Bản tin thời sự sáng 15/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cao tốc Vân Phong - Nha Trang dự kiến về đích trước 6 tháng; người dân chỉ được mua bán vàng miếng SJC tại nơi được cấp phép; Phó Chủ tịch huyện Trảng Bom bị kỷ luật do để 488 biệt thự xây trái phép; Việt Nam phấn đấu đón 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025…

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang dự kiến về đích trước 6 tháng

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài hơn 83 km, dự kiến cơ bản hoàn thành vào tháng 6/2025, sớm nhất trong 12 dự án thành phần đang được thi công.

Thi công cầu trên cao tốc Vân Phong - Nha Trang

Thi công cầu trên cao tốc Vân Phong - Nha Trang

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang có điểm đầu là hầm Cổ Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, điểm cuối là nút giao với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Dự án đi qua 3 huyện Vạn Ninh, Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành.

Các nhà thầu huy động 42 mũi thi công với gần 2.000 người và gần 1.000 thiết bị thi công các loại. Hiện đã thi công 70% nền đường trên toàn tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang, một số đoạn đã thi công lớp mặt đường, dải phân cách.

Với tốc độ thi công như hiện nay, dự kiến rút ngắn thời gian hoàn thành toàn Dự án khoảng 6 tháng, xong trước 30/6/2025. Các vướng mắc như chuyển đổi hơn 4 ha đất rừng phát sinh, di dời các trụ điện cao thế đang được UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp các cơ quan, doanh nghiệp tháo gỡ.

Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang là tuyến đường mở mới, đi qua núi, rừng, đồng ruộng. Hiện nay, các nhà thầu tranh thủ thời tiết nắng ráo, ít mưa để đẩy nhanh tiến độ thi công, bù đắp sản lượng mùa mưa lũ sắp đến.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang không còn vướng mắc gì đáng kể. Bộ GTVT hy vọng Dự án sẽ hoàn thành sớm nhất trong 12 dự án thành phần giai đoạn 2021 - 2025.

Người dân chỉ được mua bán vàng miếng SJC tại nơi được cấp phép

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM lưu ý người dân chỉ được mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức được cấp phép. Việc mua bán vàng miếng tại các đơn vị không có giấy phép là trái quy định.

Số đơn vị đủ điều kiện kinh doanh mua, bán vàng miếng hiện nay là 38, gồm 22 ngân hàng, 16 doanh nghiệp
Số đơn vị đủ điều kiện kinh doanh mua, bán vàng miếng hiện nay là 38, gồm 22 ngân hàng, 16 doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM vừa ban hành văn bản gửi các cơ quan ban ngành về việc phối hợp thông tin tuyên truyền thực hiện quy định pháp luật trong kinh doanh và mua bán vàng trên địa bàn.

Theo đó, người dân chỉ được mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Số đơn vị đủ điều kiện hiện nay là 38, gồm 22 ngân hàng, 16 doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng (vàng trang sức mỹ nghệ) không được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng thực hiện việc mua bán vàng miếng với cá nhân, tổ chức là trái quy định tại Nghị định số 24/2012 và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép hoạt động này sẽ bị xử phạt theo quy định.

Cảnh báo của cơ quan quản lý tiền tệ được đưa ra trong bối cảnh các điểm bán vàng miếng thời gian qua thường xuyên ghi nhận tình trạng xếp hàng dài chờ lấy số thứ tự mua vàng. Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, có hiện tượng một số cá nhân được thuê xếp hàng để mua vàng.

Phó Chủ tịch huyện Trảng Bom bị kỷ luật do để 488 biệt thự xây trái phép

Bà Lương Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), bị xác định thiếu trách nhiệm giám sát để xảy ra sự việc 488 biệt thự xây trái phép.

Khu dân cư Tân Thịnh (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) nhìn từ trên cao

Khu dân cư Tân Thịnh (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) nhìn từ trên cao

Ngày 14/6, Huyện ủy Trảng Bom quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với bà Lương Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND Huyện, do liên quan đến sai phạm hàng trăm biệt thự xây trái phép tại Khu dân cư Tân Thịnh do Công ty CP LDG làm chủ đầu tư.

