Bản tin thời sự sáng 17/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng dự kiến hoàn thành năm 2022; sắp có đường bay thẳng 2 chuyến mỗi tuần từ Việt Nam tới Mỹ; Chính phủ đề xuất đầu tư thêm 729 km cao tốc Bắc Nam; 6 điểm dừng chân đường Nha Trang - Đà Lạt xây không phép; 3 nguyên nhân gây ra sự cố gối cầu Metro số 1…

Công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng dự kiến hoàn thành năm 2022

Dự án chống ngập hiện đạt 90% khối lượng, đang được khởi động trở lại và dự kiến hoàn thành trong năm tới, theo Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM.

Cống ngăn triều Mương Chuối, huyện Nhà Bè thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Cống ngăn triều Mương Chuối, huyện Nhà Bè thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, do yếu tố khách quan và chủ quan, thời gian thực hiện Dự án kéo dài hơn so với dự kiến trước đó. Do vậy, Dự án cần sớm được điều chỉnh thủ tục, tái cấp vốn để tiếp tục thi công.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, công trình chống ngập là dự án lớn của Thành phố nhưng gặp nhiều vướng mắc khi triển khai. Thời gian qua, Thành phố dành nhiều thời gian chống dịch nên chưa tập trung việc này.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam làm nhà đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng chuyển giao), khởi công giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố.

Công trình gồm 6 cống ngăn triều lớn (khẩu độ 40-160 m) là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh với các cống nhỏ khẩu độ dưới 10 m. Địa điểm xây dựng thuộc Quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh.

Công trình dự kiến hoàn thành sau 3 năm, nhưng phải dừng thi công tháng 4/2018. Giữa tháng 11/2020, Dự án tiếp tục ngưng do UBND Thành phố chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng hết hạn từ tháng 6/2020).

Hồi tháng 4, Thủ tướng ký Nghị quyết số 40 gỡ vướng cho dự án này giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý để hoàn thành Dự án.

Sắp có đường bay thẳng 2 chuyến mỗi tuần từ Việt Nam tới Mỹ

Ngày 28/11, Vietnam Airlines sẽ thực hiện chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên tới Mỹ.

Máy bay Boeing 787-10 của Vietnam Airlines tại sân bay Seattle (Mỹ)

Máy bay Boeing 787-10 của Vietnam Airlines tại sân bay Seattle (Mỹ)

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết thông tin trên và hãng cũng vừa nhận chứng chỉ bay thẳng thường lệ đến Mỹ từ cấp có thẩm quyền.

Theo ông Lê Hồng Hà, thời gian đầu, hãng sẽ khai thác đường bay nối TP.HCM - San Francisco với tần suất 2 chuyến mỗi tuần. Khi dịch bệnh được kiểm soát và các đường bay quốc tế thường lệ được khai thác, hãng sẽ nâng tần suất các chuyến bay thẳng thương mại tới Mỹ lên 7 chuyến một tuần.

Theo kế hoạch của Vietnam Airlines, chuyến bay đầu tiên chiều đi sẽ khởi hành từ TP.HCM vào tối 28/11, kéo dài 13 giờ 50 phút. Chuyến bay chiều về xuất phát từ San Francisco vào đêm 29/11 (giờ địa phương) và hạ cánh tại TP.HCM vào sáng 1/12, với thời gian bay khoảng 16 giờ 40 phút. Các chuyến này sẽ được khai thác bằng tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner.

Như vậy, sau 20 năm chuẩn bị, Vietnam Airlines sẽ trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam khai thác đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ - quốc gia có hàng rào pháp lý và an ninh hàng không khắt khe bậc nhất thế giới.

Trước đó, hãng này đã được Cục An ninh vận tải Mỹ (TSA) xác nhận đáp ứng toàn bộ yêu cầu về bảo đảm an ninh để khai thác đường bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ. Đây là cơ sở để Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép cho Vietnam Airlines, cũng như các hãng hàng không Việt Nam khác khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ.

Trước đó, ngày 4/11, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã thông báo cấp phép cho Vietnam Airlines khai thác thường lệ các chuyến bay thẳng chở khách, hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ. FAA là cơ quan cấp phép cuối cùng của nhà chức trách Mỹ và chứng chỉ này là điều kiện tiên quyết về pháp lý để Vietnam Airlines được phép khai thác thường lệ đường bay Mỹ. Chứng chỉ của FAA có hiệu lực không giới hạn về thời gian và cho phép Vietnam Airlines chủ động xây dựng tần suất, triển khai kế hoạch khai thác theo nhu cầu của hãng.

Chính phủ đề xuất đầu tư thêm 729 km cao tốc Bắc Nam

Ngoài 11 dự án cao tốc Bắc Nam đang triển khai, Chính phủ đề xuất xây dựng thêm 12 dự án khác với tổng chiều dài 729 km bằng vốn ngân sách.

