Vượt qua tình trạng thiếu thuốc cục bộ, cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, những vướng mắc về cơ chế đấu thầu, mua sắm trong lĩnh vực y tế đến nay đã cơ bản được khắc phục, nhưng vấn đề thiếu thuốc cục bộ vẫn xảy ra. Báo cáo của 1.078 cơ sở y tế (CSYT) trên toàn quốc cho thấy, đến tháng 10/2023, 61,41% đơn vị đã đủ thuốc cung ứng cho hoạt động khám chữa bệnh. Như vậy, vẫn còn 38,59% đơn vị ở tình trạng thiếu thuốc cục bộ.
Báo cáo của 1.078 cơ sở y tế trên toàn quốc cho thấy, đến tháng 10/2023, 61,41% đơn vị đã đủ thuốc cung ứng cho hoạt động khám, chữa bệnh. Ảnh: Lê Tiên
Báo cáo của 1.078 cơ sở y tế trên toàn quốc cho thấy, đến tháng 10/2023, 61,41% đơn vị đã đủ thuốc cung ứng cho hoạt động khám, chữa bệnh. Ảnh: Lê Tiên

Nhận diện nguyên nhân

Thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế (TBYT) không phải hiện tượng mới, nhưng trở nên nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch Covid-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá tình trạng này xảy ra trên toàn cầu, ở cả những quốc gia có nền y tế phát triển như Anh, Pháp, Italia, Hoa Kỳ… Ngày 24/10/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã họp bàn và gia tăng các hành động khắc phục thiếu thuốc và bảo đảm nguồn cung. Trong các giải pháp đang và sẽ được triển khai có giải pháp thiết lập cơ chế chia sẻ giữa các quốc gia; lập danh sách thuốc quan trọng để tập trung phân tích chuỗi cung ứng, xác định lỗ hổng, và giải pháp giải quyết những lỗ hổng. Cùng với đó, châu Âu sẽ đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua quan hệ đối tác với nước thứ ba; tăng cường năng lực sản xuất và sửa đổi các quy định dược phẩm của khối, ưu tiên sản xuất, dự trữ…

Tại Việt Nam, đấu thầu thuốc được tổ chức ở 3 cấp, trong đó đấu thầu tập trung quốc gia chỉ chiếm khoảng 16,5 - 18% trong tổng số 1.226 hoạt chất thuộc danh mục thuốc đấu thầu, phần lớn nhu cầu còn lại với các thuốc phục vụ công tác điều trị là được thực hiện bởi đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc do CSYT tự tổ chức đấu thầu.

Liên quan đến nguyên nhân thiếu thuốc cục bộ, lãnh đạo một số bệnh viện chia sẻ, có thể do đứt gãy chuỗi cung ứng tại nước sản xuất nên nhà thầu không tham dự hoặc không đủ cung ứng; chất lượng, giá cả không đáp ứng được yêu cầu; bệnh nhân khám chữa bệnh tăng đột biến... Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến nghị các địa phương chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức nhân lực, phối hợp thực hiện việc mua sắm thuốc. Bà Lan cho rằng, nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư y tế đã được tháo gỡ. Thực tế cho thấy, trên cùng nền tảng chính sách, có nhiều cơ sở đã triển khai hiệu quả, như vậy những nơi chưa làm tốt cần chủ động hơn, linh hoạt hơn trong đấu thầu để bảo đảm nguồn cung thuốc, vượt qua tình trạng gần 40% đơn vị vẫn đang bị thiếu thuốc cục bộ.

Tăng cường năng lực thực thi

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tại Bệnh viện Trung ương Huế, để hạn chế nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế quay trở lại, ngay khi có kết quả trúng thầu, Bệnh viện đã chủ động lên kế hoạch cho đợt mua sắm mới; đưa ra những dự báo về tình hình bệnh tật, bệnh nhân, TTBYT, kỹ thuật… Lọc riêng những mặt hàng không trúng thầu để đấu thầu lại, hoặc mua sắm trực tiếp, hoặc chào hàng cạnh tranh nhằm nhanh chóng có thuốc, hóa chất, vật tư kịp thời, phục vụ người bệnh. Để hoạt động mua sắm trong năm 2024 được thuận lợi, hiện nay, Bệnh viện đã tổ chức nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật và chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng.

Tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ông Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ, CSYT có thể thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu dưới 50 triệu đồng. Quy định này rất hữu dụng trong trường hợp cần thuốc liên quan đến cấp cứu. Về tổng thể hoạt động mua sắm thuốc, như ông Hoàng chia sẻ, việc bố trí nhân sự chuyên nghiệp có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm về đấu thầu, tài chính… là rất quan trọng để mọi việc được thông suốt, không bị gián đoạn. Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên có “Phòng quản lý dự án đấu thầu”, mô hình này được đánh giá khá thành công.

Kinh nghiệm từ Bệnh viện Đa khoa Yên Bái cho thấy, việc triển khai bệnh án điện tử giúp Bệnh viện kiểm soát được số lượng vật tư, hóa chất, giúp dự báo sát nhu cầu. Bệnh viện luôn có phương án mua sắm thuốc hiếm, thuốc đắt tiền khi cần thiết, tránh bị động. Nếu kho chỉ còn 50% hóa chất, vật tư, thì đơn vị mua sắm đã làm dần quy trình mua sắm, không đợi hết mới xây dựng…

Để vượt qua tình trạng thiếu thuốc cục bộ ở các CSYT, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đang đẩy nhanh tiến độ cấp gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và TBYT nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường. Cùng với đó là xây dựng các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, với dự kiến hình thành từ 3-6 trung tâm trên cả nước. Bộ cũng khuyến khích việc thiết lập cơ chế chia sẻ, điều phối thuốc, vật tư giữa các cơ sở y tế… Cùng với đó, các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Đấu thầu trong lĩnh vực y tế sẽ được xây dựng theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong mua sắm, đấu thầu, đàm phán giá thuốc.

Tin cùng chuyên mục