Theo Huyện ủy Trảng Bom, với vai trò Phó Chủ tịch UBND Huyện phụ trách lĩnh vực đất đai, từ tháng 6/2016 đến tháng 11/2019, bà Lan đã thiếu trách nhiệm, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm pháp luật về đất đai tại Dự án Khu dân cư Tân Thịnh, gây hậu quả nghiêm trọng. Bà Lan cũng để xảy ra sai phạm trong quản lý, chỉ đạo một số dự án bất động sản, du lịch trên địa bàn.

Năm 2016, Khu dân cư Tân Thịnh được chính quyền Tỉnh chấp thuận địa điểm thực hiện tại xã Đồi 61, từng được quảng bá là "thành phố thông minh đầu tiên của Việt Nam" với nhiều tiện ích như công viên, siêu thị, trường học...

Diện tích Dự án có nguồn gốc từ 402 thửa đất của Nông trường Cao su An Viễn và các hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, 339 thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 26 hộ gia đình, cá nhân và Công ty CP Đầu tư LDG với diện tích hơn 15 ha. Doanh nghiệp đã sử dụng các thửa đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, ủy quyền sử dụng đất và mua bán đất bằng giấy tay không đúng quy định pháp luật.

Theo Thanh tra tỉnh Đồng Nai, dù chưa được giao đất và chuyển mục đích sử dụng, chưa được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện đầu tư dự án, song Công ty CP Đầu tư LDG đã xây 488 căn biệt thự, nhà liên kế, 290 căn đang xây dang dở. Quá trình thực hiện Dự án cũng để xảy ra nhiều thiếu sót, sai phạm trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Công an Đồng Nai đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều cán bộ huyện, lãnh đạo Công ty LDG để điều tra các hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lừa dối khách hàng.

Việt Nam phấn đấu đón 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025

Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2025, Việt Nam phấn đấu đón 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa.

Du khách đổ về xem giải đua thuyền sông Hương ở thành phố Huế

Du khách đổ về xem giải đua thuyền sông Hương ở thành phố Huế

Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 nêu mục tiêu Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới và tiến tới là ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2030, Việt Nam đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa.

Thủ tướng kỳ vọng năm 2025, du lịch sẽ đóng góp trực tiếp 8 - 9% vào GDP và 13 - 14% vào năm 2030; tạo ra 6,3 - 10,5 triệu việc làm từ 2025 đến 2030, trong đó có khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp.

Để hiện thực hóa các kế hoạch, dự kiến tổng nhu cầu đầu tư cho du lịch thời gian tới khoảng 3,6 triệu tỷ đồng (160 tỷ USD); vốn từ ngân sách nhà nước chiếm 3 - 5%, còn lại huy động từ khu vực tư nhân. Tổng vốn đầu tư chia thành hai giai đoạn, 2021 - 2025 khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, giai đoạn sau 2025 - 2030 khoảng 2 triệu tỷ đồng.

Theo quy hoạch, không gian du lịch Việt Nam sẽ phát triển gồm 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch. Từ nay đến năm 2030, 6 khu vực động lực chính sẽ được hình thành.

Cụ thể, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình sẽ gắn kết đa dạng và bổ trợ nhau về sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử với du lịch biển, di sản thế giới.

Khu vực Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh kết hợp du lịch gắn với sinh thái, di sản thế giới, văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng với du lịch biển, về nguồn, cộng đồng.

Khu vực Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam dự kiến kết nối các di sản thế giới trong nước với quốc tế, gắn kết các sản phẩm du lịch văn hóa với đô thị và nghỉ dưỡng biển.

Khu vực Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận sẽ liên kết với vùng Tây Nguyên để kết nối giữa du lịch nghỉ dưỡng núi với biển và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Các khu vực còn lại ở Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gắn du lịch với phát triển kinh tế ven biển.

Số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng

Gần 595.000 người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần từ đầu năm đến nay, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023, phần lớn là lao động 20 - 40 tuổi.

Lao động ngồi đợi làm hồ sơ rút bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội TP. Thủ Đức (TP.HCM)

Lao động ngồi đợi làm hồ sơ rút bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội TP. Thủ Đức (TP.HCM)

Ông Đào Duy Hiện, Phó ban Thực hiện chính sách BHXH thuộc BHXH Việt Nam cho biết, 78% lao động rút một lần từ 20 đến dưới 40 tuổi, 98% rời hệ thống an sinh sau 1 năm nghỉ việc. Họ chủ yếu làm việc trong doanh nghiệp, nhất là khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chịu nhiều áp lực.

