Bản tin thời sự sáng 20/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM xin ý kiến Thủ tướng gỡ vướng trong tính tiền thuế đất; các nhà đầu tư vụ án Trương Mỹ Lan cần gửi yêu cầu bồi thường trước ngày 30/8; ngành thuế sẽ rà soát 100% người bán hàng livestream…

TP.HCM xin ý kiến Thủ tướng gỡ vướng trong tính tiền thuế đất

UBND TP.HCM vừa xin ý kiến Thủ tướng hướng dẫn việc tính nghĩa vụ tài chính đất đai với hồ sơ phát sinh sau ngày 1/8 đến khi có bảng giá đất điều chỉnh.

Bất động sản khu Nam TP.HCM, đoạn qua huyện Nhà Bè

Bất động sản khu Nam TP.HCM, đoạn qua huyện Nhà Bè

Những ngày qua, nhiều hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất của người dân TP.HCM nộp từ ngày 1/8 (Luật Đất đai 2024 có hiệu lực) đang bị "treo". Các cơ quan thuế quận, huyện và TP. Thủ Đức vẫn tiếp nhận hồ sơ nhưng chưa thể tính tiền sử dụng đất phải nộp vì đang chờ hướng dẫn cách tính thuế mới.

Theo UBND TP.HCM, trước đây các hồ sơ tính nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai trên địa bàn được tính dựa trên bảng giá đất hiện tại (được xây dựng trên khung giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất - hệ số K). Tuy nhiên, do Luật Đất đai 2024 không còn quy định hệ số K, nếu Thành phố áp dụng tính thuế theo bảng giá cũ mà không nhân với hệ số K, sẽ không phù hợp điều kiện giá đất thực tế tại địa phương. Ngược lại, nếu tính theo phương án sử dụng bảng giá đất chưa điều chỉnh nhân với hệ số K thì hiện nay chưa có quy định hướng dẫn.

Nhằm tránh ách tắc trong quá trình giải quyết hồ sơ liên quan, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính hướng dẫn giải quyết nội dung vướng mắc trên để Thành phố có cơ sở thực hiện.

Từ đó TP.HCM cũng thống nhất cách tính nghĩa vụ tài chính về đất đai phát sinh trong giai đoạn từ ngày 1/8 đến khi bảng giá đất điều chỉnh được ban hành.

Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh đang được Sở Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các đơn vị có liên quan, trình Hội đồng Thẩm định bảng giá đất Thành phố thẩm định sau đó UBND TP.HCM xem xét phê duyệt. Dự kiến bảng giá đất điều chỉnh của TP.HCM nếu được thông qua sẽ sử dụng đến 31/12/2025, nhưng cuối năm nay, Thành phố sẽ đánh giá lại để đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế. Từ đầu 2026, TP.HCM sẽ áp dụng bảng giá đất mới hằng năm chung theo Luật Đất đai 2024.

Các nhà đầu tư vụ án Trương Mỹ Lan cần gửi yêu cầu bồi thường trước ngày 30/8

Tòa án Nhân dân TP.HCM tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư liên quan gửi đơn yêu cầu bồi thường trước ngày 30/8, sau thời hạn này, các yêu cầu sẽ được giải quyết qua vụ án dân sự khác, nếu cần.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 3/4 vừa qua

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 3/4 vừa qua

Ngày 19/8, Tòa án Nhân dân TP.HCM có thông báo về thời gian nhận đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của các nhà đầu tư trái phiếu trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

Theo đó, Tòa án Nhân dân TP.HCM đang thụ lý, giải quyết hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm số 531/2024/TLST-HS ngày 12/7/2024 đối với vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm, bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" theo quy định tại các Điều 174, Điều 324 và Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Liên quan đến hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Tòa án Nhân dân TP.HCM tiếp tục thông báo đến các nhà đầu tư mua trái phiếu của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông (mã trái phiếu ADC 2018.09; ADC 2018.09.1 và ADC 2019.01); Công ty CP Đầu tư Sunny Word (mã trái phiếu SNW-2018.10); Công ty CP Đầu tư Quang Thuận (mã trái phiếu QT.2018.12.1) và Công ty CP Dịch vụ và Thương mại TP.HCM (mã trái phiếu SET.H2025), chưa có tên trong danh sách sở hữu trái phiếu kèm theo Kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và chưa gửi đơn đến Tòa án Nhân dân TP.HCM thì tiếp tục gửi đơn để được xem xét theo quy định.

