Bản tin thời sự sáng 18/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C; ký hợp đồng BOT với 3 dự án cao tốc Bắc - Nam trong tháng 3; đề xuất tư nhân đầu tư 10 tỷ USD làm đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ; cựu giám đốc Sở Y tế Sơn La bị bắt liên quan đến sai phạm trong đấu thầu; Nha Trang đóng cửa chợ Đầm từ ngày 31/3…

Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C

Bộ Công an cáo buộc ông Nguyễn Đức Chung lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C trái quy định.

Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C

Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C

Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) đã khởi tố bổ sung tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Ủy ban nhân dân Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Đồng thời, C03 ra quyết định khởi tố bị can và khám xét đối với ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic, về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo ông Xô, quá trình điều tra, C03 cáo buộc hai bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Watch water - CHLB Đức qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn Hà Nội. Đây là hành vi trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Liên quan vụ án này, ngày 20/8/2020, Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam ông Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội).

Ký hợp đồng BOT với 3 dự án cao tốc Bắc - Nam trong tháng 3

Trong văn bản báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho biết 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ được ký hợp đồng vào tháng 3.

Ba dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sẽ được khởi công trong tháng 3

Ba dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sẽ được khởi công trong tháng 3

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác đàm phán hợp đồng 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam gồm đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đang diễn ra đúng kế hoạch.

Hiện nay, các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang tích cực đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để hoàn chỉnh hợp đồng theo đúng quy định pháp luật. Dự kiến, các hợp đồng BOT sẽ được ký kết trong tháng 3.

Từ tháng 1, Bộ GTVT đã hoàn tất phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư BOT cho 3 dự án này. Trong tổng số 8 dự án thành phần được kêu gọi đầu tư PPP, đây là 3 dự án duy nhất tìm được nhà đầu tư, không phải chuyển sang đầu tư công.

Trên cơ sở kết quả trúng thầu, các nhà đầu tư đã thành lập doanh nghiệp dự án và đang làm việc với các ngân hàng về phương án huy động nguồn vốn tín dụng để triển khai thực hiện.

Nhà đầu tư trúng thầu Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Thạch - Công ty CP Đầu tư xây dựng 194. Mức vốn bỏ thầu của liên danh này là 8.925,48 tỷ đồng, giảm 694,57 tỷ đồng so với dự toán ban đầu.

Nhà đầu tư trúng thầu cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt là Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và xây dựng VINA2. Mức với giá đề nghị trúng thầu là 4.159,59 tỷ đồng.

Tập đoàn Sơn Hải được lựa chọn là nhà đầu tư Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm với tổng vốn đầu tư 5.536 tỷ đồng.

Đề xuất tư nhân đầu tư 10 tỷ USD làm đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ

Đó là đề xuất của Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam gửi Bộ GTVT mới đây đối với Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ.

Đề xuất tư nhân đầu tư 10 tỷ USD làm đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ. Ảnh minh họa: Internet

Đề xuất tư nhân đầu tư 10 tỷ USD làm đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ. Ảnh minh họa: Internet

Trong đề xuất này, Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam nêu lên việc điều chỉnh hướng tuyến, bổ sung 9 ga đô thị vệ tinh của Dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ.

Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đề xuất dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ USD và do tư nhân đầu tư vốn 100%. Trong đó, tuyến chính TP.HCM - Cần Thơ hơn 4,4 tỷ USD, tuyến nhánh Thanh Phú - Hiệp Phước 791,35 triệu USD; 4,6 tỷ USD còn lại dành để đầu tư ga đô thị và các hạng mục khác.

Tổng chiều dài toàn tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ là 134,9km, đi qua 5 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ với 9 nhà ga có điểm đầu là ga Tân Kiên (TP.HCM) và điểm cuối là ga Cần Thơ (TP. Cần Thơ).

Ngoài ra, còn có tuyến nhánh từ ga Thanh Phú (Long An) đi cảng Hiệp Phước và cảng quốc tế Long An dài 44km, đi qua TP.HCM, Long An.

Với loại hình đường sắt tốc độ cao, khổ đường đôi 1.435mm, kết hợp vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ tối đa của tàu khách là 200km/h và tàu hàng là 150km/h.

Theo lãnh đạo Cục Đường sắt, hiện Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt lựa chọn tư vấn để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đưa ra báo cáo độc lập.

Cựu giám đốc Sở Y tế Sơn La bị bắt liên quan đến sai phạm trong đấu thầu

Bà Nguyễn Thị Kim An, cựu giám đốc Sở Y tế Sơn La, bị cáo buộc thiếu trách nhiệm để cấp dưới sai phạm trong đấu thầu gây thiệt hại cho nhà nước.

Cơ quan điều tra và VKS tống đạt quyết định khởi tố bà An

Cơ quan điều tra và VKS tống đạt quyết định khởi tố bà An

Quyết định khởi tố, tạm giam bà An, về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự được Công an tỉnh Sơn La ra ngày 17/3.