Số lao động rút BHXH tăng, song số người hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm gần 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 442.400. Hơn 8.700 người có quyết định hỗ trợ học nghề, giảm 4,3%.

Thống kê giai đoạn 2016 - 2022, gần 4,85 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh. Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt. Khoảng 99% lao động rút một lần sau một năm ngừng đóng và phần lớn làm việc trong doanh nghiệp. Lao động Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 60% người rút BHXH một lần.

Bộ Công an yêu cầu Đắk Lắk cung cấp hồ sơ liên quan dự án điện mặt trời

Bộ Công an vừa yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk cung cấp hồ sơ về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quyết định chủ trương đầu tư liên quan đến các dự án điện mặt trời ở huyện Ea Súp.

Toàn cảnh Nhà máy Điện mặt trời Long Thành 1 tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk

Toàn cảnh Nhà máy Điện mặt trời Long Thành 1 tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Bộ Công an. Bộ Công an yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản trả lời trước ngày 20/6.

Đây là diễn biến trong quá trình Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố.

Vụ án này cũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản trả lời và cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất tỉnh Đắk Lắk đã được phê duyệt từ năm 2017 - 2020; kế hoạch sử dụng đất năm 2017, 2018, 2019, 2020 tại địa bàn huyện Ea Súp.

Bộ Công an yêu cầu cung cấp các tài liệu liên quan việc giải quyết các thủ tục, đề xuất phê duyệt bổ sung các dự án vào quy hoạch điện lực quốc gia và quy hoạch điện lực cấp tỉnh.

Quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư; lựa chọn, công nhận chủ đầu tư. Cấp chứng nhận đầu tư; thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Cấp giấy phép xây dựng, cho phép khởi công xây dựng và xác nhận hoàn công công trình xây dựng.

Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án; kê khai, báo cáo thuế, giải quyết các thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng đối với Dự án Nhà máy Điện mặt trời Long Thành 1 do Công ty TNHH Đầu tư Long Thành Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Đối với từng thủ tục, Bộ Công an yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản giải trình và cung cấp thông tin, tài liệu về thẩm quyền quyết định, yêu cầu về mặt hồ sơ và quy trình các bước phải thực hiện theo quy định của pháp luật…

Ba tuyến cáp quang biển IA, APG, AAE-1 cùng gặp sự cố

Ba tuyến cáp quang IA, APG, AAE-1 gặp sự cố, khiến việc truy cập các dịch vụ quốc tế của nhiều người dùng trong nước bị ảnh hưởng.

Loạt sự cố xảy ra liên tiếp đối với 3 trong 5 tuyến cáp quang. Ảnh minh họa

Loạt sự cố xảy ra liên tiếp đối với 3 trong 5 tuyến cáp quang. Ảnh minh họa

Sự cố mới nhất xảy ra với tuyến Intra-Asia (IA) được xác định do lỗi rò nguồn, xảy ra trên nhánh S1 hướng đi Singapore. Trước đó, hai tuyến khác kết nối Việt Nam cũng gặp trục trặc gồm APG từ tháng 3 và AAE-1 vào ngày 23/5.

Loạt sự cố liên tiếp với 3 trong số 5 tuyến cáp khiến việc truy cập Internet của nhiều người bị ảnh hưởng.

Theo đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam, ngay sau khi sự cố xảy ra, công ty đã làm việc với đối tác phụ trách để tìm cách khắc phục sớm nhất. Ngoài ra, tương tự những tình huống đứt cáp trước đây, nhà mạng cũng đưa ra nhiều biện pháp như san tải sang các hướng khác hoặc qua đường cáp đất liền.

Việt Nam hiện kết nối Internet quốc tế qua 5 tuyến cáp quang biển. Tình trạng gián đoạn với những tuyến cáp này cũng không hiếm. Tháng 2/2023, có giai đoạn cả 5 tuyến gặp sự cố, đường truyền Internet của Việt Nam mất 75% dung lượng, buộc các nhà mạng phải mua thêm dung lượng theo hướng đất liền. Sau đó, nhiều sự cố đơn lẻ tiếp tục xảy ra khiến đường truyền này gần như không trọn vẹn, cho tới những tháng cuối năm.

Theo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, Việt Nam sẽ bổ sung để nâng số lượng lên 7 - 9 tuyến vào năm 2025 và 9 - 11 tuyến vào năm 2030.

Tin cùng chuyên mục