Bản tin thời sự sáng 19/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng; Chính phủ cấm mua bán dữ liệu cá nhân; ngày 19/4, xét xử cựu Chủ tịch TP. Hạ Long về tội tham ô và nhận hối lộ; Khánh Hòa sẽ thu hồi 5 biệt thự Khu di tích lầu Bảo Đại để tu sửa; ACV bị phạt do vi phạm môi trường tại sân bay Liên Khương…

Đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, trong trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.

Mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc 2 loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thuế bảo vệ môi trường.

Mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc 2 loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thuế bảo vệ môi trường.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý với Bộ Tài chính về Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Đối với đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng, trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp và hiệp hội, VCCI cho rằng, với mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc 2 loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, xăng không phải mặt hàng xa xỉ nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.

Chính phủ cấm mua bán dữ liệu cá nhân

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó nghiêm cấm việc mua, bán dữ liệu này dưới mọi hình thức. Nghị định có hiệu lực từ 1/7.

Người dân đến làm căn cước công dân gắn chip tại TP. Thủ Đức, TP.HCM

Người dân đến làm căn cước công dân gắn chip tại TP. Thủ Đức, TP.HCM

Theo Nghị định, dữ liệu cá nhân được bảo vệ, bảo mật và lưu trữ trong thời gian phù hợp với mục đích xử lý dữ liệu. Chủ thể dữ liệu phải được biết về việc xử lý thông tin liên quan đến họ. Các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể bị kỷ luật, phạt hành chính hoặc hình sự.

Nghị định nghiêm cấm xử lý dữ liệu cá nhân tạo thông tin chống Nhà nước; gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc lợi dụng bảo vệ dữ liệu cá nhân để phạm pháp.

Năm trường hợp sẽ được thu thập thông tin cá nhân mà không cần xin phép. Đó là trong tình huống khẩn cấp, cần xử lý để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể hoặc người khác; công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật; xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với các cơ quan; phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.

Dữ liệu cá nhân được chia làm 2 loại là cơ bản và nhạy cảm. Dữ liệu cá nhân cơ bản gồm họ tên; ngày sinh; ngày chết hoặc mất tích; giới tính; nơi sinh, nơi thường trú, tạm trú, nơi ở hiện tại; quốc tịch; hình ảnh cá nhân; số điện thoại; số chứng minh hoặc định danh cá nhân, số hộ chiếu; giấy phép lái xe, biển số xe; mã số thuế cá nhân; số bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Dữ liệu cá nhân nhạy cảm gắn liền với quyền riêng tư, nếu bị xâm phạm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của cá nhân, gồm: quan điểm chính trị, tôn giáo; tình trạng sức khỏe và đời tư ghi trong hồ sơ bệnh án; nguồn gốc chủng tộc, dân tộc; đặc điểm di truyền; đặc điểm sinh học riêng...

Ngày 19/4, xét xử cựu Chủ tịch TP. Hạ Long về tội tham ô và nhận hối lộ

Ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP. Hạ Long (Quảng Ninh) bị truy tố về tội "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ" vì có liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty CP Quản lý đường sông 3.

Ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP. Hạ Long bị truy tố về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ.

Ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP. Hạ Long bị truy tố về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ.

Dự kiến sáng 19/4, TAND tỉnh Quảng Ninh sẽ đưa ra xét xử ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP. Hạ Long (Quảng Ninh) cùng 27 đồng phạm với các tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Quảng Ninh xác định, từ năm 2017 - 2021, Công ty CP Quản lý đường sông 3 đã ký kết, thực hiện các hợp đồng quản lý, bảo trì; đầu tư, xây lắp biển báo hiệu; điều tiết đảm bảo giao thông với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và một số chủ đầu tư khác.

Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo Công ty CP Quản lý đường sông 3 đã thông đồng với một số cá nhân trong Công ty và một số cá nhân trong các công ty khác để bớt xén khối lượng công việc so với hợp đồng, lập khống sổ sách nghiệm thu để lừa đảo chiếm đoạt tiền của một số chủ đầu tư; tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ đối với các hợp đồng ký kết với Ban Quản lý vịnh Hạ Long; tham ô tài sản của chính Công ty.