Thời gian nhận đơn đến hết ngày 30/8/2024, sau thời gian này, Tòa án Nhân dân TP.HCM không nhận đơn yêu cầu bồi thường của các trường hợp sở hữu trái phiếu của 4 công ty kèm theo các mã trái phiếu nêu trên, quyền lợi của các cá nhân này sẽ được giải quyết bằng vụ án dân sự nếu các bên có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Ngành thuế sẽ rà soát 100% người bán hàng livestream

Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế địa phương rà soát, thống kê toàn bộ các tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên địa bàn quản lý.

Ngành thuế sẽ rà soát 100% người bán hàng livestream

Ngành thuế sẽ rà soát 100% người bán hàng livestream

Trong văn bản gửi cục thuế các địa phương, Tổng cục Thuế yêu cầu rà soát toàn bộ tổ chức, cá nhân livetream bán hàng ở các nền tảng như Youtube, Facebook, Tiktok... Từ đó, cơ quan thuế sẽ thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế với các trường hợp có dấu hiệu rủi ro. Họ sẽ phối hợp chặt với các cơ quan chức năng, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý nếu có dấu hiệu cố tình vi phạm pháp luật về thuế.

Cục thuế các địa phương cũng được yêu cầu phối hợp với nhau nếu cơ quan thuế tại địa phương khác đề nghị rà soát tổ chức, cá nhân có thu nhập cao qua bán hàng livestream.

Theo hãng dữ liệu NielsenIQ, quý đầu năm, 95% khách hàng trực tuyến mua sản phẩm qua kênh này. Bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 nhà bán tham gia, theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.

Theo quy định hiện nay, người bán hàng online sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng một năm. Cá nhân có thu nhập từ tiền hoa hồng do livetream bán hàng phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc, thuế suất 5 - 35%...

Các yêu cầu rà soát được ngành thuế đưa ra trong bối cảnh siết quản lý với thương mại điện tử nhằm tránh thất thu thuế. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng online, gồm livestream bán hàng, bị kiểm tra, truy thu do chưa kê khai nộp thuế.

Theo Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm, gần 43.000 doanh nghiệp, cá nhân được kiểm tra về khai, nộp thuế. Nhóm này đã nộp gần 9.980 tỷ đồng, tăng khoảng 3.480 tỷ đồng so với cùng kỳ. Cơ quan thuế cũng xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.

Bộ GTVT chấp thuận sửa 2 tuyến Quốc lộ ở Thanh Hóa

Thông tin từ Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa ngày 19/8, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chấp thuận sửa Quốc lộ 45 và Quốc lộ 217, đoạn qua Vĩnh Lộc.

Xe chở đất đá trên quốc lộ 217 đã nhiều điểm xuống cấp

Xe chở đất đá trên quốc lộ 217 đã nhiều điểm xuống cấp

Theo đó, ngày 14/6/2024, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 499/BDN, nội dung kiến nghị: "Đề nghị quan tâm đầu tư hệ thống tiêu thoát nước dọc tuyến đường Quốc lộ 217 và Quốc lộ 45 đoạn qua địa bàn huyện Vĩnh Lộc".

Ngày 15/8/2024, Bộ GTVT có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Bộ GTVT ghi nhận các đoạn tuyến Quốc lộ 217 và Quốc lộ 45 trên bàn huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đi qua khu vực đông dân cư, hiện trạng mặt đường có tình trạng rạn nứt, lún lõm, đọng nước khi trời mưa.

Để giải quyết tình trạng nêu trên, Bộ GTVT đã chấp thuận sửa chữa các hạng mục trong kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2024.

Cụ thể, trên Quốc lộ 217, sửa chữa nền, mặt đường và hệ thống an toàn giao thông đoạn Km33+100 - Km35+00, Km35+700 - Km37+00 và hệ thống thoát nước đoạn Km31+400 - Km32+00, Km32+00 - Km32+650 (P). Theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), công trình đã khởi công từ ngày 4/5/2024, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2024.

Trên Quốc lộ 45, sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường đoạn Km54+400 - Km59+300; Sửa chữa rãnh dọc đoạn Km36+215 - Km36+540 (T); Km52+880 - Km53+500 (T); Km54+980 - Km55+500 (P); Km56+520 - Km59+200 (T).

Theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam, công trình khởi công vào tháng 7/2024, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Sau khi các hạng mục bảo trì trên hoàn thành sẽ góp phần giải quyết được tình trạng mặt đường xuống cấp và cải thiện thoát nước dọc tuyến Quốc lộ 217 và Quốc lộ 45 đoạn qua địa bàn huyện Vĩnh Lộc.

Biên Hòa sẽ có trung tâm thương mại hơn 6.000 tỷ đồng

Đồng Nai vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết đô thị tỷ lệ 1/500 trung tâm thương mại Aeon Mall có tổng vốn đầu tư hơn 6.100 tỷ đồng tại phường Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa (Cù lao phố).

Sẽ triển khai thực hiện Dự án Trung tâm thương mại 12 ha tại phường Hiệp Hòa

Sẽ triển khai thực hiện Dự án Trung tâm thương mại 12 ha tại phường Hiệp Hòa

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết đô thị tỷ lệ 1/500 trung tâm thương mại nằm trên trục đường Đặng Văn Trơn, phường Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa (Aeon Mall Biên Hoà).

Theo đó, quy mô lập quy hoạch là gần 12 ha, bao gồm hơn 10 ha phạm vi diện tích đất xây dựng trung tâm thương mại và hơn 1,5 ha đất xây dựng 3 tuyến đường xung quanh trung tâm thương mại.

Tỉnh Đồng Nai nêu rõ đơn vị tổ chức lập quy hoạch là Công ty CP Tập đoàn Việt Phát. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 6.100 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đầu tư xây dựng dự kiến hơn 3.300 tỷ đồng và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự kiến hơn 2.250 tỷ đồng.

Mục tiêu lập nhiệm vụ quy hoạch là cụ thể hóa đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/5.000 phân khu A4 tại phường Hiệp Hòa và bổ sung hệ thống công trình thương mại dịch vụ nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai.

Bên cạnh đó, quy hoạch này cũng làm cơ sở pháp lý để quản lý đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư và cấp giấy phép xây dựng.

Về tính chất và chức năng, đây là khu thương mại dịch vụ tổng hợp được đầu tư đồng bộ từ công trình kiến trúc đến hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo khai thác tối đa về lợi thế đầu tư kinh doanh. Đồng thời, tạo dựng bộ mặt kiến trúc đô thị khu vực trung tâm với đường nét kiến trúc hài hòa, thân thiện với môi trường.

Dự án trung tâm thương mại tại phường Hiệp Hòa được UBND Tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 8/2023 theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư.

Tháng 11/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này đã công bố nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện Dự án là Công ty CP Tập đoàn Việt Phát (địa chỉ 198 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TP.HCM).

TP.HCM kiến nghị cho Mercedes-Benz tiếp tục thuê khu đất 100.000 m2

Chính quyền TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho Mercedes-Benz Việt Nam thuê khu đất hơn 100.000 m2 ở quận Gò Vấp thêm 5 năm không phải qua đấu giá, đấu thầu.

Khu đất hơn 100.000 m2 trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp đang được cho Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam thuê

Khu đất hơn 100.000 m2 trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp đang được cho Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam thuê

Nội dung được UBND TP.HCM nêu trong công văn vừa gửi Thủ tướng về điều chỉnh thời gian hoạt động dự án cho Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam. Động thái được đưa ra khi thời gian cho công ty này thuê đất (30 năm) sẽ hết hạn vào năm 2025.

Theo chính quyền Thành phố, việc gia hạn thời gian thuê đất thêm 5 năm cho doanh nghiệp là "rất cần thiết" và theo quy định thuộc thẩm quyền của người đứng đầu Chính phủ.

Việc chấm dứt ngay dự án theo thời hạn cũ (14/4/2025) được cho có nguy cơ giảm thu ngân sách địa phương. Các cơ quan cũng chưa chuẩn bị phương án thu hồi đất và lựa chọn nhà đầu tư với khu đất này. Dự án có tác động lớn đến quan hệ đối ngoại với các quốc gia đối tác.

Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam do Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - SAMCO (chiếm 30% vốn điều lệ) liên doanh với Mercedes-Benz AG Group (Đức).

Năm 1995, Thủ tướng có quyết định thu hồi khu đất 10,5 ha tại địa chỉ 693 đường Quang Trung, quận Gò Vấp để công ty liên doanh thuê xây dựng nhà máy. Công ty được cấp phép hoạt động đầu tư tương ứng thời hạn sử dụng đất 30 năm, từ tháng 4/1995 và hết hạn vào năm 2025.

Năm 2021, Mercedes - Benz Việt Nam đề nghị gia hạn thêm 5 năm, tức đã "chạy" trước 4 năm để để chủ động tính toán kế hoạch sản xuất và sẽ di dời đến chỗ mới vào năm 2030. Tháng 6/2021, TP.HCM thống nhất chủ trương, công ty nộp công văn xin gia hạn vào tháng 9 cùng năm.

Xử phạt 2 đơn vị liên quan dự án hồ chứa nước Đông Thanh bị sạt lở

Chính quyền huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) xử phạt 2 đơn vị 75 triệu đồng vì nghiệm thu chưa đúng và báo cáo không chính xác liên quan Dự án hồ chứa nước Đông Thanh bị sạt lở.

Ngôi nhà của người dân xây dựng gần Dự án hồ chứa nước Đông Thanh ở huyện Lâm Hà bị sụn lún, hồi tháng 8/2023

Ngôi nhà của người dân xây dựng gần Dự án hồ chứa nước Đông Thanh ở huyện Lâm Hà bị sụn lún, hồi tháng 8/2023

Ngày 19/8, UBND huyện Lâm Hà ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Lâm Hà cùng Trung tâm Khoa học và triển khai kỹ thuật thủy lợi.

Trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Lâm Hà bị xử phạt số tiền 50 triệu đồng, do nghiệm thu xây dựng không đúng quy định, thanh quyết toán không đúng thực tế tại gói thầu của Dự án hồ chứa nước Đông Thanh tại địa phương.

Đối với Trung tâm khoa học và triển khai kỹ thuật thủy lợi bị phạt 25 triệu đồng. Quyết định xử phạt này được đưa ra do đơn vị trên báo cáo thẩm tra không chính xác, dự toán sai khối lượng so với thiết kế gói thầu tại Dự án hồ chứa nước Đông Thanh.

Trước đó, Dự án hồ chứa nước Đông Thanh tại xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, được khởi công xây dựng tháng 1/2022. Dự án do UBND huyện Lâm Hà làm chủ đầu tư, tổng mức vốn gần 500 tỷ đồng. Khi đưa vào hoạt động, Dự án hồ chứa nước Đông Thanh cung cấp nước tưới cho vùng sản xuất nông nghiệp rộng 700 ha, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 7.500 hộ dân.

Liên quan dự án này, tháng 8/2023, quanh khu vực Dự án hồ chứa nước Đông Thanh xảy ra sạt trượt, vết nứt kéo dài qua vườn và nhà của các hộ dân tại địa phương.