Bản tin thời sự sáng 25/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là học sinh Hà Nội đến trường từ 8/2; tăng chuyến bay đêm để giảm tải các sân bay; cổ phiếu bị thao túng giá, HNX đình chỉ giao dịch mã ASA; đầu tư 2.200 tỷ đồng xây dựng đường ven biển Quảng Bình; vành đai 3 TP.HCM sẽ đầu tư công…

Học sinh Hà Nội đến trường từ 8/2

Học sinh lớp 7 đến 12 tại những khu vực dịch cấp độ 1 và 2 của Hà Nội được quay lại trường học tập trung từ 8/2, sau hơn 8 tháng ở nhà.

Từ ngày 8/2, học sinh lớp 7 đến 12 tại những khu vực dịch cấp độ 1 và 2 của Hà Nội được quay lại trường học tập trung

Từ ngày 8/2, học sinh lớp 7 đến 12 tại những khu vực dịch cấp độ 1 và 2 của Hà Nội được quay lại trường học tập trung

Dựa trên đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Hà Nội vừa đưa ra quyết định mở cửa trường theo tình hình dịch bệnh và tỷ lệ tiêm chủng cho học sinh.

Để mở cửa, các trường phải đạt chuẩn an toàn theo bộ tiêu chí liên ngành, được Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế ban hành cuối tháng 10/2021. Những giáo viên tiêm đủ vaccine phòng Covid-19 mới được dạy trực tiếp.

Thành phố yêu cầu trường học chưa tổ chức ăn bán trú hay mở căng tin ăn uống, chỉ dạy trực tiếp một buổi mỗi ngày. Trong quá trình dạy, nếu phát hiện F0 hoặc các tình huống liên quan, các trường chủ động xử lý theo hướng dẫn và báo cáo cấp trên. Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 cấp quận, huyện có trách nhiệm xem xét, quyết định có tiếp tục học trực tiếp hay không.

Cũng theo đề xuất, trẻ tiểu học và khối lớp 6 chưa có lịch trở lại học trực tiếp; trẻ mầm non vẫn tiếp tục nghỉ ở nhà. Khối lớp 7 đến 12 ở các trường thuộc địa bàn dịch cấp độ 3 và 4 (vùng cam và đỏ) vẫn học trực tuyến sau Tết.

Học sinh Hà Nội dừng học trực tiếp từ đầu tháng 5/2021 khi Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Hà Nội là địa phương cho học trực tuyến trong thời gian dài ở quy mô rộng nhất cả nước.

Tăng chuyến bay đêm để giảm tải các sân bay

Ngày 24/1, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng bay điều chỉnh một số chuyến bay trong giờ cao điểm sang bay đêm.

Khách xếp hàng dài chờ làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất, chiều 23/1

Khách xếp hàng dài chờ làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất, chiều 23/1

Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, đề nghị trên nhằm giảm chuyến bay tại khung giờ cao điểm hiện nay. Bộ Giao thông Vận tải đã quy định bỏ xét nghiệm Covid-19 với hành khách đi máy bay, song nhiều người chưa biết vẫn đến sân bay sớm, gây ùn tắc tại khu vực làm thủ tục.

Ngày 23/1, tại sân bay Tân Sơn Nhất có hiện tượng ùn tắc, nhiều chuyến bay bị chậm khởi hành. Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong khung giờ cao nhất tại sân bay này mới có 19 chuyến (11 - 12h), đạt 79% so với năng lực khai thác. Do thời tiết sương mù tại Nội Bài nên các chuyến bay không thể hạ cánh, 25 chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đến Nội Bài bị chậm giờ.

Tại sân bay Nội Bài, những ngày qua, trong khung giờ khai thác cao nhất mới có 10 chuyến bay, đạt 59% năng lực khai thác.

Để phục vụ hành khách dịp cao điểm Tết, các doanh nghiệp phục vụ mặt đất tại các sân bay bố trí thêm 20% nhân lực. Các sân bay bố trí tối đa máy soi chiếu, sân bay Tân Sơn Nhất có thêm 3 máy soi tại nhà ga quốc nội và thêm quầy làm thủ tục hành khách tự động.

Từ 23/1 - 16/2, ngành hàng không đã dự kiến cung ứng 2,85 triệu ghế và 13,400 chuyến bay. Mới đây Cục Hàng không đã quyết định tăng lên 3,2 triệu ghế và 15,300 chuyến bay, tăng 13% so với Tết năm trước. Theo lãnh đạo Cục, nhu cầu vận tải hành khách dịp Tết Nguyên đán bằng hàng không được đáp ứng.

Cổ phiếu bị thao túng giá, HNX đình chỉ giao dịch mã ASA

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo đình chỉ giao dịch trên sàn UPCoM với cổ phiếu của Công ty CP ASA (mã chứng khoán: ASA). Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đang điều tra hành vi tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu này.

HNX thông báo đình chỉ giao dịch trên sàn UPCoM với cổ phiếu ASA

HNX thông báo đình chỉ giao dịch trên sàn UPCoM với cổ phiếu ASA

Theo đó, 10 triệu cổ phiếu ASA, tương đương 100 tỷ đồng (theo mệnh giá) sẽ bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 24/1/2022.

Thông báo của HNX cho biết, căn cứ Quyết định số 50/QĐ-UBCKNN ngày 23/1/2022 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về việc hủy 7 triệu cổ phiếu từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn từ 30 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng của Công ty CP ASA; đồng thời căn cứ Quy chế Tổ chức và quản lý thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết của HNX, Sở đã có thông báo về việc đình chỉ giao dịch cổ phiếu ASA.

Theo thông tin từ UBCKNN, hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ án. UBCKNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và các cơ quan, tổ chức có liên quan để xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Tính tới cuối phiên giao dịch ngày 24/1/2022, cổ phiếu ASA có giá 12.600 đồng/cổ phiếu. Do cổ phiếu này hiện đang thuộc diện bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào chiều thứ 6 hàng tuần) trên UPCoM, nên việc hủy 7 triệu cổ phiếu ASA sẽ ít tác động tới thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, các nhà đầu tư bị thiệt hại liên quan tới 7 triệu cổ phiếu này sẽ có nhiều cơ sở để được bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Đầu tư 2.200 tỷ đồng xây dựng đường ven biển Quảng Bình

Tuyến đường dài 86 km, đi qua 6 huyện thị ven biển tỉnh Quảng Bình, với tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng được khởi công sáng ngày 24/1.

Các phương tiện tại lễ khởi công tuyến đường ven biển. Ảnh minh họa

Các phương tiện tại lễ khởi công tuyến đường ven biển. Ảnh minh họa

Đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết, tuyến đường đi qua các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Bình do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Dự án tuyến đường gồm 3 đoạn với tổng chiều dài 86 km, trong đó có đoạn Nam Roòn - Quảng Phúc dài 21,9 km; đoạn Nam cầu Lý Hòa - Quang Phú dài 15,6 km và đoạn Hà Trung - Mạch Nước dài 47,9 km và trải dài trên địa bàn của 6 huyện, thị xã, thành phố. Trên toàn tuyến đường sẽ có 23 cầu gồm 1 cầu lớn, 12 cầu trung và 10 cầu nhỏ.

Dự kiến, tuyến đường đưa vào sử dụng vào năm 2025.

Tuyến đường này hoàn thành cũng sẽ kết nối trục Nam Hà Tĩnh và đường ven biển tỉnh Quảng Trị thành hệ thống thông suốt, thống nhất, tạo hành lang thông thoáng cho cả khu vực, hứa hẹn nhiều đổi thay tích cực cho các địa phương Bắc miền Trung.

100 xe buýt nhỏ phục vụ nội ô Đà Lạt

Xe buýt loại 24 chỗ cả ngồi lẫn đứng lần đầu tiên được Lâm Đồng đưa vào hoạt động để giảm tải giao thông cho nội ô Đà Lạt.

Xe buýt nhỏ chạy quanh hồ Xuân Hương

Xe buýt nhỏ chạy quanh hồ Xuân Hương

Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng vừa phối hợp doanh nghiệp đưa vào hoạt động 100 xe buýt cỡ nhỏ (mini bus) tại ba tuyến từ TP. Đà Lạt đi các huyện Đơn Dương, TP. Bảo Lộc và xã Xuân Trường (cách Đà Lạt 20 km).

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải, buýt loại nhỏ hoạt động sẽ giúp du khách, người dân đi sâu vào nội ô TP. Đà Lạt mà các xe lớn gặp khó khăn mỗi khi cao điểm du lịch hay dịp lễ, Tết. Ba tuyến trên nối trung tâm Đà Lạt với hầu hết địa danh nổi tiếng, đông dân cư và du khách ở tỉnh Lâm Đồng.

Xe buýt sản xuất tại Nga, có 16 chỗ ngồi và 8 chỗ đứng, cửa lên xuống tự động. Trên xe lắp camera, thiết bị giám sát hành trình GPS, hỗ trợ thanh toán bằng máy POS, máy lạnh và wifi miễn phí...

Thời gian qua, do việc gia tăng dân số cùng với lượng du khách đổ về Đà Lạt ngày càng đông dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe mỗi dịp cuối tuần và các ngày lễ, Tết. Lâm Đồng đã có nhiều giải pháp như mở rộng các tuyến phố trung tâm, lần đầu tiên lắp đèn tín hiệu ở giao lộ, mở đường vành đai và tuyến đèo Prenn, xây bãi xe ở ngoại ô...

Vành đai 3 TP.HCM sẽ đầu tư công

Thủ tướng thống nhất đầu tư công dự án Vành đai 3 TP.HCM, trong đó kết hợp ngân sách Trung ương với địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ khép kín tuyến đường.

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Nội dung được Văn phòng Chính phủ đề cập trong thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau cuộc họp mới đây về Dự án Vành đai 3 và 4 TP.HCM. Thủ tướng kết luận hai tuyến này vai trò quan trọng kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, song Dự án đi qua đô thị, tổng mức đầu tư rất lớn nên đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) khó khả thi, nhất là Vành đai 3.

UBND TP.HCM hiện được giao là cơ quan chuẩn bị đầu tư Vành đai 3, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Thành phố cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này vào đầu tháng 2 để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 năm nay.

Liên quan Vành đai 3, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã rà soát, cập nhật lại phương án đầu tư tuyến đường. Toàn tuyến dài gần 92 km, chạy qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 4 đoạn lớn gồm: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - Quốc lộ 22, Quốc lộ 22 - Bến Lức. Tuyến đường khi hoàn thiện có 8 làn cao tốc cùng đường song hành hai bên.

Giai đoạn một, Vành đai 3 được nghiên cứu đầu tư dài hơn 76 km, do tạm thời không tính đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, dài 15 km đi qua Bình Dương đã làm 6 làn xe. Toàn bộ phần còn lại trong giai đoạn một sẽ làm 4 làn cao tốc và đường song hành hai bên. Trong đó bao gồm cả Dự án 1A thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, dài khoảng 8 km đang đầu tư sẽ được bổ sung các hạng mục để đảm bảo đồng bộ với toàn tuyến.

Hiện, tổng mức đầu tư giai đoạn một Vành đai 3 sau khi rà soát ước tính hơn 85.400 tỷ đồng...

Sở Giao thông vận tải TP.HCM dự tính hoàn thành toàn bộ Dự án năm 2026.

Buýt điện chuẩn bị lăn bánh ở TP.HCM

5 tuyến xe buýt điện được triển khai thí điểm trong vòng 24 tháng, bắt đầu từ quý I/2022.

Tuyến xe buýt điện dự kiến triển khai từ quý 1/2022

Tuyến xe buýt điện dự kiến triển khai từ quý 1/2022

Thông tin trên vừa được Sở Giao thông vận tải báo cáo UBND TP.HCM nhằm làm rõ một số nội dung mở mới tuyến xe buýt sử dụng điện trên địa bàn Thành phố.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM nhận định phát triển xe buýt điện là cần thiết, nhằm đa dạng loại hình vận tải hành khách công cộng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và giảm ô nhiễm môi trường. Đề xuất này được các sở, ngành ủng hộ, phù hợp Luật Bảo vệ môi trường, các Nghị quyết và quyết định của Trung ương.

Về kế hoạch triển khai, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất trong quý I/2022, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus - Chi nhánh TP.HCM sẽ đưa vào thí điểm 1 tuyến VB03 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn). Đến quý II/2022 sẽ đưa vào vận hành 4 tuyến còn lại sau khi xây dựng xong depot.

5 tuyến xe buýt điện do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus - Chi nhánh TP.HCM đề xuất thí điểm, gồm: Tuyến VB01 từ Vinhome Grand Park - Trung tâm thương mại Emart (cự ly 27 km), tuyến VB02 từ Vinhome Grand Park đến sân bay Tân Sơn Nhất (cự ly 30 km), tuyến VB03 từ Vinhome Grand Park đến bến xe buýt Sài Gòn (cự ly 29 km), tuyến VB04 đến Bến xe Miền Đông (cự ly 8,5 km) và tuyến VB05 đến Khu đô thị Đại học Quốc Gia (cự ly 10 km).

Dự kiến có 77 xe hoạt động, sức chứa mỗi xe từ 65 - 70 chỗ, xe chạy bằng điện năng, không phát sinh khí thải, hạn chế tiếng ồn, thân thiện môi trường.

Lộ trình 5 tuyến này dừng đón khách tại các trạm dừng, nhà chờ hiện hữu, ngoài ra chủ đầu tư sẽ bổ sung thêm 9 điểm đón mới, xây dựng 1 depot, bến bãi rộng hơn 12.200 m2 tại Khu dân cư Vinhome Grand Park và hệ thống trạm sạc tại các điểm đầu và cuối bến.

Tin cùng chuyên mục