Trước đó, ngày 14/5/2022, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Phạm Hồng Hà - cựu Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, kiêm Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong quá trình điều tra, ông Phạm Hồng Hà bị thay đổi tội danh từ "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" thành tội danh "Tham ô tài sản" và "Nhận hối lộ".

Khánh Hòa sẽ thu hồi 5 biệt thự Khu di tích lầu Bảo Đại để tu sửa

Tỉnh Khánh Hòa sẽ thu hồi 5 biệt thự Khu di tích lầu Bảo Đại từ Công ty CP Đầu tư Khánh Hà để quản lý và tu sửa.

Khánh Hòa sẽ thu hồi 5 biệt thự khu di tích lầu Bảo Đại để tu sửa

Khánh Hòa sẽ thu hồi 5 biệt thự khu di tích lầu Bảo Đại để tu sửa

Ngày 18/4, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) chủ trì rà soát việc điều chỉnh đất tại Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại, ở phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang. Việc rà soát soát điều chỉnh đất nói trên để địa phương có cơ sở tiếp nhận, quản lý 5 biệt thự cổ trong Khu vực di tích lầu Bảo Đại từ tay chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng này là Công ty CP Đầu tư Khánh Hà.

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, sau khi Sở TN&MT Tỉnh hoàn thành các thủ tục về đất đai, địa phương sẽ giao Sở Văn hóa - Thể thao Tỉnh quản lý khai thác 5 biệt thự lầu Bảo Đại. Tỉnh Khánh Hòa sẽ giao trách nhiệm cho Sở Văn hóa - Thể thao Tỉnh tiếp nhận, xây dựng phương án tu bổ, quản lý sử dụng 5 biệt thự này.

Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại đã được triển khai hơn 10 năm nhưng chưa hoàn thành. Trong khi đang đợi kết luận của các cơ quan Trung ương, Chủ đầu tư lại bất ngờ xin trả lại 5 biệt thự cổ do người Pháp xây dựng từ năm 1923 trong di tích lầu Bảo Đại. Dù Công ty CP Đầu tư Khánh Hà đã xin trả lại 5 biệt thự nhưng địa phương đến nay chưa thể nhận lại vì còn rà soát các thủ tục hồ sơ pháp lý.

Khu di tích lầu Bảo Đại rộng hơn 12 ha, được người Pháp xây dựng trên núi Cảnh Long vào năm 1923 để làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học. Từ năm 1940 - 1945, Hoàng đế Bảo Ðại và Hoàng hậu Nam Phương thường đến đây nghỉ dưỡng nên cái tên lầu Bảo Đại có từ thời đó. Tháng 10/1995, tỉnh Khánh Hòa công nhận khu biệt thự Cầu Đá - lầu Bảo Đại là "di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh".

TP.HCM chi gần 300 tỷ đồng nâng cấp các trạm y tế xã

TP.HCM chi 296 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho 146 trạm y tế xã, phường để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh ở cấp cơ sở.

Nhân viên y tế phường 3, quận 8 đến thăm khám, tặng thuốc cho người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà

Nhân viên y tế phường 3, quận 8 đến thăm khám, tặng thuốc cho người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà

Chủ trương vừa được HĐND TP.HCM thông qua. Trong đó, có 140 trạm sửa chữa, 6 trạm xây mới. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025.

Theo chính quyền TP.HCM, các bệnh viện ngày càng quá tải, gây khó khăn, bức xúc cho người bệnh và cả cán bộ y tế, nhất là các bệnh viện tuyến trên và số nhóm chuyên khoa. Quá tải bệnh viện là nguyên nhân dẫn đến chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc người bệnh, thời gian điều trị kéo dài.

