽ nhắc tới Việt Nam là nơi cần đến, phải đến khi nói về chip và bán dẫn”, ông Tiến nói.

Được biết, để tạo lập nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn năm 2030, định hướng đến năm 2045 với mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Cuối tháng 3/2024, Dự thảo Đề án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Tin cùng chuyên mục