Bản tin thời sự sáng 13/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là: ban hành bốn cấp độ thích ứng an toàn với Covid-19; đề xuất mở lại xe khách liên tỉnh từ Hà Nội đi 8 địa phương; 9 chuyến bay khứ hồi không thực hiện được do ít khách; xe khách đến và đi TP.HCM dự kiến mở lại từ 13/10; phân bổ hơn 5,3 triệu liều vaccine Covid-19 Pfizer; Hà Nội tiếp nhận máy bay từ Điện Biên từ ngày 13/10…

Bốn cấp độ thích ứng an toàn với Covid-19

Chính phủ phân loại 4 cấp độ thích ứng an toàn Covid-19 cùng các biện pháp tương ứng, căn cứ vào tiêu chí số ca nhiễm cộng đồng, tỷ lệ tiêm vaccine, năng lực y tế.

Người dân tiêm vaccie tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM

Người dân tiêm vaccie tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM

Chính phủ ban hành vừa Nghị quyết quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Nghị quyết nêu mục tiêu hạn chế thấp nhất ca nhiễm, ca chuyển nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Chính phủ nêu rõ không để xảy ra tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vaccine, theo phương châm "cách ly, xét nghiệm là then chốt, vaccine, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết".

Theo Nghị quyết, có 4 cấp độ dịch bệnh, gồm: cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.

Các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: tỷ lệ ca nhiễm mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine; khả năng thu dung, điều trị của các tuyến. Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ.

Đề xuất mở lại xe khách liên tỉnh từ Hà Nội đi 8 địa phương

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất UBND Thành phố mở lại vận tải hành khách liên tỉnh, vận tải công cộng từ ngày 13/10.

Xe buýt tại bến Cầu Biêu trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội

Xe buýt tại bến Cầu Biêu trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội

Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ ngày 13 - 20/10, Thành phố mở lại một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ bằng ôtô đến các địa phương: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.

Số chuyến được hoạt động dự kiến bằng 5% số chuyến của các đơn vị trên tuyến theo biểu đồ đã được Sở Giao thông vận tải Hà Nội công bố trước đó.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đề xuất Thành phố tổ chức lại hoạt động vận tải hành khách công cộng. Trong đó, xe buýt được phép hoạt động 50% biểu đồ chạy xe. Xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ hoạt động 50% số lượng phương tiện được cấp phù hiệu còn hiệu lực.

Với xe "ôm" bao gồm cả công nghệ, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, do loại hình vận tải này không đảm bảo nguyên tắc 5K và khó truy vết khi có tình huống phát sinh liên quan đến F0, nên Sở đề xuất chưa cho phép mở lại tại thời điểm này.

Trước đó, Sở Giao thông vận tải đã 2 lần đề xuất cho xe buýt và taxi hoạt động trở lại nhưng không nhận được sự đồng ý của Thành phố.

9 chuyến bay khứ hồi không thực hiện được do ít khách

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận 9 chuyến bay khứ hồi ngày 12/10 không thực hiện được do ít khách.

9 chuyến bay khứ hồi không thực hiện được do ít khách

9 chuyến bay khứ hồi không thực hiện được do ít khách

Ngày 12/10, dự kiến có 19 chuyến bay khứ hồi, song thực tế các hãng bay chỉ thực hiện được 9 chuyến, các chuyến khác do ít khách hoặc không có khách nên phải hủy.

Các chuyến bay bị hủy giữa TP.HCM - Đà Nẵng/Phú Yên/ Hải Phòng/Rạch Giá/Cà Mau; chặng Hà Nội - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Cần Thơ, Đà Nẵng - Đắk Lắk, Thanh Hóa - Lâm Đồng.

Đại diện một hãng hàng không cho biết, nhu cầu hành khách đi từ TP.HCM về các địa phương khá cao, các chuyến bay đủ khách, song nhu cầu ở chiều ngược lại rất thấp, do đó hãng bay đành hủy chuyến vì chi phí không đủ.