Việc đầu tư, nâng cao cơ sở vật chất cho 146 trạm y tế tuyến xã là cấp thiết, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Toàn TP.HCM hiện có 310 trạm y tế. Đến cuối tháng 10/2021, số lượng nhân viên y tế tại các trạm y tế hưởng lương từ quỹ tiền lương của đơn vị là 2.314 người. TP.HCM là địa bàn đông dân cư, có địa bàn trên 100.000 dân nhưng trạm y tế chỉ có tối đa 10 nhân viên, bình quân một nhân viên y tế tại trạm quản lý và theo dõi sức khỏe của 10.000 dân.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, mạng lưới y tế cơ sở là tuyến đầu, làm nhiệm vụ "gác cổng", nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh. Tuy nhiên, trước những diễn tiến Covid-19 vừa qua, hệ thống y tế cơ sở bộc lộ nhiều điểm yếu và cần sớm bổ sung chính sách nâng cao năng lực.

ACV bị phạt do vi phạm môi trường tại sân bay Liên Khương

Quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải của Dự án Cảng hàng không Liên Khương, ACV bị phát hiện xả nước thải ô nhiễm.

Cảng hàng khộng Liên Khương

Cảng hàng khộng Liên Khương

Theo kế hoạch, ngày 21/4, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Lâm Đồng và cơ quan chức năng liên quan sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát vận hành thử nghiệm công trình vận hành xử lý chất thải của Dự án Cảng hàng không Liên Khương (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng).

Ngoài giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của Dự án Cảng hàng không Liên Khương, đoàn công tác sẽ lập hồ sơ, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư Dự án.

Trước đó, ngày 8/3, đoàn công tác của Sở TN&MT Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra thực tế công trình xử lý chất thải của Dự án Cảng hàng không Liên Khương trong quá trình vận hành thử nghiệm.

Kết quả kiểm tra chỉ ra, ACV đã cơ bản thực hiện việc vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu theo giấy phép môi trường. Tuy nhiên, kết quả quan trắc chất lượng nước thải sau xử lý của Dự án trước khi xả ra môi trường có một thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn xả thải.

Cụ thể, lưu lượng xả thải là 50m3/ngày và thông số N-NO3- vượt 1,39 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt.

Ngày 7/4, Sở TN&MT Lâm Đồng có văn bản yêu cầu ACV dừng hoạt động hoặc giảm công suất của Dự án để đảm bảo các công trình xử lý chất thải hiện hữu có thể xử lý các loại chất thải phát sinh đạt quy chuẩn; rà soát hệ thống để tìm nguyên nhân gây ô nhiễm, đưa ra giải pháp khắc phục; dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm nếu gây ra sự cố môi trường… Bên cạnh đó, giao Thanh tra Sở TN&MT lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với ACV trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Thuduc House nhận thêm 9 quyết định cưỡng chế thuế

TDH tiếp tục nhận quyết định từ Cục thuế TP.HCM về việc cưỡng chế thu hồi thuế.

Thuduc House nhận thêm 9 quyết định cưỡng chế thuế

Thuduc House nhận thêm 9 quyết định cưỡng chế thuế

Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, mã chứng khoán: TDH) vừa công bố nhận được công văn, quyết định của Cục thuế TP.HCM về việc cưỡng chế thu hồi thuế.

Cụ thể, Nhà Thủ Đức nhận 9 quyết định từ Cục thuế TP.HCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản với tổng số tiền gần 91 tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng 3, TDH cũng đã nhận 12 quyết định từ Cục thuế TP.HCM với mục đích tương tự. Tổng số tiền bị cưỡng chế theo 12 quyết định này gần 91 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cục Thuế TP.HCM có công văn đề nghị Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư thực hiện biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của Thuduc House.

Trong 3 năm gần đây, Thuduc House là doanh nghiệp bất động sản thường xuyên bị Cục Thuế TP.HCM nhắc tên khi liên quan đến các vụ xử phạt và truy thu thuế hàng trăm tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh kể từ đó cũng bắt đầu sụt giảm, lợi nhuận liên tục ghi nhận âm.

Hiện tại, cổ phiếu TDH vẫn bị hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào phiên chiều theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Hà Nội yêu cầu thu hồi lô thuốc điều trị tăng huyết áp Enalapril 5mg

Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn về việc thu hồi một lô thuốc Enalapril 5mg không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan và định lượng.