Cầu vượt ngang đê sông Vạc nằm trên cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn

Cầu vượt ngang đê sông Vạc nằm trên cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn

Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Chính phủ đã có Tờ trình số 519 gửi Quốc hội báo cáo tiền khả thi Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông (giai đoạn 2021 - 2025) với 12 dự án thành phần.

Toàn bộ 12 dự án này được đề xuất triển khai theo hình thức đầu tư công, sau đó, Nhà nước sẽ thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn. Đây là điểm mới so với đề xuất của Bộ GTVT mấy ngày trước, chọn 4 dự án trong số 12 dự án này để đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

12 dự án cao tốc Bắc Nam dài 729 km, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng, gồm chi phí xây dựng 95.837 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng, tái định cư 19.097 tỷ đồng; quản lý dự án, tư vấn 12.015 tỷ đồng; chi phí dự phòng 20.041 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đưa ra lộ trình 2 năm tới sẽ chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, tái định cư để khởi công các dự án giữa năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Về nguyên nhân không đầu tư 4 dự án theo hình thức PPP, Tờ trình Chính phủ nêu thực tiễn triển khai các dự án xã hội hóa trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hiện tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km (11 dự án), còn lại 729 km (chia làm 12 dự án).

6 điểm dừng chân đường Nha Trang - Đà Lạt xây không phép

Nhiều điểm dừng chân dọc Quốc lộ 27C từ Nha Trang đi Đà Lạt xây trái phép nhiều năm để đón du khách nghỉ ngơi, ăn uống.

Điểm dừng chân Bến Lội trên quốc lộ 27C qua huyện Khánh Vĩnh xây không phép

Điểm dừng chân Bến Lội trên quốc lộ 27C qua huyện Khánh Vĩnh xây không phép

Những công trình vi phạm về xây dựng xảy ra tại xã Liên Sang, Sơn Thái và Cầu Bà của huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), bị phát hiện sau khi địa phương lập đoàn kiểm tra.

Theo UBND huyện Khánh Vĩnh, điểm dừng chân Bến Lội, xã Sơn Thái, rộng gần 1.800 m2, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2015, trong đó 70 m2 đất sản xuất kinh doanh, diện tích còn lại trồng cây hàng năm. Tuy nhiên, chủ đất sau đó xây dựng hàng quán, nhà ở bằng kết cấu gỗ với diện tích 900 m2, và lấn ra sông khoảng 200 m2.

Tương tự, 5 điểm dừng chân khác cũng xây nhiều công trình trái phép với diện tích 300 - 950 m2 mỗi điểm, để đón khách du lịch và người địa phương ghé tới nghỉ ngơi, ăn uống. Trong số này, điểm dừng chân Kim Phượng san lấp mặt bằng làm nhà hàng, nhà ở với diện tích 950 m2. Điểm dừng chân Ecozone xây nhiều hạng mục như nhà ở, cửa hàng, cổng trong phạm vi đất dành cho quốc lộ...

Trước đó vào tháng 10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu huyện Khánh Vĩnh, cùng các sở ngành liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên. Phó chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh Nguyễn Văn Thuận cho biết, Huyện thiếu sót khi chưa làm tốt kiểm tra, giám sát để xảy ra các công trình không phép, vi phạm chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đề xuất giảm tiếp các loại phí, lệ phí đến giữa năm 2022

Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ gia hạn giảm các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2021 đến hết tháng 6/2022.

Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giảm tiếp các loại phí, lệ phí đến giữa năm 2022

Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giảm tiếp các loại phí, lệ phí đến giữa năm 2022

Ngoài gia hạn cho các loại phí, lệ phí đã giảm, trong báo cáo gửi mới đây, Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh giảm phí, lệ phí khác để hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chính phủ đã đồng ý với đề xuất trên của Bộ Tài chính. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh mức thu các khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, gồm các khoản đã giảm trong năm 2021, và gửi về Bộ Tài chính để xem xét.

Ông Lê Minh Khái cũng đồng ý áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn khi ban hành Thông tư giảm phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Theo báo cáo gửi Chính phủ của Bộ Tài chính, cơ quan này dự báo dịch còn có thể diễn biến phức tạp, khó lường trong năm 2022 và có thể bùng phát các đợt dịch mới, biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn.

Năm 2020, nhằm hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vì Covid-19, loạt phí, lệ phí đã được giảm 20 - 50%, như: lệ phí cấp giấy phép lập, hoạt động ngân hàng; lệ phí cấp chứng chỉ năng lực/hành nghề hoạt động xây dựng; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; phí thẩm định thiết kế cơ sở; phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; lệ phí sở hữu công nghiệp... Chính sách này sau đó được "nới" thêm thời hạn đến hết năm 2021.

Ngoài ra, năm 2021, Chính phủ còn giảm thêm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; phí trong lĩnh vực thú y. Các loại phí này giảm 10 - 50%.

3 nguyên nhân gây ra sự cố gối cầu Metro số 1

Nguyên nhân dẫn đến sự cố gối cầu Metro số 1 gồm chênh lệch nhiệt độ, sai số thi công, chất lượng gối cầu, theo kết luận sơ bộ của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư).

Kỹ sư kiểm tra gối dầm cầu tại khu vực cầu khu vực giữa ngã tư Thủ Đức và Bình Thái (TP. Thủ Đức)

Kỹ sư kiểm tra gối dầm cầu tại khu vực cầu khu vực giữa ngã tư Thủ Đức và Bình Thái (TP. Thủ Đức)

MAUR vừa gửi văn bản đến UBND TP.HCM liên quan sự cố gối cầu trên tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Hạng mục này thuộc Gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) của Dự án, Liên danh SCC (Sumitomo - Cicenco 6) làm tổng thầu.

Việc xác minh sự cố được Chủ đầu tư phối hợp các bên tiến hành hơn một năm nay, từ lúc phát hiện gối cầu đầu tiên bị rơi ra ngoài tại trụ P14-10, sau đó thêm 5 gối khác cũng bị xê dịch khỏi vị trí ban đầu. Đây là 6 trong tổng 900 vị trí trụ cầu thuộc tuyến metro.

MAUR kết luận sơ bộ nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển các gối cầu xoay quanh các vấn đề về giãn nở do chênh lệch nhiệt độ giữa dầm cầu và đường ray; sai số trong thi công dẫn đến ma sát không đảm bảo giữa bề mặt tiếp xúc của gối với trụ cầu; chất lượng gối cầu...

Trước đó trong quá trình xác minh, các bên đã rà soát, đối chứng nhiều phương diện liên quan vật liệu, kỹ thuật, biện pháp thi công, sự tác động của đường ray trên tuyến... Trong đó với vật liệu, sau khi rà soát các chứng chỉ và hồ sơ gốc, Chủ đầu tư cho biết không có yếu tố không phù hợp. Tuy nhiên, tư vấn độc lập cho rằng chưa thể đánh giá kết quả, cần tổ chức thí nghiệm thêm để xác minh.

Hiện, ngoài 6 vị trí xảy ra sự cố đã được khắc phục, Tổng thầu SCC lắp đặt hệ thống chống xê dịch gối cầu ở nhiều điểm khác, đảm bảo giữ ổn định từng nhịp cầu. Tổng thầu lắp camera và quan trắc liên tục việc dịch chuyển gối cầu cũng như thay đổi chiều rộng khe co giãn nhằm xử lý kịp thời nếu có bất thường...

Kiến nghị cho xe buýt Hà Nội hoạt động 100% công suất vào giờ cao điểm

Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng vừa kiến nghị Hà Nội cho phép xe buýt hoạt động 100% công suất vào giờ cao điểm.

Xe buýt được hoạt động với công suất 100% giờ cao điểm hành khách đi lại sẽ thuận tiện hơn - Ảnh minh hoạ

Xe buýt được hoạt động với công suất 100% giờ cao điểm hành khách đi lại sẽ thuận tiện hơn - Ảnh minh hoạ

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội (Hapta) Nguyễn Trọng Thông vừa có văn bản đề xuất UBND Thành phố, Sở GTVT, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng cho phép xe buýt được phép hoạt động 100% công suất vào giờ cao điểm (khung giờ sáng từ 6h00 đến 9h00 và chiều 16h00 đến 20h00).

Theo Chủ tịch Hapta, từ ngày 14/10 xe buýt được hoạt động với 50% công suất chạy xe được Sở GTVT phê duyệt. Sau một tháng hoạt động trở lại, công tác vận hành các tuyến buýt được đảm bảo an toàn và tuân thủ nghiêm các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch.

Theo ông Thông, những ngày cuối tháng 10 trở lại đây, lượng khách đi lại đang có dấu hiệu tăng trở lại. Nhiều khách hàng phải chờ đợi lâu mới có thể đón được xe buýt do yêu cầu giãn cách trên xe để phòng chống dịch (xe chở không quá 50% sức chứa và không quá 20 hành khách/xe tại một thời điểm).

Cùng đó, tần suất dịch vụ thưa, chỉ từ 15 - 60% phút/lượt dẫn đến nhiều trường hợp hành khách phải chờ đợi lâu và sử dụng phương tiện cá nhân.

Chủ tịch Hapta cho biết, việc xe buýt hoạt động 100% công suất giờ cao điểm sẽ tạo điều kiện để người dân thủ đô sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại được thuận lợi.