Vượt khó và không ngừng cải cách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chia sẻ với Báo Đấu thầu về tác động của dịch Covid -19 với kinh tế Việt Nam, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, kinh tế Việt Nam đã không ít lần phải vượt khó và cải cách để đạt được thành tựu tăng trưởng trong nhiều năm qua.
Trải qua đại dịch Covid-19 càng làm rõ hơn quan điểm về tăng trưởng gắn với việc lấy con người làm trung tâm và tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Ảnh: Nguyễn Trí
Trải qua đại dịch Covid-19 càng làm rõ hơn quan điểm về tăng trưởng gắn với việc lấy con người làm trung tâm và tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Ảnh: Nguyễn Trí

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, điều đó càng tiếp tục được thể hiện rõ trong các giải pháp của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN); từ đó, có thể duy trì sản xuất kinh doanh, nắm bắt cơ hội trước mắt và dài hạn.

Theo ông, kinh tế Việt Nam đang chịu tác động như thế nào từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư này?

Có thể nói, kinh tế Việt Nam đang trải qua thời điểm khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến các DN vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn.

Đáng ngại là, đợt dịch lần này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía Nam - khu vực kinh tế năng động nhất của đất nước. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.

Khá nhiều DN ở miền Nam phải trì hoãn sản xuất ngay khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Ngoài ra, các công ty có thể hoạt động theo mô hình sản xuất và kiểm dịch cũng phải chịu chi phí vận hành rất lớn và giảm công suất.

Các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch Covid-19 cũng mang đến nhiều khó khăn hơn với hoạt động logistics và chuỗi cung ứng, các công ty logistics ngày càng lo ngại về việc tăng chi phí và thời gian cần thiết cho các tài xế xe tải vận chuyển hàng hóa. Trong khi đó, việc chậm trễ vận tải đường bộ và đóng cửa nhà máy cũng gây áp lực lớn lên hoạt động của cảng, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Số liệu thống kê tháng 7 cho thấy hoạt động kinh tế có dấu hiệu giảm đà tăng trưởng đã đạt được trong nửa đầu năm 2021. Doanh thu bán lẻ giảm 19,8% so cùng kỳ năm trước, trong khi trước đó tăng 4,9% trong 6 tháng; sản xuất công nghiệp chỉ còn tăng 2,2%, thấp hơn hẳn mức tăng 9,3% trong 6 tháng; tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 8,6%, thấp hơn mức tăng 29,1% trong 6 tháng 2021.

Các ngành du lịch, khách sạn và hàng không gần như đi vào bế tắc, các ngành dịch vụ và xây dựng khác cũng chịu tác động nặng trong khi lĩnh vực sản xuất tăng trưởng thấp.

TS. Võ Trí Thành

TS. Võ Trí Thành

Những tác động đó đã đặt ra thách thức gì với kinh tế Việt Nam, thưa ông?

Thách thức trước mắt là tổng cầu giảm mạnh khiến các đơn hàng, sản lượng đều sụt giảm, nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn.

Bên cạnh đó, dòng tiền của DN bị thiếu hụt nghiêm trọng, gây ra khó khăn trong việc trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khi phải tạm ngưng hoạt động.

Trong khi đó, các chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội giá thành sản xuất, đồng thời DN đang phát sinh nhiều khoản chi phí mới liên quan đến công tác phòng, chống dịch.

Về thị trường, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu có thể sẽ bị gián đoạn, đình trệ cục bộ do nhiều DN bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng. Nếu dịch bùng phát kéo dài, DN có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.

Với các chính sách quyết liệt của Chính phủ, sự đồng lòng của doanh nghiệp và người dân, liệu chúng ta có thể nắm bắt được cơ hội phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thưa ông?

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, có thể thấy rõ là Chính phủ đã và đang rất nỗ lực kiểm soát dịch bệnh song song với việc tạo điều kiện và hỗ trợ DN duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Với các giải pháp đó cùng sự đồng lòng của người dân và DN, có thể tin tưởng dịch bệnh sẽ qua đi và cơ hội sẽ mở ra với kinh tế Việt Nam. Nhìn về trước mắt và cả trung, dài hạn, Việt Nam vẫn có cơ hội lớn thu hút nguồn lực đầu tư từ nước ngoài, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như đã đạt được trong thời gian qua…

Trong đó, rõ nét nhất hiện nay là chúng ta vẫn có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm nhờ một số yếu tố. Đó là, dự báo nhu cầu hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử vẫn khá cao khi các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin và mở cửa trở lại, một số nước triển khai các gói kích cầu thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng.

Đồng thời, các FTA mà Việt Nam tham gia như CPTPP, EVFTA… đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian tới.

Một số DN xuất khẩu lớn cho biết đã và đang có giải pháp cụ thể để vừa duy trì sản xuất vừa phòng chống dịch, tránh nguy cơ khách hàng dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác, bởi đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn.

Để tận dụng được cơ hội đó, theo ông, các giải pháp đang được thực thi là đúng và đủ chưa?

Có thể thấy, Chính phủ đã và đang tiếp tục thực thi các giải pháp toàn diện cả ngắn, trung và dài hạn, từ kiểm soát dịch bệnh, gỡ khó, giúp DN khôi phục sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội.

Các giải pháp cấp thiết đã và đang triển khai như thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn. Đồng thời, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN, như sửa đổi các chính sách về các loại phí, hỗ trợ tái cấu trúc và gia hạn nợ, giảm lãi vay, giãn và giảm thuế.

Về dài hạn, Chính phủ cũng tiếp tục xây dựng các chiến lược phát triển DN, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh đó, thúc đẩy hỗ trợ DN chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh triển khai phát triển kinh tế số; hỗ trợ phát triển các nền tảng thương mại điện tử; các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử…

Theo tôi, đó là những giải pháp hợp lý, khéo léo cân bằng giữa các mặt và có chiến lược cho cả trung và dài hạn. Vấn đề giờ đây là việc triển khai thực thi thật hiệu quả để từ đó chúng ta có thể hồi phục và bắt nhịp với đà hồi phục của kinh tế thế giới. Điều này cần thực hiện đồng thời với quá trình cải cách liên tục từ nhiều mặt như chúng ta đã và đang làm. Làm được như vậy, tôi tin DN Việt Nam sẽ nắm bắt được cơ hội cả trước mắt và sau này.

Sẽ có những thay đổi trong cách nhìn về phát triển và tăng trưởng trong thời gian tới, thưa ông?

Cũng không hẳn là thay đổi mà càng rõ hơn quan điểm về tăng trưởng bao trùm đã được nêu trong thời gian qua. Đó là các ý tưởng tăng trưởng gắn với việc lấy con người làm trung tâm và tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Từ trước đến nay, nước ta đã quan tâm nhiều đến vấn đề này, qua việc phát triển hệ thống y tế cộng đồng, hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân, hỗ trợ nhóm người yếu thế, song qua đợt dịch này mới thấy các vấn đề này cần được quan tâm nhiều hơn.

Về y tế, cần tiếp tục tăng cường năng lực bao gồm nhân lực, trang thiết bị và dành nhiều ưu tiêu cho nghiên cứu y khoa trong đó có vắc xin. Về kinh tế, cần xây dựng cơ chế tổ chức để phản ứng kịp thời, ứng xử phù hợp với các cú sốc từ bên ngoài. Đồng thời, cần có các chiến lược và giải pháp thực thi cho từng vùng, khu vực có mức độ tác động khác nhau với sự tính toán hợp lý và linh hoạt...

Tin cùng chuyên mục