Hà Nội yêu cầu thu hồi lô thuốc điều trị tăng huyết áp Enalapril 5mg. Ảnh minh họa

Hà Nội yêu cầu thu hồi lô thuốc điều trị tăng huyết áp Enalapril 5mg. Ảnh minh họa

Thuốc viên nén Enalapril 5mg (Enalapril maleat 5mg), SÐK: VD-28725-18, lô sản xuất: 012021, ngày sản xuất: 091021, hạn dùng: 091024, do Công ty TNHH MTV 120 Armepharco (Số 118 Vũ Xuân Thiều, P. Phúc Lợi, Q. Long Biên, Hà Nội) sản xuất.

Thuốc Enalapril 5mg có tên quốc tế chung là Enalapril, thuộc nhóm thuốc chống tăng huyết áp nhóm thuốc ức chế men chuyển angiotensin.

Enalapril còn có khả năng giảm bớt lượng aldosteron huyết thanh, nhờ đó giảm bớt tình trạng giữ natri của cơ thể và tăng cường hệ giãn mạch kallikrein - kinin, giúp thay đổi sự chuyển hóa của prostanoid, đồng thời ức chế hệ thần kinh giao cảm.

Ở bệnh nhân bị tăng huyết áp, Enalapril 5mg hỗ trợ giảm huyết áp thông qua giảm bớt sức cản trên toàn bộ ngoại vi, kèm theo đó là hiện tượng tăng ít hoặc không tăng về tần số tim, lưu lượng tim và lưu lượng tâm thu. Thuốc cũng hỗ trợ giãn động mạch và tĩnh mạch.

Do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan và định lượng, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Huy Thịnh (Quầy 214, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội), Công ty TNHH MTV 120 Armepharco thu hồi triệt để thuốc Viên nén Enalapril 5mg (Enalapril maleat 5mg), SĐK: VD-28725-18, lô sản xuất: 012021 không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên địa bàn Hà Nội và các cơ sở đã mua lô thuốc này từ Công ty TNHH Dược phẩm Huy Thịnh; gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi theo quy định. Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi của các đơn vị.

Dây điện và thiết bị chằng chịt sau dự án ngầm hóa lưới điện ở Thanh Hóa

Dự án ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông ở hơn 50 tuyến phố TP. Thanh Hóa đang chậm tiến độ, dây điện thải vẫn giăng như mạng nhện, gây mất an toàn.

Dây điện và thiết bị chằng chịt, treo lơ lửng trên đầu người qua đường trên phố Lê Hoàn, phường Lam Sơn

Dây điện và thiết bị chằng chịt, treo lơ lửng trên đầu người qua đường trên phố Lê Hoàn, phường Lam Sơn

Dự án ngầm hóa lưới điện trên địa bàn TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) do Tổng công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư, Công ty Điện lực Thanh Hóa được ủy thác quản lý.

Tiểu dự án tại Thanh Hóa có tổng đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), mục tiêu ngầm hóa lưới điện trên 54 tuyến phố nhằm "chống quá tải, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và góp phần chỉnh trang đô thị".

Dự án được khởi công từ tháng 9/2020, dự kiến hoàn thành sau 6 tháng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, công trình mới nghiệm thu phần xây lắp, hiện vẫn chưa thu dọn đường dây, cột điện cũ.

Trên hàng loạt tuyến phố trung tâm thành phố như Lê Hoàn, Trần Phú, Quang Trung, Tống Duy Tân, hệ thống dây điện, cáp viễn thông chằng chịt thõng xuống. Những chiếc loa công cộng, hộp công tơ cũ treo trên đầu người đi đường gây mất an toàn, mất mỹ quan.

Ông Nghiêm Đình Sơn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa, thừa nhận Dự án có một số bất cập. Do vẫn đang trong thời hạn bảo hành, đơn vị thi công sẽ khắc phục.

Dự án ngầm hóa lưới điện và ngầm hóa cáp viễn thông triển khai không đồng bộ, ngành điện làm trước sau đó các nhà mạng mới lập dự án, thực hiện sau cũng là một phần nguyên nhân gây nên tình trạng đào xới, nhếch nhác như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục