Bản tin thời sự sáng 25/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhánh cáp biển AAG đã sửa xong, chất lượng Internet Việt Nam được cải thiện; WHO chuyển gấp 6 lọ thuốc giải độc giá 8.000 USD từ Thụy Sĩ về Việt Nam; Đồ Sơn đề nghị thu hồi hơn 700.000 m2 đất dự án chậm tiến độ; giảm hàng trăm tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng cao tốc miền Tây…

Nhánh cáp biển AAG đã sửa xong, chất lượng Internet Việt Nam được cải thiện

Sự cố xảy ra hồi tháng 6/2022 trên nhánh S1I hướng Hong Kong (Trung Quốc) của tuyến cáp biển AAG đã được khắc phục xong. Hiện chỉ còn các nhánh hướng đi Singapore của AAG và tuyến APG vẫn đang gặp lỗi.

Sự cố xảy ra trên nhánh S1I hướng Hong Kong (Trung Quốc) của tuyến cáp biển AAG đã được khắc phục xong

Sự cố xảy ra trên nhánh S1I hướng Hong Kong (Trung Quốc) của tuyến cáp biển AAG đã được khắc phục xong

Theo đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, lỗi trên cáp nhánh S1I hướng kết nối đi Hong Kong, Trung Quốc của tuyến cáp quang biển AAG đã được khắc phục xong, khôi phục kênh truyền trên hướng cáp này.

AAG là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển quốc tế đang chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 4 tuyến khác gồm SMW3, AAE-1, APG và IA (còn gọi là Liên Á).

Có chiều dài 20.191 km, tuyến cáp quang biển AAG kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009, cáp AAG đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314 km, điểm cập bờ tại Bà Rịa - Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Mỹ.

Trong hơn 13 năm được đưa vào sử dụng, tuyến cáp biển AAG thường xuyên gặp sự cố, phải bảo trì, sửa chữa. Dẫu vậy, theo các chuyên gia, hiện lưu lượng AAG vẫn được nhiều nhà mạng trong nước sử dụng với tỷ lệ lớn. Nguyên nhân được lý giải là do, về mặt kinh tế, AAG vẫn là tuyến cáp có giá thành hợp lý hơn cả. Bởi vậy, trong cơ cấu sử dụng của các nhà mạng, AAG vẫn là một thành tố quan trọng, đặc biệt với các nhà mạng lớn có nhiều người dùng Internet di động.

Ở lần gần nhất, cáp biển AAG lần lượt gặp các sự cố vào tháng 2/2022 và tháng 6/2022 trên các cáp nhánh ở cả 2 hướng kết nối đi Hong Kong, Trung Quốc và Singapore.

Với việc nhánh S1I hướng kết nối Hong Kong, Trung Quốc của AAG đã được khôi phục, hiện tại, chỉ còn các nhánh cáp hướng kết nối đi Singapore của tuyến cáp biển AAG và cáp biển APG vẫn đang gặp lỗi.

Dự kiến, sự cố trên các nhánh S1B, S1D và S1G hướng kết nối Singapore của tuyến cáp AAG cũng sẽ được khắc phục xong trong tháng 5 này. Theo kế hoạch, đối tác quốc tế sẽ hoàn thành việc sửa chữa các lỗi trên tuyến cáp biển APG trong tháng 6.

WHO chuyển gấp 6 lọ thuốc giải độc giá 8.000 USD từ Thụy Sĩ về Việt Nam

Những lọ thuốc điều trị ngộ độc Botulinum đã về đến TP.HCM ngày 24/5 để cứu các bệnh nhân đang chờ thuốc từng giờ. Số thuốc này do WHO viện trợ khẩn sau cuộc làm việc với Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.

Thuốc giải đặc hiệu BAT từng được nhập về Việt Nam với giá 8.000 USD

Thuốc giải đặc hiệu BAT từng được nhập về Việt Nam với giá 8.000 USD

Thông tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) tối 24/5, 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent (BAT) được gửi từ kho của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thuỵ Sĩ đã về đến TP.HCM.

Chiều 23/5, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã có buổi làm việc trực tiếp với văn phòng WHO tại Hà Nội. Ngay sau đó, WHO đã quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent cho các bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã làm việc với nhiều cơ quan chức năng để có thể chuyển được số thuốc trên nhanh nhất về đến Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, ngộ độc Botulinum rất hiếm xảy ra ở Việt Nam và trên thế giới. Nguyên nhân chính là do người bệnh nhiễm độc tố vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng, ăn phải các loại thức ăn bảo quản không tốt. Từ năm 2020 đến nay, rải rác có một vài ca bệnh/năm, gần đây có một số ca tại TP.HCM.

Do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh này (thuốc BAT) trên thế giới cũng rất hiếm. Thuốc này vừa không dễ chủ động về nguồn cung, giá thành lại rất cao. BAT hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được bảo hiểm chi trả.

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đang theo dõi, điều trị cho 3 bệnh nhân ngộ độc Botulinum, gồm 2 anh em ruột (26 tuổi và 18 tuổi) cùng một người đàn ông 45 tuổi đều ở TP. Thủ Đức. Họ bị nhiễm độc tố do ăn chả lụa của người bán dạo và một loại mắm ủ lâu vào ngày 13/5. Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện cả 3 bệnh nhân đều có sức cơ 0/5 - 1/5, gần như liệt hoàn toàn và phải thở máy.

Đồ Sơn đề nghị thu hồi hơn 700.000 m2 đất dự án chậm tiến độ

UBND quận Đồ Sơn (TP. Hải Phòng) đề nghị Thành phố thu hồi 700.000 m2 đất của 12 dự án chậm tiến độ tại các vị trí đắc địa phường Vạn Hương, Hải Sơn, Ngọc Xuyên.

Khu vực thuộc dự án của Tập đoàn Himlam ở phường Vạn Hương để không nhiều năm

Khu vực thuộc dự án của Tập đoàn Himlam ở phường Vạn Hương để không nhiều năm

Theo báo cáo của UBND quận Đồ Sơn, đất sau khi thu hồi sẽ đưa vào đấu giá để tăng nguồn thu cho ngân sách. Việc này nhằm tránh lãng phí và đưa đất đai thành nguồn lực giúp Đồ Sơn phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch.

Theo UBND quận Đồ Sơn, 8 khu đất không được đưa vào sử dụng 12 tháng liên tục, gồm: Dự án xây dựng khách sạn Vilogi, khu đất của Công ty CP ASC Việt Nam, Dự án xây văn phòng và nhà nghỉ của Công ty CP Xây dựng Hải Phòng, Dự án xây dựng Trung tâm Quản lý và khai thác các công trình thể thao Hải Phòng, Dự án xây nhà nghỉ cho cán bộ công nhân của Công ty CP Xây dựng và Phát triển Đầu tư Hải Phòng, Dự án xây nhà ở kinh doanh của Hội Phụ nữ, khu đất của Công ty CP Thương mại Dịch vụ và Xây dựng Đại Việt Phát và Dự án xây dựng Viện Điều dưỡng - Bộ Xây dựng. Tổng diện tích 8 khu đất này là 16.111,6 m2.

Bốn khu dự án đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định gồm: Dự án Đầu tư xây dựng Khu du lịch dịch vụ tổng hợp và ẩm thực tập trung, Dự án Xây dựng cơ sở nghiên cứu Viện Tài nguyên Môi trường biển và hai dự án khách sạn dịch vụ du lịch của Công ty CP DaSo Hải Phòng. Tổng diện tích các dự án này là 727.820,2 m2.

Ngoài 12 dự án trên, hai khu du lịch nghỉ dưỡng với số vốn đầu tư dự kiến là 5.000 tỷ đồng, thực hiện trên diện tích 1.000 m2 của Tập đoàn Himlam ở Đồ Sơn cũng không có động thái triển khai (khởi công từ năm 2016), dù hàng nghìn hecta ở khu vực bán đảo Vạn Hoa đã được san lấp.

450 tỷ đồng xây ba hồ trữ nước ngọt cho người dân Bảy Núi

UBND tỉnh An Giang đầu tư ba hồ trữ nước ngọt, tổng dung tích gần 1,3 triệu m3, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu, chữa cháy cho người dân khu vực Bảy Núi.

Công nhân xây dựng đường dẫn bao quanh hồ Núi Dài 2

Công nhân xây dựng đường dẫn bao quanh hồ Núi Dài 2

Thông tin được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang (chủ đầu tư) cho biết ngày 24/5. Ba hồ Tà Lọt, Núi Dài 2 và hồ Cô Tô nằm trên địa bàn hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên - khu vực thường thiếu nước cục bộ vào mùa khô, tổng dân số hơn 270.000 người.

Trong đó, hồ Núi Dài 2 và Tà Lọt rộng hơn 22 ha, sức chứa hơn 500.000 m3, hồ còn lại rộng gần 10 ha, dung tích gần 200.000 m3, tổng kinh phí 457 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục: đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước, đường quản lý vận hành, nhà quản lý. Hiện, tiến độ ba công trình được đẩy nhanh, dự kiến đưa vào sử dụng vào năm sau.

Các hồ trữ nước nằm trong chủ trương xây dựng hệ thống thuỷ lợi vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho người dân vùng Bảy Núi.

Giảm hàng trăm tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng cao tốc miền Tây

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được tính toán giảm hàng trăm tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng do người dân nhận tiền mặt thay cho nền tái định cư.

Phác thảo toàn tuyến Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Phác thảo toàn tuyến Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Ngày 24/5, Chủ tịch UBND An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, Dự án qua địa bàn Tỉnh với chiều dài 57 km, tổng đầu tư hơn 13.400 tỷ đồng, ảnh hưởng 1.530 hộ dân. Trong số này, 309 hộ dân trước đây đề nghị chính quyền cấp đất, xây nhà tái định nhưng nay chỉ còn 196 hộ, số còn lại chuyển sang nhận tiền mặt. Điều này khiến chi phí Dự án giảm 123 tỷ đồng.

Theo ông Bình, Tỉnh đang đưa ra phương án để người dân lựa chọn, nhận suất tái định cư hoặc nhận tiền. Song song đó, ngành chức năng đã hoàn thành các công đoạn cuối cùng về kiểm kê diện tích và phấn đấu bàn giao 70% mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6.

Liên quan giải phóng mặt bằng, ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, dự án cao tốc trục ngang miền Tây đi qua địa phương dài hơn 58 km, tổng mức đầu tư 11.960 tỷ đồng. Dự án phải thu hồi hơn 330 ha, ảnh hưởng khoảng 2.000 hộ dân.

Ông Nghiệp cho biết thêm, ban đầu chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khái toán hơn 1.800 tỷ đồng, nhưng hiện còn khoảng 1.700 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng. Chi phí giảm có nhiều nguyên nhân, trong đó gồm việc nhiều hộ nhận tiền mặt thay vì nền tái định cư. Tỉnh phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp vào giữa tháng 6 và giao diện tích còn lại vào cuối năm.

Hai địa phương còn lại mà cao tốc đi qua (cùng chiều dài khoảng 37 km) là Cần Thơ và Hậu Giang chưa công bố thống kê về giải phóng mặt bằng Dự án.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, có tổng chi phí gần 44.700 tỷ đồng, đầu tư bằng vốn ngân sách, chia làm 4 dự án thành phần.

Cổ phiếu của VNG bị hạn chế giao dịch vì chậm nộp báo cáo tài chính

VNZ - cổ phiếu đắt nhất thị trường chứng khoán - bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/5, chỉ được giao dịch trong phiên thứ Sáu hàng tuần.

Cổ phiếu của VNG bị hạn chế giao dịch từ ngày 25/5

Cổ phiếu của VNG bị hạn chế giao dịch từ ngày 25/5

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), VNZ - cổ phiếu của Công ty VNG đã chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn, thuộc trường hợp bị hạn chế giao dịch theo quy định.

Giải trình về lý do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán, VNG cho biết đang thực hiện song song theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chuẩn mực quốc tế (IFRS). Công ty này hoạt động tại nhiều nước trên thế giới, với 33 công ty con và 7 công ty liên kết nên cần nhiều thời gian để kiểm tra, đối chiếu, xác nhận các thông tin, đảm bảo số liệu của báo cáo tài chính thống nhất và đáp ứng chuẩn mực kế toán cả trong và ngoài nước. Trong công văn xin gia hạn nộp báo cáo, VNG cho rằng, việc này do nguyên nhân khách quan, cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các cổ đông và nhà đầu tư.

Cổ phiếu VNZ từng là tâm điểm chú ý khi liên tiếp tăng trần sau khi lên giao dịch trên thị trường UPCoM.

Mã này khởi điểm với mức giá tham chiếu 240.000 đồng trong phiên giao dịch đầu tiên vào đầu tháng 1. Sau đó, VNZ nhanh chóng trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán với chuỗi phiên tăng trần liên tiếp, khớp lệnh chỉ 100 cổ phiếu. Có thời điểm, thị giá cổ phiếu của VNG tăng lên hơn 1,3 triệu đồng.

Tăng cường kiểm soát chim, động vật hoang dã tại sân bay Côn Đảo

Cục Hàng không Việt Nam vừa yêu cầu đánh giá và đề xuất thực hiện các giải pháp an toàn với công tác kiểm soát chim và động vật hoang dã tại Cảng hàng không Côn Đảo.

Cảng hàng không Côn Đảo

Cảng hàng không Côn Đảo

Số liệu báo cáo từ Công ty Bay dịch vụ hàng không Việt Nam (VASCO) cho thấy, các vụ việc liên quan đến chim và động vật hoang dã tại Cảng hàng không Côn Đảo trong 4 tháng đầu năm 2023 có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, các vụ việc này có tính chất lặp lại, gây uy hiếp an toàn và ảnh hưởng đến quá trình khai thác chuyến bay.

Trước thực tế này, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị VASCO phải báo cáo ngay khi phát hiện vụ việc hoặc các mối nguy hiểm từ chim, động vật hoang dã, vật nuôi xảy ra tại sân bay Côn Đảo.

Cục Hàng không cũng yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) rà soát lại số liệu báo cáo sự cố liên quan đến chim va đập, động vật hoang dã, đánh giá lại chỉ số an toàn, mục tiêu an toàn tại sân bay Côn Đảo theo quy định.

Để hạn chế các sự cố, Cục Hàng không yêu cầu ACV chỉ đạo Cảng hàng không Côn Đảo rà soát lại chương trình kiểm soát chim, động vật hoang dã, vật nuôi đã được ban hành, các biện pháp kiểm soát chim đã và đang triển khai, đánh giá kết quả thực hiện theo quy định.

Cảng vụ Hàng không miền Nam có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, kịp thời đôn đốc Cảng hàng không Côn Đảo thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm soát chim, động vật hoang dã và vật nuôi tại cảng.