Bản tin thời sự sáng 15/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là kiểm tra ngẫu nhiên thiết bị giáo dục liên quan AIC tại 12 trường học ở TP.HCM; cổ phiếu FLC bị huỷ niêm yết; doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội gần 26.000 tỷ đồng; TP.HCM thu hồi Dự án Công viên Sài Gòn Silicon; đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà xã hội…

Kiểm tra ngẫu nhiên thiết bị giáo dục liên quan AIC tại 12 trường học ở TP.HCM

UBND Quận 1, TP.HCM vừa có kết luận kiểm tra về việc thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục các dự án liên quan đến Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC).

Máy tính bảng AIC - một trong những dự án tại TP.HCM

Máy tính bảng AIC - một trong những dự án tại TP.HCM

Theo đó, có 2 gói thầu mua sắm trang thiết bị liên quan đến Công ty AIC, trong đó, gói thầu 1 (dành cho các trường mầm non, trường tiểu học) thực hiện đề án Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố và đề án Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; gói thầu 2 (dành cho các trường THCS, THPT) mua sắm trang thiết bị thực hiện đề án Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố.

Tổng giá trị 2 gói thầu là hơn 12,6 tỷ đồng (gói thầu 1 là 8,31 tỷ đồng, gói thầu 2 là 4,34 tỷ đồng), trong đó có 50% vốn ngân sách và 50% vốn xã hội hóa.

Kết quả kiểm tra xác minh cho thấy, hồ sơ 2 gói thầu mua sắm liên quan đến AIC thể hiện việc UBND Quận 1 chấp thuận giao Phòng GD-ĐT làm chủ đầu tư và giao dự toán ngân sách để thực hiện bằng hình thức quyết định của UBND Quận.

Tuy nhiên, cả 2 gói thầu không thực hiện thông báo kết quả mua sắm; gói thầu 2 không có hồ sơ đề xuất của nhà thầu.

Qua kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, tài liệu 2 gói thầu có một số nội dung chưa đảm bảo quy định về đấu thầu. Cụ thể, gói thầu 1 có xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng không trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Lãnh đạo UBND Quận 1 đã chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các thiếu sót.

Cổ phiếu FLC bị huỷ niêm yết

Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), Công ty CP Tập đoàn FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác. HoSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết.

HoSE vừa ra quyết định huỷ niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 20/2

HoSE vừa ra quyết định huỷ niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 20/2

Quyết định này nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại Khoản 1, Điều 120, Nghị định 155 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Như vậy, 709,9 triệu cổ phiếu FLC sẽ bị loại khỏi sàn HoSE từ ngày 20/2. Tại phiên họp bất thường hồi đầu tháng 2, đại diện FLC cho biết doanh nghiệp này có hơn 64.700 cổ đông.

Theo Nghị định 155, cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM. Như vậy, sau khi bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE, cổ phiếu FLC nhiều khả năng sẽ được giao dịch trên thị trường UPCoM.

Từ đầu tháng 9 năm ngoái, cổ phiếu FLC đã bị HoSE chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch do liên tục vi phạm quy định công bố thông tin. HoSE cho biết lý do là doanh nghiệp này chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên, chưa công bố Báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính. Từ đó đến nay, FLC vẫn chưa thể thực hiện các công việc này.

Doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội gần 26.000 tỷ đồng

Đến cuối tháng 1, các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội là 25.940 tỷ đồng, tăng gần 3.900 tỷ so với cùng kỳ, theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam.

Người dân rút Bảo hiểm Xã hội

Người dân rút Bảo hiểm Xã hội

Theo Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, tiền chậm đóng phải tính lãi gần 14.100 tỷ đồng. BHXH Việt Nam sẽ tăng cường thanh kiểm tra với doanh nghiệp chưa đăng ký đóng hoặc đóng BHXH không đầy đủ, chậm đóng từ ba tháng trở lên. Những công ty cố tình trốn đóng sẽ bị lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Thực tế, việc chậm đóng BHXH đang xảy ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp do cố tình chây ì, dùng tiền cho hoạt động kinh doanh khác thay vì đóng BHXH. Doanh nghiệp thường né tránh cán bộ BHXH nhưng mang tiền nộp ngay khi có công an cùng thanh kiểm tra. Nhiều đơn vị phân bua chưa kịp đóng chứ không phải cố tình chậm hay trốn. Việc khởi tố tội danh trốn đóng BHXH cũng vướng mắc về chính sách, thẩm quyền.

Đầu tháng 2, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Chính phủ sớm báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội phương án giải quyết cho hơn 206.000 lao động bị "treo" quyền lợi vì doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH. Họ là lao động trong gần 30.000 doanh nghiệp mất tích, phá sản, giải thể, chủ nước ngoài bỏ trốn, nợ đọng nhiều năm với số nợ BHXH khoảng 3.500 tỷ đồng (đến tháng 9/2022) và hầu như không thể thu hồi.

Năm 2022, cả nước có khoảng 17,5 triệu người đóng BHXH, chiếm 38% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng hơn 950.000 người so với năm 2021. Trong đó, 16 triệu người đóng BHXH bắt buộc và gần 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.

TP.HCM thu hồi Dự án Công viên Sài Gòn Silicon

TP.HCM sẽ hoàn tất thủ tục thu hồi giấy phép đầu tư Dự án Công viên Sài Gòn Silicon trong năm 2023 do chậm triển khai.

Phối cảnh một công trình của dự án Công viên Sài Gòn Silicon

Phối cảnh một công trình của dự án Công viên Sài Gòn Silicon

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết thông tin trên. Dự án Công viên Sài Gòn Silicon được coi là "thung lũng Silicon của TP.HCM", khởi công tháng 8/2016 do Công ty CP Công viên Sài Gòn Silicon làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng vốn khoảng 860 tỷ đồng, được xây trên diện tích 52 ha tại lô I6 và I7 trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Dự án nhằm thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khi lấp đầy khoảng 1,5 tỷ USD.

Sau nhiều năm, Dự án chậm xây dựng các hạng mục công trình đầu tư. Tháng 10/2021, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã lập biên bản và kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận cho SHTP thực hiện chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư Dự án.

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu, các sở ngành liên quan phối hợp với SHTP đẩy nhanh thủ tục chấm dứt, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất với dự án này ngay trong năm 2023.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý SHTP cho biết, thời gian tới SHTP cùng Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tư pháp thực hiện thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án này.

Đến nay, Khu công nghệ cao TP.HCM có 162 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 111 dự án đang hoạt động (chiếm 69%), 49 dự án chưa đi vào hoạt động (chiếm 31%). Trong số dự án chưa hoạt động, có 2 dự án mới cấp phép, 28 dự án đang thực hiện thủ tục xây dựng, 10 dự án đang hoàn thiện chuẩn bị hoạt động, 5 dự án chậm triển khai, 4 dự án đang tạm dừng hoạt động (trong đó có Dự án Công viên Sài Gòn Silicon).

Ninh Thuận làm đường nối cảng Cà Ná lên Tây Nguyên

Tuyến đường động lực kết nối cảng Cà Ná lên khu vực nam Tây Nguyên tổng kinh phí 2.100 tỷ đồng, được HĐND Ninh Thuận thông qua sáng 14/2.

Ninh Thuận sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối Cảng Cà Ná với Tây Nguyên
Ninh Thuận sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối Cảng Cà Ná với Tây Nguyên

Đường kết nối dài 41 km, chia làm hai đoạn: Đoạn 1 dài 38 km từ xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn) xuống cao tốc Bắc Nam tại xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam); đoạn 2 dài 3 km từ khu công nghiệp Cà Ná đến cảng tổng hợp cùng tên. Công trình được chuẩn bị đầu tư trong năm nay, dự kiến hoàn thành sau 6 năm; kinh phí từ Trung ương và Tỉnh.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ giúp chở hàng hóa, quặng bôxit Tân Rai - Nhân Cơ, xuất khẩu nông sản của các tỉnh Tây Nguyên qua cảng Cà Ná. Tuyến còn kết nối các khu công nghiệp, phát triển dịch vụ cảng biển, năng lượng sạch và logistics; phát triển kinh tế biển, đô thị biển, du lịch địa phương...

Cảng Cà Ná gồm 17 bến tàu, trước đó được đầu tư 6.500 tỷ đồng để xây bến, bãi, kho, công trình phụ trợ. Đây là cảng nước sâu địa thế thuận lợi và là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, góp phần giải tỏa áp lực các cảng biển ở Đông Nam Bộ.

Đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà xã hội

Trước thềm hội nghị thúc đẩy thị trường, Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo phục vụ cho Hội nghị về thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, dự kiến vào cuối tuần này. Một trong những giải pháp được cơ quan này đưa ra là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu nơi ở của đa số người dân.

Trong đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn. Chi tiết phân bổ gói này chưa được đề cập nhưng Bộ Xây dựng cho biết, gói này sẽ giống như gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2016 khi thị trường gặp khó khăn. Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp để xây dựng chi tiết hơn.

Theo chính sách gói 30.000 tỷ đồng trước đây, 70% gói hỗ trợ được dành cho những người thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị sớm có Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Nghị quyết này nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn như vấn đề giao đất, dành quỹ đất cho nhà ở xã hội; chọn chủ đầu tư; ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội; xác định giá bán, thuê, đối tượng và điều kiện hưởng chính sách. Các điểm nghẽn này đang khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không mặn mà với nhà ở xã hội.

Đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc

Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).

Đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc. Ảnh minh hoạ

Đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Dự án Đầu tư đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công - tư (PPP) được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (đại diện liên danh các nhà đầu tư) lập đề xuất.

Tại văn bản này, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, dự kiến chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi khoảng 50,376 tỷ đồng; chi phí lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường khoảng 1,3 tỷ đồng; chi phí tư vấn độc lập thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tạm tính khoảng 1,654 tỷ đồng; chi phí lập hồ sơ điều chỉnh chuyển mục đích sử dụng rừng đối với những vị trí điều chỉnh cục bộ khoảng 250 tỷ đồng…

Phí đóng bảo hiểm y tế tăng từ 1/7

Lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng một tháng từ ngày 1/7, nên mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động và hộ gia đình cũng tăng theo.

Từ ngày 1/7, phí đóng bảo hiểm y tế tăng

Từ ngày 1/7, phí đóng bảo hiểm y tế tăng

Theo Nghị định 146 của Chính phủ, mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) được tính bằng 4,5% mức lương cơ sở hoặc lương hưu hay trợ cấp thất nghiệp. Nếu theo hộ gia đình, người thứ nhất đóng như mức trên, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức phí của người thứ nhất. Người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức của người thứ nhất.

Hiện, mức đóng BHYT theo gia đình theo tháng là: Người thứ nhất 67.050 đồng; người thứ hai 46.935 đồng; người thứ ba 40.230 đồng; người thứ tư 33.525 đồng, người thứ năm 26.820 đồng.

Từ ngày 1/7, các mức trên sẽ tăng tương ứng là 81.000 đồng, 56.700 đồng, 48.600 đồng, 40.500 đồng và 32.400 đồng. Như vậy, khi tăng lương cơ sở, mức đóng bảo hiểm y tế của người thứ nhất tăng cao nhất, thêm khoảng 14.000 đồng một tháng, người thứ năm trở đi tăng khoảng 6.000 đồng một tháng.

Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có hơn 91,1 triệu người tham gia BHYT, chiếm 92% dân số. Việt Nam đặt mục tiêu bao phủ BHYT hơn 95% dân số vào năm 2025.

Tin cùng chuyên mục