Một nguyên nhân khác là các hãng chỉ được bán 50% số ghế theo quy định giãn cách trên máy bay dẫn đến giá vé tăng. Về việc này, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị áp dụng bỏ quy định giãn cách ghế trong giai đoạn sau thí điểm (20/10).

Chiều 12/10, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và UBND TP. Hà Nội đã kiểm tra công tác đón khách tại sân bay Nội Bài sau 2 ngày mở lại đường bay.

Về việc mở thêm đường bay đến Nội Bài, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để mở đường bay rộng khắp đến cả nước thì Thành phố cần tiêm vaccine mũi 2 đạt 70% dân số trên 18 tuổi và trẻ em, hiện nay mới đạt khoảng 50%. Tốc độ tiêm của Thành phố phụ thuộc vào việc phân bổ vaccine.

Từ ngày 10/10, ngành hàng không bắt đầu khai thác thí điểm 19 đường bay nội địa chở khách đến hết 20/10. Trong đó, các chặng 2 chiều giữa TP.HCM và Bình Định/Đà Nẵng/Huế/Khánh Hòa/Nghệ An/Phú Yên/Quảng Bình/Quảng Nam/Thanh Hóa/Hải Phòng/Phú Quốc/Gia Lai/Rạch Giá có tần suất một chuyến mỗi ngày.

Đường bay giữa Hà Nội - TP.HCM/Đà Nẵng; Đà Nẵng - Cần Thơ/Đăk Lăk; Thanh Hóa - Lâm Đồng cũng một chuyến khứ hồi mỗi ngày. Riêng đường bay Hà Nội - Cần Thơ khai thác linh hoạt theo tình hình dịch.

Hà Nội có thể đặt biển giám sát y tế trước nhà khách về từ TP.HCM

Hành khách đi chuyến bay từ TP.HCM, Đà Nẵng đến Hà Nội phải ký cam kết tuân thủ biện pháp theo dõi sức khỏe và có thể được treo biển giám sát y tế ở cửa nhà.

Hà Nội có thể đặt biển giám sát y tế trước nhà khách về từ TP.HCM

Hà Nội có thể đặt biển giám sát y tế trước nhà khách về từ TP.HCM

Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn như trên về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian thí điểm mở đường bay nội địa đến thủ đô (từ 10 - 20/10).

Theo đó, với các đường bay nội địa chở khách từ TP.HCM và Đà Nẵng đến sân bay Nội Bài và ngược lại, hành khách phải tuân thủ theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày, luôn thực hiện 5K.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) là đầu mối tiếp nhận thông tin, danh sách hành khách và phối hợp với Cảng vụ, các hãng hàng không kiểm soát dịch tễ đối với hành khách tại sân bay; qua đó sàng lọc, phân luồng và thông báo đến các quận, huyện, thị xã để quản lý, theo dõi sức khỏe, xét nghiệm hành khách.

Chính quyền địa phương tiếp nhận thông tin người dân về trên địa bàn và quản lý; có thể treo biển tại cửa nhà "Gia đình có người theo dõi sức khỏe PCD Covid-19". Công an khu vực và tổ Covid-19 cộng đồng giám sát chặt chẽ các trường hợp trong danh sách nêu trên.

Người dân đi về Hà Nội phải chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm và hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch. Trong thời gian theo dõi sức khoẻ tại nhà, hành khách lấy mẫu xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7.

Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác..., người dân thông báo ngay cho cơ quan y tế.

Xe khách đến và đi TP.HCM dự kiến mở lại từ 13/10

Xe khách tuyến cố định đến và đi từ TP.HCM dự kiến thí điểm hoạt động từ ngày 13/10, tần suất tối thiểu 5% số chuyến, khách phải đáp ứng yêu cầu phòng dịch.

Xe khách đậu tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Xe khách đậu tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Nội dung đề cập trong việc thí điểm ôtô khách liên tỉnh tuyến cố định đến và đi từ TP.HCM, vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi các tỉnh thành. Việc thí điểm trong 7 ngày, từ 13 - 20/10. Tần suất xe được hoạt động tối thiểu 5% và tối đa 30% theo lưu lượng đơn vị khai thác trước đó; trên xe phải thực hiện giãn cách (không áp dụng với xe giường nằm).

Theo phương án thí điểm, khách đi từ TP.HCM phải tiêm đủ liều vaccine, trong đó liều thứ hai ít nhất sau 14 ngày hoặc khỏi Covid-19 trong 6 tháng; xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 hiệu lực 72 giờ. Người chưa đủ điều kiện tiêm vaccine phải xét nghiệm âm tính hiệu lực 72 giờ.

Riêng với hành khách từ tỉnh thành đến TP.HCM chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe... Các chuyến xe đi và đến TP.HCM phải thực hiện 5K, khai báo y tế...

Trước đó TP.HCM tính mở lại xe khách tuyến cố định từ đầu tháng 11, nhưng đã triển khai sớm hơn nửa tháng sau khi Bộ Giao thông vận tải cho thí điểm.

Phân bổ hơn 5,3 triệu liều vaccine Covid-19 Pfizer

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 87,7 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó khoảng 55,8 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm cho người dân và nhóm đối tượng ưu tiên.

Vắc-xin Covid-19 Pfizer

Vắc-xin Covid-19 Pfizer

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vừa ban hành quyết định phân bổ vaccine Covid-19 các đợt 57 - 59 với tổng cộng 5.386.680 liều Pfizer. Cụ thể, đợt phân bổ thứ 57 gồm 1.499.940 liều, đợt 58 là 1.999.530 liều, đợt 59 là 1.887.210 liều.

Trong đó, số lượng vaccine của đợt 57 và 58 do COVAX Facility tài trợ. Số vaccine của đợt thứ 59 được mua từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đợt phân bổ vaccine Covid-19 thứ 57, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội nhận nhiều nhất với 177.720 liều. Ngoài ra, 30 tỉnh, thành phố khác ở khu vực phía Bắc cũng được nhận vaccine trong đợt này.

Với hai đợt phân bổ 58 - 59, TP.HCM nhận số lượng nhiều nhất với 639.630 liều. Ngoài ra, 19 tỉnh, thành phố khác ở phía Nam cũng được phân bổ vaccine trong hai đợt này.

Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận 87,7 triệu liều vaccine Covid-19. Cả nước đã tiêm khoảng 55,8 triệu liều vaccine Covid-19, gần 39 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 (chiếm 54,3% dân số từ 18 tuổi trở lên), 16 triệu người đã tiêm mũi 2 (chiếm 22,1%).

Hiện nay, 8/63 tỉnh, thành đã bao phủ vaccine ít nhất mũi 1 cho trên 90% dân số từ 18 tuổi; 2 tỉnh bao phủ từ 70 - 80%; 4 tỉnh đạt 50 - 70%; 49 tỉnh mới bao phủ vaccine mũi 1 cho dưới 50% dân số từ 18 tuổi.

Bộ Y tế cho biết dự kiến từ nay đến hết tháng 10/2021 sẽ tiếp tục tiếp nhận và phân bổ cho các đơn vị, địa phương khoảng hơn 35 triệu liều vaccine Covid-19.

Taxi công nghệ hoạt động lại ở TP.HCM

Dịch vụ gọi xe 4 và 7 chỗ của Be hoạt động lại từ hôm nay với số lượng 10% và sức chứa 50%, Grab đã vận hành trước đó 5 ngày, còn Gojek thí điểm diện hẹp.

Màn ngăn giữa tài xế và hành khách trong beCar

Màn ngăn giữa tài xế và hành khách trong beCar

Be Group, đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe Be cho biết, dịch vụ gọi xe công nghệ beCar tại TP.HCM bắt đầu hoạt động lại từ 12/10. Trong tuần đầu tiên, tài xế của hãng chỉ cần mở ứng dụng là sẽ có tiền.

Cụ thể, tài xế có thời gian trực tuyến để nhận cuốc đạt tổng 48 giờ sẽ nhận ngay một triệu đồng hỗ trợ. 1.000 tài xế beCar đầu tiên tại TP.HCM tiếp tục được hỗ trợ thêm từ 100.000 - 150.000 đồng nếu có từ 3 chuyến xe thành công. Chương trình này duy trì song song với chương trình tài xế thân thiết với mức thưởng lên đến 7% cước phí chuyến xe.

Trong khi đó, Gojek cũng vừa xác nhận bắt đầu triển khai thương mại cho GoCar từ 12/10. Giai đoạn đầu, GoCar sẽ chỉ phục vụ giới hạn các khách hàng đã tham gia khảo sát và đăng ký trải nghiệm từ trước. GoCar ra mắt hôm 19/8, với nhiệm vụ ban đầu nhằm vận chuyển miễn phí lực lượng y tế tuyến đầu tham gia phòng chống dịch.

Trước đó, từ 7/10, Grab cũng đã vận hành lại dịch vụ GrabCar. Trong thời gian này, số lượng tài xế được phép hoạt động sẽ do Sở Giao thông vận tải TP.HCM phê duyệt nên Grab sẽ có giới hạn về số lượng tài xế hoạt động lại.

Hàn Quốc chuyển 1,1 triệu liều vaccine Astra Zeneca đến Việt Nam vào 13/10

Lô vaccine Astra Zeneca 1,1 triệu liều do Chính phủ Hàn Quốc tặng, dự kiến về đến Việt Nam vào ngày 13/10.

Hàn Quốc chuyển 1,1 triệu liều vaccine Astra Zeneca đến Việt Nam vào 13/10

Hàn Quốc chuyển 1,1 triệu liều vaccine Astra Zeneca đến Việt Nam vào 13/10

Đại sứ Hàn Quốc tại việt Nam Park Noh Wan cho biết, đây là đợt hỗ trợ vaccine song phương đầu tiên và lớn nhất của Hàn Quốc cho các đối tác, trong bối cảnh khan hiếm vaccine trên toàn cầu cũng như những khó khăn tại nước này.

Đại sứ khẳng định Hàn Quốc sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ y tế, trong đó có vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông Park Noh Wan, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc, nhất là về kinh tế, đầu tư, thương mại. Dù dịch bệnh phức tạp, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều vẫn tăng 18%. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn, an toàn của các nhà đầu tư của Hàn Quốc; đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam năm nay tăng 24% so với năm trước.

Trước đó ngày 21/9, tại cuộc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Tổng thống Moon Jae-in cam kết cung cấp ít nhất một triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam.

Hà Nội tiếp nhận máy bay từ Điện Biên từ ngày 13/10

UBND TP. Hà Nội thống nhất với tỉnh Điện Biên khôi phục đường bay từ ngày 13 - 20/10, máy bay chở khách hai chiều, khách ngồi giãn cách.

Hà Nội tiếp nhận máy bay từ Điện Biên từ ngày 13/10

Hà Nội tiếp nhận máy bay từ Điện Biên từ ngày 13/10

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Điện Biên ngày 12/10, Hà Nội yêu cầu hành khách đi máy bay đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú, thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch của Trung ương và TP. Hà Nội.

Như vậy, sau Đà Nẵng, TP.HCM, Điện Biên là địa phương thứ ba nối lại đường bay với thủ đô.

Trước đó, ngày 11/10, UBND tỉnh Điện Biên đề nghị nối lại đường bay giữa hai địa phương, cho phép các hãng Bamboo Airways, Vasco Airlines được mở các chuyến bay khứ hồi Hà Nội - Điện Biên trong thời gian thí điểm (13 - 20/10).

Trước dịch Covid-19, mỗi ngày có hai chuyến bay Hà Nội - Điện Biên, khai thác máy bay ATR thân nhỏ với khoảng 70 chỗ ngồi.

Tin cùng chuyên mục