Trước đó, bà An bị Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La thi hành kỷ luật cảnh cáo. Bà bị xác định trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tuyến xã, cơ sở năm 2019 đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu không đúng thẩm quyền.

Nhà chức trách xác định bà thiếu kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới dẫn đến không phát hiện được các vi phạm trong việc lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu trong nghiệm thu.

Liên quan vụ án, ngày 17/1, ông Sa Văn Khuyên, cựu Phó giám đốc Sở Y tế Sơn La, cùng hai thuộc cấp Bùi Thị Hoa, cựu trưởng phòng kế hoạch tài chính; Mai Anh Tuấn, chuyên viên phòng kế hoạch tài chính và Bùi Thị Thu, Giám đốc Công ty CP Thiết bị và Công nghệ Hưng Phát bị khởi tố, tạm giam về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cảnh sát xác định các bị can có sai phạm trong quá trình thực hiện gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tuyến xã trên địa bàn. Nhiều danh mục hàng hóa, thiết bị y tế không đúng với danh mục trong hồ sơ thầu và hợp đồng đã ký gây thiệt hại cho ngân sách của Nhà nước.

Tuyến đường 900 tỷ đồng về Cà Mau sắp hoàn thành

Dự án nâng cấp đường Quản Lộ - Phụng Hiệp qua bốn tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đã đạt 95% khối lương, dự kiến hoàn thành cuối tháng 4.

Đơn vị thi công đang thảm nhựa tuyến đường

Đơn vị thi công đang thảm nhựa tuyến đường

Theo ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (đại diện chủ đầu tư), sau hơn một năm cải tạo, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp sẽ xong phần mặt đường, hệ thống an toàn giao thông vào cuối tháng 3 và hoàn thành toàn bộ ngày 30/4. Trong tuần này, đơn vị thi công sẽ hoàn tất thảm bê tông nhựa. Riêng phần sơn kẻ vạch cũng đã hoàn thiện được khoảng 50 km.

Tuyến Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp dài 103 km, điểm đầu TP. Ngã Bảy (Hậu Giang) và điểm cuối tại TP. Cà Mau.

Đầu năm 2020, tuyến đường được nâng cấp, gia cố lề; bổ sung thoát nước qua các khu đông dân cư; sửa các cầu trên tuyến và xây mới cầu Cái Nhúc (TP. Cà Mau). Dự án có tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng, từ nguồn vốn 15.000 tỷ đồng của dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án giao thông cấp bách. So với kế hoạch ban đầu, Dự án không có giai đoạn hai.

Nha Trang đóng cửa chợ Đầm từ ngày 31/3

Sau hơn 40 năm hoạt động, chợ Đầm được đánh giá xuống cấp, không phù hợp quy hoạch của thành phố Nha Trang, phải đóng cửa từ ngày 31/3.

Chợ Đầm có kiến trúc hình tròn, mái xếp chữ V, tượng trưng cho hoa sen thuần khiết

Chợ Đầm có kiến trúc hình tròn, mái xếp chữ V, tượng trưng cho hoa sen thuần khiết

Theo ông Vũ Chí Hiếu, Phó chủ tịch UBND TP. Nha Trang, quyết định đóng cửa chợ Đầm đã được thông báo đến các tiểu thương, yêu cầu họ phải di dời hàng hóa để trả lại mặt bằng, theo chủ trương của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Hiện còn 191 hộ với 272 gian hàng buôn bán tại chợ. Thành phố yêu cầu những tiểu thương này liên hệ Công ty TNHH MTV Chợ Đầm để đăng ký điểm kinh doanh ở chợ mới, nằm sát chợ cũ.

Chợ Đầm được xây năm 1970, cao hai tầng với kiến trúc hình tròn, mái xếp chữ V. Theo đánh giá UBND Khánh Hòa, sau hơn 40 năm hoạt động chợ đã xuống cấp, quy mô không đáp ứng quy hoạch của Thành phố nên cho xây chợ mới.

Tháng 8/2013, UBND Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Sông Đà Nha Trang thực hiện Dự án chợ Đầm Nha Trang. Khu chợ mới rộng hơn 21.000 m2 với ba tầng, 1.000 lô sạp đã đi vào hoạt động năm 2020.

Theo quy hoạch, chợ cũ sẽ bị dỡ bỏ để xây quảng trường, vườn hoa, sân bãi. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương không đồng thuận di dời, kiến nghị Tỉnh giữ lại chợ cũ. UBND Khánh Hòa sau đó dừng lại quy hoạch phá dỡ chợ cũ.

Khoảng 1.000 tiểu thương đã chuyển sang chợ mới. Các tiểu thương còn lại chưa chịu di dời vì cho rằng chợ mới bố trí các sạp hàng không hợp lý và giá thuê sạp cao.

Tin cùng chuyên mục