Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Đơn cử, nhóm lỗi xác định sai loại gói thầu (xây lắp đăng sang mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn đăng sang mua sắm hàng hóa…), hay loại dự án (dự án đầu tư phát triển đăng sang dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án PPP) xảy ra khá phổ biến. Ví dụ như ngày 14/6/2022, UBND phường Tân Thành, TP. Ninh Bình (bên mời thầu) công bố thông tin Gói thầu số 4 thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp cổng, tường rào và vỉa hè phía trước UBND Phường và Gói thầu Tư vấn lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình cải tạo, nâng cấp chợ Hàn do Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng làm bên mời thầu… đều thuộc loại dự án đầu tư phát triển, nhưng lại được đăng tải sang loại dự án đầu tư có sử dụng đất.
Một số lỗi thường gặp khác là nội dung không rõ ràng, thiếu hoặc không đầy đủ (chỉ có “Gói thầu Thi công xây lắp công trình…” mà không có tên công trình hoặc dự án); áp dụng sai hình thức lựa chọn nhà thầu (quá hạn mức quy định); tên gói thầu nhập lên Hệ thống không giống với quyết định đính kèm (có thể đính kèm sai quyết định).
Khi Báo Đấu thầu phát hiện và thông báo về các thông tin đấu thầu không hợp lệ nêu trên, mỗi bên mời thầu đưa ra một lý do khác nhau. Ví dụ, cán bộ phụ trách công tác đấu thầu của UBND phường Tân Thành phản hồi là do không nắm được kiến thức về đấu thầu qua mạng; còn cán bộ của Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng thì né tránh trả lời…
Không chỉ là thông tin công bố sai sót, thiếu hoặc không đầy đủ, mà thậm chí một số đơn vị còn không công bố với những lý do kém thuyết phục như “không biết”, “quên”, “sót”… Tình trạng này xảy ra khá nhiều ở những gói thầu y tế (mua thuốc, vật tư y tế, nhất là trang thiết bị phòng chống dịch Covid).
Ngoài những lỗi vô tình hay không nắm rõ quy định, không thể loại trừ những nhóm lỗi có chủ đích khiến thông tin không đến được với nhà thầu và các bên liên quan.
Theo khảo sát mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Cơ quan Phát triển quốc tế Australia phối hợp thực hiện, 15,9% trong tổng số 9.221 doanh nghiệp được hỏi cho biết khó tiếp cận thông tin mời thầu. Mặc dù theo quy định của pháp luật về đấu thầu, hầu hết thông tin đấu thầu đều bắt buộc công bố công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Báo Đấu thầu, từ thông tin kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu… cho đến kết quả lựa chọn nhà thầu.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, không chỉ tại những gói thầu lĩnh vực y tế, mà nhiều lĩnh vực khác như: đầu tư, xây dựng, giáo dục, tài nguyên - môi trường, mua sắm thường xuyên của các cơ quan nhà nước… cũng tiềm ẩn nguy cơ sai phạm nếu không được giám sát chặt chẽ. Do đó, trong thời gian tới, cần tăng cường giám sát hoạt động mua sắm công thông qua nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức mời thầu, mua sắm công. Ngoài ra, cơ quan chức năng ở địa phương cần tập trung nâng cao chất lượng giải quyết các vấn đề và kiến nghị của nhà thầu.
Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu sắp tới cần phải sửa đổi theo hướng tăng cường tính công khai và minh bạch trong mua sắm công thông qua việc gia tăng sử dụng các biểu mẫu đấu thầu mang tính cạnh tranh và công khai minh bạch, kết hợp với việc tối ưu hóa sử dụng công nghệ cao (hệ thống đấu thầu công điện tử) trong hoạt động tổ chức và quản lý đấu thầu.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Đặng Chiến Thắng - chuyên gia quản lý dự án của UNDP cho rằng, trong thời gian tới, cần phổ biến văn bản pháp luật về đấu thầu để doanh nghiệp nắm bắt được đầy đủ, chính xác và tuân thủ quy định. Ngoài ra, phải chú trọng hơn tới việc xây dựng hệ thống cảnh báo, giáo dục, có các chế tài đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu.