Bản tin thời sự sáng 22/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội mở lại dịch vụ cắt tóc, ăn uống trong nhà từ 0h ngày 22/6; cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ; 28 sân bay được quy hoạch đến năm 2030; nguyên Phó Bí thư Thành ủy Tất Thành Cang bị khởi tố trong vụ bán rẻ 320.000 m2 đất ở Phước Kiểng; Hải Phòng cưỡng chế 150 công trình sai phạm trên đất quốc phòng…

Hà Nội mở lại dịch vụ cắt tóc, ăn uống trong nhà từ 0h ngày 22/6

UBND TP.Hà Nội cho mở lại các dịch vụ cắt tóc, gội đầu, ăn uống trong nhà từ 0h ngày 22/6, kèm theo các yêu cầu về chống dịch.

Hà Nội mở lại dịch vụ cắt tóc, ăn uống trong nhà từ 0h ngày 22/6 và phải đóng cửa trước 21h hàng ngày

Hà Nội mở lại dịch vụ cắt tóc, ăn uống trong nhà từ 0h ngày 22/6 và phải đóng cửa trước 21h hàng ngày

Theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng, cùng với việc nới lỏng các dịch vụ trên, Thành phố yêu cầu hàng quán đảm bảo khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, ngồi không quá 50% công suất chỗ ngồi và không quá 20 người; các dịch vụ cũng phải đóng cửa trước 21h hàng ngày. Quán rượu, bia, bia hơi chỉ được phép bán mang về.

Các cơ sở kinh doanh phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khách hàng khai báo y tế, lập danh sách, kiểm soát, đối chiếu thông tin hàng ngày.

Các lực lượng chức năng Hà Nội tăng cường chốt trực lưu động để kiểm tra phương tiện ra vào cửa ngõ Thành phố, quản lý lưu lượng xe kinh doanh vận tải hành khách, gắn với di biến động của lao động, người dân giao thương giữa Hà Nội và các địa phương vẫn ghi nhận ca mắc mới như TP.HCM, Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh và Đà Nẵng.

Cụm Cảng hàng không Nội Bài được yêu cầu kiểm soát danh sách hành khách thường trú, lưu trú ở Thành phố trên các chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội, để kịp thời giám sát khi có tình huống phát sinh. Người dân phải khai báo y tế online trong 24 giờ từ khi quay trở về Thành phố.

Cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ

Cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ với khung hình phạt cao nhất tới tử hình.

Cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh bị đề nghị truy tố

Cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh bị đề nghị truy tố

Theo đại tá Vũ Quốc Thắng, Phó Chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01), ông Linh bị truy tố theo Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

Cùng vụ án với ông Linh, C01 đề nghị truy tố Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") về tội Đưa hối lộ, theo Khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự. Hồ Hữu Hoà, làm nghề tư vấn về phong thuỷ tâm linh, bị đề nghị truy tố tội Môi giới hối lộ, theo Khoản 4 Điều 365.

Theo đại tá Thắng, C01 đã khám xét chỗ ở, nơi làm việc và bắt tạm giam cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo vào ngày 15/6. Ngày 20/6, C01 ban hành kết luận điều tra vụ án.

Ông Linh bị xác định liên quan hành vi đưa hối lộ của Vũ "Nhôm". Trong bản kết luận điều tra, ông Linh nhiều lần được nhắc đến là người Vũ muốn tiếp cận.

Theo đó tháng 6/2017, khi Bộ Công an khởi tố vụ án Cố ý làm lộ bí mật nhà nước, Vũ nhiều lần bị triệu tập. Muốn tìm hiểu thông tin liên quan đến mình ở vụ án này, qua Hoà, Vũ nhờ kết nối đến Tổng cục phó Nguyễn Duy Linh.

Vũ khai 4 lần thông qua trung gian chuyển tiền cho ông Linh, lần đầu tiên 500.000 USD, lần hai 5 tỷ đồng, lần ba và bốn mỗi lần một triệu USD nhưng sau đó đã phủ nhận tất cả. Từ ngày 17/7/2020 đến nay, Vũ nói "chỉ hai lần đưa xì gà, nấm linh chi", những lời khai đưa tiền trước kia là do bị ép buộc.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) phủ nhận ép cung, khẳng định Vũ vu khống. Việc xác định Vũ có hành vi đưa hối lộ được căn cứ lời khai tự nguyện ban đầu về việc tiếp cận, đưa tiền....

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Tất Thành Cang bị khởi tố trong vụ bán rẻ 320.000 m2 đất ở Phước Kiểng

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Tất Thành Cang bị khởi tố thêm tội do duyệt chủ trương bán rẻ 320.000 m2 đất ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) trái thẩm quyền, sai quy định.

Khu đất Quốc Cường Gia Lai mua của Công ty Tân Thuận có vị trí đẹp

Khu đất Quốc Cường Gia Lai mua của Công ty Tân Thuận có vị trí đẹp

Ngày 21/6, ông Tất Thành Cang Cang bị Cơ quan an ninh điều tra Công an TP HCM khởi tố về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219 BLHS.

Bị cáo buộc cùng tội danh là ông Phạm Văn Thông (nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy); Phan Thanh Tân (Phó chánh Văn phòng Thành ủy); Huỳnh Phước Long (nguyên Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn của Văn phòng Thành ủy).

Ông Cang bị xác định sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) bán 320.000 m2 đất ở Phước Kiểng (Nhà Bè) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ. Hành vi của ông Cang là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định.

Theo điều tra, ngày 5/6/2017, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng khu đất có vị trí đẹp cạnh sông Sài Gòn với giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách hơn 419 tỷ đồng.

Sau khi khu đất đã được bán đứt, ngày 5/12/2017, Văn phòng Thành ủy đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại giá trị khu đất. Theo Sở, khu đất phần lớn là đất nông nghiệp, chỉ có hơn 480 m2 là đất ở. Trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì đơn giá bình quân là hơn 1,7 triệu đồng/m2, tổng giá trị khu đất sẽ là hơn 574 tỷ đồng. Theo cách tính này, Công ty Tân Thuận gây thất thoát hơn 150 tỷ.

Ngày 27/12/2017, Thường trực Thành ủy chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng khu đất cho Quốc Cường Gia Lai, không đồng ý bán chỉ định. Bởi đây là tài sản kinh tế Đảng, nhưng tập thể Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy không biết việc ký chuyển nhượng vào thời điểm giao dịch.

28 sân bay được quy hoạch đến năm 2030

Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy hoạch cả nước có 28 sân bay đến năm 2030 và 29 sân bay đến năm 2050.

28 sân bay được quy hoạch đến năm 2030

28 sân bay được quy hoạch đến năm 2030

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã hoàn thành và trình Chính phủ Dự thảo Quy hoạch cảng hàng không toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, đến năm 2030, Bộ GTVT đề xuất 28 sân bay trong quy hoạch, gồm: 14 cảng quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc và Liên Khương.

14 sân bay quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

Ngoài ra, Bộ GTVT đang nghiên cứu, khảo sát và báo cáo Thủ tướng quyết định việc bổ sung quy hoạch sân bay tại các đảo Lý Sơn, Phú Quý...

Như vậy, số lượng 28 sân bay đến năm 2030 giữ nguyên như quy hoạch hiện nay (quy hoạch phát triển giao thông hàng không được Chính phủ phê duyệt năm 2018).

Về lý do giữ nguyên quy hoạch 28 sân bay, đại diện Bộ GTVT cho biết, một sân bay mới muốn được đưa vào quy hoạch phải dựa trên cơ sở dự báo nhu cầu của 5 loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không và điều kiện tự nhiên, hiệu quả kinh tế, kinh nghiệm quốc tế.

Sân bay đó phải phù hợp 6 tiêu chí chính (22 tiêu chí chi tiết) để xem xét tính khả thi, gồm: Nhu cầu sản lượng; tình hình kinh tế xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); an ninh quốc phòng; khẩn nguy cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai); cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tiếp cận các sân bay lân cận).

Hải Phòng cưỡng chế 150 công trình sai phạm trên đất quốc phòng

Lực lượng chức năng Hải Phòng đã phá dỡ 150 trong tổng số 159 công trình xây dựng trái phép trên khu 9,2 ha đất quốc phòng.

Toàn cảnh khu đất 9,2 ha tại phường Thành Tô bị lấn chiếm, xây dựng tràn lan

Toàn cảnh khu đất 9,2 ha tại phường Thành Tô bị lấn chiếm, xây dựng tràn lan

Ngày 21/6, UBND quận Hải An (Hải Phòng) tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại khu 9,2 ha thuộc phường Thành Tô.

Từ sáng sớm, khoảng 1.000 người gồm công an, dân quân, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, y bác sĩ đến khu vực trên làm nhiệm vụ. Hàng chục phương tiện cơ giới, xe cứu hỏa, cứu thương cũng được huy động tham gia buổi cưỡng chế.

Đa số hộ dân tự nguyện phối hợp di chuyển tài sản công trình. UBND quận cử lực lượng hỗ trợ tháo dỡ, huy động phương tiện di chuyển đồ đạc về nơi tập kết.

Theo Văn phòng UBND TP. Hải Phòng, tính đến 18h cùng ngày, lực lượng chức năng đã phá dỡ 150 trong tổng số 159 công trình xây dựng trái phép. 9 công trình còn lại đã kê biên, tháo dỡ, đóng gói tài sản và di chuyển bằng ôtô về nơi tập kết.

Khu đất 9,2 ha nói trên nằm trong diện tích 14,2 ha có nguồn gốc là đất quốc phòng do Quân chủng Phòng không, Không quân quản lý. Ngày 12/8/2014, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có Quyết định giao cho Tổng công ty 319 thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng.

Sau đó, Tổng công ty 319 thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trong nội bộ đất quốc phòng để phục vụ công tác lập dự án đầu tư.

Sau đó, khu đất 9,2 ha bị một số người tổ chức san lấp, lấn chiếm đất trái phép. Nhóm này còn xây dựng nhà ở, công trình trái phép để bán cho nhiều người và đe dọa, uy hiếp cán bộ Tổng công ty 319 và chính quyền địa phương.

Thành phố Hà Tĩnh hết giãn cách xã hội từ 0h ngày 22/6

Từ 0h ngày 22/6, TP. Hà Tĩnh với hơn 100.000 dân kết thúc giãn cách xã hội, cơ sở kinh doanh, dịch vụ được hoạt động trở lại, trừ quán hàng, điểm ăn uống trên vỉa hè.

TP. Hà Tĩnh trước thời điểm kết thúc giãn cách xã hội

TP. Hà Tĩnh trước thời điểm kết thúc giãn cách xã hội

Trong văn bản công bố tối 21/6, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải yêu cầu UBND TP. Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Các cuộc họp, hội nghị khi được Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của tỉnh Hà Tĩnh cho phép tổ chức thì không được quá 20 người một phòng; không tập trung từ 15 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Mọi người thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2 m tại các điểm công cộng.

Tỉnh cho phép các cơ sở kinh doanh, thương mại, dịch vụ, khu di tích, điểm công cộng... tại TP. Hà Tĩnh cùng 12 huyện, thị xã được hoạt động trở lại nhưng phải trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến, bố trí nước rửa tay sát khuẩn tại cơ sở và đảm bảo giãn cách khi tiếp xúc.

Các nhà máy, cơ sở sản xuất, công trường xây dựng trong Tỉnh tiếp tục được duy trì. Vận tải hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh đến các điểm không có dịch được hoạt động trở lại, song phải tuân thủ quy định chống dịch.

Hoạt động lễ hội, tôn giáo, thể thao, sự kiện tập trung đông người chưa được tổ chức. Cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dễ bị lây nhiễm như khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, karaoke, vũ trường, massage... tiếp tục dừng.

Hải Dương cho nhà hàng, quán ăn hoạt động trở lại từ 0h ngày 22/6

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như rạp chiếu phim, quán karaoke, bar, vũ trường, massage vẫn tiếp tục dừng hoạt động.

Nhà hàng, quán ăn ở Hải Dương được hoạt động trở lại từ ngày 22/6

Nhà hàng, quán ăn ở Hải Dương được hoạt động trở lại từ ngày 22/6

Tỉnh Hải Dương vừa cho phép cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú...) và khu tập luyện thể thao, di tích, danh lam thắng cảnh được hoạt động trở lại từ 0h ngày 22/6.

Các cơ sở này phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Riêng sân golf Chí Linh, chính quyền địa phương yêu cầu chỉ phục vụ khách nội tỉnh.

Nhà hàng, quán ăn, quán cà phê được phục vụ tại chỗ nhưng thực hiện nghiêm các quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương.

Ngoài ra, tỉnh Hải Dương yêu cầu không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc.

Tỉnh này tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như khu vui chơi, giải trí, cơ sở chiếu phim, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, karaoke, massage, quán bar, vũ trường, quán game… vẫn tiếp tục dừng hoạt động.