Bản tin thời sự sáng 21/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam có đầy đủ cơ sở để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa; đề nghị các bộ phối hợp thanh tra thị trường vàng; Bộ Tài chính tiếp tục thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm; TP.HCM đang xây gần 4.000 căn nhà ở xã hội…

Việt Nam có đầy đủ cơ sở để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó chủ quyền đối với Hoàng Sa được xác lập ít nhất từ thế kỷ 17.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: Như đã nhiều lần nêu rõ, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; trong đó chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa được xác lập ít nhất từ thế kỷ 17, phù hợp với luật pháp quốc tế và được các nhà nước kế tiếp nhau của Việt Nam thực hiện một cách hòa bình, liên tục, công khai.

Ngày 20/1, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc chiếm đoạt Hoàng Sa năm 1974, bà Phạm Thu Hằng nêu rõ: Mọi hành động sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trong quan hệ giữa các quốc gia là hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền, cũng như không thể làm thay đổi sự thật chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.

Đề nghị các bộ phối hợp thanh tra thị trường vàng

Các Bộ Công Thương, Công an và Tài chính được Ngân hàng Nhà nước đề nghị phối hợp thanh tra hoạt động mua bán vàng miếng, vàng nguyên liệu.

Người dân mua bán tại một cửa hàng vàng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM

Người dân mua bán tại một cửa hàng vàng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM

Động thái phối hợp quản lý thị trường vàng diễn ra sau khi Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành, không để giá vàng trong nước chênh cao với thế giới.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tăng cường thanh tra, giám sát thị trường, xử lý và cung cấp thông tin các hành vi vi phạm, đặc biệt trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.

Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng giá vàng tăng cao để đầu cơ, trục lợi, nhập lậu vàng qua biên giới gây xáo trộn thị trường.

Bộ Tài chính được đề xuất tăng hướng dẫn, kiểm tra việc phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng; xử lý nghiêm hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cho biết, sẵn sàng tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường và có giải pháp hạn chế ảnh hưởng lên tỷ giá, lạm phát.

Bộ Tài chính tiếp tục thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm

Bộ Tài chính đang hoàn thiện kết luận thanh tra và hoàn thành việc thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm năm 2023 trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm.

Bộ Tài chính đã cơ bản hoàn thành việc thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2023. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính đã cơ bản hoàn thành việc thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2023. Ảnh minh họa

Theo ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, cơ quan này đã cơ bản hoàn thành việc thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2023. Đến nay, còn 2 doanh nghiệp đang trong quá trình thanh tra, dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Đối với kế hoạch thanh tra năm 2024, theo ông Tuấn, ngày 27/11/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch thanh tra 6 doanh nghiệp (gồm 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ).

Trước đó, vào ngày 30/6/2023, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm, gồm: Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential (Prudential), Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MB Ageas), Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sun Life (Sun Life) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife (BIDV Metlife).

Kết quả thanh tra cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.

Các sai phạm phổ biến của doanh nghiệp bảo hiểm gồm: chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục bán sản phẩm bảo hiểm, chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm. Nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về sử dụng mã số đại lý bảo hiểm.

Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bổ sung hàng trăm tỷ đồng vào doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Số tiền này do doanh nghiệp hạch toán chi phí chưa đúng quy định. Theo đó, Prudential phải bổ sung 700 tỷ đồng, Sun Life bổ sung hơn 600 tỷ đồng, BIDV Metlife bổ sung 174 tỷ đồng và MB Ageas bổ sung 2,5 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải sẽ sớm hoàn thành phê duyệt đầu tư Quốc lộ 62 qua Long An

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để sớm hoàn thành các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 62 qua tỉnh Long An.

Phương tiện lưu thông trên một đoạn tuyến quốc lộ tại Đồng bằng sông Cửu Long

Phương tiện lưu thông trên một đoạn tuyến quốc lộ tại Đồng bằng sông Cửu Long

Tuyến Quốc lộ 62 đoạn qua địa bàn tỉnh Long An có chiều dài 76 km đang được Bộ GTVT cam kết sớm hoàn thành các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, Quốc lộ 62 có tổng chiều dài 114 km, quy mô quy hoạch là đường cấp 3, có 2 - 4 làn xe. Đoạn qua tỉnh Long An dài 76 km hiện trạng đạt tiêu chuẩn đường cấp 4.

Để đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh Long An và các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT đề xuất nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (53, 62, 91B) tại Đồng bằng sông Cửu Long, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo đó, tuyến Quốc lộ 62 qua địa bàn tỉnh Long An sẽ thực hiện cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 theo quy hoạch.

Bộ GTVT đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Tờ trình số 13452/TTrBGTVT ngày 24/11/2023 và đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan sớm hoàn thành thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư để triển khai các bước tiếp theo.

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ 53, 62, 91B tại Đồng bằng Sông Cửu Long, sử dụng vốn vay WB.

Bộ GTVT tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 9.329,9 tỷ đồng (tương đương khoảng 390,7 triệu USD), trong đó vốn vay WB khoảng 6.285,37 tỷ đồng (tương đương khoảng 263,2 triệu USD); vốn đối ứng khoảng 3.044,53 tỷ đồng (tương đương khoảng 127,51 triệu USD) …

Dự án cải tạo, nâng cấp 3 tuyến quốc lộ trên có thời gian thực hiện là 4 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2024 - 2027).

TP.HCM đang xây gần 4.000 căn nhà ở xã hội

TP.HCM đang triển khai 6 dự án nhà ở xã hội với 300.000 m2 sàn xây dựng, quy mô 3.956 căn hộ.

TP.HCM đang triển khai 6 dự án nhà ở xã hội với 300.000 m2 sàn xây dựng. Ảnh minh họa

TP.HCM đang triển khai 6 dự án nhà ở xã hội với 300.000 m2 sàn xây dựng. Ảnh minh họa

Theo Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, tổng diện tích đất của 6 dự án đang triển khai là 9,36 ha, 4 dự án trong số đó được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đó, Thành phố đang triển khai 1 dự án nhà lưu trú công nhân với diện tích đất 2,01 ha, 93.932 m2 sàn xây dựng, quy mô 1.040 phòng tại Cụm công nghiệp phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức.

Sở Xây dựng nhận định, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp trên địa bàn rất lớn. Cơ quan này đang tập trung hoàn tất thủ tục pháp lý với 37 dự án nhà ở xã hội quy mô khoảng 35.000 căn. TP.HCM đặt mục tiêu đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng 13 dự án, với quy mô khoảng 12.000 căn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân thời gian tới.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng nhìn nhận, quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp. Ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm loạt thủ tục liên quan khác.

Bên cạnh đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án khó khăn, kéo dài, tiến độ chậm, thậm chí không thực hiện được.

PV Drilling bị truy thu thuế gần 4,2 tỷ đồng

Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí bị cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính về thuế với tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp gần 4,2 tỷ đồng.

PV Drilling bị buộc nộp đủ số tiền thuế 3,12 tỷ đồng và tiền chậm nộp thuế 370 triệu đồng

PV Drilling bị buộc nộp đủ số tiền thuế 3,12 tỷ đồng và tiền chậm nộp thuế 370 triệu đồng

Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí - PV Drilling (HoSE: PVD) vừa công bố quyết định về việc bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế với tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp gần 4,2 tỷ đồng.

Trong đó, PV Drilling bị phạt hành chính 691 triệu đồng do có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp (theo tỷ lệ 20%) và hành vi khai sai nhưng không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp.

PV Drilling bị buộc nộp đủ vào ngân sách nhà nước số tiền thuế 3,12 tỷ đồng và tiền chậm nộp thuế 370 triệu đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này sẽ được giảm lỗ số tiền gần 178 triệu đồng và giảm thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau là 438 triệu đồng.

Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính mới nhất, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, PV Drilling ghi nhận doanh thu thuần 4.033 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 343 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 201 tỷ đồng.

So với mục tiêu năm 2023 là tổng doanh thu ở mức 5.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, PV Drilling đã hoàn thành lần lượt 75% kế hoạch doanh thu và vượt 243% chỉ tiêu lợi nhuận.

Thêm một phó giám đốc trung tâm đăng kiểm ở Ninh Bình bị khởi tố

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình vừa ra quyết định khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Chu Mạnh Đức (trú tại phường Ninh Khánh, TP. Ninh Bình) về tội “nhận hối lộ”.

Đến thời điểm này, đã có 2 Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 3502D - Ninh Bình bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ"

Đến thời điểm này, đã có 2 Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 3502D - Ninh Bình bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ"

Được biết, Chu Mạnh Đức là Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 3502D - Ninh Bình (địa chỉ ở phố Bắc Sơn, phường Bích Đào, TP. Ninh Bình).

Trước đó, vào ngày 20/2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc và bắt tạm giam 4 tháng để điều tra đối Nguyễn Sinh Phú (trú tại phường Ninh Khánh, TP. Ninh Bình) về tội “nhận hối lộ”.

Quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình xác định: Từ năm 2021 đến nay, lợi dụng chức vụ, quyền hạn là đăng kiểm viên, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 3502D - Ninh Bình, Nguyễn Sinh Phú đã nhận tiền của nhiều chủ xe ô tô để cung cấp hồ sơ cải tạo xe cơ giới giả và giấy chứng nhận kiểm định trái quy định để thu lợi bất chính số tiền gần 400 triệu đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ án theo quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục